Nguyễn Đình Toán: Nụ cười chứng nhân

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán bên khẩu pháo đã từng chiến đấu năm xưa. Ảnh: Hồng Ngọc
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán bên khẩu pháo đã từng chiến đấu năm xưa. Ảnh: Hồng Ngọc
TP - Sự tự trọng một cách ương gàn của anh khiến không ít người có việc nhờ anh khó xử. Nhưng có lẽ cốt cách đó mới tạo ra được một nhiếp ảnh gia nhân dân Nguyễn Đình Toán. Có người từng nói đùa nhà văn nào nghệ sĩ nào không có trong ảnh Nguyễn Đình Toán đấy là những người vô danh.

Hôm rồi gặp Nguyễn Đình Toán ở triển lãm ảnh đầu tiên của anh, một triển lãm nhỏ nhưng tầm vóc về chân dung Văn Cao. Nguyễn Đình Toán nhận lời chúc mừng nhưng cứ cười cười nắm lấy tay tôi mà lắc, ông ngoại rồi hả, chúc mừng, chúc mừng, thằng cháu thế nào, lúc biết lẫy nhớ gọi anh chụp cho cu con nhé. Tôi cảm động vì ân tình của anh và có phần ân hận. 

Chẳng nhớ từ bao giờ nữa nhưng hầu như mọi sự kiện ở gia đình tôi đều được Nguyễn Đình Toán ghi dấu ấn bằng những tấm hình. Hai con gái tôi đều được anh bấm máy. Nhớ nhất là đứa con gái bé cá tính nhất định không chịu cho bất cứ ai chụp vậy mà từ lúc chưa đến hai tuổi đã biết tạo dáng tạo hình cho bác Toán chụp. 

Giờ nó đã lớn nhưng vẫn trân quý và sử dụng những tấm hình để đời đó. Ấy vậy mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa một lần biết nhà Nguyễn Đình Toán. Có thể do thói quen hay tụ bạ quán sá mà ít lai vãng đến nhà nhau nhưng dù gì với anh đúng là tôi có phần không phải. Nói điều này là vì Nguyễn Đình Toán tự trọng nghề nghiệp rất cao quyết không bao giờ chịu chụp theo đặt hàng. Anh chỉ chụp những gì mình thích. Thậm chí anh chỉ chụp những gì tự nhiên không sắp đặt. Chuyện nói sau.

Thực thì tôi với Nguyễn Đình Toán cũng gặp nhau không nhiều và chưa lâu bằng những người khác với anh. Nhưng tôi với anh có những nét tương đồng về hoàn cảnh. Cùng tham gia chiến tranh nhưng anh thâm niên hơn, cùng là bộ đội cao xạ chỉ có điều anh là sĩ quan chỉ huy còn tôi lính trơn. 

Vợ anh cũng bác sĩ giống vợ tôi và điểm này mới là mấu chốt, chúng tôi có con một bề giống nhau, nói theo ngôn ngữ của anh mỗi khi gặp hỏi thăm nhau là hai thị mẹt của chú thế nào. Chẳng giống tôi đôi khi day dứt về dõi về dòng giống, anh luôn hề hề tếu táo giễu nhại cái sự đứt đoạn nòi giống cũ kỹ này. Theo quan điểm của anh thì con cái quan trọng nhất là chúng phải tử tế phải trưởng thành. 

Nếu theo tiêu chí này thì anh đã toại nguyện. Cháu lớn theo nghề bố tốt nghiệp khoa nhiếp ảnh Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đã lấy chồng sinh con và đứa thứ hai cũng đang học đại học. Tất cả những người đã biết Nguyễn Đình Toán đều phải công nhận anh có lẽ là người hiếm hoi sinh hoạt chuẩn mực không bia rượu thuốc lá không la cà vào những quan hệ phức tạp. Và có lẽ trong giới văn nghệ Hà Nội anh cũng là người duy nhất có mặt ở hầu hết những sự kiện lớn. 

Nguyễn Đình Toán: Nụ cười chứng nhân ảnh 1

Nhiều nhà văn nghệ sĩ đã giật mình khi Toán chớp được những tấm hình độc đáo không thể sắp đặt và khó có thể tái hiện.

Với riêng tôi hiếm có cuộc nào tôi có mặt lại không trông thấy anh. Khi thì anh ngồi hiền từ ở một góc ngắm nhìn bạn bè ăn nhậu tưng bừng và thi thoảng lại nâng máy nhí nhoáy chụp một chân dung anh thích. Lúc lại bắt gặp anh ở mọi tư thế của một nhiếp ảnh gia tận tụy tác nghiệp trong một liên hoan bề thế. Ở đâu Nguyễn Đình Toán cũng kè kè chiếc máy ảnh cũ kỹ lạc hậu so với bất kỳ một chiếc máy nào khác của đồng nghiệp. 

Tôi nhớ anh dạo còn chụp ảnh đen trắng bằng chiếc máy tróc sơn loang lổ. Cho đến tận bây giờ thời kỳ đỉnh cao của công nghệ số thì Nguyễn Đình Toán dù đã hiện đại hóa máy móc nhiều lần so với các mốc bản thân thì anh vẫn đang dùng loại máy tầm tầm. Tôi mù tịt máy móc nên thấy anh có chiếc máy ống kính dài khượt như nòng pháo thì thán phục lắm nhưng Toán bảo máy được tặng do bạn anh thải ra. 

