Người sưu tầm hơn 1 vạn bộ phim nổi tiếng thế giới

Người sưu tầm hơn 1 vạn bộ phim nổi tiếng thế giới
TP - Hơn chục năm nay, ít ai biết có một người đã dày công lặng lẽ sưu tầm, lưu giữ những bộ phim kinh điển và nổi tiếng của thế giới, để đến nay bộ sưu tập của ông đã có tới hơn một vạn bộ phim. Đó là nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh Lưu Nghiệp Quỳnh.

Trước năm 1954, khi thủ đô Hà Nội chưa được giải phóng, cậu bé Lưu Nghiệp Quỳnh chưa đầy 10 tuổi đã được người nhà đưa đến rạp chiếu bóng để xem phim.

Sau khi thủ đô được giải phóng, có lần Lưu Nghiệp Quỳnh từng “liều” đi dự tuyển làm diễn viên lồng tiếng. Tuy đợt tuyển đó không diễn ra, nhưng Lưu Nghiệp Quỳnh vẫn mơ ước sau này mình sẽ trở thành người tham gia làm nên những bộ phim.

Nhưng trong quá trình học phổ thông, càng lên lớp trên thì Lưu Nghiệp Quỳnh càng bộc lộ sở trường học giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là toán. Cuối năm học cấp III, Lưu Nghiệp Quỳnh từng đoạt giải nhì toán tại cuộc thi do báo Toán học tuổi trẻ (thuộc Hội Toán học Việt Nam) tổ chức.

Năm 1963, khi đang học tại Học viện Nông Lâm (trường ĐH Nông nghiệp ngày nay), thì Lưu Nghiệp Quỳnh lại bỏ dở để đi làm công nhân và theo đuổi văn chương. Thời gian đó, những lúc rỗi rãi Lưu Nghiệp Quỳnh lại viết truyện ngắn và gửi một số báo. Và truyện ngắn Ba người là sáng tác đầu tiên của Lưu Nghiệp Quỳnh được đăng tại Tạp chí của Hội Văn nghệ Hà Nội.

"Một số hoạt động của Hội đã nhờ vào kho phim do NBK Lưu Nghiệp Quỳnh thu thập. Với kho phim của anh Quỳnh hiện nay, có thể coi đây là một trong những viện lưu trữ phim tư nhân lớn ở Việt Nam”.

PGS-TS Trần Luân Kim (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam)

Rồi những sáng tác khác của Lưu Nghiệp Quỳnh được các báo tiếp tục đăng, và sau này được tập hợp lại để thành tập truyện ngắn Tôi là người thợ do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành.

Năm 1974, một vinh dự đã đến với Lưu Nghiệp Quỳnh khi anh đoạt giải nhất tại cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức với truyện ngắn Tốc độ. Lưu Nghiệp Quỳnh lập tức được cử đi học Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ra trường, Lưu Nghiệp Quỳnh vào nhận công tác tại Cục Báo chí xuất bản thuộc Trung ương Cục miền Nam. Năm 1976, đạo diễn Hải Ninh dẫn đầu thành phần chủ chốt của đoàn làm phim Mối tình đầu vào TP Hồ Chí Minh để đi thực tế và đề nghị với Cục Báo chí xuất bản cử cho một người để dẫn đoàn đi. Lưu Nghiệp Quỳnh được chọn.

Trong quá trình làm việc, đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhận thấy khả năng điện ảnh rất rõ nét ở chàng trai trẻ Lưu Nghiệp Quỳnh nên đã gợi ý với anh nên về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Vốn mê phim từ nhỏ nên Lưu Nghiệp Quỳnh đồng ý ngay và trở ra Hà Nội làm việc.

Trong thời gian công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, những kịch bản của Lưu Nghiệp Quỳnh lần lượt được dựng thành phim truyện nhựa như Cách sống của tôi, Hoàng hôn nhiệt đới, Đóa hồng cho em, Ảo ảnh tình yêu, Vết trói, Làng rừng, Hàng xóm. Trong quá trình sáng tác kịch bản, Lưu Nghiệp Quỳnh vẫn tiếp tục viết văn và cho ra đời những tập truyện ngắn và tiểu thuyết.

