Người phụ nữ đầu tiên đã dâng kế sách dựng nước và giữ nước (Phần 2)

Người phụ nữ đầu tiên đã dâng kế sách dựng nước và giữ nước (Phần 2)
Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Bích Châu – “Đền thiêng nơi cửa biển” – Sự hy sinh quả cảm của người liệt nữ cùng với “Kê minh thập sách” mãi mãi là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước của người phụ nữ Việt Nam

(Tiếp theo phần 1 đăng trên trang 6, Tiền Phong số 47 (8/3/2005)

Người phụ nữ đầu tiên đã dâng kế sách dựng nước và giữ nước (Phần 2) ảnh 1
Phủ hầu ở nhà dâng hương

Vào lúc nửa đêm ngày 10 tháng 2 năm 1377, quân địch tổ chức lực lượng bất ngờ tiến đánh vào doanh trại của cánh quân Vua Trần Duệ Tông.

Bị tiến đánh bất ngờ, lại lơ là mất cảnh giác nên quân của triều đình lâm vào tình cảnh khốn khó, long thể Vua Trần có nguy cơ bất an, khó bảo toàn được tính mạng; hai viên tướng Điện Tiền đưa quân ra chặn đánh quân giặc nhưng đều tử trận.

Trong tình thế đó, để bảo vệ Vua, Bích Châu thân chinh đứng ra chỉ huy đạo quân vừa bảo vệ Vua lên xe giá, vừa chỉ huy Cánh Trung Quân xông pha trận mạc bảo vệ Vua. Vì quân địch quá đông, lại bị đánh bất ngờ trong đêm tối nên thật không may, Bích Châu bị trúng mũi tên độc. Rạng sáng ngày 11 tháng 2 năm 1377 (Đinh Tỵ) sau khi hội quân về địa điểm an toàn, Quí Phi Nguyễn Bích Châu đã bất tỉnh. Quân sĩ hết lòng cứu chữa nhưng vì vết thương quá nặng, nên đến giữa đêm, vào giờ Tý ngày 12 tháng 2 năm 1377, Quí Phi Nguyễn Bích Châu đã ra đi.

Bích Châu tử trận, Vua Trần Duệ Tông vô cùng đau buồn, thương tiếc, Nhà Vua đã hạ lệnh khâm liệm thi hài của Bà vào linh cữu để quan quân làm tang lễ, nhà vua tự mình làm văn tế vợ.

Vừa thua trận, Vua đau buồn thương nhớ Bích Châu nên bệnh tình của Vua ngày càng nặng. Ba ngày sau khi Bích Châu mất, Vua Trần Duệ Tông cũng băng hà. Sau khi Vua chết, ba cánh quân được lệnh hồi quân về Triều. Linh cữu của Vua Trần Duệ Tông và Quí Phi Bích Châu được đưa xuống thuyền về theo đường thủy, do Đô đốc Lê Long Tĩnh cùng 50 chiến thuyền hộ giá. Đoàn thuyền về tận đến đất Châu Hoan thì bị trận nghịch phong không tiến lên được, đành phải trú quân vào vũng Ô Tôn (Vũng áng) để tránh gió.

Linh cữu của Vua Trần Duệ Tông được rước về theo đường bộ để triều đình kịp an táng, làm lễ; còn linh cữu của Quí Phi để lại và được đưa lên chân núi để quan quân tế lễ và hương khói chờ sóng yên biển lặng sẽ tiếp tục hành quân tiếp. Sau một ngày chờ đợi, đoàn thuyền của Đô đốc Lê Long Tĩnh cùng với thi hài của Quí Phi Nguyễn Bích Châu lại tiếp tục hành quân về triều.

Nhưng đi được khoảng 500 dặm thì lại bị gió Bắc tràn xuống làm cho đoàn thuyền không tiến lên được. Quan hướng đạo liền cho quân lánh vào trú ở Cửa Khẩu thuộc huyện Kỳ Hoa (nay là huyện Kỳ Anh). Chờ lâu ngày biển không yên, triều đình xuống chiếu cho an táng linh cữu của Quí Phi tại bản xứ (Cửa Khẩu) và đồng thời cho lập miếu thờ vọng tại chân núi Mũi Dòn (Đèn Eo Bạch – Vũng áng ngày nay) để nhân dân ngày đêm hương khói thờ phụng.

