Người phụ nữ phía sau hai trí thức nổi tiếng

Người phụ nữ phía sau hai trí thức nổi tiếng
TPCN -  Người phụ nữ đặc biệt đó là cô Nguyễn Thị Nhất, “cựu” phu nhân của triết gia Trần Đức Thảo và là phu nhân nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện.
Người phụ nữ phía sau hai trí thức nổi tiếng ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Nhất thời trẻ

Người ta bảo sau thành công của người đàn ông thường có hình bóng của một người phụ nữ. Đấy là những đóng góp âm thầm của người vợ trong sự nghiệp của chồng.

Đối với những người phụ nữ Á Đông thì sự hy sinh ấy như là một việc làm đương nhiên đến nhẫn nhục và cam chịu tạo nên hậu phương vững chắc trong những thành công của “đấng phu quân” mình.

Tôi biết một người phụ nữ rất đặc biệt, là vợ của hai người đàn ông vô cùng đặc biệt. Đó là cô Nguyễn Thị Nhất “cựu” phu nhân của triết gia Trần Đức Thảo và là phu nhân nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện.

Trong cuộc đời của hai nhà trí thức nổi tiếng có in đậm hình bóng của người phụ nữ Bình Định này. Đã ngoài bát thập, cô vẫn miệt mài công việc trong cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em NT do chính bác sỹ Nguyễn Khắc Viện sáng lập.

Chẳng bao giờ cô muốn nói, muốn kể về những thăng trầm và nỗi truân chuyên đến bất hạnh trong cuộc đời mình. Cô Nhất xem tôi như người nhà nên thỉnh thoảng cô tâm sự về cuộc đời mình, cô bảo: “Kể để biết cho vui vậy thôi, viết lên báo chí làm gì, khi nào cô chết, cháu muốn viết gì thì viết…”.

Vậy, nhưng không viết về cô tôi áy náy lắm, sau hai nhà văn hóa, trí thức lớn này là dấu ấn đậm nét của cô. Chỉ mình biết những câu chuyện này để ôm khư khư làm “của riêng” khi mình là người cầm bút e sẽ rất có lỗi với bạn đọc, vậy nên chắc cô Nhất cũng sẽ không trách tôi khi chia sẻ những thông tin này cùng độc giả…

Ký ức tuổi xanh

Nước Pháp gắn với những tháng ngày tuổi xanh của cô và cả triết gia Trần Đức Thảo và nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Cô nữ sinh Nguyễn Thị Nhất là học trò môn triết học của thầy Trần Đức Thảo khi còn học tú tài ở đây.

Những ngày tháng ấy thầy Thảo đã âm thầm để ý đến cô nữ sinh xinh đẹp này, vậy nhưng thầy chưa dám bày tỏ điều gì với học sinh của mình. Học xong tú tài cô Nhất lưỡng lự không biết chọn ngành nào. Nửa muốn đi theo triết học, nửa muốn đi y khoa…

Triết học thì trìu tượng và ‘cao xa” quá sợ không với tới được, còn y khoa thì… giấc mộng không thành vì hễ nhìn thấy máu là cô hoảng sợ và ngất xỉu.

Giữa lúc ấy Nguyễn Khắc Viện xuất hiện và khuyên cô nên đi theo ngành tâm lý học trẻ em. Những cuốn sách ông đưa cho cô, những cơ sở nghiên cứu thực nghiệm tâm lý trẻ em mà ông giới thiệu cho cô đến tìm hiểu đã thực sự cuốn hút cô và rồi cô quyết định nghe theo lời Nguyễn Khắc Viện đi theo con đường này.

Cô kể: “ảnh bảo ngành này rất mới mẻ ở Việt Nam, vả lại trẻ em Việt Nam cần thụ hưởng những chăm sóc tâm lý một cách khoa học, em nên học để sau này về phục vụ cho đất nước. Sau Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện cũng là người thầy của cô…”.

Cả ba người trong thời gian ở Pháp đều tham gia vào các phong trào yêu nước mà Nguyễn Khắc Viện là người lãnh đạo. Cô Nhất tham gia Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động trong phong trào thanh niên và phụ nữ và cũng có trong “danh sách đen” những người sẽ bị trục xuất khỏi nước Pháp.