Đam mê sưu tầm phim

Những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhà biên kịch (NBK) Lưu Nghiệp Quỳnh từng được xem một số bộ phim xuất sắc của điện ảnh Xô viết như Bài ca người lính, Đàn sếu bay, Đất..., hay của điện ảnh Mỹ như Cuốn theo chiều gió, Cleopate.

Khi đó NBK Lưu Nghiệp Quỳnh luôn tấm tắc sao họ làm phim hay thế và chợt mơ ước nếu như mình có được những bộ phim đó để thỉnh thoảng có thể xem lại mà học nghề thì hay biết mấy. Nhưng lúc này được xem những bộ phim đó đã là khó, thì ước muốn có được nó quả là xa vời. Thế là NBK Lưu Nghiệp Quỳnh đành tạm “cất” ước mơ này lại.

Nhưng rồi không ít lần NBK Lưu Nghiệp Quỳnh được cử tham dự các lớp học do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, khi đó giảng viên thỉnh thoảng có hỏi các học viên đã xem phim này chưa để lấy ví dụ minh họa thì hầu như mọi người đều ngơ ngác. Những kiểu học chay đó rõ ràng kết quả thu được không cao. Thế là ý tưởng được xem, được có những bộ phim hay lại bùng lên trong NBK Lưu Nghiệp Quỳnh.

Nhưng phải đợi đến giữa thập kỷ 90, NBK Lưu Nghiệp Quỳnh mới có dịp thực hiện ước mơ của mình. Đầu tiên, ông có người bạn ngoài ngành thích xem phim lại hay có điều kiện ra nước ngoài nên thỉnh thoảng vẫn mua những bộ phim truyện nhựa nổi tiếng thế giới (được in vào băng video) về rồi mời NBK Lưu Nghiệp Quỳnh đến nhà cùng xem.

Khi đó NBK Lưu Nghiệp Quỳnh xem một cách say mê, rồi mượn phim về để xem lại. Thấy NBK Lưu Nghiệp Quỳnh quá mê phim, lại lưu giữ cẩn thận khiến phim không bị hỏng nên mỗi khi ông tỏ ý mượn là người bạn này tặng luôn. Về sau NBK Lưu Nghiệp Quỳnh gửi tiền để bạn mua hộ phim.

Từ việc làm này, NBK Lưu Nghiệp Quỳnh thấy rằng mình có lợi thế là có nhiều bạn bè, người thân thường đi công tác hoặc sống ở nhiều nước có nền điện ảnh phát triển trên thế giới nên đã nhờ họ mua hộ những bộ phim được in vào các đĩa VCD, và sau này là DVD. Cần nói thêm, những bộ phim in vào băng video trước kia đã được NBK Lưu Nghiệp Quỳnh mua lại khi chúng được lưu vào đĩa DVD để có tác dụng lưu giữ lâu dài. T

iêu chí sưu tầm phim của ông là những bộ phim kinh điển, hoặc những bộ phim đoạt giải cao tại các Liên hoan phim danh tiếng như Oscar, Cành cọ vàng, Gấu vàng, Sư tử vàng...

Theo NBK Lưu Nghiệp Quỳnh, những bộ phim đoạt giải đó chính là tinh hoa của nền điện ảnh nhân loại. Bản thân NBK Lưu Nghiệp Quỳnh trong những lần được ra nước ngoài (như Pháp, Đức, Italia, Thụy Sĩ, Trung Quốc...) để công tác hay thăm người thân, ông đều tìm đến các nơi tổ chức các LHP quốc tế hoặc các Trung tâm điện ảnh của mỗi nước để tìm mua những bộ phim mình cần sưu tầm.

Đến nay, kho phim của ông đã có trên 1 vạn bộ, với những bộ phim kinh điển của các đạo diễn bậc thầy thời xưa như X.Eizenstein, C.Chaplin, F.Côppola, F.Fellini, A.Curosawa, G.Gođa, A.Vaida... đến phim của những đạo diễn nổi tiếng thuộc thế hệ gần đây như S.Spielberg, O.Stone, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca...

Sưu tầm để giúp điện ảnh nước nhà

Tiếp xúc với NBK Lưu Nghiệp Quỳnh, tôi thấy ông tỏ ý ngần ngại khi cho biết số lượng phim mình đã sưu tầm. Ông bảo với hơn một vạn bộ phim của mình chắc gì đã là nhiều, vì biết đâu có những người sưu tầm số lượng phim nhiều hơn nữa thì sao.

