Người ngồi giữa làng để mục kích sự đời

Người ngồi giữa làng để mục kích sự đời
TP - "Ở nước thì phải ngồi giữa nước, ở làng thì phải ngồi giữa làng thì mới mục kích hết mọi sự đời chứ. Mình còn nợ mấy cái tiểu thuyết về nông thôn nữa…" - Nhà văn Ngô Ngọc Bội nói.
Người ngồi giữa làng để mục kích sự đời ảnh 1
Ngô Ngọc Bội (phải) và bạn văn Nguyễn Trác  Ảnh: Nguyễn Đình Toán

"Bà có thấy văn của ông cháu hay không ạ?"

Ông lão ngồi thài bai vót nan tre dưới bóng tre xùm xòa nơi đầu làng quay lưng lại phía tôi. Âm thanh chiếc xe máy bị thủng sát cổ ống xả váng như tiếng đò máy vọt ngang sông mà ông lão vẫn thinh lặng chăm chắm dõi lưỡi dao sắc lẻm dũi lên từng cuộn phoi tre ngà trắng xốp. Đôi bàn tay sần sùi như túm củ sắn khô sấy gác bếp ám khói, nhưng mềm mại khéo léo như bàn tay nhạc công.

Trong bóng rợp rười rượi gió miền đồi, ông lão vẫn đội chiếc mũ cối sờn vải bọc, chiếc áo bộ đội vốn dài tay, nay được cắt bớt hai ống tay đã thưa mỏng bùng bình như mảnh vải màn đang hong phơi trên tấm lưng còng còng tựa sống thuyền ọp ẹp, úp sấp. Chiếc quần lửng túi hộp trước, sau, lằng nhằng dây dù khoá kéo hai bên hông, loại bán chất đống ven vỉa hè các thành phố vào ban đêm, gần bến tàu, bến xe. 

Nhìn mớ nan tre bẹt, mỏng chỉ lấy phần cật và thịt sát bì ngà thì có thể đoán ngay là dùng đan nong nia. Chiếc điếu cày, nõ đúc từ hợp kim nhôm, ống tre lâu năm lên nước bóng sậm màu mật. Chiếc ấm nhôm đun nước chè tươi, vòi cụp ngục thê thảm, móp mép như quả mít chín quá.

Ông lão uể oải mồi thuốc, nghiêng người lục trong đám túi hộp. Bật lửa chìa khóa va nhau lạch xạch. Bất ngờ rít khói như xe vải. Khói phun như rơm ướt hun chuột.

Ông lão bỗng quều quào xoay xoay rồi ngã ệch ra đám sỏi đồi như vừa bị ai nện vào đầu. Mươi giây, ông lão chồm dậy ôm ngực ho sù sụ, vớ ngay chiếc ấm nhôm nước chè tươi, bập miệng tu ừng ực. Đã phờ phạc.

Nhìn quanh rợp xanh những cọ, những chè, tôi nhủ thầm, hẳn đây là Phú Khê. Hư ư, Phú Khê thì là quê của nhà văn Ngô Ngọc Bội một thời nổi đình nổi đám. Chẳng mấy khi có dịp qua miền thượng sông Thao, tại sao không ghé thăm ông lão nhà văn này nhỉ?

Tắt máy, tôi lễ phép hỏi thăm ngay ông lão đang vót nan tre.

- Thưa cụ, cụ cho con hỏi thăm đã sắp đến xóm của nhà văn Ngô Ngọc Bội chưa ạ?

Chờ đến khó chịu. Mãi rồi âm sắc trầm khê, đậm như màu nước sông Thao, thủng thẳng cất lên.

- Lão Bội ấy à. Bội thực hay là Bội Ngọc..

- Vâng ạ. Bội Ngọc…

- Xa đấy, chắc gì lão ấy có nhà. Tào lao chi khươn lắm…Giao du làm gì cho mất thì giờ…

- Dạ, cụ gần chùa gọi bụt bằng anh đấy thôi ạ. Chứ vai diễn của Ngô Ngọc Bội rất chi là quan trọng với nền Văn chương Phú Thọ nhà ta…

- Chậc, cái cậu này ở đâu ra mà khá thế nhỉ.

Ông lão ngoắt ngay người lại, lột mũ cối ra, nhe hàm răng hạt nhót, thủng một vị trí hàm dưới tối đen, ngoác miệng cười hết cỡ.

