Người “Phải sống” kể chuyện “Huynh đệ”

Người “Phải sống” kể chuyện “Huynh đệ”
TP - Tháng 8 năm 2005, NXB Văn nghệ Thượng Hải phát hành ba lần trong tháng 350.000 bản phần 1 tiểu thuyết Huynh đệ khiến văn đàn Trung Quốc không khỏi xôn xao.
Người “Phải sống” kể chuyện “Huynh đệ” ảnh 1
Nhà văn Dư Hoa

Nói về sách của mình, Dư Hoa, nhà văn được giới phê bình Trung Quốc đánh giá là người “kế thừa và phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất” tiết lộ đây là “chuyện kể về một thế kỉ”.

Thế kỉ ấy có Cách mạng văn hóa với số phận thê thảm và thời hiện đại với luân lí đảo điên, gấp gáp, buông thả. Năm 2003, trả lời phỏng vấn tại Đại học Iowa Hoa Kì, Dư Hoa bộc bạch: “Tôi nghĩ  thế hệ tôi nếm trải nhiều điều hơn thế hệ khác. Giờ 43 tuổi tôi thường cảm thấy tôi có tâm hồn của ông già một trăm tuổi”.

Đem Trung Quốc so sánh với châu Âu, Dư Hoa phát hiện: “Một người phương Tây phải sống bốn trăm năm mới trải qua hai thời đại khác nhau một trời một vực, nhưng người Trung Quốc chỉ cần bốn mươi năm”.

Phần 2 tiểu thuyết một lần nữa gây chấn động. Trong khi chờ đợi bản dịch để đọc một cách trọn vẹn, ta hãy đến với phần 1 để thấy lại một Trung Quốc của những năm Cách mạng văn hóa vừa mỉa mai vừa bi phẫn, vừa ngu dốt vừa tàn ác, vừa đáng khinh ghét lại vừa đáng thương.

Nhân vật chính của truyện là hai anh em khác cha khác mẹ Tống Cương và Lý Trọc. Sở dĩ họ thành anh em vì cha của Tống Cương là Tống Phàm Bình lấy Lý Lan là mẹ Lý Trọc.

Đọc Huynh đệ, có thể độc giả ít nhiều liên tưởng Báu vật của đời bởi cũng mang giọng văn hài hước, cũng thông qua số phận từng người trong một gia đình để phản ánh xã hội. Nhưng Huynh đệ không bị lẫn với bất kì một tác phẩm nào khác.

Người “Phải sống” kể chuyện “Huynh đệ” ảnh 2

Không chỉ đau xót, đọc nó người ta dễ bị ám ảnh bởi những chi tiết. Trong kí ức người đọc vẫn còn lại mãi tiếng khóc của Lý Lan và các con vào ngày đưa tang Tống Phàm Bình, hình ảnh Tôn Vĩ bị đè xuống đường để cắt bộ tóc dài nhưng kết quả là bị cắt cổ, hình ảnh bố Tôn Vĩ tự sát bằng cách tự đóng đinh vào đầu...

Hầu như không tìm được những câu triết lí hiển ngôn trong sách nhưng chính những chuỗi sự kiện làm nên triết lí của tác phẩm.

Phần một của Huynh đệ sớm đến với độc giả Việt Nam là nhờ công không nhỏ của dịch giả Vũ Công Hoan. Ông rất có duyên với tác phẩm của Dư Hoa. Trước Huynh đệ 1, ông đã dịch Tình yêu cổ điển và Phải sống (được Trương Nghệ Mưu dựng phim và giành giải tại Cannes 1994).

Huynh đệ không được các nhà phê bình văn học Trung Quốc tán thưởng nhưng lại được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Vài nét về Dư Hoa

Sinh 1960 tại Hàng Châu, bắt đầu viết vào khoảng 1983 sau khi hành nghề nha sĩ 5 năm, Dư Hoa quan niệm: “Tôi viết để gần hơn với những gì là thật. ý tôi là hiện tại chân thật chứ không phải hiện thực cuộc sống.

Thực ra, tôi cho rằng cuộc sống là không thật, nó lẫn lộn cả sự thật lẫn những điều giả dối”. Đã xuất bản 4 truyện dài, 6 tập truyện vừa và truyện ngắn, 3 tập tùy bút, được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

* Huynh đệ – Tiểu thuyết của Dư Hoa, NXB Quân đội nhân dân. Sách hiện có bán tại Nhà sách Tiền phong, 175 Nguyễn Thái Học, Hà Nội; Nhà sách Tiền phong – VDC 292 Tây Sơn, Hà Nội; Nhà sách Tiền phong Hải Phòng 55 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng.

MỚI - NÓNG