Tôi hiểu sự khiêm tốn và thận trọng ở những điều ông nói. Và qua đó tôi cũng hiểu được một thông điệp từ ông: Sử dụng phim sưu tầm như thế nào cho có ích còn quan trọng hơn số lượng phim.

Ông nói: “Tôi nghĩ những nhà làm phim chúng tôi, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ cần được xem những bộ phim hay của thế giới. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có cơ hội hòa nhập được với thế giới về nghệ thuật điện ảnh, vì khi đó ta có thể biết họ đang làm gì và sử dụng những kỹ thuật nào để đạt được những hiệu quả đó”.

Nhờ có vốn tiếng Anh, tiếng Pháp do tự học, NBK Lưu Nghiệp Quỳnh có thể nghe và đọc phần phụ đề để có thể hiểu nội dung những bộ phim mình sưu tầm. Có những bộ phim ông xem một lần đã hiểu, nhưng cũng không ít bộ phim phải xem đến vài lần.

Để hiểu thêm những bộ phim mình có, NBK Lưu Nghiệp Quỳnh phải đọc không ít sách bổ trợ như Lịch sử điện ảnh thế giới, Từ điển các đạo diễn nổi tiếng thế giới, Một cái nhìn về điện ảnh Mỹ, Từ điển những bộ phim nổi tiếng, Từ điển điện ảnh... cũng như vào Internet để tìm những tài liệu mình cần.

Với vốn hiểu biết về những bộ phim sưu tầm được, NBK Lưu Nghiệp Quỳnh đã giúp Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, đặc biệt là Hội Điện ảnh Việt Nam trong việc giới thiệu những bộ phim trong các đợt học tập cho một số những người làm nghề.

Trong những buổi trình chiếu như vậy, NBK Lưu Nghiệp Quỳnh thường tóm tắt cốt truyện để người xem có thể hiểu nội dung bộ phim. Sau đó, ông thuyết minh phim từ đầu đến cuối một cách rành mạch. Có thể nói, tác dụng của những đợt chiếu phim như vậy là không nhỏ, bởi nó giúp cho những người làm nghề chẳng những tăng thêm phần hiểu biết về các nền điện ảnh gạo cội, mà còn có cơ hội học tập cách làm phim của những nước mà chúng ta còn ít biết đến.

Đơn cử như vào năm 2002, nhân dịp các hội viên vừa được chuyên gia nước ngoài giảng dạy về phim I-ran, Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam khi đó là ông Trần Thế Dân đã đề nghị NBK Lưu Nghiệp Quỳnh bố trí cho mọi người xem một số phim của nước này.

Trước đó do ít thông tin về phim của I-ran, không ít nhà làm phim Việt Nam cho rằng phim của họ khó mà làm hay được, vì đất nước đạo Hồi này cấm đưa tất cả những hình ảnh mang yếu tố bạo lực, tình yêu, tình dục... lên màn ảnh.

Đến khi nghe chuyên gia giảng dạy, có người vẫn băn khoăn vì sao phim của họ bị cấm nhiều thế vẫn đoạt những giải cao như Cành cọ vàng, Sư tử vàng, Gấu vàng tại các LHP danh tiếng như Can, Vơ - ni - giơ, Bec-lin...

Vậy mà khi NBK Lưu Nghiệp Quỳnh đưa những bộ phim của I-ran (như Mùi vị của anh đào, Những đứa trẻ thiên đường, Một thời của những con ngựa say, Những chiếc bảng đen...) ra trình chiếu thì các hội viên đều công nhận phim của họ được giải là xứng đáng.

Tuy bị cấm các yếu tố làm nên tính hấp dẫn của phim như đã đề cập ở trên, nhưng phim của I-ran vẫn cuốn hút và gây xúc động cho người xem vì đã đi sâu vào khía cạnh nhân bản, số phận con người.

Được biết, Cục Điện ảnh Việt Nam vừa xây dựng một rạp chiếu phim khá hiện đại để chiếu những bộ phim học tập cũng như giới thiệu những thành tựu của điện ảnh thế giới cho những người làm nghề cũng như những ai yêu nghệ thuật điện ảnh.

Chắc chắn trong tương lai không xa, kho phim của NBK Lưu Nghiệp Quỳnh sẽ có những đóng góp đáng kể cho những đợt trình chiếu mang ý nghĩa học tập này.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.