Người Tây Sơn nói về 'Tây Sơn hào kiệt'

Người Tây Sơn nói về 'Tây Sơn hào kiệt'
TP - Từng có phim "Tây Sơn hiệp khách" nói về phong trào Tây Sơn cùng ba anh em họ Nguyễn nhưng xem ra không ồn ào bằng lần này. 
Người Tây Sơn nói về 'Tây Sơn hào kiệt' ảnh 1
Lính Tây Sơn do William Alexander vẽ năm 1793

Ồn ào bởi nhà sản xuất quảng bá, báo chí ầm ĩ, người Bình Định vỗ tay. Từ 20- 31/3, đoàn làm phim Lý Huỳnh về Bình Định khởi quay. Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn là nơi đoàn phim dừng chân và bấm máy khá nhiều.

Ông Trần Xuân Cảnh, phó giám đốc bảo tàng, nói:

“Phim đang quay, sao biết dở hay. Nó chạm đúng niềm tự hào lâu nay của dân Bình Định, nên được hưởng ứng mạnh. Thói thường làm phim tư nhân là anh tự bỏ tiền ra làm, thuê hết.

Đằng này họ được tỉnh hỗ trợ tối đa từ ăn ở đến đi lại, nhất là huy động diễn viên quần chúng. Gần ngàn sinh viên Đại học Qui Nhơn, trường Năng khiếu TDTT tỉnh, đội trống và võ sĩ của bảo tàng Quang Trung, học sinh trường THPT Tây Sơn, An Nhơn tham gia đóng.

Đông nhất là buổi dâng hương, dân kéo đến hàng ngàn người. Chúng tôi mời cả đội cồng chiêng của đồng bào thiểu số ở  Vĩnh An về đánh tại nhà rông ở bảo tàng, khi quay cảnh Quang Trung thắng trận”.

NSƯT Lý Huỳnh, tổng đạo diễn, cho báo chí biết, đoàn phim huy động khoảng 14 ngàn binh khí, 22 ngàn diễn viên quần chúng, 200 võ sư, 120 cascadeur, 100 voi chiến, 100 ngựa đua, 2.000 binh khí, 10 khẩu súng thần công…

Đạo cụ trong phim Việt Nam thường rất kém? Ông Cảnh nói : “Đấy, mấy cây súng thần công bằng gỗ, họ đóng xong, tặng luôn cho chúng tôi. Họ lấy mẫu từ khẩu thần công đang nằm ở đây”.

Quân Tây Sơn, lúc khởi binh, nhiều người là đồng bào Ba Na vùng Bình Khê, giỏi cưỡi ngựa, vậy cảnh ngựa ra sao?

Ông Cảnh cười rân: “Ngựa gì đâu. Không biết khi quay ở Bình Dương thế nào, chứ ở đây họ xuống An Nhơn thuê hai con ngựa về cột làm cảnh cho vui. Ngựa cưỡi được phải là ngựa lớn ở trường đua Phú Thọ trong Sài Gòn. Ngựa đây toàn thứ như con bê, trèo lên là nó quẹo lưng liền. Tất nhiên kỹ xảo sẽ giúp nó hoành tráng lên”.

Theo báo Bình Dương, diễn viên Lý Hùng cho biết , để làm Tây Sơn hào kiệt, họ bỏ một tỷ đồng may trang phục, tham khảo tư liệu trang phục quân Tây Sơn, nhà Nguyễn, Mãn Thanh, quyết không mượn đồ bên cải lương, lai Tàu.

Các  cảnh quay tại Tây Sơn, quân lính của Nguyễn Huệ mặc áo quần nâu sồng, đầu cũng quấn khăn nâu. Ông Nguyễn Đình Lương, trú tại thị trấn Phú Phong-Tây Sơn, lắc đầu :

“Hãy nhớ rằng quân Tây Sơn lúc mới dấy binh hầu hết là nông dân, Kinh có, Ba Na có.  Hoàng Lê Nhất Thống Chí gọi họ là Xích Mao, từ dưới đất đội lên, từ trên trời rơi xuống, làm gì có đồng phục. Làm sao có cảnh mặc như ni cô mang nhang đi bán được”.

Một đội quân bách chiến bách thắng mà ăn mặc như đám quân ô hợp thì dễ gây phản cảm. Nhưng nếu lịch sử đòi phải đúng? Không biết phim này đúng đến đâu.

Đặc biệt, tôi tìm được một bức tranh vẽ chân dung một lính Tây Sơn, do William Alexander vẽ năm 1793 (xem tranh). Đó là lính mặc như người Đàng Trong, đầu quấn khăn to, quần ngắn, và đi chân đất (chứ không phải mặc đồ màu đà, đội khăn màu đà và đi giày vải như trong Tây Sơn hào kiệt)…

Ông Phạm Cao Viết Hiền
Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Sử học Bình Định, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.