Năm 1470 niên hiệu Hồng Đức thứ nhất, Vua Lê Thánh Tông lại ngự giá thân chinh cất quân chinh phạt Chiêm Thành. 26 vạn quân Đại Việt theo đường biển thẳng về phương Nam qua cửa biển Cửa Khẩu Kỳ Hoa. Tới đây, Vua Lê Thánh Tông cho quân sỹ dừng lại trú quân. Phong cảnh nơi đây thật là huyền ảo làm cho Lê Thánh Tông cảm thấy có cái gì là lạ, khang khác…

Nhà Vua bèn xuống thuyền đích thân tìm hiểu, khám phá. Trong lúc du ngoại ngắm cảnh trời - đất, Nhà Vua phát hiện thấy có ngôi miếu nằm bên bờ sông gần Cửa Khẩu, hỏi kỹ dân địa phương, nhà Vua mới biết cách đây gần 100 năm, Quí Phi Nguyễn Bích Châu cùng Vua Trần Duệ Tông cất quân đi chinh phạt Chiêm Thành đã tử trận và được mai táng lập miếu thờ tại đây.

Vua bèn cho triệu các vị bô lão, chức sắc bản xứ đến để minh bạch, các vị bô lão và chức sắc bản xứ đã dâng bản sử tích Trần Triều lên Lê Thánh Tông, Vua Lê Thánh Tông xem xong khen rằng: “Đúng là Nữ trung hào kiệt” lâu nay còn khuất ẩn ở chốn này mà triều đình lãng quên.

Sau đó Lê Thánh Tông hạ lệnh cho soạn đồ tế lễ, đích thân ngự giá vào dâng hương và viết 4 chữ: “Nữ trung hào kiệt” dán lên bài vị và nói: “Tiền triều, người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì Vua mà bị vong thân, nay Ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp Trẫm kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi về bản xứ về triều Trẫm sẽ khởi công lập miếu phong tặng”.

Đêm đó được mộng lành Vua Lê Thánh Tông liền cho xuất quân. Khi thắng trận trở về đến đất Kỳ Hoa, Vua cho quân đến trú tại Cửa Khẩu, sai quân sỹ vào rừng chặt gỗ, đào đá gọt thành từng viên, huy động thợ giỏi cùng dân chúng địa phương xây dựng lại lăng mộ và 3 tọa điện để dân chúng ngày ngày thờ phụng, hương khói. Vua Lê Thánh Tông ngự bút viết:

Chế Thắng Đại Vương Thượng Đẳng Thần” và tự mình làm một bài thơ chữ Hán đề lên vách đền.

Nói về sự hy sinh của Quí Phi Nguyễn Bích Châu, truyền thuyết dân gian lưu truyền rằng: Đoàn quân của Vua Trần Duệ Tông trên đường đi chinh phạt Chiêm Thành, khi đi qua Cửa Khẩu Kỳ Hoa bỗng nhiên gặp biển nổi sóng to gió lớn, đoàn quân không tài nào tiến lên được.

Trong trận nghịch phong thần biển xuất hiện đòi Vua Trần phải gả cho mình một cung phi để làm vợ. Trong lúc Vua Trần chưa biết xử lý thế nào thì Bích Châu đã tự nguyện xin Vua được làm vật tế thần và khuyên Vua rằng: “Sau khi thiếp chết, xin Bệ Hạ sửa văn, nghỉ võ, tin dùng người hiền tài, làm điều nhân nghĩa, chước lâu dài cho đất nước”.

Nhưng dù làm vật tế thần hay bị trúng mũi tên độc của quân thù thì sự hy sinh cao cả của Quí Phi Nguyễn Bích Châu vẫn là một tấm gương sáng ngời về tấm lòng trung vì nước, vì Vua của một liệt nữ.

Tưởng nhớ vị “Nữ trung hào kiệt”, trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam đã có sắc phong Đền thờ Nguyễn Bích Châu là “Chế Thắng Phu Nhân” và nhiều lần được nhân dân trùng tu xây dựng. Đó chính là đền thờ Bà Hai nổi tiếng linh thiêng ở xã Kỳ Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Hằng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 Âm lịch, nhân dân địa phương và đạo hữu xa gần hành hương về đền thờ Thánh Mẫu để dâng hương, tổ chức tế lễ. Năm 1991, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định công nhận và xếp hạng Đền thờ Nguyễn Bích Châu là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Cuộc hành binh không thành của Vua Trần Duệ Tông với cái chết bị hùng của Quí Phi Nguyễn Bích Châu – Chế Thắng Phu Nhân đã non bảy thế kỷ nhưng sử sách và nhân dân vẫn còn lưu nhớ mãi như một huyền tích đẹp về người phụ nữ nước Nam dám xả thân vì nghĩa lớn.

Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Bích Châu – “Đền thiêng nơi cửa biển” – Sự hy sinh quả cảm của người liệt nữ cùng với “Kê minh thập sách” mãi mãi là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước của người phụ nữ Việt Nam, là những giá trị vĩnh hằng trường tồn cùng năm tháng, lưu truyền với các thế hệ con cháu mai sau. 

(Kỳ trước)

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).