Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007:

Người trẻ gìn giữ di sản thế giới

Người trẻ gìn giữ di sản thế giới
TP- Tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lần thứ I có hàng trăm diễn viên, nghệ nhân tuổi dưới 30 thuộc lớp nghệ nhân trẻ đã được truyền dạy mọi tinh hoa nhằm duy trì sức sống vĩnh hằng cho cồng chiêng.
Người trẻ gìn giữ di sản thế giới ảnh 1
Voi diễu hành qua phố  ở Buôn Ma Thuột

Đăk Lăk quy tụ tới 44 dân tộc anh em sinh sống. Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên lần thứ I là dịp hội ngộ hiếm có cho 24 đội chiêng của 22 dân tộc đến từ 13 tỉnh thành khắp Trung-Nam-Bắc cùng trình diễn, giới thiệu phong tục tập quán và những kỹ thuật sử dụng cồng chiêng đặc sắc nhất của dân tộc mình.

Đặc biệt còn có sự tham gia của đoàn nghệ nhân Chăm Pa Xắc - Lào và đoàn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc

Từ sắc trang phục trắng đen thanh thoát của những cô gái Mường trong bài chiêng nhẹ nhàng như tiếng mưa xuân tên Phát Rát “Chúc mừng năm mới” ; Sắc đỏ đen áo khố mạnh mẽ của những chàng trai Ê Đê trong điệu chiêng sôi động  Iêu Wit Hgum “gọi về sum họp”.

Sắc vàng nghiêm trang của người Khơ Me, sắc xanh tươi trẻ của dân tộc Jarai v.v... Màu sắc rực rỡ và các điệu chiêng hùng tráng nối nhau như thổi sức sống sôi động không ngớt cho trung tâm TP Buôn Ma Thuột, nơi phục dựng lại những lễ hội đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên trong các ngày diễn ra Festival từ 21-24/11. 

Tại Quảng trường thành phố, sáng ngày 22/11, đông đảo quan khách cùng chứng kiến lễ cúng voi ly kỳ do dũng sỹ săn voi Y Phim và các Pơyao (thầy cúng) dân tộc M’nông huyện Lăk thực hiện.

Lễ ăn cơm mới của người Xê Đăng thể hiện tinh thần hiếu khách của đồng bào Tây Nguyên với việc mời khách quý thưởng thức các món ăn độc đáo đậm hương vị rừng núi Tây Nguyên, với cơm lam thịt nướng trong ống nứa, lá bép ngọt và đọt mây đắng.

Sau khi xem nghệ nhân biểu diễn chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm, dạy đánh chiêng v.v… tại quảng trường, quan khách và đồng bào được mời đến buôn Kõ D’hông nơi cồng chiêng thể hiện rõ hơn giá trị kiệt tác nhân loại nhờ được đặt trong không gian nhà dài bên bến nước rừng cây.

Du khách sẽ hiểu sâu hơn về nếp sống gia đình ấm áp mà vẫn “riêng tư” của người dân Tây Nguyên qua các lễ “Cúng sức khỏe”, “Cúng bếp lửa”, “Cầu lửa”, “Lễ tạ ơn trời đất” v.v…

Tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lần thứ I có hàng trăm diễn viên, nghệ nhân tuổi dưới 30. Đây là lớp nghệ nhân trẻ đã được các bậc già làng trưởng bản đặt niềm tin và nỗ lực truyền dạy lại mọi tinh hoa nhằm duy trì sức sống vĩnh hằng cho cồng chiêng.

Hồ Thị Nhung, 20 tuổi, dân tộc Pakô đến từ bản A Vương xã Tà Rụt huyện Đăk Rông tỉnh Quảng Trị trong đội chiêng gồm 9 người. Nhung đến với cồng chiêng năm 16 tuổi do người chú ruột là Ka Ray Sứt cũng là một thành viên trong đoàn dẫn dắt. Nhung có 1 đứa con chưa thôi nôi, nhưng chồng Nhung nghe nói đến Festival văn hóa cồng chiêng đã động viên vợ luyện tập tham gia.

Trẻ và lạ nhất là đội chiêng nữ trẻ dân tộc Ê Đê Bih đến từ buôn Trấp huyện Krông Ana tỉnh Đăk Lăk. Tuổi trung bình của đội chiêng nữ này là 14, trong đó có nhiều “nghệ nhân” mới 16 tuổi đã có kinh nghiệm tham gia nhiều liên hoan lớn trong và ngoài tỉnh.

H’Rita, “nghệ nhân” 12 tuổi xúc động được đánh chiêng cùng các chị trình diễn trong đêm hội lớn, thổ lộ: Em rất thích học và siêng học đánh chiêng không chỉ vì điệu chiêng của buôn em rất hay. Dì em là H’Tung  hầu như năm nào cũng được cùng đội chiêng đi Hà Nội, Sài Gòn, thậm chí nhiều lần ra nước ngoài biểu diễn. Em muốn được như dì, mang bản sắc của dân tộc mình đi giao lưu khắp nơi.

Nghệ nhân H’Rim, người đã tập luyện và dẫn dắt đội chiêng nữ buôn Trấp tự hào vì nhánh dân tộc Ê Đê Bih của bà tuy chỉ có khoảng vài ngàn người sống ở mấy buôn ven dòng sông Krông Ana, nhưng vẫn giữ được sắc thái độc đáo cho văn hóa cồng chiêng, nhờ những ngày hội tôn vinh văn hóa cồng chiêng mà nhà nước ta đã liên tục tổ chức trong suốt những năm qua.

Trước khi Festival khai mạc, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã kịp mở cửa “Triển lãm Không gian Văn hóa cồng chiêng Việt Nam” trưng bày 600 tài liệu, hiện vật  giới thiệu về không gian văn hóa cồng chiêng của tất cả các dân tộc cư trú trên 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Trong 4 ngày cao điểm của Festival, chương trình lễ hội dày đặc: Diễu hành voi và xe hoa, triển lãm nghệ thuật điêu khắc gỗ, ra mắt bộ tem đặc biệt về cồng chiêng, lễ hội đường phố và trò chơi dân gian; các chương trình nghệ thuật “Đêm huyền diệu”, “Âm vang Tây Nguyên”, “Tây Nguyên cội nguồn” 

MỚI - NÓNG