Người tốt Nhật Bản

Người tốt Nhật Bản
TP - Diễn viên Nhật cảm ơn khán giả Hà Nội sau buổi diễn "Người tốt Tứ Xuyên" đang được nghệ sỹ Nhật Bản lưu diễn xuyên Việt: “Các bạn thật dũng cảm khi ngồi đến cùng”.
Người tốt Nhật Bản ảnh 1
Buổi trình diễn Người tốt ở Tứ Xuyên ở Hà Nội của các nghệ sĩ Nhật

Vở kéo dài gần hai tiếng rưỡi, không giải lao, kịch của tác giả người Đức Bertolt Brecht lại đa tầng nghĩa. Đến xem hai suất diễn của đoàn Tokyo Engeki tại Nhà hát Tuổi trẻ tối 27/2 và chiều 28/2 vừa qua phần lớn là những người yêu sân khấu. Không một tiếng tí tách. Không một tiếng trẻ con.

Sàn diễn bày một bục gỗ lổn nhổn, bối cảnh không thay đổi qua các màn, từ đầu đến cuối vẫn cái cầu thang, vài giá gỗ nhỏ và dăm ba cây cối. Xên-tê có một tiệm thuốc lá trong ngôi nhà bé cô thuê.

Gặp người nghèo khó, cô đều giúp đỡ và cho họ ở trong nhà. Những người nghèo ấy cứ ỷ lại lòng tốt của Xên-tê, khiến cô phải thu hẹp nhu cầu của mình, thậm chí bán mình để giúp người nghèo.

Người tốt Nhật Bản ảnh 2

Rồi Xên-tê gặp Yan Xun- phi công giỏi nhưng không có tiền để lái máy bay. Xên-tê vay mượn và sang nhượng cửa hàng thuốc lá với giá rẻ hòng giúp người yêu thỏa mãn ước mơ bay, “bay qua những khổ cực này, bay qua tất cả chúng ta”.

Cô phải sống cạnh chuồng gia súc vì không còn cửa hàng, nhà cửa và nhận ra Yan Xun chẳng yêu mình. Cô đóng giả Xui-ta, vờ là anh họ của Xên-tê đến giúp, vực lại cửa hàng thuốc lá, đưa nó trở thành nhà máy.

Đạo diễn T.Hirowatari là nghệ sỹ tiên phong về biểu diễn kịch B.Brecht ở Nhật Bản với phong cách độc đáo. Ông dựng nhiều vở của Brecht, Chekhov và luôn nhắc nhở nghệ sỹ trẻ “Biểu diễn chính là cách sống của diễn viên”. Sau khi ông qua đời, đoàn kịch với khoảng 70 thành viên đang tiếp nối sự nghiệp sân khấu của ông.

Người nghèo vẫn nhớ Xên-tê, nghi ngờ sự biến mất của cô. Họ phát hiện trong nhà kho có tiếng khóc và tố cáo Xui-ta hãm hại Xên-tê. Ra tòa, Xui-ta thú nhận mình chính là Xên-tê.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, càng xem càng ngấm thông điệp của Brecht. Người tốt là người mà trong khó khăn càng sáng chói phẩm chất nhân văn. Và muốn thoát nghèo, đôi khi phải vờ như không còn lòng tốt nữa.

Người tốt cũng là người dám thoát khỏi hoàn cảnh cơ cực. Các vị thần luôn đi tìm người tốt để thế giới này tồn tại. Tưởng tuyệt vọng, nhưng, lòng tốt không mất đi ở thế giới loài người, nó chỉ lẩn khuất đâu đó chờ dịp tỏa sáng.

Đoàn Tokyo Engeki chủ ý không nâng cảnh xúc động tới mức phải thổn thức. Họ diễn tiết chế, tỉnh táo. Nghệ sỹ vừa diễn vừa hát. Những ca khúc Nhật hoặc đoạn thơ ngắn khép lại một cảnh để mở ra những mâu thuẫn mới dẫn vào cao trào.

Sự xuất sắc của Kuwahara làm nên phần lớn thành công của vở kịch. Mình cô đảm nhận hai vai Xên-tê và Xui-ta, hành động và độc thoại liên tục, những khoảng lặng chưa đầy một phút kịp đủ cho cô thay phục trang.

Khán giả có màn hình phụ đề hai bên cánh gà, may là ba câu tiếng Nhật bằng một câu tiếng Việt nên thoải mái đọc, hiểu. Thi thoảng, nghệ sỹ xứ anh đào lại đệm mấy câu tiếng Việt: Hết tiền rồi, Người tốt mà không giúp tôi sao…, tạm dỡ bỏ không khí căng như dây đàn.

Bà Sawako Shiga- trưởng đoàn kịch Tokyo Engeki, cho biết, năm 1996, đoàn sang Việt Nam biểu diễn vở Okinawa tại Hà Nội và TPHCM, được khán giả nồng nhiệt đón xem và cảm nhận được tư tưởng của tác phẩm.

“Lúc đó, tôi là diễn viên chính đóng vai Haide. Tôi rất xúc động và coi đó là kỷ niệm quý báu đối với sự nghiệp của mình”, bà Shiga nói. Đoàn Tokyo Engeki dựng lại vở Người tốt Tứ Xuyên trên cơ sở vở diễn đầu tiên năm 1981. Vở kịch vẫn lưu diễn khắp nước Nhật, trong đó có nhiều buổi dành riêng cho khán giả trẻ.

Người tốt Tứ Xuyên của đoàn Nhật Bản thành công vì họ diễn tiết chế, gọn và lồng ghép yếu tố truyền thống của kịch Noh. 10 năm trước, Nhà hát Tuổi Trẻ dựng Người tốt Tứ Xuyên, NSƯT Minh Hằng vào hai vai. Nhưng so với đoàn Nhật, vở của chúng tôi không thể bằng, vì chưa tìm ra chìa khóa để vở tiếp cận khán giả một cách nhanh nhất. Người tốt Tứ Xuyên của Nhà hát Tuổi trẻ quá dài và quá tây.

MỚI - NÓNG