Nhìn vẻ hài lòng của anh tôi hiểu rằng máy móc là quan trọng nhưng mỗi tấm hình điều quan trọng nhất là kỹ năng chụp là cảm xúc của người cầm máy. Anh say sưa theo đuổi chụp chân dung và đều là những chân dung “sống” nghĩa là anh chớp những khoảnh khắc trên những gương mặt bạn bè ở bất kỳ một cảnh huống nào miễn là chân dung đó đạt tiêu chí cảm xúc của anh. 

Nhiều nhà văn nghệ sĩ đã giật mình khi Toán chớp được những tấm hình độc đáo không thể sắp đặt và khó có thể tái hiện. Tôi có vài ba chiếc kiểu này trong đó có một tấm tôi say khướt, mắt nhướng, cổ gục gặc cố ngóc lên giữa một rừng tay nâng ly ở một quán thịt chó dạo tôi còn chưa lấy vợ. 

Nghĩ lại dạo đó ai cũng nghèo cả. Mỗi một tấm ảnh là cả một vấn đề nhưng với Nguyễn Đình Toán thì điều đó chẳng nghĩa lý gì dù anh nghèo nhất. Nhiều người thắc mắc không biết cha Toán kiếm đâu ra phim để chụp, kiếm đâu ra tiền để rửa ảnh. Sau này chụp ảnh số có đỡ hơn khi không phải đầu tư phim nhưng Nguyễn Đình Toán vẫn nổi danh là người cơm nhà vác tù và hàng tổng. 

Hỏi về thu nhập không bao giờ anh trả lời chỉ cười cười rất hiền. Chỉ biết anh không biên chế chính thức ở tờ báo nào nhưng tất cả các tòa soạn khi cần ảnh đều phải cậy nhờ đến Nguyễn Đình Toán. Nhưng nhuận ảnh thì nào có nhiều nhặn gì chẳng thể tính đấy là nguồn sống của anh được. 

Cũng có người ái ngại và muốn giúp đỡ anh nhưng phải thật thân thiết và rất tế nhị mà cũng chỉ là để trả đúng công sức của Nguyễn Đình Toán. Một lần đã lâu tôi nhờ anh chụp một bộ ảnh ngày khai giảng của một trường trung học. Tôi đưa anh phong bì tiền rửa ảnh và phim. 

Toán nhận nhưng sau đó gọi trả lại tôi tiền với lý do anh biết là trường đó con gái tôi đang học và số tiền đó là do tôi chủ động. Phải nằn nèo đủ cách vụ phong bì đó mới trôi êm. Có rất nhiều chuyện tương tự. Cho đến tận bây giờ với nguồn ảnh, phim khổng lồ, những tư liệu Nguyễn Đình Toán đang cất giữ là một tài sản lớn vô giá. 

Toàn bộ chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam từ những bậc cao nhân đã khuất bóng đến đủ các thế hệ kế tiếp đều có mặt trong bộ sưu tập của anh. Đấy là chưa kể những chân dung yếu nhân của đất nước nhiều thời kỳ từng có dịp đứng bên văn nghệ sĩ. Có thể khẳng định đây là kho tư liệu chân dung văn nghệ sĩ lớn nhất đất nước từ vài chục năm nay và nói không quá Nguyễn Đình Toán chính là chứng nhân của một thời ghi lại những chân dung văn nghệ bằng nghệ thuật nhiếp ảnh.

Ở đâu Nguyễn Đình Toán cũng kè kè chiếc máy ảnh cũ kỹ lạc hậu so với bất kỳ một chiếc máy nào khác của đồng nghiệp.

Nguyễn Đình Toán rời quân ngũ chuyển ngành với quân hàm đại úy, chính trị viên đại đội pháo cao xạ. Anh về hưu sớm và theo nghề nhiếp ảnh như một sự sắp xếp của số phận. Không qua trường lớp chỉ bằng đam mê của một cốt cách một tâm hồn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Toán tự mày mò học hỏi tích lũy kinh nghiệm để trở thành một tay máy tài hoa khiến ngay cả người trong nghề được đào tạo bài bản cũng phải vì nể và yêu quý, kính trọng. 

Với văn nghệ sĩ dù ở thế hệ nào cũng đều coi Nguyễn Đình Toán là một nghệ sĩ đích thực, một người bạn chân thành. Triển lãm chân dung Văn Cao là lần triển lãm đầu tiên của anh. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh, bạn bè đã giúp sức để anh làm triển lãm này. Có cái đầu tiên ắt có những cái kế tiếp, hy vọng những triển lãm sẽ là sự khẳng định một tài năng suốt nhiều năm cống hiến cho nghề.

Ở triển lãm tôi được gặp vợ con Nguyễn Đình Toán. Vẫn là những ca cẩm đầy yêu thương thường thấy ở các bà vợ có người chồng vác tù và như anh. Nhưng tôi thoáng sững sờ khi nghe chị nói về những chồng ảnh những hộp phim chất đến tận nóc nhà của Nguyễn Đình Toán giờ không biết để làm gì chẳng nhẽ vứt đi vì đang hỏng mốc. Như bản tính anh cười cười rất hiền bảo vứt cũng được nhưng phải từ từ chứ. 

Không thể như vậy, cái kho ảnh ấy không thể để quên lãng phí phạm. Tôi đùa đùa, anh về chọn bộ chân dung Phạm Ngọc Tiến với bạn bè từ lâu nay, em sẽ mua lại bằng giá cao. Đùa nhưng đó là một cách nghiêm túc tôi sẵn sàng làm để sẻ chia sự lưu giữ cùng anh. Ngay cả với thiện ý này của tôi, Nguyễn Đình Toán cũng chỉ cười cười. Nụ cười của một chứng nhân biết những gì của mình và cũng biết mình bất lực ra sao.

MỚI - NÓNG