Người nước ngoài được lập hãng phim tại Việt Nam

Người nước ngoài được lập hãng phim tại Việt Nam
TP - Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua xóa bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim (nhưng quy định điều kiện nhập khẩu phim chặt hơn), và cho phép người nước ngoài thành lập, quản lý doanh nghiệp sản xuất phim tại Việt Nam.
Người nước ngoài được lập hãng phim tại Việt Nam ảnh 1
"Cú và chim se sẻ" - phim có yếu tố nước ngoài

Luật Điện ảnh hiện hành cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được liên doanh với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim với tỷ lệ vốn góp không hạn chế. Còn đối với sản xuất phim, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được hợp tác với tổ chức, cá nhân Việt Nam sản xuất từng bộ phim.

Dự thảo Luật lần này sửa theo hướng cho phép thành lập liên doanh với nước ngoài trong cả ba lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim với phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51 phần trăm vốn pháp định (đúng như cam kết của nước ta với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Dự thảo Luật cũng xóa bỏ quy định hiện hành "giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim phải là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam".

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng (GDTTN&NĐ) - cơ quan thẩm tra dự luật nhấn mạnh, cần bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn giám đốc doanh nghiệp điện ảnh là người nước ngoài: "Giám đốc doanh nghiệp là người nước ngoài phải cư trú tại Việt Nam và phải có tài khoản tại ngân hàng Việt Nam" để bảo đảm  điều kiện xử lý đương sự theo quyết định xử phạt hành chính của cơ quan quản lý nhà nước hoặc bản án của tòa án nếu có.

Chủ nhiệm Ủy ban GDTTN&NĐ Đào Trọng Thi cho biết, đa số thành viên ủy ban đồng tình với việc hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim, nhằm kiểm soát được việc nhập, phổ biến phim nước ngoài của các doanh nghiệp này; đồng thời, giới hạn vốn góp để giới hạn quyền định đoạt của phía nước ngoài trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Tỷ lệ phim nước ngoài còn cao

Theo dự luật, "Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo quy định". Như vậy, doanh nghiệp sản xuất phim nhưng không có rạp cũng không được nhập khẩu phim như luật hiện hành cho phép.

Có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật là phù hợp vì cần một rào cản cần thiết khi bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng hạn chế này đối với các doanh nghiệp sản xuất phim trong việc nhập khẩu phim là bước lùi so với quy định hiện hành.

Ủy ban GDTTN&NĐ cho rằng, để kiểm soát nội dung phim nhập khẩu, khâu duyệt phim mới là quan trọng. Do vậy, Ủy ban đề nghị bỏ điều kiện "có rạp" mới được nhập khẩu phim và không phân biệt doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phát hành phim.

Ủy ban lưu ý, Nghị định 96/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài trên truyền hình là 30 phần trăm, nhưng ít đài đạt tỷ lệ này.

Mặt khác, quy định tỷ lệ tối thiểu phim Việt Nam không hiệu quả bằng quy định ưu tiên dành "giờ vàng" để chiếu phim Việt Nam trên truyền hình.

"Đề nghị ban soạn thảo  nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm thực hiện nghiêm túc yêu cầu về tỷ lệ phim Việt Nam, phim nước ngoài chiếu trên truyền hình" - Ông Đào Trọng Thi kiến nghị.

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo luật dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

MỚI - NÓNG