- Đố lão biết ai đây không?

Tôi lắp bắp, há miệng định gọi to một cái tên nào còn lấp ló trong tiềm thức. Rồi thì cục vướng ấy cũng bật khỏi rãnh mòn trí nhớ.

- Ôi là anh Bội ạ. Em xin lỗi… Em không ngờ anh rời Hà Nội về quê lại hội nhập ngược thành công đến thế này…

- Thì mình là nông dân gộc. Cắt thịt không có máu mà chỉ thấy nước bùn lỏng chảy tong tỏng…

- Sao anh ngồi giữa ngã ba đường vót nan?

- Ở nước thì phải ngồi giữa nước, ở làng thì phải ngồi giữa làng thì mới mục kích hết mọi sự đời chứ. Mình còn nợ mấy cái tiểu thuyết về nông thôn nữa…

Người ngồi giữa làng để mục kích sự đời ảnh 2

Ngô Ngọc Bội - Lội “Ao làng” (tên một tiểu thuyết của ông) - Biếm họa của Trần Nhương

Từ ngày ông hưu, tôi chạm ông thường xuyên trong các dịp hội hè có tính văn nghệ. Lúc thì vắt tay sau lưng, lúc thì khoanh vòng trước ngực, Ngô Ngọc Bội chậm rãi thả bước, cười với người này, gật với người kia. Mủm mỉm và mủm mỉm.

Có lẽ ông tự tạo cho mình một thái độ vô vi riêng biệt. Đến bữa thì chọn góc khuất ngồi ăn thật thà. Xong là lặng lẽ tìm đến bàn nước hỏi ai có điếu không. Cao hứng bởi thấm khói thuốc lào, Ngô Ngọc Bội nửa như ghen tỵ nửa như suy bì so sánh lẫn chê bai thoang thoảng chẳng nhằm vào một ai.

- Các cậu bây giờ sướng thật… sướng thật… nhưng đơn giản quá, dễ dàng quá. Phải cần lao, cần lao gục mặt vào đời sống mới được…Như tớ đây này…

Nhưng đó là những khoảnh khắc hội nghị. Còn lúc này thì đang ở Phú Khê. Tôi mời ông lên xe máy về nhà cho nhanh, thì nhận được cái cười khinh khi ranh mãnh.

- Chẳng dại, lên xe xuống ngựa mãi chẳng sao. Tí tởn ngồi xe cậu, lỡ đâu oạch cái thì mình bỏ mẹ…

Ông lão lõng thõng ôm bó nan tre, xách ấm nước chè cúi cúi đi sau hướng dẫn tôi chạy xe máy đằng trước chỉ đường.

Ngôi nhà hai tầng hộp diêm thế thủ dưới chân đồi thoai thoải um tùm những cây ăn quả. Hồng xiêm và hồng xiêm. Mít nữa. Vạt vườn rau trước sân gạch. Cây dừa lúc lỉu đeo trái. Mảnh ao ngầu sủi váng bọt, tăm cá.

Tôi dừng xe trước cổng. Bà lão phúc hậu đang bê ngang rổ hồng xiêm nheo nheo mắt đứng trên hè vọng ra.

- Ông nhà cháu đi họp Chi bộ và Hội dân gian không có nhà đâu bác ạ…Nhưng bác cứ vào trong nhà đã. Ông nhà cháu có thách cũng chẳng dám đi xa nhà được lâu…

Có thể bà lão đã nói đúng về ông chồng thời điểm này, sau mấy mươi năm Ngô Ngọc Bội tham gia kháng chiến, làm văn chương, sức thì sắp tàn nhưng trí vẫn chưa chịu kiệt. Bà đã được ông chạm ngõ từ năm lên 6 tuổi, năm lên 8 thì ăn hỏi chính thức, năm 17 tuổi thì đưa dâu đón rể tưng bừng Phú Khê. Mình bà ruộng thấp đồi cao, trồng cấy nuôi các con khôn lớn, nên người.

Thế mạnh của Ngô Ngọc Bội ham mê và kiên gan với văn chương, nhiều hơn là bản năng văn chương. Đọc văn ông như thấy ông đang trèo cọ hom tàn, đang cuốc nương đồi sỏi. Hoang dại, giản đơn nhưng không phải ai cũng có thể viết như ông. Một tấm gương nông dân viết văn thành nhà văn.

