Người trẻ vẫn làm được phim về chiến tranh bằng cách riêng

Người trẻ vẫn làm được phim về chiến tranh bằng cách riêng
TP - "Mười ba bến nước" là tên bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sương Nguyệt Minh do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện.

Trong khoảng thời gian khá dài, chỉ một vài tác phẩm văn chương về chiến tranh được chuyển thể thành phim. Hiện thực này nói lên một điều: Các nhà làm phim về chiến tranh chưa mặn mà với Văn học chiến tranh; hay Văn học chiến tranh không có nhiều  tác phẩm đáp ứng yêu cầu để có thể chuyển thành ngôn ngữ điện ảnh?

Chúng tôi đã trò chuyện với nhà văn Sương Nguyệt Minh -  một nhà văn từng có tới 4 tác phẩm văn học được dựng thành phim - về việc làm phim về chiến tranh trong bối cảnh hiện nay.

Mới chỉ chọn góc nhìn hiện thực?

PV: Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh, trước tiên xin ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi truyện ngắn Mười ba bến nước được Điện ảnh Quân đội nhân dân chuyển thể lên phim?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Kịch bản phim Mười ba bến nước do nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Anh Nông và sau đó là nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền thực hiện bắt đầu từ sự yêu mến truyện ngắn của tôi. Tôi thật sự mừng. Cũng như âm nhạc chắp cánh cho thơ. Tôi thành thực cảm ơn Điện ảnh Quân đội thêm một lần chắp cho truyện ngắn Mười ba bến nước bay xa.

 "Làm phim về chiến tranh thường là tốn kém. Tôi đề xuất làm khác đi.

Ví dụ: Tiền ít thì nên kể một câu chuyện nghệ thuật trên phim của một tổ chốt 3 người đánh nhau với địch và đan xen vào thân phận người lính; hơn là cũng số tiền ấy mà làm một bộ phim với nhiều tuyến nhân vật, với những đại cảnh hoành tráng. Để rồi mũ sắt cần vài ngàn chỉ sắm được vài chục.

Công sự, chiến hào nham nhở, lở loét, tơi tả… cả quả đồi, cả cánh rừng thì họa sỹ chỉ phục dựng được một đoạn ngắn, một góc nhỏ tin  hin căng bạt dã chiến mới tinh khôi. Xe tăng, đại bác bốn năm chục thì chỉ huy động được vài ba cái mà bắn lại đì đùng, rời rạc. Khói lửa ngút trời thì chỉ đốt được như trẻ con hun chuột đồng…vv…

Liệu bò lo chuồng, liệu cơm gắp mắm thì nhà sản xuất phải tính từ lúc mua kịch bản".

Sau khi hoàn thành, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã mời ông “bóc tem, xem trước trước” bộ phim, trước khi công chiếu rộng rãi. Xét về tổng thể thì “đứa con tinh thần” của ông sau khi lên phim, nó hoàn hảo hay èo uột?

Nó chưa thực sự thỏa mãn mong muốn của tôi; nhưng nó cũng chẳng đến mức èo uột, què quặt, và nó cũng không phải loại phim làng nhàng đang đầy rẫy trên ti vi. Tôi thấy Mười ba bến nước là phim khá. Đừng mong gì hơn trong tình hình làm phim hiện nay ở Việt Nam.

Tôi đọc truyện ngắn Mười ba bến nước thấy nhiều hình ảnh hoành tráng, huyền ảo.

Ví dụ  như trên dòng sông mênh mông rợn ngợp, có vô vàn bè chuối nhung nhúc vây quanh cái đò hệt như trong phim Tam quốc diễn nghĩa...; cảnh thuyền lập lòe ánh lửa chở hũ sành đựng quái thai do chất độc màu da cam; rồi cảnh Thuồng luồng ngực, tóc, mặt... là người, chân tay có màng như chân ếch...; có nghĩa là yếu tố kỳ ảo rất đậm đặc.

Nhưng, ở phim Mười ba bến nước thì hoàn toàn vắng bóng.  Ông có nghĩ như vậy sẽ  ảnh hưởng sự hấp dẫn và  giá trị của tác phẩm?

Tôi rất tiếc, vì những yếu tố kỳ ảo đã không được đưa lên phim. Điều này, có thể do kinh phí không đủ để thực hiện. Cũng có thể do tác giả kịch bản Nguyễn Anh Nông và đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền không làm nổi; hoặc ngay từ ý đồ làm phim họ đã không chủ trương huyền ảo hóa hiện thực. Các anh chị  ấy chỉ chọn một góc hiện thực để phản ánh một cách nhìn chiến tranh.

Phim Mười ba bến nước được thực hiện bởi một ê-kíp (từ đạo diễn đến diễn viên) đang còn rất trẻ tuổi, chưa kinh qua chiến tranh cũng như kinh nghiệm làm phim về chiến tranh. Ông có tin rằng họ sẽ làm cho ông được “nở mày, nở mặt” qua bộ phim “không tiếng súng” này?

Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền sinh năm 1980, chị rất trẻ. Nhưng, tôi nghĩ, có thể làm một phim không có tiếng súng, không khói lửa, không xe tăng, đại bác… mà vẫn ra phim chiến tranh.

Đi vào thân phận con người thời hậu chiến, như phim Mười ba bến nước này là một ví dụ. Các nhà văn trẻ, đạo diễn trẻ vẫn có thể tiếp cận và nhìn chiến tranh, viết và làm phim về chiến tranh bằng cách riêng của mình, mà không cần phải đi qua trận mạc. Tôi mừng và hy vọng vào những người rất trẻ ấy.

Theo ông, những cái không (hoặc chưa) làm được trong bộ phim này là do thiếu kinh phí, do trình độ cảm thụ văn chương, cách nhìn chiến tranh hay do mặt kỹ xảo, tạo dựng bối cảnh của những người làm phim trẻ chưa tốt?

Thiếu kinh phí thì đã rõ rồi. Nhưng, theo tôi, phim có những cảnh xem xong rất ấn tượng, xúc động. Có ông đại tá tóc muối tiêu xem, có cô công vụ xem mà chảy nước mắt. Nhưng, lại thiếu trường đoạn gây ám ảnh. Ví dụ: Rất nên có đặc tả, cận cảnh quái thai, dị dạng…

Đừng nghĩ, cứ lên phim là hình phải đẹp mới là nhân văn. Đây là phim truyện thì dùng ngay mô týp cái ác, hình ảnh cái xấu…, trong một không gian nghệ thuật như một thông điệp, gióng hồi chuông cảnh báo, tố cáo sự tàn bạo, cũng là nhân văn chứ.

Chúng ta nên đứng ở nhiều vị trí mà nhìn về chiến tranh, chắc chắn sẽ chọn ra một cách nhìn nhân văn nhất và làm phim về chiến tranh sẽ thật hơn. Theo tôi, không có gì mà phải né tránh cái sự khốc liệt trong chiến tranh, cái sự đau đớn thời hậu chiến?!

Kho tàng đồ sộ mà các nhà làm phim không biết khai thác

Nhân đây cũng xin lạm bàn cùng ông về đề tài phim chiến tranh được chuyển thể từ tác phẩm văn học ở nước ta hiện nay. Theo đó, ông có thấy các đạo diễn phim Việt Nam đã biết cách khai thác một cách sáng tạo “cái kho vô tận” của văn học viết về đề tài chiến tranh Việt Nam cho phim ảnh hay chưa?

Trong thời gian gần đây, chỉ có truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương chuyển thể thành phim Đời cát, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (bây giờ vẫn chưa bấm máy) và truyện ngắn Mười ba bến nước của nhà văn Sương Nguyệt Minh về đề tài chiến tranh được chuyển thể thành phim.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chưa! Có khi một bài thơ, một chi tiết truyện ngắn về chiến tranh cũng gợi ý hình thành 1 kịch bản hay.

Cái kho tàng văn học chiến tranh đồ sộ lắm mà các nhà làm phim không biết hoặc không muốn khai thác.

Đến như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh rất hay, dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mà các đạo diễn Việt Nam cũng chẳng mặn mà lắm. Cuối cùng quyền làm phim lại thuộc về một đạo diễn người Mỹ. 

Ông có nghĩ, phim chiến tranh ở Việt Nam thời nay tốt nhất là tập trung vào số phận con người trong chiến tranh và hậu chiến kiểu như... Mười ba bến nước sẽ không những tránh được hạn chế của phim chiến tranh mà còn hướng người xem đến tính nhân loại và nhân văn hơn?

Không nhất thiết phải như thế! Cũng như văn học chiến tranh, có truyện ngắn, có thơ thì phải có trường ca, có tiểu thuyết sử thi; có tác phẩm chỉ dựng số phận một con người sau chiến tranh thì vẫn có tác phẩm dựng cả một thời đại với một hệ thống nhân vật phức tạp, phong phú, sinh động.

Có điều kiện, có nhân tài vật lực thì cứ làm phim sử thi hoành tráng chứ. Không có điều kiện thì phải tạo ra điều kiện tốt để làm; điều này không chỉ riêng ngành điện ảnh mà cả xã hội cùng chung tay góp sức.

Tôi nghĩ: Bộ Quốc phòng đã và đang tổ chức Dự án Tiểu thuyết Sử thi thì cũng nên đầu tư thực hiện Dự án Phim truyện Sử thi; không phải cho một phim mà nhiều phim.

Xin cảm ơn nhà văn!

Huy Thông
Thực hiện

MỚI - NÓNG