Người Việt bắt đầu dám nói

Người Việt bắt đầu dám nói
TP - "Chịu thương chịu khó, lao động cần cù- nhưng không bền. Khéo tay, học nhanh, nhưng hình như không kiên định để đi sâu vào cái gì…" - Dịch giả Thúy Toàn nhận xét về tính cách của người Việt.
Người Việt bắt đầu dám nói ảnh 1
Tính cách của người dân cũng là một yếu tố giữ chân khách du lịch Ảnh: Hồng Vĩnh

Tôi có nhiều anh bạn Mông Cổ thường xuyên sang đây. Thí dụ anh D. -Chủ tịch Hội Mông Cổ -VN, học ở trường Tổng hợp. Nhận xét của họ đối với người VN nói chung và người Hà Nội nói riêng là: Cởi mở, dễ tiếp xúc.

Anh ấy gặp nhiều người VN rất chân thành trong giới trí thức, giúp đỡ anh ấy nhiều mặt. Có điều anh thấy, hình như phải ở lâu thì người VN mới bộc lộ hết cái thật.

Anh ta lấy vợ VN, thấy các cô gái VN rất dịu dàng nhưng bảo vệ quyền lợi của mình rất ghê. Khi sống với nhau mới lộ vẻ… đanh đá chứ không đơn giản.

Người nước ngoài khi lấy vợ VN chứng tỏ đã chịu, thậm chí thích tính cách phụ nữ như thế?

Nhưng quá mức thì đàn ông phải bỏ vợ (cười). Đấy là điều chị em mình cũng phải rút kinh nghiệm chứ.

Còn nói chung, người Nga thấy người mình có trước có sau. Có những bà giáo dạy chúng tôi từ nửa thế kỷ nay, anh em học ở Nga về vẫn nhớ. Thư từ thì không có, người VN có một giai đoạn viết thư ra nước ngoài là cấm kỵ, sau thành thói quen trong giao tiếp.

Nhưng có dịp, học trò cũ lại nhớ đến thầy. Ví dụ anh em lớp chúng tôi đi học tiếng Nga từ năm 1954, đến giờ, có những anh làm đến Đại sứ, Phó Thủ tướng… vẫn đối với các bà giáo hết sức trân trọng.

Những điều đó theo tôi nên khuyến khích để lớp học sinh sau này giữ lấy. Người VN không dễ quên đâu...

Người mình hơi phóng khoáng trong cư xử hàng ngày nên hình như không để ý pháp luật lắm. Trong ứng xử cũng không có kỷ luật, hình như không tôn trọng cái nếp đã hứa là phải làm.

Nhiều khi rất vô tư, đến muộn không xin lỗi gì cả. Hoặc hẹn người ta 4 giờ nhưng 3 giờ đã tồng tộc đến rồi. Đối với người châu Âu, đến sớm chưa hẳn đã hay.

Tiếp xúc với bạn bè nhiều nước, ông có thấy họ có khi cũng có những thói tật như ta chứ?

Người Mông Cổ chẳng hạn cũng thoải mái, nghĩa là họ cũng hay quên như ta. Chứ còn với người châu Âu sự quên là kiêng kỵ. Người Á châu có thể gần mình hơn về cách sống nông dân. Đấy là sự khác biệt.

Người nước ngoài có tinh thần tự phê, tự chỉ ra những thói xấu của họ… như ta không?

Người Nga khi nổi nóng, họ nói thẳng, và người ta dám công nhận cái sai của bản thân. Người Trung Quốc thì rất khéo léo, mình không biết họ đồng ý với mình đến mức nào, lúc nào cũng thấy họ rất xởi lởi, niềm nở. Chính cái đấy lại gây khó xử.

Bản thân tôi, tiếp xúc nhiều cho nên mình giữ gìn, mình biết. Nhưng ví dụ trong một đoàn tham quan thì rất khó xử, vì người mình nhiều khi rất hồn nhiên, cứ thấy người khác cười tưởng là mọi cái đâu vào đấy.