Bà lão quá sốt sắng nên tôi không thể đợi Ngô Ngọc Bội, mà đũng đẵng đẩy xe máy vào chiếc sân gạch lấm chấm phân gà, một cách thận trọng. Nhưng khi quay lại thì đã thấy Ngô Ngọc Bội cởi trần, vác chiếc chũm đang gỡ vướng nơi bờ rào lội xuống ao bắt cá. Thì ra nhà văn đã lẻn lối tắt về  nhà trước.

- Cậu thích cá chép, cá mè hay cá trắm?

Là khách mà tôi cũng được lựa chọn khẩu vị. Nhưng có lẽ không nên hành thêm ông nhà văn già. Ao thì rộng, mình ông lọm khọm săn bắt có lẽ không êm thuận lắm. Tiếc, tôi chỉ nhất manh quần tấm áo trên người. Muốn phụ giúp ông thì phải cởi truồng. Nghĩ đã không ổn.

- Em thì cá gì cũng xực hết. Om rán xào nấu kho...

- Để mình tóm con mè. Mè ao nhà mình xấp xỉ 3 ký. Cá mè nấu quả dọc, quả lụ hay tai chua ngon hơn cá chép nhiều…

Nhìn cách ông bì bõm lội ao, khua đập nhặng xì ngầu cây sào lên mặt nước tèn tẹt, tôi liên tưởng đến cách viết của ông cũng khó nhọc, khoa trương, nặng nề y như rút chân ra khỏi mặt ruộng lầy thụt hay muốn băng nhanh về phía trước dưới tầng nước sâu ngang thắt lưng.

Đám cá mè ranh láo nháo tung mình vọt lên cầu vồng sáng bạc lấp lánh lên bao nhiêu là mê dụ hào quang, ngay trước mũi ông lão nhà văn hàng mấy sải tay. Đưa tay ngang trán, ông nheo mắt định vị bày cá đang dịch chuyển chỗ nào dưới mặt ao ngầu ngầu vẩn bùn bí hiểm. Hễ ông vừa rờ rẫm đến điểm vừa được định vị, thì mặt nước lại sôi sủi dấu cá chạy lưới.

Ngó thấy tôi rậm rịch, Ngô Ngọc Bội có vẻ ngứa mắt, hất hàm.

- Cậu vào nhà mà khểnh. Vía cậu nặng bỏ mẹ. Mọi khi loáng cái mình đã cất được cả yến thừa…

Bàn thờ ám khói hương. Nền gạch hoa ép thuỷ lực. Giường gỗ mít đủ rộng cho hai khách. Giá sách bày đặt tùy hứng, khiêm tốn. Bàn viết lem nhem vết mực trẻ con. Bộ xa-lông cải tiến kiểu bình dân. Cặn chè, bã thuốc lào, nước cốt trầu in dấu ấn đó đây. Tôi có cảm giác mình đang ở nhà một ông chủ nhiệm HTX nông nghiệp thời bao cấp, suýt nữa được tuyên dương Anh hùng lao động nào đó.

Trên cái nền móng thôn làng là một chút văn minh đô thị tỏa sáng từ những cuốn sách đã phủ bụi và sấp báo, khi đến tay chủ nhân thì đã dăm số báo nữa phát hành.

Một đĩa hồng xiêm căng tròn, sậm màu. Con dao cau đặt cạnh. Tôi hỏi chuyện bà lão về công việc của chồng. Nét lam lũ hằn in trên gương mặt, bà thở dài.

- Chẳng biết có nên cơm cháo gì nữa không. Thức khuya dậy sớm còn vất hơn làm nông. Lúc ông cháu ngồi sáng tác nhà cháu phải liệu ra đóng cổng, đuổi hết trẻ con đi chơi. Suốt đời ông cháu luôn bảo là sẽ kiếm cái xe ben hay nô ben gì đấy. Ông cháu xứng đáng cái xe ben ấy nhất ở Việt Nam mình. Nhưng dạo này hễ ngồi viết lâu lâu là ngủ gật, đầu đập cồm cộp cạnh bàn. Thật xót ruột.

- Chắc ông cháu kiếm được nhiều tiền lắm ạ.

Cười nấc, bà lão xoay quả hồng xiêm dưới lưỡi dao.

