Hoa hậu Thu Thủy:

Người ta hỏi tôi: làm nhiều, tiền để đâu cho hết?

Người ta hỏi tôi: làm nhiều, tiền để đâu cho hết?
TP - Tôi gặp Thu Thủy - kinh doanh từ cái đận chị mới chân ướt chân ráo mở salon Bellissima đầu tiên. Ngày ấy, cách đây 8 năm, Thủy vừa sinh con trai đầu, vẫn giống cựu Hoa hậu hơn là một bà chủ.
Người ta hỏi tôi: làm nhiều, tiền để đâu cho hết? ảnh 1

So với Thu Thủy bây giờ, bà mẹ của hai đứa con, những dấu vết hồn nhiên ngày cũ không còn nữa. Chị thay đổi thành một doanh nhân “trăm phần trăm”.

Nhiều đối tác làm ăn với Thủy không biết chị là Hoa hậu, chỉ thắc mắc: bà chủ quá xinh!

Từng bị bấn loạn vì tiền

Tám năm kinh doanh có làm cho chị thay đổi quan niệm về tiền bạc không?

Thay đổi nhiều chứ. Trước tôi có những nỗi lo rất “nhược tiểu”. Luôn lo thu không đủ chi. Lo phải trả lương quá cao. Lo nợ nhân viên, nợ ngân hàng. Nghe chuyện những công ty chở cả ô tô tiền đi trả nợ tôi rất run.

Khi đó, gặp một người bạn là chủ một công ty lớn nhưng lúc nào tôi thấy anh cũng ung dung. Tôi hỏi: anh không lo lắng gì à, doanh nghiệp của anh to thế mà không bao giờ rơi vào tình trạng túng quẫn à?

Anh ấy trả lời: Sao lại không lo, thuyền to sóng cả, em có vấn đề của em, anh có vấn đề của anh. Có những lúc công ty anh đứng bên bờ vực phá sản, nhưng anh không thể hiện ra.

Tôi bảo: em mà thế em chết mất.

Anh ấy bảo: thế thì em đừng kinh doanh làm gì. Chấp nhận kinh doanh là phải sống chung với lũ, phải coi mọi chuyện thiếu nợ, thiếu vốn… là bình thường.

Lời khuyên là vậy, nhưng bảo một người mới kinh doanh cũng học được ngay bài học đó không phải đơn giản?

Đúng vậy. Cũng phải mất một thời gian dài tôi mới thích nghi được. Thậm chí sau này còn biết nghĩ rằng: người kinh doanh giỏi là người biết dùng tiền của người khác, chứ không phải đem tiền của mình ra kinh doanh.

Nếu cứ ngồi một chỗ lo lắng thì mình sẽ chẳng làm gì được. Không có một hệ thống nào hoàn hảo, mình phải biết chấp nhận sự thiếu hụt để tìm cách khắc phục.

Những nỗi lo về nợ nần thì sao, chị vượt qua nó như thế nào?

Người Trung Quốc ví tiền như nước, tức là nó luôn luân chuyển. Doanh nghiệp giống như một cái bể chứa thôi. Nước vào ở đầu này sẽ ra ở đầu khác. Quan trọng nhất là mình phải điều tiết sao cho hai vòi nước ấy chảy đều.

Có nguyên lý để điều chỉnh “hai vòi nước” ấy không?

Tôi nghĩ là có một vài nguyên tắc chung về tài chính, kế toán. Nếu nắm được thì sẽ không bị bấn loạn như tôi hồi đầu.

Thứ nhất là làm gì cũng phải có ngân sách, tức là sự chuẩn bị và tiên lượng trước về nguồn vốn.

Thứ hai là không để tiền đọng.

Và thứ ba là phải hiểu hệ thống của mình, có hiểu thì mới điều hành được nhân viên.

Mở rộng hệ thống không phải vì tham

Bellissima, XaXi, và bây giờ là nhà hàng, khu nghỉ dưỡng… có vẻ như tham vọng kinh doanh của chị không có điểm dừng?

