Người nghệ nhân mù và lớp học ca trù

Người nghệ nhân mù và lớp học ca trù
Suốt hơn 70 năm  qua, ông đã say sưa gắn bó với ca trù và khơi dậy niềm say mê môn nghệ thuật dân gian này cho lớp trẻ. Ông đã tự thành lập nên một đội ca trù, rồi mở lớp học hát ngay tại nhà cho mọi người.

Ông là Nguyễn Văn Khôi ở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Tây), người hát ca trù đầu tiên được Hội Văn nghệ Dân gian phong tặng nghệ nhân.

“Cung đàn tâm lực”

Văn Khôi đến với ca trù cũng tự nhiên như con người ta cần ăn cơm, uống nước để sống vậy. Cậu bé Khôi ngày đầu đến với ca trù từ những buổi tối được người chị họ bồng bế, ru ngủ.

Người chị họ của Khôi khi đó nổi tiếng trong vùng bởi giọng hát như con chim họa mi buổi sớm mai. Cho đến tận bây giờ, người làng Yên Lỗ còn lưu truyền câu ca : “Nước sơn Phó liễu/ Giọng hát nàng Oanh/ Cây cỗi hóa xanh/ Người già hóa trẻ”.

Văn Khôi may mắn được lớn lên trong điệu ca trù dịu ngọt của người chị họ ấy. Thế nhưng cuộc đời của nghệ nhân này cũng  lắm thăng trầm. Ông mồ côi từ nhỏ, oái oăm hơn là năm lên 10 tuổi, căn bệnh đậu mùa quái ác đã làm cho cậu bé Văn Khôi tội nghiệp không thể nhìn thấy ánh sáng được nữa. Được người làng thương đã đưa cậu đến học đàn ở nhà của nghệ nhân Văn Vọng.

Và ở đây, cậu bé mù lòa Văn Khôi đã gửi gắm những đớn đau cuộc đời mình vào lời ca, tiếng nhạc của ca trù. Cậu đã dồn tình yêu của mình cho việc học đàn và hát ca trù.

Dần dần thầy Vọng nhận thấy ở cậu bé Văn Khôi bộc lộ khả năng đặc biệt về môn nghệ thuật vốn “khó tính” này. “Tôi không biết lý giải thế nào cho niềm đam mê của mình. Nhưng những điệu ca trù thực sự đã  thấm vào máu thịt, nó tiếp cho tôi thêm sức mạnh vượt qua bất hạnh của mình”-Ông bộc bạch.

Với ông nghệ thuật đòi hỏi sự say mê thực sự, đòi hỏi người hát phải có tâm, cần một “cung đàn tâm lực”. Nếu hời hợt, sẽ không bao giờ theo đuổi được nó.

Ròng rã một năm trời học đàn học hát, cậu bé Văn Khôi đã không phụ công dạy dỗ của thầy. Ông không chỉ hát được tất cả các điệu của ca trù mà có khả năng chơi cùng một lúc bốn nhạc cụ, vừa đánh đàn, gõ phách, cảnh, đánh trống và hát.

Ngày ấy, người ta thường rủ nhau đi nghe giọng hát mê hoặc lòng người của một chàng trai mù lòa say mê ca trù. Bởi nhìn cậu say mê đàn, hát người ta không nghĩ là một người mù lòa.

Cảm phục về tài năng của cậu, đã có rất nhiều người con gái đem lòng si mê người nghệ sĩ tài hoa này và đã làm thơ tặng: “Đời em chưa thấy có hai/Sáo, đàn, cảnh, phách một bài hoa chung/ Tài riêng anh thật lạ lùng/Một mình bốn việc ung dung nhịp nhàng...”.

Mở lớp, “thuê” trò đi học

Năm 1937, đi theo tiếng gọi của Cách mạng, ông tham gia vào lực lượng bộ đội địa phương, làm chiến sĩ văn hóa- văn nghệ. Với cây đàn trên tay, bước chân của người nghệ sĩ mù tài hoa ấy đã đi đến khắp chiến trường, đến mọi nơi để hát cho những người đồng đội của mình nghe.

Hình ảnh người nghệ sĩ- người chiến sĩ mù, miệng ngân lên những điệu ca yêu nước, mãi còn in đậm trong ký ức của nhiều chiến sĩ bấy giờ. Và trong khoảng thời gian này, ông đã có điều kiện đi khắp đất nước, vừa sáng tạo vừa sưu tầm được nhiều làn điệu ca trù cổ.

Rời quân ngũ trở về quê, lúc này cả làng duy chỉ có mình Văn Khôi biết chơi đàn đáy và hát ca trù. Ông rất sợ một ngày nào đó, quê mình không còn những điệu hát ca trù nữa.

Trăn trở mãi ông đã quyết định mở lớp dạy hát ca trù cho lớp trẻ trong xã. Lúc đầu lớp chỉ có từ 4 đến 5 học viên, ông vẫn dạy đến khi nào biết hát, biết đàn thì mới “bế giảng”. Đặc biệt hơn, người nào đến học đều được ông “trả lương” mỗi tháng 40.000 đồng hoặc nuôi học trò mình ăn học.

“Người làng gọi tôi là Văn Khôi dở hơi, ai đời bỏ tiền đi thuê học trò đến học hát, học đàn...” - Ông tâm sự. Thế nhưng ông vẫn cố gắng thuyết phục mọi người tham gia.

Ông nghĩ, ông sợ ca trù không còn hợp với nhịp sống hiện đại của bọn trẻ nữa, vì thế đứa nào đến học ông đều bỏ tiền túi ra “trả” cho chúng nó “sướng dạ” mà theo học. Thật may, những người đến học dần đều thích hát ca trù, chứ không phải được tiền mà học.

Ông lại cùng với con cháu đứng ra thành lập đội ca trù của xã Yên Nghĩa với mong muốn thu hút sự tham gia đông đảo của dân làng. Người làng gọi đó là đội ca trù “chân đất”, bởi hầu hết các diễn viên, nhạc công đều là tay cày, tay cuốc, vai gồng nhưng cùng đam mê nghệ thuật ca trù.

Hàng ngày mọi người bận bịu với công việc đồng áng, tối đến già trẻ lại kéo nhau đến nhà ông để ca hát, quên đi sự mệt nhọc của đời thường. Suốt mười năm nay, hễ làng có lễ hội, đình đám, đội ca trù của thầy trò ông lại say sưa biểu diễn, góp vui với mọi người.

Bước sang cái tuổi 90, nhưng ông vẫn rất “trẻ trung”, tinh tường và vẫn truyền dạy cách đàn, hát ca trù cho mọi người. Ông cho rằng mình là người “sung sướng” nhất, bởi ông có rất nhiều học trò và là người “sở hữu” 50 điệu ca trù khác nhau, thậm chí còn sưu tập được những khúc hát độc đáo từ thời Trần nhất mà nhiều người trong nghề xem là “tài sản vô giá”. Đối với ông đó quả là một gia sản đáng mơ ước suốt đời.

MỚI - NÓNG