- Cả làng Phú Khê này ai cũng bảo thế, riêng gì bác tưởng vậy đâu. Khổ thân ông ấy chịu tiếng oan. Hồi tôi xây nhà cả làng ầm ĩ rằng ông Bội khuân của từ Hà Nội về dựng biệt thự cơ đấy. Rõ là tôi xây nhà là tiền tích cóp, bán lợn gà, hồng xiêm và thằng cháu cả nó tư cơ báo hiếu bố mẹ…

Bà bỗng kéo vạt áo lau nước mắt. Người con mà bà vừa nhắc đến đã làm đến cấp đại tá quân đội thì đột nhiên mắc bệnh nan y, đã qua đời không lâu.

Tôi an ủi bà:

- Ông cháu là nhà văn lại công tác ở tờ báo lớn như báo Văn Nghệ thì thiếu gì tiền. Lương tháng cả chục triệu đồng là khiêm tốn nhất.

Bà lão vỗ bẹt hai bàn tay vào nhau, mặt đỏ gay.

- Ông cháu là cái thá gì ghê gớm mà có tiền cơ chứ. Lần nào về quê chỉ tha lôi mớ báo đen sì sì phân phát cho anh em họ mạc và mấy ông giáo quanh làng. Tết thì ôm đống tờ lịch xanh đỏ, lẳng lơ mấy cô đào kép nhìn ngứa mắt…Nửa năm hay một năm mới trịnh trọng gọi tôi vào góc buồng thì thào đưa cho một cục to hơn cục gạch chỉ, đếm mỏi tay mới được dăm ba triệu…

Tôi mạn phép nhà văn Ngô Ngọc Bội làm phép thử tình cảm, người vợ phúc hậu mà ông hay âu yếm gọi là quả bưởi có hai chân.

- Ông cháu nổi tiếng, văn chương lai láng, đi nhiều biết rộng, trai trung du khoẻ mạnh cương trực thì chắc khó thoát cô này níu áo cô kia kéo khăn…

Bà lão bỗng đứng phắt dậy mở rộng vòng tay.

Người ngồi giữa làng để mục kích sự đời ảnh 3 Rồi mình sẽ viết hồi ký 27 năm làm báo Văn Nghệ. Mỗi một lần thay đổi Tổng biên tập là một lần điều chỉnh, thích nghi với thủ trưởng mới. Ông Tổng nào thì mình cũng phối hợp nhịp nhàng…Người ngồi giữa làng để mục kích sự đời ảnh 4

Ngô Ngọc Bội

- Tôi có cho kẹo bột cũng chả dám. Trông thế thôi chứ thỏ đế ấy mà. Ngày trẻ tháng phải mò về quê dăm bận. Người ta cứ đồn ông Bội có người phải lòng phải dạ. Đồn phứa y như là đồn ông Bội lắm tiền. Mà cũng có khi ông ấy muốn ra oai với vợ con nên cũng tự bịa ra tin đồn cho mình. Chẳng có gì ông ấy còn dựng đứng nên chuyện, nên sách huống hồ việc này… Nếu mà có, thì anh thấy đấy…Người đàn bà hất hàm ra ngoài ao, đang vẳng vào tiếng bì bũn…- Cũng có bỏ nổi gái già này mà đi được à? Gái nào chứa chấp những ông già ẩm ương.

Nhìn ra hiên bếp tôi thấy cả một cây tre lộc ngộc nối thêm mấy sải, còn nguyên vấu cành. Đích thị là loại thang dùng để leo cọ hom tàn, cao 15 - 20 mét trở lên. Chẳng nhẽ Ngô Ngọc Bội còn đủ sức còn trèo cọ thuê kiếm thêm? Tôi lựa lời hỏi khéo, thì bà vợ nhà văn sung sướng.

- Ông Bội cháu còn thanh xuân chán. Trèo cọ kiếm thêm cũng có, giúp người ta cũng có. Cuốc ruộng làm cỏ, gánh lúa, đập lúa giúp con giúp cháu chẳng kém mấy anh trung niên…

- Dạ, bà có thấy văn của ông cháu hay không ạ...

- Chắc là hay. Nếu không hay thì Trung ương lôi ông cháu đi Hà Nội làm gì. Ông cháu thuộc diện vua biết mặt chúa biết tên đấy…

- Bà đọc ông thường xuyên chứ ạ.