Và ngược lại đối với người Âu, như Nga chẳng hạn, khi họ thẳng thừng thì mình lại hay phản ứng, coi như họ khinh mình… Không phải. Họ rất nóng, rất bực nhưng sau đó thì thôi.

Nếu hiểu như thế thì mọi chuyện đơn giản. Nhưng kiểu của mình hay để bụng thành thử dễ hậm hực với người ta.

Những nước nào ngoài Trung Quốc có phong trào chỉ ra thói hư tật xấu của bản thân?

Các nước họ cũng cười nhạo nhau chứ. Ví dụ những chuyện tiếu lâm về các lãnh tụ của Nga, về những anh Nga lẩm cẩm…

Theo ông, phẩm chất đáng tự hào hơn cả của người VN là những gì?

Chịu thương chịu khó, lao động cần cù- nhưng không bền. Khéo tay, học nhanh, nhưng hình như không kiên định để đi sâu vào cái gì…

Sự đoàn kết của mình hình như không thể hiện rõ lắm. Ở những nơi có tổ chức như chợ của người VN, thì người VN thường lảng nhau, không như anh Trung Quốc.

Tôi cũng nghe phàn nàn một số nơi này nơi kia, khi có sự xảy ra, cơ quan đoàn thể của mình hình như hơi thờ ơ, giữ quan hệ ngoại giao, không dám can thiệp, để tự dân lo với nhau.

Ông thấy người Việt bây giờ so với thế hệ trước có gì tiến bộ?

Sự học hỏi tinh hơn, chọn lọc hơn. Lớp trẻ thông minh hơn, biết nhiều hơn, chộp được ngay những cái mới. Nhưng chúng tôi hơn lớp trẻ ở chỗ, đã học- cố gắng học đến nơi đến chốn.

Lớp trẻ bây giờ luôn phải cập nhật cái mới thành thử hay quên cái mình vừa bắt đầu, ngay cả tình bạn cũng thế. Ngay trong giới văn học mà nói, thế giới người ta có những tấm gương bạn văn chí cốt, chúng ta cũng từng có như anh Diệu với anh Cận (Xuân Diệu- Huy Cận)…

Bây giờ cũng có nhóm này nhóm kia đi với nhau, nhưng nâng đỡ nhau không có nghĩa là tâng bốc nhau. Bây giờ có một xu hướng hình như là… kéo cánh ấy!

Cụ thể hơn, từ thời mở cửa chẳng hạn, ông thấy tính cách Việt  có gì khá lên?

Bắt đầu dám nói. Đấy tôi cho là một cái được. Một mặt sự dám nói đó nhiều khi thái quá, động chạm. Nhưng dám nói tức là dám bộc lộ cái tôi, thì tôi cho là một phẩm chất đáng khuyến khích chứ không nên hạn chế.

Nên uốn nắn ở chỗ vẫn giữ được trên dưới, trước sau. Lớp trẻ dám nói, chứ còn lớp chúng tôi nói gì thì nói vẫn cứ phải cân nhắc. Vẫn còn sợ bóng gió. Vẫn còn e ngại cái này cái kia. Cái gọi là giải phóng cái tôi của mình còn hạn chế.

Hãy suy nghĩ về bản thân

Rất hoan nghênh báo Tiền phong mở diễn đàn này, tôi nghĩ rằng thói hư tật xấu thì ở đâu cũng có, nước nào cũng có, nhiều hay ít, tính chất như thế nào phụ thuộc vào văn hoá của mỗi nước.

Tất nhiên bên cạnh thói xấu, người Việt cũng có rất nhiều nét văn hóa đẹp. Tôi mong mọi người hãy suy nghĩ về bản thân mình. Từ hôm tôi góp ý kiến trên diễn đàn tự nhiên tôi thấy trong người mình cũng có lúc thực hiện những thói xấu như vậy.

Mọi người hãy sống thật với bản thân, suy nghĩ học hỏi lối sống tốt, sống có ý thức ngay từ ngày hôm nay và góp ý tuyên truyền với những người bên cạnh...