Và rồi Nguyễn Khắc Viện cũng có tình cảm với người con gái này. Hai người đàn ông cùng để ý đến cô nhưng chưa ai nói với ai câu gì và cô Nguyễn Thị Nhất vẫn chưa vướng bận điều gì vì trong lòng cô họ đều là những người thầy đáng kính của mình.

Hôn nhân và trắc trở…

Tốt nghiệp đại học ngành tâm lý học trẻ em tại Pháp, năm 1955 cô Nhất trở về Việt Nam, một sự trở về không đơn giản. Đáng lẽ cô sẽ bị trục xuất vì chống đối chính sách xâm lược của nước Pháp, nhưng Nguyễn Khắc Viện đã êm thấm chuẩn bị mọi giấy tờ cho sự trở về êm đẹp của cô.

Bốn năm trước đó, năm 1951, Trần Đức Thảo cũng đã về nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bỏ lại những giảng đường lớn ở nước Pháp sau lưng với một tương lai học thuật đầy hứa hẹn.

Cô Nhất trở về công tác ở Bộ Giáo dục và là một trong những người đầu tiên biên soạn cuốn sách học vần lớp 1 đầu tiên của đợt cải cách giáo dục đầu tiên nền Giáo dục Tiểu học thời bấy giờ.

Thời ấy, nhiều người coi thường cô và dè bỉu: “Gớm, học tận Pháp về mà chỉ công tác ở bộ phận tiểu học. Chỉ những người kém trình độ mới công tác ở đấy…”.

Trong khi đó họ quên mất rằng cô là một chuyên gia tâm lý trẻ em, mà quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tâm lý của con người phải đặc biệt được quan tâm từ khi bé chào đời đến mẫu giáo, tiểu học để tạo một tiền đề phát triển lành mạnh về tâm lý và thể chất sau này.

Đọc và học bao sách ở giảng đường đại học nước Pháp, về Việt Nam cô không muốn lại ngồi đọc mà muốn vận dụng những kiến thức đã có áp dụng vào cuộc sống. Vậy là cô rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước với một chiếc xe đạp để đi mở các lớp mẫu giáo, mầm non điểm với một phương pháp giảng dạy phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Quá trình thâm nhập thực tế làm dày thêm những kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn cho công tác nghiên cứu tâm bệnh lý tâm thần trẻ em sau này của cô.

Hàng loạt đề án, công trình có giá trị thực tiễn cao, áp dụng vào điều trị các bệnh lý và bảo vệ sức khỏe tâm thần trẻ em của cô đã ra đời từ những tháng ngày lăn lộn này.

Khi cô Nhất về nước. Triết gia Trần Đức Thảo đã tìm đến và ngỏ lời cầu hôn. Một lễ cưới giản dị được tổ chức, chính Giáo sư Hoàng Xuân Nhị là chủ hôn.

Cuộc sống trôi qua đầy biến động. Triết gia Trần Đức Thảo miệt mài với những công trình của mình. Cuộc sống của Triết gia lữ hành này là Triết học. Ông quên ăn, quên ngủ và… quên cả vợ vì triết học. Tư duy của ông luôn đắm chìm trong suy tưởng.

Cô Nhất cũng rong ruổi với nỗi buồn và hoài bão khoa học của mình. Rồi cô ngã bệnh. Suy nghĩ nhiều làm cô mắc bệnh lao. Một thời gian triết gia Trần Đức Thảo bị hiểu nhầm khi ông cho công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ.

Sau này triết gia được minh oan. Trong những tháng ngày ấy, không ai muốn gặp và trò chuyện cùng cô. Cười buồn, cô Nhất nhớ lại: “Ngày ấy khi anh Thảo bị nghi oan cô đi bên này đường thì người ta đi bên kia đường. Họ sợ tất cả những ai dính líu đến ảnh. Mà cô thì chỉ thuần túy làm khoa học, ảnh cũng vậy.

Lần đấy cô đi một mình trên đường, một cảm giác buồn, và cô đơn. Đang đi thì thấy một chiếc xe ô tô dừng lại. Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống xe và hỏi về tình hình anh Thảo.

