Người Việt đến Trung tâm Nghệ thuật Việt

Người Việt đến Trung tâm Nghệ thuật Việt
TP - Trung tâm Nghệ thuật VN - VAC đặt mục tiêu giới thiệu, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống VN, đồng thời khuyến khích sự phát triển của hội họa, âm nhạc, văn học, thời trang...

Những ai yêu thích hội họa ở HN đã có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối… với tranh tại quán cà phê của Trung tâm Nghệ thuật VN (VAC) mới khai trương tại 42 Yết Kiêu.

VAC khai trương mới đây bằng triển lãm Tre đỏ với sự xuất hiện của các họa sĩ Lê Anh Vân, Nguyễn Linh, Đỗ Minh Tâm, Nguyễn Ngọc Long, Trần Hồng Sơn…

Một Hội đồng Nghệ thuật gồm 4 họa sĩ: Lê Anh Vân (Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật HN), Lương Xuân Đoàn (Ban Văn hóa Tư tưởng T.Ư), Nguyễn Linh và Đỗ Minh Tâm sẽ cố vấn cho VAC (giám đốc là họa sĩ Đào Vũ) trong việc chọn tranh triển lãm sau này. Vậy nhưng hoạt động của VAC xem ra không chỉ dừng lại ở việc bày tranh.

Từ 7-13/8, VAC hợp tác với NXB Thế giới tổ chức tuần lễ đọc sách chủ đề Thời gian và tri thức. Các ấn phẩm tiếng Anh và tiếng Việt của NXB Thế giới được giới thiệu trong không gian sắp đặt của họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn.

Hàng ngày có các buổi nói chuyện về tác giả sách, về văn hóa Việt Nam, thư pháp, chèo, ca trù… Diễn giả: Hữu Ngọc, Mai Lý Quảng, nhà thư pháp Nguyễn Xuân Thắng, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, giám đốc NXB Thế giới Trần Đoàn Lâm...

Sinh viên các trường nghệ thuật diễn minh họa. Mọi người sẽ được đọc sách trong một không gian ấm cúng và thân thiện được thiết kế đặc biệt cho tuần này.

Hiện Trung tâm đang ấp ủ một kế hoạch hoành tráng cho dịp Trung thu, hướng đến đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng ngoại thành.

Để phục vụ những hoạt động phi lợi nhuận hướng đến cộng đồng như vậy, từ tháng 8, VAC sẽ tiến hành bán thẻ thành viên, ước tính 100 USD/năm, loại VIP sẽ đắt hơn. Các quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa Đan Mạch, Thụy Điển… cũng là nguồn kinh phí mà Trung tâm sẽ nhắm tới.

VAC còn là nơi những người muốn… uống nước có thể lui tới thường xuyên. Một quán cà phê nội thất gam nâu-đỏ của Quê gallery kề bên gian triển lãm.

Trên tường của quán treo tranh của “những người xuất sắc nhất trong lịch sử 80 năm của ĐH Mỹ thuật”- giới thiệu của chính chủ nhân bộ sưu tập. Tại đây, người ta có thể chiêm ngưỡng nguyên bản tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Văn Tỵ, Tạ Tỵ… “Thực đơn” tranh sẽ thay đổi lần lượt. 

Dãy nhà mà VAC đang tọa lạc nguyên là phòng triển lãm của ĐH Mỹ thuật - một năm vốn chỉ mở cửa đôi lần dịp triển lãm đầu Xuân hay nhân 20/11 - nay đã biến thành một không gian nghệ thuật liên hoàn sẵn sàng cho các cuộc chơi nghệ thuật quanh năm.

VAC cam kết hàng năm tổ chức 4 triển lãm cho thầy và trò ĐH Mỹ thuật, trao 5 suất học bổng cho SV. Về lĩnh vực hoạt động, VAC có nhiều điểm tương đồng với những L’Espace, Viện Goethe...

Khác chăng là được điều hành hoàn toàn bởi người Việt, đối tượng phục vụ trước tiên là người Việt. Cao vọng của những người sáng lập VAC là giới thiệu Nghệ thuật VN ra thế giới.

Trực thuộc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Nghệ thuật Tạo hình của ĐH Mỹ thuật- VAC biểu trưng cho khả năng thích ứng của ĐH Mỹ thuật trước đời sống sinh động của các loại hình nghệ thuật mới.

Bản thân VAC cũng đi theo mô hình của các Trung tâm Nghệ thuật hoạt động tương đối độc lập, nhưng không tách rời các trường ĐH về Mỹ thuật tại các nước phát triển như Thụy Điển, Đức, Mỹ, Thái Lan...

Họa sĩ, giảng viên khoa Hội họa Đỗ Minh Tâm cho biết, tới đây, trường của anh sẽ liên kết với một số trường nước ngoài để mở những khoa mới trên các lĩnh vực nhiếp ảnh, thiết kế, video-art, computer-art...

Và VAC sẽ là đầu ra gần nhất cho các tác phẩm nghệ thuật mới vốn ít có khả năng đem lại lợi nhuận kia. 

MỚI - NÓNG