Nguồn gốc các báu vật bằng hổ phách

Nguồn gốc các báu vật bằng hổ phách
TP - Chủ nhân những báu vật bằng hổ phách đã chính thức có thư gửi lãnh đạo TP Cần Thơ mời cán bộ chuyên môn đến gia đình và tiến hành thủ tục để đưa các báu vật về Bảo tàng Cần Thơ.
Nguồn gốc các báu vật bằng hổ phách ảnh 1
PV Tiền Phong với chủ nhân "kho báu gia bảo" trước cửa nhà ông

Tiền phong xin thông tin tiếp về nguồn gốc “kho báu gia bảo” này.

Chủ nhân “kho báu gia bảo” cho chúng tôi xem tấm ảnh về ngôi biệt thự kiểu Pháp của gia đình ông, nơi ông sinh ra tại huyện Tam Bình (Vĩnh Long).

Khi chúng tôi trở lại tìm thì không còn dấu vết, nó đã bị san bằng thời kháng chiến chống Pháp. Ông kể: Ông có 10 anh em, anh Hai của ông là bạn học với Tỉnh trưởng Cần Thơ thời Pháp thuộc nên mở tiệm vàng Lê Quang tại Cần Thơ và ông đã sống ở đó để đi học trung học.

Căn nhà tiệm vàng vẫn còn đến sau giải phóng năm 1975, cả hàng chữ đúc nổi phía trước. Nay chúng tôi tìm thì không còn nữa. Anh em của ông hầu hết cũng đã qua đời.

Ở TP Hồ Chí Minh hiện chỉ còn ông với một người em gái, người này có xí nghiệp đang ăn nên làm ra, có nhà và đất cho thuê mở bệnh viện tư- Ông giới thiệu.

Ông nhớ một buổi sáng tháng 10/1945, ông theo các anh lớn tuổi trong Thanh niên Xung phong núp trên tầng lầu một ngôi nhà ở chợ Tam Bình, ném lựu đạn xuống tốp giặc Pháp.

Lựu đạn không nổ. Các ông rút lui trong làn đạn truy kích, ông bị thương và sa vào tay giặc. Nhờ tuổi còn nhỏ và sự “lo lót” của gia đình, ông không bị kết án nhưng cũng không thể tiếp tục đi học. Ông theo cách mạng rồi tập kết ra Bắc.

Cho chúng tôi xem tấm bằng tốt nghiệp Phân hiệu Đại học Y khoa Thái Bình, lớp chuyên tu 4B khóa 1965-1968. Rồi ông tự hào chỉ hai tấm Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của ông đều hạng Nhất treo trên tường trước phòng ngủ.

Tuy nhiên câu chuyện không xa rời chủ đề chính: “Kho báu gia bảo”. Ông kể: Sau giải phóng, ở miền Bắc trở về, ông nhận được từ người chị gái.

Người chị gái của ông thì nhận ủy quyền trông coi, bảo vệ từ ba má để giao lại cho ông. Sau khi hoàn thành lời trăng trối của ba má, người chị gái sang Mỹ sinh sống và đã qua đời bên đó.

Nguồn gốc các báu vật từ đâu? Ông chỉ cho chúng tôi những nhành hoa, cỏ, hạt ép trong các tấm hổ phách và nói: “Đây là bông lúa mạch chứ không phải lúa gạo.

Những báu vật này xuất xứ từ Liên Xô cũ bị phát xít Đức cướp đoạt đưa về Béc-lin. Chế độ phát xít sụp đổ, một số hòm đựng những báu vật này bị cướp và một số đã tới Việt Nam.

Ba của tôi đã mua được lúc kinh doanh vàng bạc ở Cần Thơ. Theo tôi biết thì còn có một số khác được bán ở TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt, không rõ ai mua và hiện ở đâu”.

Còn những bức tượng và tranh bằng hổ phách đã hóa đá? Ông trầm ngâm một lúc rồi trả lời: “Thứ này có lẽ từ Tây Tạng của Trung Quốc”. Và ông không hé lộ gì thêm nữa.

Chúng tôi hỏi: “Ông giữ báu vật trong nhà nhiều năm, có ai biết không?”.

Ông nhẹ nhàng trả lời: “Nhiều người biết chứ. Trong nước và có cả Việt kiều, người Hoa ở nước ngoài, họ đã đến xem và muốn mua. Một vài nhà chùa thì muốn thỉnh những bức tượng và tranh về chùa nhưng tôi không nhất trí.

Tôi muốn giữ trọn vẹn cả bộ sưu tập và đặt ở nơi tương xứng với giá trị của chúng, đó là Bảo tàng Cần Thơ hoặc Hà Nội”.

MỚI - NÓNG