- Không. Mất thì giờ lắm. Nhà cháu bận chăm lợn gà. Ông Bội thì có gì lạ cơ chứ…?

Tôi bỗng nhận ra Ngô Ngọc Bội may lạ lùng. Ông được bà vợ nhất mực chăm bẵm chồng con. Không đành hanh tọc mạch vạch vòi từng câu từng chữ trong thế giới huyễn tưởng của chồng mà đối chiếu so sánh với cuộc đời lổn nhổn chuyện cám bã sắn sẳng làng đồi. Không ghen tuông đồng bóng. Mấy chục năm xa, thích về nhà lúc nào thì về. Sao nhà văn Việt Nam ta mà lại có người sung sướng thế không biết.

“Nguyên Ngọc là kiến trúc sư, Ngô Ngọc Bội là kỹ sư thi công”

Bữa trưa cỡ tiểu táo hàm chánh tổng. Rượu long nhãn. Thịt gà đồi rang nhạt. Có cá diếc kho, nhưng không có cá mè 3 cân nấu canh. Đĩa thịt lợn thập cẩm, thịt thủ, lòng dồi, cổ hũ đầy đặn như thùng xe chở quá tải. Canh rau tập tàng. Rau thơm ngắt cả gốc, lẫn cành.

Ngô Ngọc Bội gióng bộ mới y như một tay chơi mới học đòi ăn diện, vắt chân mồi thuốc lào, váng nước ao vẫn còn thâm bợt trên da thịt, chiếc tăm tre như có phép màu chốc bên mép này, chốc bên mép kia như chiếc kim châm cứu. Trều môi nhả khói, tiếng rên ư hư đâu đó từ trong lồng ngực vẳng ra cùng với hương rượu nếp tăm ngâm thuốc Bắc đặc chế dành cho dân trèo cọ.

Ngớt cơn say thuốc, Ngô Ngọc Bội tức thì kéo tôi tuột vào gian buồng, kiễng chân lên sờ tìm chìa khóa đâu đó nơi hốc tường, thọc, mở cánh tủ đánh thoàng. Chìa bàn tay chai sần về phía bóng tối mờ phả ra mùi băng -phiến lẫn tinh dầu long não, ông chẹp miệng vẻ khiêm tốn lẫn phiền não nào đó.

- Đấy cậu ngó kỹ xem, tớ đâu có thiếu com-lê, cà vạt. Quần áo mới toanh cả mấy chục bộ…

Ngô Ngọc Bội còn đưa tay vào đám thời trang tối tối đen đen khều mấy cái. Tôi nghe có tiếng kim loại va nhau reo náo nức. Nheo mắt điều tiết thị giác, tôi nhận ra có ánh lấp lánh của những tấm huân huy chương gài sẵn trên ngực áo vest.

Ngô Ngọc Bội kịp thời đẩy nhanh cánh cửa sổ. Luồng sáng ùa vào. Có những dấu tích vinh quang đang rỉ xanh. Chưa kịp đếm xem ông có bao nhiêu sự tưởng thưởng công trạng, thì ông đã kéo tôi quay trở lại gian khách.

- Tớ cho cậu xem cái này mới khiếp.

Lật chiếu, ông dí cho tôi những sấp bản thảo đã 50 năm tuổi, gáy bọc vải thô, quét sơn ta, viết trên thứ giấy kẻ ô, mực tím, mực xanh chen nhau. Nét chữ thật thà, vẻ ngây ngây nhưng lại có góc gẫy nhọn. Kiểu chữ của người bướng ngấm, quả quyết, ương gàn. Những cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ những họp Biên ủy, những nhận xét từng tác giả, từng truyện ngắn gay cấn.

- Rồi mình sẽ viết hồi ký 27 năm làm báo Văn Nghệ ở 17 Trần Quốc Toản. Mỗi một lần thay đổi Tổng biên tập là một lần điều chỉnh, thích nghi với thủ trưởng mới. Ông Tổng nào thì mình cũng phối hợp nhịp nhàng… 

Cái câu hỏi tôi nắc nỏm muốn hỏi nhất đã được ông he hé.

