Người viết vạn câu thơ về Bác

Người viết vạn câu thơ về Bác
TP- “Trong đời tui chỉ rơi nước mắt hai lần: Mẹ mất và Bác ra đi!”, cụ Nguyễn Đức Thanh - 83 tuổi, trú phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, tâm sự.

Cụ đã hoàn thành trường ca ba tập viết tay với hơn một vạn (chính xác là 12.000) câu thơ viết về Bác Hồ. Nằm viện cụ vẫn miệt mài viết gần 1.000 câu thơ.

Ăn cơm một mình vì mải...  làm thơ!

Một cụ già 83 tuổi, đang phải giành giật sự sống từng ngày với bệnh tật, nhưng với tấm lòng yêu kính Bác Hồ vô bờ bến, đã bỏ ra năm năm trời để viết trường ca hơn 12 ngàn câu thơ về Người. “Sống thêm một ngày là thêm những vần thơ, thêm những tình yêu và trong tim tôi luôn có bóng hình Bác”, cụ Thanh nói.

Cụ Nguyễn Đức Thanh sinh năm 1927 tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Thời gian ra Bắc tập kết, cụ làm Trưởng Phòng Quản lý học sinh miền Nam, khi đó mới được thành lập (năm 1960), có trách nhiệm quản lý việc đào tạo đến vài chục ngàn học sinh miền Nam lúc ấy. Vì lẽ đó, cụ Thanh đã nhiều lần được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện, khắc ghi trong tim những tình cảm và ấn tượng không thể phai mờ.

“Gặp Bác Hồ thì rất nhiều nhưng không được nói chuyện, còn gặp đúng nghĩa thì duy chỉ một lần ở Chương Mỹ - Hà Tây được trực tiếp sờ vào áo Bác, được nghe hơi thở của Bác và được chính bàn tay Bác xoa nhẹ trên đầu” - cụ Thanh nhớ lại. Sau đó, cụ vào chiến trường Bình Trị Thiên chiến đấu, bị thương tật ¾. Giải phóng, cụ về công tác tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình (cũ) đến 1988 thì nghỉ hưu, bắt đầu chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo do nhiễm phải chất độc da cam…

Cụ bắt tay làm “công trình thơ” này từ ngày 2/9/2005, tập thứ nhất có tên “Tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành”, tập thứ hai “Nguyễn Ái Quốc đi tìm hình nước”. Tập thứ ba với tiêu đề  “Hồ Chí Minh - người cha đẻ nước Việt Nam mới” cũng đã gần hoàn thành, nhưng còn rời từng trang chưa thể đóng thành tập. Bởi lẽ cụ viết trong hoàn cảnh hết sức éo le, nằm điều trị căn bệnh u trực tràng hơn hai tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng bệnh tình vẫn không bớt.

Trong cơn đau, cụ vẫn hóm hỉnh: “Tôi viết thơ về Bác theo kiểu “vội vàng” vì tôi biết sức khỏe của mình không còn nhiều. Khi viết thơ tôi thường quên mất cả bữa ăn chính. Cho nên đã 5 năm trời tôi thường ăn cơm một mình trong ngôi nhà đầy đủ vợ, con và cháu… Đơn giản vì mọi người không thể nhịn đói chờ tôi... làm xong thơ, trong lúc mạch cảm hứng của tôi đang dâng trào!”.

Trên 12.000 câu thơ được viết theo thể song thất lục bát. Nằm trên giường bệnh, cụ Thanh nhắm mắt ngâm lại mấy vần thơ đầu tiên viết về quê hương Làng Sen từ những ngày thơ ấu của Bác :

Núi Thiên Nhẫn mây đen vẩn đục

Dòng sông Lam uốn khúc màn buông

Đầm sen ngào ngạt tỏa hương

Làng chùa  mái rạ vấn vương khói chiều

Ngàn năm xây dựng cơ đồ

Nước non Đại Việt bây giờ nơi mô ?!”

Bản thảo được viết trên loại giấy một mặt của nhà máy nước Bình Định thải ra, đóng thành từng cuốn có số trang, có chú thích những từ ngữ địa phương rõ ràng.

Giành sự sống bằng thơ

Những năm tháng tuổi già sống chung với bệnh tật, với cụ Nguyễn Đức Thanh, tình yêu bao la của Bác chính là động lực để vượt qua những cơn đau bệnh triền miên. Khi quyết định viết trường ca về Bác, cụ dành dụm tiền lương hưu ít ỏi để mua những cuốn sách viết về Bác Hồ để tìm hiểu thêm, đối chiếu tìm ra những tư liệu chuẩn xác nhất. Và khi tiền đầu tư mua sách đã lên đến tiền triệu, tư liệu cũng đã hòm hòm, cụ Thanh bắt đầu sáng tác, lúc này cụ đã… 77 tuổi.

Để viết xong phần 1 với 3.540 câu thơ nói về thời niên thiếu cho đến khi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cụ Thanh mất hơn 18 tháng ròng rã. Ở phần 2, tuy sức khỏe suy giảm, nhưng cụ cũng hoàn thành 4.230 câu thơ, kể lại những năm tháng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc bôn ba xứ người tìm đường cứu nước :

Tìm cho ra chân lý sâu xa

Do đâu mất nước mất nhà

Cách nào giành lại sơn hà cha ông ?

Cứ sáng sáng nhìn ra mặt biển

Ngắm mặt trời chói lọi hiện lên

Đó là Tổ quốc yêu thương

Đang bơi trong lửa đang chìm đáy sâu…”.

Dáng người gầy gò, xương xẩu, mang trên mình gần chục vết mổ nào vết thương do bom đạn, nào ruột thừa, nào các khối u…, đã hai tháng nay cụ Thanh nằm viện để điều trị khối u trực tràng và các biến chứng của chất độc điôxin.

Từng ngày chống chọi với cái chết, nhưng cụ vẫn làm thơ và đọc cho con cháu ghi lại để cố gắng hoàn thành phần 3 của tập trường ca. “Giờ tui đã nằm một chỗ, sinh hoạt một chỗ, đôi tay đã run không thể cầm bút nữa nhưng cái đầu còn minh mẫn lắm.

Tui đã viết hết những câu ở phần 3 và làm riêng một bài thơ dài 32 câu khi ở trong bệnh viện để nói lên tấm lòng mình nhân dịp 40 năm thực hiện di chúc của Người”.

Những dòng thơ chân thực và xúc động giờ đã trở thành thứ tài sản vô giá của người thương binh già đang chống chọi với bệnh tật, đang sống trong căn nhà chật hẹp chỉ 24m2 với đồng lương hưu ít ỏi.

MỚI - NÓNG