Khi biết tôi mở rộng phạm vi kinh doanh, nhiều người hỏi những câu rất giống nhau. Hoặc là: làm nhiều thế thì tiền để đâu cho hết? Hoặc là: mở ra nhiều thì quản lý thế nào?

Thực ra, việc tôi mở rộng kinh doanh không phải do “lòng tham không đáy”. Đấy là quá trình tất yếu, giống như nguyên lý tuyết lăn vậy. Nếu cái lõi của cục tuyết đủ chắc thì càng lăn nó càng to hơn, và không bị vỡ.

Cơ hội đến mà mình không nắm bắt là bị người khác qua mặt ngay. Quá trình cạnh tranh mà mình không đủ mạnh thì sẽ thụt lùi, rồi diệt vong.

Một lý do nữa để tôi không thể dừng lại là sức ép từ nhân viên. Trước đây, khi mình còn nhỏ, mời người giỏi rất khó, nhưng khi mình lớn mạnh hơn, mời người giỏi rất dễ. Mở rộng kinh doanh thì sẽ có đất cho nhân viên “dụng võ”, có điều kiện để trả lương cao hơn.

Sự phát triển của việc kinh doanh có khi nào làm chị thấy mệt mỏi?

Nhiều chứ. Tôi cũng nghĩ rồi, sẽ cố gắng làm năm mười năm nữa, khi công ty đủ mạnh tôi sẽ chỉ giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị thôi, còn để hết cho nhân viên điều hành. Tôi sẽ ra Hội An mua mảnh đất nhỏ xây nhà, ở đó viết văn, làm thơ hay vẽ tranh gì đó.

Nhiều công ty lớn từng vấp phải những bài học cay đắng về nhân sự, chẳng hạn công sức gây dựng thương hiệu bao nhiêu năm, bỗng chốc có thể mất trắng về tay một người xa lạ nào đó?

Có thể lắm. Trước đây tôi rất cầu toàn. Luôn muốn mọi việc phải hoàn hảo, phải đúng ý mình. Nhưng sau nghiệm ra rằng: 100 nhân viên sẽ có 100 nền tảng và 100 cá tính khác nhau, làm sao bắt họ phải giống hệt mình?

Tôi cũng đã từng bị nhân viên phản bội. Buồn lắm. Nhưng rồi phải chấp nhận. Cuộc sống mà!

Có khi nào chị tiếc vì đã theo kinh doanh, một công việc có quá nhiều bất trắc và sức ép?

Không. Nếu không kinh doanh chắc tôi không được như bây giờ. Nhờ kinh doanh tôi học được rất nhiều bài học. Trưởng thành và độc lập hơn.

Làm 10 chỉ giữ cho mình 2

Làm việc cật lực ngay cả trong những ngày tháng ốm nghén, chị cho phép mình tận hưởng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận của công ty?

Tôi tâm niệm, nếu làm được 10 thì chỉ giữ cho mình 2, còn 8 để trả cho nhân viên, cho xã hội.

Trong số 2 đó, bản thân chị được hưởng bao nhiêu phần trăm?

Trước thì nhiều, vì tôi mê đồ hiệu. Nhưng giờ “cai” rồi, lại dành phần lớn cho các con, cho gia đình.

Chị Nguyễn Thu Thủy

Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc chuỗi Bellissima Salon & Spa hiện nay đã có ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long…

Chủ sở hữu thương hiệu XaXi Nail

Tổng giám đốc (CEO) Công ty Thiên Thủy.

Nhiều doanh nhân nói rằng, việc sử dụng đồ hiệu chỉ tốt cho công việc của họ mà thôi, sao chị lại “cai”?

Vì tôi nhận ra nó phù phiếm, nó không làm nên giá trị thật của một con người.

Tất nhiên, nếu ký hợp đồng bằng một cái bút Mont Blanc thì sẽ tự tin hơn một cái bút bình thường. Nhưng cái bút Mont Blanc bản thân nó không đem đến hợp đồng cho bạn. Nó cần nhưng không có ý nghĩa quyết định. Và đến một đẳng cấp nào đó thì không có Mont Blanc cũng chẳng sao.

