"Người năm 2222" của Lê Quý Dương

"Người năm 2222" của Lê Quý Dương
Sau gần 10 năm ấp ủ, kịch bản thử nghiệm Người năm 2222 của tác giả Lê Duy Hạnh vừa được đạo diễn Lê Quý Dương chính thức khởi công dàn dựng tại TPHCM.
"Người năm 2222" của Lê Quý Dương ảnh 1
Đạo diễn sân khấu Lê Quý Dương. Ảnh: TT

Đây sẽ là một chương trình kết hợp tổng thể giữa các hình thức nghệ thuật truyền thống Việt Nam và kỹ thuật hiện đại, với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế và được dịch ra năm thứ tiếng. Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết:

- Năm 1998, tác giả Lê Duy Hạnh có đưa cho tôi kịch bản Người năm 2222 nhân một lần tôi về nước. Từ đó đến nay đã 10 năm, chúng tôi cứ bàn bạc, chỉnh sửa kịch bản liên tục với những câu hỏi muôn thuở: Chúng ta là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Cần phải làm gì để tồn tại? Trong tương lai có thể máy móc sẽ tạo ra những dạng thức mới nhưng có thay thế được cuộc sống của xã hội loài người hay không?...

Qua vở kịch, chúng tôi không đi tìm một câu trả lời triết học, thần học hay khoa học về vấn đề này, mà chỉ muốn đưa ra một cách nhìn nhận khác về ý nghĩa tồn tại của tâm hồn con người trong tương lai.

Anh vốn nổi tiếng là người làm vở cho riêng mình hơn là cho khán giả. Liệu lần này cũng vậy?

Đã là đạo diễn thì làm gì cũng phải hướng đến khán giả, nhưng mỗi đạo diễn sẽ hướng đến một đối tượng khán giả riêng. Tôi xác định sẽ làm vở kịch này để tham dự các festival nghệ thuật trong nước và quốc tế (Thượng Hải, Úc, Pháp, châu Âu), nơi có những khán giả thích xem thử nghiệm.

Tôi đi làm đạo diễn các lễ hội cho hàng ngàn người xem và dành dụm tiền để làm vở này cho... thỏa mơ ước của riêng mình (hiện tại là 500 triệu đồng)!

Có thể nhiều người sẽ cho đó là một cuộc chơi ngông, nhưng tôi cố gắng không rơi vào lập dị.

"Người năm 2222" của Lê Quý Dương ảnh 2
Chuyên gia người Úc Timothy Johnson (bìa phải) hướng dẫn diễn viên luyện thanh khi biểu diễn hình thể - Ảnh tư liệu

Tại sao vở kịch lại phải có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế?

Sở dĩ tôi mời các nghệ sĩ quốc tế tham gia là muốn có một sự tổng hòa của các trường phái hình thể sân khấu thế giới trong vở kịch của mình.

Ca sĩ kiêm diễn viên múa Tatiana Probst (Pháp) có thể ngẫu hứng trên đàn piano, nghệ sĩ Yumi Umare (Nhật) là đại diện xuất sắc của trường phái múa butoh xuất hiện sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, biên đạo múa Tony Yap thì mang đến những điệu chans truyền thống của Malaysia kết hợp với các kỹ thuật yoga, nhà soạn nhạc Dominique Probst (Học viện Âm nhạc Paris) và Darrin Verhagen (Trung tâm âm nhạc Dorobo, Úc) sẽ kết hợp các dòng nhạc cận hiện đại châu Âu, nhạc điện tử và nhạc dân tộc Việt Nam...

Ngoài ra, tôi cũng đang tìm kiếm những gương mặt nghệ sĩ Việt Nam vừa biết hát, múa, biểu diễn hình thể và khả năng ngoại ngữ (có thể sẽ đăng báo tuyển công khai). Tổng thể chương trình sẽ là một hành trình đi giữa các cực, được thể hiện bằng âm nhạc và các động tác hình thể biểu cảm.

Anh có tin cuộc thử nghiệm tốn kém này sẽ thành công?

Thật lòng tôi rất muốn xử lý được tất cả những dạng khác nhau của nghệ thuật hình thể, để khán giả khi xem có thể ồ lên ngạc nhiên rằng: không ngờ thân xác con người có thể biểu cảm đến thế!

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn chưa tìm được một địa điểm tương tự như nhà thi đấu để có thể diễn lâu dài, về kỹ thuật thì sân khấu hiện nay vẫn chưa có được những phương tiện giúp tạo nên ảo giác, xử lý không gian vũ trụ...

Nhưng, khó khăn mấy tôi cũng sẽ làm bởi hiện đã có một số nhà hát ở Úc, Pháp, Singapore sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi khi lưu diễn.

Theo Hoàng Oanh
Tuổi trẻ

Người năm 2222 kể câu chuyện của một cặp vợ chồng vốn là hai nhà khoa học vũ trụ có khả năng sáng tạo những hình thức sống mới. Người chồng tạo nên những robot đặc thù có thể sinh sống trên Mặt trời, trong khi người vợ tạo ra những sinh thể từ sinh sản vô tính trên Mặt trăng.

Tưởng rằng điều đó có thể thay đổi được vũ trụ, nhưng họ không ngờ chính những sinh vật ấy lại trở thành mối hiểm nguy lớn lao hơn cho nhân loại - một thế giới không có linh hồn và nguồn cội, không có tình yêu và bản sắc.

Vở sẽ ra mắt khán giả trong tháng 12/2008.

MỚI - NÓNG