- Nhiều người cho rằng Ngô Ngọc Bội có công lớn trong việc giới thiệu một loạt những cây bút trên báo Văn Nghệ. Xác lập cho họ một vị trí trên mặt bằng chung để họ vững tâm bước tiếp…

Ngô Ngọc Bội bỗng đỏ bừng như vừa tợp thêm ngụm rượu. Cái đỏ mặt của sự hạnh phúc không thể giấu mà cũng không muốn giấu hay thừa nhận công khai. Ông khuơ tay tìm cái điếu cày, nhưng chiếc điếu lại đang kẹp bên nách.

- Và một điều nữa, nhiều cuộc bàn luận quanh anh em văn nghệ với nhau, nhận định rằng, nếu không có Ngô Ngọc Bội và Nguyên Ngọc thì sẽ không có đột phá trong văn học thời kỳ đổi mới… Nguyên Ngọc là kiến trúc sư, Ngô Ngọc Bội là kỹ sư thi công, tuyển chọn vật liệu đầu vào…

Ngô Ngọc Bội ngồi ngay ngắn trở lại, khoanh tay, nghiêm, buồn. Ông những như là lưỡng lự nửa muốn nửa không nhớ lại chuyện cũ.

- Nói vậy đâu có chính xác. Đổi mới lúc đó là xu thế chung trên mọi lĩnh vực. Nhưng văn nghệ chúng ta có diễn đàn, chúng ta nói được tức thì bức xúc của chúng ta. Ai ở vào vị trí của mình và những người có trọng trách lúc đó đều sẽ hành động như vậy. Vì cái chung cả thôi. Nhưng có điều, mình cũng phải dũng cảm, cân nhắc và chọn lựa những vật liệu đạt chuẩn kỹ thuật… Cách ấy là, 8 nặng, thì 2 nhẹ…

Cặn vặn về 8 nặng 2 nhẹ, ông dim mắt bí hiểm, hạ giọng đủ nghe, nhưng tưng tửng.

- Cứ in 8 cái vui lòng 80% bạn đọc thì lại phải in 2 cái được lòng 20% còn lại… Tịnh tiến theo cách ấy đấy. Công là công của cả tập thể…

Nhà văn già dí ngón chân cái vào bã thuốc lào rơi văng hớ hênh ngoài thùng rác.

- Cái cơ chế của ta tài lắm. Cũng là bản thân mình, lúc sáng tác thì khác, lúc làm biên tập lại càng khác…Tiêu chí biên tập của mình, là tôn trọng tối đa cái tôi của người sáng tác…Càng ít động dao, kéo càng tốt.

Tôi bỗng nhớ chi tiết về cái áo xanh trứng sáo ông khoe đã có hơn 30 năm mà vẫn mới. Hẳn là có màu sắc tình ái chi đây.

Có một chuyện thật về Ngô Ngọc Bội hồi ở Hòa Bình xưa lắm. Ngô Ngọc Bội quen với một ún trong đoàn cán bộ. Chàng, nàng đã liếc mắt đưa tình suốt cả buổi. Đêm đó đoàn công tác ngủ lại bản vắng, cô nàng nửa đêm trật váy, lần sang ôm chàng cán bộ trẻ. Đã tưởng ngất đi vì quá sức chịu đựng. Nhưng may, chàng vẫn đủ tỉnh táo xét suy. Hẳn đây chỉ có thể âm mưu của bọn phản động nhà Lang, chàng liền thụt cổ, ôm quần nhảy xuống sàn, kêu cứu thất thanh.

- Rượu uống ban nãy là rượu người yêu Hải Dương gửi lên cho mình. Đau đớn và vẫn đắm say nồng nàn y như rượu tăm vậy. Càng để lâu càng bổi hổi bồi hồi…Nó cũng như văn của mình thì cứ phải ngẫm lâu lâu một tẹo.

Ngô Ngọc Bội nói đắm say cứ trơn nhuội, tuột đâu mất.