Tức là những dấu hiệu giàu có của một doanh nhân sẽ trở nên rất khó nhận biết?

Tôi có một người quen là một doanh nhân rất thành đạt người nước ngoài, nhưng nếu gặp ngoài đường không ai nghĩ ông ấy giàu.

Trên người ông ấy chẳng có thứ gì là đồ hiệu cả. Sang nước mình ông ấy đi taxi bình thường, cung cách, cử chỉ hết sức khiêm nhường. Nhưng từ con người ông vẫn toát lên sự sang trọng, tiếp xúc với ông bạn bị thuyết phục vì nhân cách, vì trí tuệ.

Tôi nghĩ những thứ đó quan trọng hơn hàng hiệu.

Tức là bây giờ, những đam mê cá nhân của chị đều được cắt xén để dồn cho con. Lại có những người giàu nói rằng: họ sẽ không để cho con nhiều tiền, vì chúng dễ hư?

Tôi cũng vậy. Tôi chỉ tạo điều kiện tốt nhất để hai cháu học xong đại học. Còn đến 18 tuổi thì làm ơn, kiếm một việc gì đó để tự nuôi thân. Và sau này nếu có thừa kế thì cũng chỉ thừa kế doanh nghiệp mẹ xây dựng.

Muốn làm Tổng giám đốc hay chủ tịch Hội đồng quản trị thì cũng phải học hành tử tế, rồi bắt đầu từ vị trí của một nhân viên chứ không có chuyện con bà chủ là một bước lên thành ông chủ.

Hạnh Đỗ

“Cai” đồ hiệu

Người ta hỏi tôi: làm nhiều, tiền để đâu cho hết? ảnh 2

Trước đây, Thu Thủy là tín đồ của đồ hiệu. Từ đầu đến chân, đến cả những cái kẹp tóc bé xíu của chị cũng đều là đồ hiệu. Chị kể: có những thời gian “tiêu như phá”, cả ăn cả mặc.

Ăn uống không cầu kỳ nhưng thích những thứ xa xỉ.

Mẹ chị bảo: Thủy “trả thù đời” vì đã phải trải qua cả tuổi thơ khó khăn. Đi học chỉ có hai cái quần thay đổi.

Một lần, ngồi ăn trưa với các nhân viên của Bellissima Salon, các cô đùa một em ở Thanh Hóa phải dành tiền để cưới chồng. Thủy bảo: sao phải làm thế, việc ấy chồng phải lo chứ?

Cô nhân viên buồn buồn: em xuất thân con nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ đau yếu, lại là dân đạo, lại làm cái nghề này nên không thể kiếm một anh chồng như mọi người nghĩ. Muốn cưới thì em phải tự chuẩn bị thôi.

Thủy hỏi: thế đi làm 5 năm em dành dụm được bao nhiêu? Cô trả lời: 30 triệu. Miếng cơm trong miệng Thủy nghẹn lại. Cô phải chạy vào toilette để ngăn tiếng khóc.

30 triệu, chưa bằng một cái túi xách của cô. Mua cái túi ấy cô chỉ sung sướng được 10 phút đồng hồ, trong khi cô gái kia phải ki cóp 5 năm trời. Từ đó, Thủy từ bỏ dần những cơn khát mua sắm, và giản dị lúc nào không biết.

Đống đồ hiệu giờ chất đống trong nhà, thỉnh thoảng Thủy phải nhờ người giúp việc giặt là cho khỏi mốc. Đồ cô dùng thời điểm này bình thường như tất cả các phụ nữ văn phòng khác.

Thay vì đến nhà hàng thưởng thức những bát súp giá cả nghìn đô la, Thủy bây giờ xả hơi bằng việc đọc sách và chơi với con. Khi nào mệt thì vào nhà tắm, xả nước, ngâm mình trong hương tinh dầu và nghe nhạc.

Những thú vui đắt tiền còn sót lại chỉ dành cho laptop và điện thoại. Thủy bảo, cô không cưỡng lại được lòng đam mê công nghệ. Có một sản phẩm đời mới ra lò thế nào cũng lùng mua bằng được.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.