Hồi cô về nước được gặp Bác Hồ và Thủ tướng, cô lại là người phụ trách chuyến về nước đầu tiên sau 1955, nhóm trí thức hơn 10 người Việt kiều Pháp về cùng đợt nên Thủ tướng cũng biết cô. Cô tâm sự mọi chuyện cho Thủ tướng nghe và chính Thủ tướng đã ra lệnh đưa anh Thảo về…”

Và rồi cô thấy mình có bệnh, bệnh lao dạ con không thể sinh con. Bố mẹ của triết gia Trần Đức Thảo muốn có cháu nội trong lúc cô thì không thể. Trong những ngày trị bệnh ở Viện Lao, một nữ bệnh nhân cùng phòng đã tử vong để lại một bé gái thơ dại.

Cô Nhất đã xin bé gái này về nuôi. Cô kể: “Cô đưa cháu về nhưng anh Thảo không chịu, hai vợ chồng sống trong một căn phòng bé tẹo, tiếng khóc của bé gái làm cho ảnh không thể tập trung vào công việc. Mình xin Bộ Giáo dục một căn phòng khác rồi đưa cháu đến đó ở. Các cụ bên nhà anh Thảo muốn anh có con, mình thì không sinh nở được nên phải chấp nhận giải phóng cho ảnh, để ảnh tìm người phụ nữ khác…”. Và rồi cô ra đi cùng với đứa con nuôi. Cuộc chia tay thật nhẹ nhàng.

Những ngày bên bác sỹ Nguyễn Khắc Viện

Thời gian cô Nhất sống trong bề bộn khó khăn và thăm thẳm một nỗi buồn thì bác sỹ Nguyễn Khắc Viện cũng về nước. Và ông đã tìm đến với cô và rồi hai người nên nghĩa vợ chồng.

Trong những dòng hồi ký của mình bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã viết: “Đến cuối năm 1967, đời riêng của tôi có việc rất quan trọng. Tôi thành lập gia đình. Đây có thể nói là mối tình đầu thứ hai của tôi. Vì mối tình đầu thứ nhất là với cô người Pháp.

Lần này, gọi là mối tình đầu thứ hai là vì đây là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên gắn bó với tôi. Hiện nay là bà xã nhà tôi đấy, là cô Nhất, một sinh viên trong tổ chức Việt kiều.

Năm 1952, khi tôi về Paris gặp cô gái Việt kiều này, rồi cùng nhau trò chuyện và trao đổi công việc. Tại sao trong nhóm một tổ chức Việt kiều có khoảng 20 người, lại có sự gắn bó giữa tôi và cô Nhất đến như thế, thật tôi cũng không thể hiểu được.

Sau này khi nghiên cứu tâm lý gia đình, thấy một điểm quan trọng mà sách phương Tây cũng nêu lên. Cái duyên sao kỳ lạ, hai con người xa lạ nhau mà: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ – Vô duyên đối diện bất tương phùng. Chúng tôi gắn bó với nhau từ năm 1953, nhưng mãi 14 năm sau mới lập gia đình.

Hồi đó cô Nhất đã đính ước với anh Trần Đức Thảo… Nhất kết hôn với anh Thảo nhưng mối tình hai người không hợp nhau. Năm 1963, tôi về nước thì hai người đã chia tay nhau rồi… rồi chiến tranh xảy ra nên đến cuối năm 1967 thì chúng tôi mới lấy nhau. Đám cưới chúng tôi tổ chức vào ngày Noel năm 1967…”

Chính bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã đưa cô Nhất đi mổ lao dạ con. Cô con gái nuôi Thanh Bình của cô Nhất trở thành con của hai người. Chính Nguyễn Khắc Viện là người làm “hoa tiêu” để cô Nhất đi theo nghiệp nghiên cứu tâm lý trẻ em.

Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện là một người rất yêu trẻ. Có lần ông đã tâm sự: “Hạnh phúc của trẻ thơ là một trong những ước mơ lớn nhất của tôi”. Cũng chính vì lẽ đó mà từ thời ở Pháp, ông đã học Chuyên khoa Nhi với mong muốn dùng kiến thức y học để giúp trẻ em bớt đau khổ vì bệnh tật.

Tấm lòng yêu trẻ là điểm chung song hành trong trọn cuộc đời của vợ chồng Nguyễn Khắc Viện – Nguyễn Thị Nhất.

MỚI - NÓNG