- Nghĩ lại nhiều đêm bàng hoàng mất ngủ, đau đớn lắm cậu ạ. Cô ả tên là Bùi Thị Lỡi, là một trong những vợ liệt sỹ đầu tiên của cái xã có gần nghìn liệt sỹ. Nên cô được nhiều người chú ý. Hai đứa yêu nhau thắm thiết. Nàng chính là nguyên mẫu trong hai tiểu thuyết Gió đưa cành trúc và Tơ vương. Tránh dị nghị mình đã đổi tên cô nàng là Bùi Thị Lễ. Nay thì người ta cũng đã trên sáu mươi rồi. Được cái mình cũng sát gái sát tình. Nhưng ngặt là Chi ủy viên từ khi chưa  hai mươi tuổi thì phải cố nhịn, cố giữ tiết tháo danh dự, hơn nữa lại đam mê văn chương. Ngẫm cái bả văn nó còn hơn bả gái…

Bỗng ông thu hai chân co lên mặt ghế, vòng tay ôm gối, gật gật lắc lắc tỳ cằm.  Ông đang vui hay đang buồn nhỉ.

Biết Ngô Ngọc Bội đã mấy chục năm và cũng mấy chục lần hễ thấy ông là tôi lại không dám tin ông chính là Ngô Ngọc Bội. Một Ngô Ngọc Bội tôi đã từng được đọc và phải đọc. Dẫu cho hơn một lần ông tự nhận mình trăn trở khá gay gắt với những bất cập hàng loạt diễn ra trong chính sách vi mô cũng như vĩ mô của một Nhà nước tự phải hoàn thiện trong chiến tranh và bao vây cấm vận.

Nhưng rà soát lại tất cả những gì trong tác phẩm văn chương ông cho là gay gắt kia, thì cũng không hẳn như vậy. Ông hiền lành, dễ thỏa mãn, yêu đất nước hồn nhiên theo cách riêng của mình mà cứ ngỡ nó gai góc hóc hiểm. Bền bỉ cả đời mình theo một con đường văn, một kiểu văn, bằng tất cả trí tuệ, tâm hồn, sức lực, ông tự tin và bất chấp mọi sự điều chỉnh hay gia giảm quan niệm sáng tác.

Thời kỳ đầu ông giải quyết khúc mắc đời sống bằng áp đặt chủ quan bản thân song trùng với toàn thể ý chí cộng đồng. Thời kỳ sau ông chỉ đóng vai người kể chuyện, kể những chuyện người ta biết nhưng chưa ai kể hoặc chưa bạo mồm kể, bằng giọng điệu thô thô gai gai, khụng khịnh nhưng hồn hậu như chính con người ông.

Với tư cách là một nhà văn làm báo Ngô Ngọc Bội có hơn hai trăm bút ký, ghi chép phản ánh thực trạng mọi chính sách liên quan đến nông nghiệp. Và, hồn cốt của nó là nông dân vui, nông dân buồn, nông dân kêu cứu, nông dân xin xỏ, nông dân đói…Ta bỗng yêu quí Ngô Ngọc Bội hơn bao nhiêu.

Bỗng chó sủa chồm chồm ngoài sân. Tiếng trẻ khóc thét. Một bé gái chừng chục tuổi, mồ hôi, nước mắt chen nhau, tay nó xách cái can nhựa màu vàng, tận dụng từ chai dầu ăn. Bé gái mếu máo.

- Bầm cháu bảo mang rượu sang cho ông trẻ. Rượu này bà trẻ đã đặt từ tháng trước…

Nhà văn già giậm chân nạt chó đỡ can rượu, dắt tay cháu bé vào hè.

- Bảo bầm mày đừng nấu nữa, ông có uống mấy đâu. Đang cao huyết áp bỏ bố đây này… Rượu ông còn ối…

- Nhưng bà trẻ lại bảo bầm cháu nấu nhiều nhiều vào để ông làm rượu Hải Dương đãi khách ạ…

Vợ ông nãy giờ hình như vẫn nghe ngóng, bỗng chạy ra đón can rượu trên tay chồng và nhét vào tay cháu bé mấy quả hồng xiêm.

Tôi vờ ngó ra vườn hồng xiêm tủm tỉm khen trái to trái nhiều.

Ngô Ngọc Bội đánh mắt nhanh về phía tôi trước khi lặng lẽ dẫn đứa trẻ ra cổng. Nhìn từ phía sau, hay nhìn từ phía trước thì hai ông cháu như đang trên đường đưa cháu đến trường. Mà sau đó người ông về xỏa tay cởi chiếc áo xanh trứng sáo đẹp đẽ treo lên mắc áo ghim trên tường để đi cuốc ruộng, làm nương hay là vác cái thang tre lộc ngộc trèo cọ hom tàn kiếm thêm.

Tháng 8/2007

MỚI - NÓNG