Người nào việc nấy!

Người nào việc nấy!
TP - Điều khó chịu đầu tiên mà tôi vấp phải khi đi công tác ở Ấn Độ là mọi thứ sao mà chậm rề rề, trời ạ, sao lại có thể chậm chạp đến mức ấy!

Tôi có thể tự mình làm những việc ấy nhanh gấp vạn, cơ mà lại không được quyền làm như thế!

Một lần, tôi và nhà tôi chuẩn bị một buổi ra mắt bán hàng. Chúng tôi có một Cty riêng chuyên bán mỹ phẩm. Hôm ấy, chúng tôi cùng 3 nhân viên người Ấn đến gian phòng trưng bày hàng thuê của một khách sạn năm sao.

Trong số họ, một người là lái xe, một là phụ việc, và một là nhân viên thực tập của bộ phận bán hàng. Cần phải dỡ vài ba thùng hàng và xếp lên các kệ.

“Ta phải bày hàng thôi” - Tôi bảo với nhân viên thực tập.

“Vâng” - Anh ta nói, nhưng không hề dịch chuyển khỏi chỗ đứng.

5 phút sau, tôi nhắc lại lệnh.

“Tôi rõ rồi, thưa ngài” - Nhân viên thực tập nói và vẫn không hề động tay vào các thùng hàng.

Vợ tôi không kìm được nữa, cô ấy bê một hộp hàng vào sảnh. Lúc ấy, tôi sực nhớ lời khuyên của một người bạn rất thông thái, người chỉ với vài từ đã làm cho tôi hiểu được nguyên tắc sống của người Ấn. Đó là: “Người nào việc nấy!”.

Người bạn tôi không hề giải thích cụ thể, nhưng có một điều rõ ràng rằng: bà chủ không được quyền tự bê vác như vậy. “Đặt ngay cái hộp xuống! - tôi nói với vợ bằng một giọng thì thầm dọa dẫm - Chúng ta đã thuê người làm rồi cơ mà. Nếu họ không làm, ta phải tìm hiểu xem tại sao chứ không được làm việc thay họ!”.

Một cảnh khá phi lý: bên cửa ra vào có mươi thùng hàng, cạnh thùng hàng có ba nhân viên người Ấn hoàn toàn ì ra, những người chúng tôi vẫn phải trả lương. Buổi giới thiệu hàng chỉ còn có 40 phút nữa thì bắt đầu.

Bấy giờ, đến lượt tôi không chịu nổi, cúi xuống tự bê hàng và xếp đồ lên kệ. Nhân viên thực tập lao đến chặn tôi lại.

“Đây đâu phải việc của ngài, thưa ngài” - anh ta nói, nghẹn ngào suýt khóc.

“Vậy anh làm đi” - tôi bảo.

“Không, thưa ngài, cũng đâu phải việc của tôi!”.

“Vậy anh bảo hai người kia làm đi!” - tôi chỉ về phía hai nhân viên còn lại.

“Không, thưa ngài, cũng đâu phải việc của họ!”.

“Ố, thế là việc của ai?”.

“Những người bồi ở khách sạn phải làm chuyện này. Chúng ta đã trả tiền thuê địa điểm của họ, nghĩa là việc bê vác”.

“Thế vậy vì sao họ không làm?”.

“Họ đang bận bày bàn, dọn cà-phê, vì trước khi thuyết trình, chúng ta có bữa cà-phê nhẹ, đúng không ạ? Sau khi họ xong việc ấy, họ mới làm việc này”.

Chỉ có độ 15 m là đến được các kệ hàng. Mỗi thùng hàng chỉ nặng độ 7kg. Nhưng điều đó là thứ yếu. Điều quan trọng là sự phân biệt công việc: nếu tôi là nhân viên bán hàng, tôi thà chết còn hơn phải bê vác hàng hóa. Đẳng cấp của tôi không cho phép!

Tôi nhớ lại, có một lần, tôi đề nghị một nhân viên văn phòng đem trà vào phòng trị sự, và anh ta phản ứng bằng một lá đơn xin thôi việc! Và chỗ nào tôi cũng gặp những việc như thế cả! Mang đồ từ cửa hàng ra? Việc đó của tài xế hoặc người chuyển hàng.

Bê vali đến bàn làm thủ tục ở sân bay? Đã có những nhân viên chuyên trách: chỉ phải trả khoản boa nhỏ thôi, họ không những sẵn sàng mang hành lý đến nơi mà còn giúp ta kiếm chỗ ngồi ngay hàng đầu tiên trên máy bay, gần cửa sổ.

Chung quanh một ông chủ Ấn Độ thực thụ luôn luôn có nhiều người làm công chạy lăng xăng. Còn bản thân ông chủ thì rất từ tốn, đăm chiêu và cảm nhận rõ tầm quan trọng của mình.

Bởi một nhà doanh nghiệp đâu chỉ làm chủ công việc của mình, mà còn làm chủ số phận của mình và một phần số phận của những người khác nữa. Ông ta không thể làm những việc của nhân viên được!

Nếu bạn muốn tự mình bê vác hành lý, tự lái xe, tự lau nhà, tự đi cửa hàng mua bán, thì xin mời sang châu Âu nhé. Ở đó mới có chế độ tự phục vụ!

Anatoly Trumpel
Thụy Anh dịch

MỚI - NÓNG