Người rót biển vào chai thời... Đại tráng

Người rót biển vào chai thời... Đại tráng
TP - “Trịnh Thanh Sơn sinh ngày…tháng… năm 1948, khoảng sau 21 giờ, tức ngày 10 tháng Tám, Mậu Tý, giờ Hợi…Cấu trúc Hà Lạc của ông mở đầu bằng hào hai, quẻ Lôi thiên đại tráng.
Người rót biển vào chai thời... Đại tráng ảnh 1

Trịnh Thanh Sơn đề tặng sách cho bạn (chụp ngày 31/7/2007). Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nay xem cho Sơn bài Hà Lạc thì giật mình: Người này thuộc thời Đại tráng, có chí, có tài, có sức đi xa. Thảo nào tuổi trẻ vừa tốt nghiệp đại học xong, tình nguyện xông lên khu Gang thép để được sống trong thực tế sôi động.

Nhớ lại, thấy từ  lối sống, cách ăn ở, xử sự, bao giờ cũng độc lập, quả quyết, dứt khoát, thường có ý kiến riêng, không lệ thuộc vào ai…Giọng nói rất vang, đọc thơ thu hút được người, và rất thuộc thơ những người mình thích. Đó chính là tính cách của người Đại tráng (lớn mạnh)” .

Đó là mấy dòng tôi trích từ Lời bạt của nhà văn Xuân Cang cho tập thơ Giàn thiên lý của Trịnh Thanh Sơn (NXB Hội Nhà văn 2004). Tôi vốn dốt về tướng số, nay thử soi những dòng này mà kiểm nghiệm thực tế thơ và người từ ngày tôi biết Sơn.

Đó là thời điểm sau “Mùa hè đỏ lửa” đối với Hải Phòng (1972) nơi tôi công tác. Được mấy ngày nghỉ xả hơi, tôi không về Hà nội thăm gia đình như mọi lần, mà theo một chiếc xe tải lên lấy hàng trên khu Gang thép Thái Nguyên với ý định thay đổi không khí, từ một thành phố công nghiệp “tiền tuyến” về thăm một thành phố công nghiệp “hậu phương”.

Thành phố này tôi chỉ quen mỗi một người: Bạn thơ Vũ Duy Thông, lúc đó đang làm nhiệm vụ phóng viên thường trú cho Việt Nam thông tấn xã. Lúc đó Trịnh Thanh Sơn đang làm công nhân lái cầu trục ở nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đã có một số truyện ngắn thành công in trên Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội. Thực ra, anh không xuất thân từ nghề thợ.

Tốt nghiệp Khoa văn Đại học Sư phạm (1969), anh lên đây để dạy học. Nhưng do yêu cầu của nhà máy, anh lại sẵn sức khỏe, kiến thức đại  học, nên chẳng mấy chốc anh đã thạo việc làm công nhân hóa nghiệm than cốc, rồi thợ lái cầu trục.

Được làm một công nhân có nghề chuyên môn cao cấp, gắn với nền công nghiệp nặng mới mẻ như vậy, rõ ràng là niềm mong ước của bất cứ nhà văn nào cần thâm nhập thực tế! Chính những ngày này, anh cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tay Đêm sao sáng (NXB Việt Bắc), thu gom những truyện đã trình làng, được các nhà biên tập và bạn bè ngợi khen.

Chúng tôi đến thăm anh cuối buổi làm chiều, nhưng anh vẫn chưa về căn phòng tập thể, chúng tôi lại phải vào nhà máy, nhân đó được chứng kiến không  gian lao động “đại tráng” của anh: Anh đang ngồi cao trên cabin phòng điều khiển, cho cầu trục di chuyển từng thùng thép lỏng đang sôi sùng sục, đỏ chói mắt, khéo léo đổ vào những ô khuôn bên dưới...

...Rồi ít năm sau, chúng tôi cùng chuyển công tác về Hà Nội, rồi một lần  chuyển nhà, chúng tôi đã thành hàng xóm cùng phường với nhau khoảng cách vài trăm mét...

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn lúc này, sau khoảng chục đầu sách, trong đó có 4 tập thơ đặt tên theo nhịp ba: Cọng rơm vàng (1993), Giậu cúc tần (1997), Đóa tầm xuân (2000), Giàn thiên lý (2004), với nhiều giải thưởng văn học:

Giải thưởng UBTQCHVHNT (3 lần), giải truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải thưởng T.Ư Đoàn và Hội Nhà văn, tặng thưởng báo Văn Nghệ...,cũng có thể liệt hạng các nhà thơ... Đại tráng.

Ở Giàn thiên lý, Trịnh Thanh Sơn có bài Chân dung tự họa, càng đi sâu vào cái riêng này: Người ta khi chào đời/ Ai cũng thò đầu ra trước/ Còn mẹ sinh ra tôi/ Hai chân vung lộn ngược. Anh đã tự “bói” một quẻ Hà Lạc cho mình từ lúc đó, khi mượn ý thơ của Xecgây Êxinhin, để viết:

Thò hai chân ra trước/Ắt là tên ngỗ ngược/ Nếu không thành nhà thơ/ Ta sẽ thành tướng cướp”.  Nhưng từ cái việc lộn ngược do trời sinh, dẫn đến... Nếu được sinh lần nữa/ Ta lại thò chân ra thì mới là Trịnh Thanh Sơn!

Các cụ kể lại: Cái đêm anh sinh ra thì làng Bạch Câu đất lở, sông Sung lồng ngựa dữ (hai ngựa song hành).Tôi đã có dịp về ngắm con sông Sung  quê anh, con sông nước lợ cùng lên xuống với thủy triều, với những chú còng gió của biển ẩn hiện ven bờ: “Còn chưa kịp đi học/ Tôi đã biết đấm nhau/ Áo quần luôn rách tướp/Đá văng tóe máu đầu”.

“Ừ! Đúng vậy! Đến khi đi học thì mỗi ngày một hai lần, rủ bạn bè bơi qua sông, đánh nhau với bọn trẻ bờ bên một trận, lúc đùa, lúc thật, rồi về nhà , ăn cơm mới thấy ngon!” -  Anh diễn giải thêm.

Con sông chứng kiến tuổi thơ anh, rồi một ngày nó chứng kiến thêm sự kiện: Buổi sáng ta thức dậy/ Chợt thấy quần đùi ướt đẫm/ Hốt hoảng và ngơ ngác/ Có lẽ nào ta đã đàn ông? Cái tạng của tôi, chắc không dám viết thế!. Nhưng Trịnh Thanh Sơn rất thật với những trang viết của mình, đã từ thô dẫn đến thơ... Ta lao xuống đầm mình trong sóng/ Những con sóng hôm qua vẫn còn bé bỏng/ Con sóng bây giờ vỗ tiếng đàn ông (Đóa tầm xuân).

Con sông Sung có lúc chảy dịu dàng qua đời anh, anh đã yêu (và được yêu) một cô gái. Nhưng sông Sung có những đợt sóng ngầm. Một ngày đẹp trời, cô gái “Bỏ thuyền bỏ lái, bỏ dòng sông” (Nguyễn Bính).

Ngày đó: Cô cắp nón sang sông/ Sông dài như nước mắt Trịnh Thanh Sơn đánh mất một mối tình,  chúng ta lại nhặt được một cách so sánh thơ đến thế! Sông dài như nước mắt không chỉ là một biện pháp so sánh sáng tạo, nó phải được bật ra từ một nỗi đau có thật, sông dài như nước mắt thì sự đau khổ không gì đo đếm được!

Cá tính mạnh là biểu hiện của khí chất mạnh. Các nhà thơ khác thường thiên về mềm mại, ngu ngơ. Anh thì sẵn sàng nói huỵch toẹt quan niệm sống của mình. Mẹ dặn anh hàng trăm điều theo cách sống nhẫn nhịn của Á Đông, của tôn giáo.

Anh đã phải xin lỗi mẹ, chỉ tiếp nhận một phần thôi! “Nhưng mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con. Bị cái tát con liền tát lại, chứ không chìa má trái của mình ra!”. Con người anh sớm phải trôi nổi với đời, anh phải mạnh, phải đáo để, nếu không muốn bị chết chìm.  “Hai mươi lăm năm biết mấy gió mưa, chú bé ngẩn ngơ năm xưa đã thành người đàn ông từng trải. Từng bị người ta lừa và đôi khi lừa lại, từng bị nhấn chìm nhưng lại ngoi lên (Bến xưa).

Không chỉ cần mạnh để tồn tại, với anh, còn phải bứt khỏi sự tầm thường nhòa nhạt để khẳng định mình, khiến có lúc anh phải kêu lên:

Làm một con người sao mà chật vật/  Đổ bao mồ hôi sôi bao nước mắt/ Khốn khổ cho thành đạt/ Còn khốn khổ hơn không thành đạt bao giờ!

Tư duy văn xuôi và tìm được cách nói trí tuệ cho một chân lý sống cũng là hai trong những cách biểu hiện của thơ hiện đại. Thơ Sơn hay dùng cả hai cách ấy! Nhưng sự mạnh mẽ, đáo để trong xử thế có làm anh xa cái tâm, cái thiện không? 

Qua tiếp xúc với con người tác giả và nhất là đọc mấy câu này, tôi thực sự yên tâm: Làm được một việc tốt/ Vui suốt cả một ngày/ Lỡ nói lời không phải/Năm ngoái buồn năm nay (Ba bài tứ tuyệt- Giàn thiên lý).

Bàn đến đây, tôi lại phải giở bài Hà Lạc của thầy Xuân Cang, có đoạn viết thế này: Người quẻ Đại tráng có đặc điểm là cùng một quẻ, một hào đấy, nhưng tốt xấu còn tùy người, hễ biết theo đường chính đáng thì không gì không lợi, nhưng xử sự theo lối tiểu nhân thì thành kẻ hung hãn tầm thường. Cái sức mạnh bên trong, sức mạnh tinh thần có giá trị rất lớn trong việc điều chỉnh hành động  bản thân...

Kiểm nghiệm ở Sơn, tuy là hãn hữu thôi, nhưng tôi từng chứng kiến một lần, vì một thất ý nhỏ, một cớ không đâu, anh đã trì chiết, mắng nhiếc bạn thậm tệ, không hề quan tâm đến lòng tự trọng, tự ái của bạn.

Chúng tôi lý giải lúc đó là do rượu nói, đọc thầy Xuân Cang mới biết đó là lúc anh không điều chỉnh được bản thân theo hướng tích cực, để cái nội lực mạnh lại tiết ra chất hung hãn, tầm thường như quẻ Đại tráng đã dạy! Thô và Thơ là hai cực đối nghịch ở con người thi sĩ hàng xóm của tôi.

Ở tạng tôi, tất nhiên tôi chỉ nhớ nét hào hoa, đa tình, thực và ảo trong một số câu của Trịnh Thanh Sơn, thí dụ như: Nha Trang! Nốt ruồi son bên ngực phải/ Mai xa rồi ta còn nhớ mãi/ Nốt son buồn bên ngực phải/ Nha Trang!

Thơ Sơn mạnh ở  khí chất, chưa có nhiều câu hay, nhưng khi câu thơ đã đạt đến đỉnh của anh thì nhiều thi sĩ tài năng cũng  mong  có được. Như hai câu dưới của bài tứ tuyệt này, theo tôi, nằm trong số ít những câu thơ hay về rượu của nền thơ Việt: Một cộng với một thành hai/ Tôi cộng cô đơn thành biển/ Nắng tắt mà người không đến/ Tôi ngồi rót biển vào chai.

Sự chờ đợi triền miên đến làm ta mê mụ đi, rồi ngu ngơ như đứa trẻ nghịch chơi trên bãi biển..., nhưng đứa trẻ bỗng thành khổng lồ khi... rót biển vào chai!  Bài thơ được bạn thơ Hoàng Quý phổ nhạc. Trong mỗi cuộc vui, Hoàng Quý hát bài này lên, nhiều người bỗng hát theo. Đôi câu thơ trên thành thương hiệu Trịnh Thanh Sơn.

“Sinh ư nghệ...” hình như thầy Xuân Cang có dạy rằng: Sau kỳ đại tráng là kỳ phệ hạp, chẳng ai mà đại tráng mãi được! Trịnh Thanh Sơn đã vung phí cái biển rượu của mình, rót hết chai này rồi chai khác, rút ngắn thời đại tráng. 

Mới Ngày Thơ vừa qua, với giọng nam trung, anh ngâm thăng hoa thơ Tây Tiến của Quang Dũng, hát thì phải Trường ca Sông Lô của Văn Cao thì mới thỏa! Hôm nay, sau lần phẫu thuật, kèm theo ống thực quản bị phế bỏ, dây thanh đới bị chèn ép, tiếng nói anh bỗng nhỏ nhẹ, “êm ái”.

Cho nên, với tính hài hước của dân văn nghệ, anh tự cười mình “Bây giờ, mình nói giọng... …công công. Hoàng Quý ở Vũng Tàu gọi điện ra, nghe giọng tưởng anh Sơn là chị Lý “Chị cho em nói chuyện với anh Sơn” “Thì tao là Sơn đây chứ ai!” “Chị ơi! Chị đừng đùa em!” vân vân”.   Đến hôm nay, anh đã lại giọng đàn ông... khàn.

Tôi muốn viết những dòng này để Trịnh Thanh Sơn đọc, làm dịu phần nào cơn đau khi anh còn tỉnh táo: “Cuộc đời mỗi người dù dài ngắn hơn nhau  vài thập kỷ cũng chẳng ý nghĩa gì nhiều trước biển thời gian vô thuỷ vô chung.

Trịnh Thanh Sơn là một trong số người hạnh phúc đã sở hữu và sống hết thời đại tráng của mình. Giống như khi Trịnh Thanh Sơn đã rót được tinh chất biển thời gian vào một chai riêng!

MỚI - NÓNG