Không tin người hơn mình

Bản năng của con người là tự vệ. Người Việt ta bao đời nay vất vả mưu sinh, sống rất khổ. Những người giàu thì bao phen khổ sở, có khi đến cùng cực mà ít người khác biết, người nghèo lại an phận...

Khi thấy ai hơn mình, tâm lý chung là “không tin” sự hơn đó là đàng hoàng, minh bạch, nên tìm nhiều cách giải thích kiểu nghi ngờ thành ra nói xấu, bới móc, lấn lướt nhau...

Sức lực có hạn và rất tự trọng nên khó nhờ vả nhau. Trừ khi cấp bách hay bất khả kháng thì mới chấp nhận nhờ nhau, cùng nhau đoàn kết vượt qua hoạn nạn.

Chúng ta phải làm thế nào phát huy tính tốt này - đoàn kết, giúp nhau, nhường nhau, tin nhau để cùng vượt qua hoạn nạn chung ? Về bản chất, người VN không xấu. Có chăng các thể hiện lâu nay là hệ quả của sự mất cơ bản của cuộc sống trung bình ?

Không soi gương, làm sao thấy vết nhọ?

Từ lâu, tôi luôn trăn trở sao người Việt mình không có một cuốn sách như “Người Trung Quốc xấu xí” mạnh dạn xuất bản rộng rãi ? Phải chăng, cái dở của mình là “tốt khoe, xấu che” tự dối mình và dối thiên hạ? Như Bác Hồ đã ví, nếu trên mặt có vết nhọ mà không chịu soi gương để thấy, thì làm sao biết mà đi rửa mặt? 

Kể về những phẩm chất tốt đẹp của người Việt e rằng phải có những tập sách dày.Tuy nhiên cũng có (rất nhiều) những cái xấu, cái dở mà trong thời đại công nghiệp hoá, toàn cầu hoá, nó làm mình mắc cỡ với bè bạn muôn nơi.

Trước tiên là ý thức cộng đồng, quan hệ cá nhân và cộng đồng . Ca dao tục ngữ thành ngữ có những câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” “Chị ngã em nâng”, “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…

Nhưng cạnh đó là: “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” “Trâu chậm uống nước đục” “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”…Mặc dù một số câu hàm ý phê phán nhưng thực tế lại là phương châm sống của nhiều người. 

Cho nên khi ra sinh sống làm ăn ở nước ngoài, khác với cộng đồng người Hoa thì cộng đồng người Việt thường mạnh ai nấy sống, ai giàu lên thì giữ kín “bí quyết” và còn tự hào mình giàu hơn đồng bào, thấy người khác nghèo thì khinh còn thấy người ta giàu hơn thành đạt hơn thì ghen tị.

Trong nước có những hiện tượng kỳ quặc không đâu có, như rải đinh trên đường, có khi gây tai nạn chết người chỉ vì mấy ngàn thu được từ công vá xe. Rồi cho hàn the, urê, phoóc môn vào thực phẩm.

Nông thôn nơi ngàn đời thấm đượm câu “Thương người như thể thương thân” thì nay có những luống rau “nhà ăn” an toàn, còn rau để bán thì phun thuốc bừa bãi, triệt để “Sống chết mặc bay”. Buồn thay, tâm lý đó đang có nguy cơ phổ biến lan rộng.

Trong khi tỷ phú nước ngoài chỉ đi xe hơi khiêm nhường thì ở ta, nhiều người đua nhau thay xe xịn, vì muốn hơn người. Nhà mình nhất định cao hơn hàng xóm, vay mượn để xây.

Tâm lý chung là thích phô trương cái tốt đẹp còn cái gì dở, xấu thì ém nhẹm, “đóng cửa trong nhà bảo nhau”.Tức là, cái đáng sợ (cái xấu) thì không sợ, lại sợ cái không đáng sợ (người ta biết). Hiểu sai về sĩ diện, về danh dự...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.