Người Sài Gòn với... Kiều

Những bản Kiều cổ tại triển lãm.
Những bản Kiều cổ tại triển lãm.
TP - Sáng thứ 6 (20/11), dù vào thời điểm đi làm nhưng tại phòng triển lãm về Nguyễn Du vẫn có khá đông người vào xem. Già có, trẻ có nhưng so với nhiều cuộc triển lãm khác, người xem không bình phẩm hay thích chụp hình tự sướng mà ai nấy đều chăm chú vào một cuốn truyện Kiều hay là những bức tranh lẩy Kiều. Một vài bạn trẻ thì đứng im một góc, xem những thước video trình chiếu một bài thơ ngâm Kiều.

Hỏi một nhóm bạn trẻ đang say mê tranh luận về một bức thư pháp Kiều thì được biết đây là nhóm sinh viên từ trường ĐH KHXH&NV đang tập tành với môn viết thư pháp. Các bạn tới triển lãm để mong được học hỏi tay nghề từ những người đi trước. Minh Tâm- sinh viên trong nhóm bảo: “Khi tập viết thư pháp chúng em thường chọn thơ Kiều vì sự súc tính nhưng lại rất thăng hoa trong mỗi câu thơ, điều đó giúp chúng em có thể thể hiện được cái hồn của câu chữ”.

Ở góc triển lãm, một ông lão say mê giở từng trang một cuốn khảo cứu truyện Kiều. Ông tên là Trương Hải - Một thầy thuốc Đông y nhà ở Nguyễn Tri Phương - Quận 5. Theo ông Hải, ông nghiên cứu truyện Kiều đã được hơn 50 năm. Mỗi người nghiên cứu truyện Kiều ở những góc độ khác nhau, nhưng riêng ông Hải, ông tìm thấy trong truyện Kiều những quan điểm Phật giáo. 

Ông Hải bảo: “Tôi đã đọc nhiều sách cổ của Trung Quốc, của Nhật và thấy một điều: Kiều có mặt trong những điển tích ở các nước này như ở Trung Quốc là kỹ nữ, ở Nhật là tuỳ nữ. Nhưng Kiều của Nguyễn Du vẫn vượt lên tất cả bởi sự đồ sộ của tác phẩm cũng như sức lan toả, bao quát mà ở xã hội nào cũng có thể soi vào để thấy có chút gì trong đó".

Đây không phải là lầu đầu tiên triển lãm được thực hiện tại TPHCM mà trong nhiều năm qua, những người yêu truyện Kiều, mến Nguyễn Du vẫn tự đứng ra tổ chức các triển lãm về truyện Kiều và nhân vật Kiều. Gần đây nhất là vào tháng 5/2015, nhà sưu tập Kiều La Văn Tiến đã tổ chức triển lãm truyện Kiều với hơn 300 ấn phẩm. 

Đó là bộ truyện Kiều đồ sộ mà ông Tiến đã bỏ công sức sưu tập trong hơn 40 năm. Trong bộ sưu tập đó có bản tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc và nhiều bản được giới chơi sách cổ đánh giá là “độc” như bản Truyện Kiều mini chỉ nặng 45g do UNESCO ấn hành, bản Truyện Kiều đại nặng nhất tới 3,5kg, bản Kiều xuất bản bằng tiếng Pháp của Petrus Ký in năm 1911. 

Tuy nhiên Sài Gòn còn có nhiều “tay chơi” còn săn được nhiều bản về truyện Kiều “độc” khác như nhà sưu tập Phạm Hoàng Quân với bản Kim Vân Kiều Thích chú do Duy Minh Thi chép tay vào năm 1879, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân với “Đoạn Trường Tân Thanh” bản chép tay của Lâm Nọa Niên năm 1870, nhà sưu tập - Linh mục Nguyễn Hữu Triết với bản “Kim Vân Kiều tân truyện” do nhà in Bảo Hoa Các (Quảng Đông- Trung Quốc) in thời đầu thế kỷ trước, nhà sưu tập Trần Văn Chung với “Kim Vân Kiều tân tập” do Quan Văn đường tàng bản in năm 1906… 

Theo đại diện Bảo tàng KHXH TPHCM thì hiện nay tại Sài Gòn vẫn còn nhiều nhà sưu tập có những bộ Kiều rất quý, tuy nhiên do khuôn khổ triển lãm không thể trưng bày hết được.

Người Sài Gòn với... Kiều ảnh 1

Khách đến với Triển lãm về Nguyễn Du tại TPHCM.

Nhưng không chỉ sưu tập truyện Kiều, mà từ rất lâu tại Sài Gòn những người yêu Kiều còn thể hiện tình cảm với danh tác Kim Vân Kiều qua nhiều cách khác nhau như vẽ tranh Kiều, ngâm thơ Kiều hay lẩy Kiều. Nữ họa sỹ Ngọc Mai đã bỏ công 12 năm để vẽ 28 bức tranh sơn dầu. 

Theo Ngọc Mai, chị không vẽ tranh minh hoạ truyện Kiều mà thông qua 28 bức tranh, chị vẽ nên cuộc đời thăng trầm của nàng Kiều mà mỗi người xem có thể cảm nhận được thân phận, nỗi đau của nàng với bao thăng trầm cuộc đời. Còn Chi hội thư pháp TPHCM đã trưng bày 20 bức tranh thư pháp được lẩy từ truyện Kiều.

 Nhà thơ Phạm Thiên Thư sau bao năm trăn trở với nàng Kiều đã cảm hứng sáng tác cuốn “Đoạn trường vô thanh”. Theo nhà thơ đây sẽ là cuốn Hậu kiều mà nhà thơ muốn thông qua cuốn sách sẽ lý giải, làm sáng tỏ  nhiều nội dung mà “Đoạn Trường tân thanh” còn bỏ ngỏ.

Cũng tại triển lãm, những người tổ chức đã trình chiếu video các chương trình ngâm thơ Kiều, diễn tuồng cổ về Kiều. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là trích đoạn vở “Kim Vân Kiều”, vở diễn đã lập 5 kỷ lục quốc gia (như vở diễn có sân khấu lớn, vở diễn có nhiều diễn viên đóng vai Kiều nhất…) khi trình diễn tại TPHCM vào năm 2007.

Người Sài Gòn với... Kiều ảnh 2 Những bức thư pháp lẩy Kiều tại triển lãm.
Không chỉ đưa Kiều vào sân khấu, người Sài Gòn còn đưa Kiều vào trong cuộc sống thông qua bói Kiều, đọc Kiều ngược hay tổ chức đi tìm những ẩn ý trong từng câu thơ của Kim Vân Kiều… Sự yêu mến Kiều được người Sài Gòn thể hiện theo cách rất riêng, chân thành và hồn nhiên như tính cách người Sài Gòn.

Theo chị Minh Thư - Cán bộ thư viện KHTH, đơn vị tổ chức triển lãm về Nguyễn Du, trong những ngày triển lãm, lượng khách xem luôn ổn định và thậm chí nhiều người còn nán lại đến buổi tối để xem. Chị Minh Thư bảo: “Tôi rất vui vì không chỉ những người lớn tuổi đến với triển lãm mà còn rất nhiều bạn trẻ cũng say mê tìm hiểu. Điều đó cho thấy những giá trị chân thực của văn học vẫn luôn được các bạn trẻ
đón nhận”.

MỚI - NÓNG