Người nghệ sỹ mù phía sau Ánh Tuyết

Người nghệ sỹ mù phía sau Ánh Tuyết
TP - Từng một thời sôi nổi, ham chơi, tất cả ngưng lại khi đôi mắt của anh không trông thấy ánh mặt trời. Nhưng có một niềm đam mê không bao giờ lụi tắt trong anh: Âm nhạc.

> Ánh Tuyết: Bí mật dưới “rèm” tóc

Nghệ sĩ Đinh Ngọc Minh
Nghệ sĩ Đinh Ngọc Minh. Ảnh: Nguyễn Đình Toàn.

Gặp ca sỹ Ánh Tuyết, chị sôi nổi kể về 2 album nhạc Trịnh sắp ra mắt, không quên nhắc tới Đinh Ngọc Minh - người nghệ sỹ mù đã giúp chị hoàn thiện album: “Tiếng kèn của cậu ấy nghe day dứt lắm”. Tôi nghe. Ám ảnh.

Trong 2 album của Ánh Tuyết, Ngọc Minh không chỉ chơi kèn, anh còn chơi ghi ta, tham gia phối khí. Chị cũng kéo Ngọc Minh ra Hà Nội trong Live show Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn đầu tháng tư vừa qua.

Ngoài đời, Đinh Ngọc Minh cởi mở và thẳng thắn. Hỏi: “Tham gia live show Ánh Tuyết, cát - xê của anh cao không?”. Anh cười: “Không biết cát - xê bao nhiêu, tôi không hỏi”. Lý do đơn giản: “Bởi bả (Ánh Tuyết) là một người đam mê âm nhạc thực sự, sao tôi phải tính toán so đo với bả làm gì?”.

Ánh Tuyết không ngớt lời khen về nhiệt tình của người em học cùng Trường Âm nhạc Huế năm xưa. Tất cả những gì có thể làm được Ngọc Minh đều sẵn sàng giúp Ánh Tuyết, cả khi làm live show và thực hiện album. Giọng ca “Thiên thai” bật mí về 2 CD sắp ra lò: “Trước đó, tôi thuê người làm nhạc cho album rồi nhưng không ưng nên mới gọi cho Minh. Minh chỉnh sửa lại nhiều thứ”.

Hỏi anh về điều này, anh chỉ cười: “Tôi là “kẻ chữa cháy” thôi. Bả gọi ra nói, phần kèn chị nghe chưa được hay, Minh thổi được không, rồi mail ra, tôi thổi, mới được một bài Ánh Tuyết đã bảo thổi hết toàn bộ luôn. Tôi có nhận xét phối khí của một nhóm bài trong album chưa được hay, chưa tới. Rồi tôi lại thấy phần ghi ta thiếu quá. Ánh Tuyết cho “lệnh”, mày thấy thế nào thì cứ làm cho chị”.

Không phải lần đầu Minh hợp tác cùng Ánh Tuyết. Cách đây năm sáu năm, nữ ca sỹ có buổi biểu diễn ở Đà Nẵng, nơi Ngọc Minh đang sống. Như nhiều lần, chị đi cùng nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Trước khi đi, chị gọi từ Sài Gòn ra, bảo anh chơi nhạc cho chị: “Tính Ánh Tuyết ngẫu hứng, chơi cho bả mà không được tập gì hết, đánh lụi (ứng tác) hoàn toàn, đúng 8 giờ gặp nhau tại sân khấu”.

Hôm đó, sát giờ nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 mới lên sân khấu, cũng sát giờ Ngọc Minh mới đến, một người dẫn anh đến chỗ ngồi, chưa kịp định thần đã thấy Ánh Tuyết bước ra và buổi diễn bắt đầu. Nhớ lại, anh vẫn thấy ngộ: “Trước khi vào ít ra phải có người nhắc mình bài đó tông gì, đằng này im phắc, cứ thế lụi vô”. Thế mà vẫn suôn sẻ. Một bên Ngọc Minh là ghi ta, một bên là kèn, chơi hết đêm, qua sự “dẫn đường” của Nguyễn Ánh 9. Và hôm sau Ngọc Minh lại theo Ánh Tuyết đi Hội An biểu diễn, vẫn thế, không cần tập, ra thẳng sân khấu.

Thời mắt còn sáng, anh cũng ham chơi, mải vui, cũng tham gia ban nhạc rồi thi thố. Căn bệnh thoái hoá võng mạc, làm mắt anh cứ mờ dần, rồi không thấy gì nữa. Một ngày bình thường của anh bây giờ tuy bớt ồn ào nhưng vẫn gắn liền với nhạc: buổi tối chơi nhạc ở các quán bar trong thành phố Đà Nẵng, ban ngày lúi húi ở phòng thu nho nhỏ tại gia.

Nếu không ở trong phòng thu lại có “đám đệ tử” bày cái nọ, thổi cái kia. Anh tự hào bởi mình giàu bạn bè, “đệ tử”. “Đệ tử” chính là những học trò yêu thích âm nhạc, tìm đến anh, anh dạy không lấy tiền công bao giờ. Họ thường đưa anh đi diễn mỗi đêm. Ngay cả chuyến ra Hà Nội làm live show Ánh Tuyết cũng là nhờ có “đệ tử” tháp tùng.

Hỏi anh: “Hỏng mắt ảnh hưởng thế nào đến hoạt động âm nhạc?”. Anh tâm sự: “Tất nhiên việc mờ mắt cũng khó khăn nhưng trong nghề nhạc chủ yếu là nghe, cần cái tai hơn, có nhìn đi nữa cuối cùng vẫn là nghe”.

Thắc mắc giữa Sài Gòn thiếu gì người làm nhạc mà Ánh Tuyết phải gọi đến Ngọc Minh. Anh cười: “Nhạc Trịnh hay nhạc nào cũng thế thôi, quan trọng là cảm nhận được nó. Học nhạc cũng giống như học kỹ thuật nấu nướng nhưng sành ăn hay không lại là chuyện khác”. Tuy nhiên trong số những nhạc phẩm Trịnh do anh phối khí ở 2 album của Ánh Tuyết, anh cũng chỉ tạm hài lòng với “Phúc âm buồn”.

Không sở hữu “thương hiệu” như Quyền Văn Minh hay Trần Mạnh Tuấn, nhưng trong giới nhiều người biết, gọi anh bình dị là “Minh kèn”. Đi đâu anh cũng mang theo kèn. Ngay cả những năm mưu sinh lao động xuất khẩu ở Đức cũng thế. Anh giải thích: “Đi đâu cũng chẳng qua là đi làm. Mình làm là mình chơi. Lúc nào cũng nghĩ phải làm thì rất khổ”.

Từ năm 2003 trở về trước, giải Sao Mai ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đinh Ngọc Minh đều vừa chơi nhạc vừa ghi chép bài vở cho ban nhạc. Có buổi tối chơi tới 40 bài. Năm 2004 anh không nhìn thấy nữa, đành xa dần hoạt động nghệ thuật sôi nổi. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG