Nguyễn Đỗ 'vác' thơ Việt trên đất Mỹ

Nguyễn Đỗ 'vác' thơ Việt trên đất Mỹ
TP - Trong lúc thế giới sôi lên vì chứng khoán, vì dầu lửa, vì vàng... thì  có một người Việt Nam sống trên đất Mỹ sôi lên vì thơ: làm thơ và  dịch thơ Việt  sang tiếng Anh cho... dân Mỹ.

Có lãng mạn không khi một nhà thơ, lao động như là khổ sai, tự mình gánh trên vai cái sứ mệnh truyền bá thơ Việt ra tiếng Anh - nói đúng hơn, truyền bá cái tinh thần thơ Việt.

Với Nguyễn Đỗ, công việc dịch thuật của anh, dù tác phẩm cổ điển hay hiện đại, cũng theo đúng tinh thần: truyền đạt được cái phẩm cách, linh hồn tác phẩm còn thực chất việc “copy” một  ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác y sì như nguyên tác là điều bất khả!

Nói như Paul Hoover, đồng dịch giả với anh trong các bài thơ dịch từ tiếng Việt, công việc dịch đó có “sự cần thiết phải đọc vừa cùng với vừa vượt qua văn bản, để tìm kiếm mục tiêu của bài thơ” và “đặc biệt là lôgic trí tuệ và cảm xúc của nó”.

Tuyển thơ Việt Nam đương đại  “Black Dog, Black Night” , NXB Milkweed Editions do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover tuyển chọn và dịch, đã được tạp chí thơ nổi tiếng của Mỹ COLDFRONT bình chọn là tuyển thơ xuất sắc nhất năm 2008 trên toàn nước Mỹ.

Mới đây nhất, tập đoàn xuất bản Gale Cengage Learning (tập đoàn mẹ của những NXB nổi tiếng như Macmillan Reference USA™, Charles Scribner’s Sons® ...) đã chọn thơ của 11 nhà thơ Việt Nam có mặt trong tuyển thơ này để đưa vào tổng tập Văn học thế giới dưới tên gọi LITFINDER (Người tìm ánh sáng) - một loại sách giáo khoa tham khảo văn học bằng tiếng Anh cho các trường học.

Oái oăm thay, mặc dầu “Black Dog, Black Night” thành công, nhưng tất thảy nhuận bút của người dịch, chắc không đủ một “cuốc” taxi vòng quanh Hà Nội!

Năm 2008 ở Việt Nam ra mắt cuốn “12+3” của nhà thơ Thanh Thảo, (NXB Hội Nhà Văn), song ngữ Việt - Anh, do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover giới thiệu và dịch.

Cùng năm, cả hai hoàn tất tuyển thơ Nguyễn Trãi, “Rời Xa Triều Đình”, NXB Counterpath Press, Colorado sẽ phát hành vào 2009. Phải thấy đó là một khối lượng đồ sộ công việc mà Nguyễn Đỗ và Paul Hoover đã làm, khi có tới 150 bài thơ của Nguyễn Trãi kể cả “Bình Ngô đại cáo” đã được dịch.

Paul Hoover và Nguyễn Đỗ cũng hợp đồng với nhà thơ Nguyễn Duy làm một sách ảnh thơ song ngữ thơ Nguyễn Trãi trên giấy dó “Trở Lại Côn Sơn”, nhà xuất bản Văn hóa Tổng hợp Sài Gòn sẽ xuất bản trong năm 2009. Chưa hết, cũng năm 2009 anh và nhà thơ Hoàng Hưng vừa hoàn tất tập thơ của nhà thơ Mỹ Allen Ginsberg ra tiếng Việt.  

Mấy ai như Nguyễn Đỗ tự nguyện “nai lưng gồng gánh” trên đường “xuất khẩu” thơ Việt trên xứ người, bỏ cả công việc, bỏ cả kiếm ăn…để khẳng định mình vẫn tồn tại bằng thơ ca như thế!

Từng là giáo viên dạy văn ở trường cấp 3 Pleiku tỉnh Gia Lai, nhưng rồi cuối năm 1989, bỏ nghề giáo, anh về thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm. Nhà thơ Nguyễn Duy nhận anh về Văn phòng thường trực các tỉnh miền Nam của báo Văn nghệ.

Anh bảo: Chủ yếu Nguyễn Duy giúp mình kiếm cơm, chứ hồi đó văn phòng cũng chẳng có việc gì làm ngoài đi giao báo, vào sổ biên tập bài nhận gửi đi Hà Nội.

Tuy nhiên từ khi anh về, báo mới có hàng loạt phóng sự của phía Nam, phát hành tăng lên và có quảng cáo, chủ yếu do anh chạy. Kinh tế gia đình càng ngày càng vững chãi, tưởng Nguyễn Đỗ yên ổn trong ngôi nhà thành phố với vợ đẹp, con ngoan.

Không ai nghĩ một người “thực dụng” thế, một ngày nào đó, nhận suất học bổng tiếng Anh của một trường đại học Mỹ, hăm hở bỏ lại tất cả sự nghiệp gây dựng của một đời người đàn ông, để sang Mỹ học tiếng Anh, để làm thơ, dịch thơ Việt và để … gia đình tan nát. Thơ Nguyễn Đỗ ám ảnh nỗi đau thường trực ấy:

…tôi nhìn vào cỏ
cỏ ái ngại, xanh lên cùng tôi tí chút
hãy đi đi đừng ngoái lại sau mình
lời của cỏ hay là tôi lẩm nhẩm       
con ạ
thôi bố không nhớ con nữa     
để mắt bố nhìn vào bất cứ đứa trẻ nào
cũng sợ đấy là con
mà bố không nhận ra con nữa!
(Không đề 100 – Bóng Tối Mới).

Qua Hoàng Hưng, Nguyễn Đỗ gặp Paul Hoover - nhà thơ hậu hiện đại có tên tuổi ở Mỹ, Giáo sư khoa Sáng tác văn học ĐH California, San Francisco. Vợ ông là Maxine Chernoff cũng là một nhà thơ, nhà văn, Chủ nhiệm khoa Sáng tác Văn học Đại học quốc gia San Francico, cùng chồng chủ biên tạp chí thơ “Tác Phẩm Mới”.

Nguyễn Đỗ bảo: “Tôi may mắn khi Paul cũng giống tôi ở chỗ có khao khát chuyển tất cả tinh hoa của thơ ca Việt Nam sang tiếng Anh. Chắc chắn nếu không có Paul tôi cũng không thể dịch thơ Việt Nam được hoàn hảo như thế...”.

Khi tôi hỏi, thực tế các nhà thơ ở Việt Nam thường vẫn không sống được bằng thơ, có người còn kêu dường như đất sống của thơ ngày càng thu hẹp lại, vì công chúng của thơ cũng ít dần đi. Thì Nguyễn Đỗ bảo: “Trên đất Mỹ, dân Mỹ không phải không thích thơ lắm mà vì dân Mỹ có quá nhiều cái để chú ý.

Ở Mỹ cũng như bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới, thơ càng ngày càng ít độc giả hơn và càng co cụm hơn. Nhưng không có nghĩa là thơ đã chết. Người ta cứ bảo sức sống của thơ ngày càng tàn lụi, không phải như vậy. Thế giới bao la thế mà thơ Việt vẫn tìm được công chúng đồng cảm ở Mỹ đó thôi”.

Thơ Nguyễn Đỗ được dịch ra tiếng Anh trên hai mươi tạp chí văn học ở Mỹ  và các nước khác. Với công việc làm thơ và dịch thuật, Nguyễn Đỗ đã được trao tặng thưởng của Quỹ Thơ Ca thành phố New York vào năm 2005 vì “những đóng góp cho thơ ca thế giới”.

Trước 1999, Nguyễn Đỗ đã có hai tập thơ “Bến Cá - Chiều Thu” và “Khoảng Trống”. Tập thơ “Bóng Tối Mới” vừa được NXB Hội nhà Văn ấn hành năm 2009.

Lao động như “khổ sai” mấy năm trời để dịch thơ, trong thời gian chờ đợi thơ Nguyễn Trãi đến với công chúng Mỹ, anh cũng không hề nghỉ “xả hơi”. Nói như ngôn ngữ của chính anh thì “lúc nào tôi cũng nghỉ ngơi và lúc nào tôi cũng làm việc!”.

Anh kể lại: “Đã rất nhiều lần tôi “gạ” Paul Hoover rằng: tao và mày làm một cuốn từ điển Việt – Anh! Vì thế Paul Hoover và bà xã - hai vị mỗi lần gặp tôi, mở miệng là chế giễu: À, mày còn muốn làm từ điển nữa (cười). Paul không muốn, vì làm từ điển mất công lắm, mà ông ấy còn rất bận rộn với chuyện giảng dạy.

Sau một buổi đọc thơ ở hiệu sách thành phố Berkeley, tôi, Paul Hoover, Maxine Chernoff và bạn tôi là Helen Nguyễn từ quán bia ra ngật ngà ngật ngưỡng. Trong lúc say rượu say bia nhất tôi mới bảo Paul: Tao làm tổng tập thơ Việt Nam. Mày có muốn làm không? Paul kinh ngạc: Hả, mày bảo làm từ điển, rồi giờ mày lại bảo làm tổng tập thơ Việt Nam? Paul liếc sang vợ: Sao em? Chernoff bảo: Trời đất, sao không? Thế là chúng tôi bắt tay nhau “ký hiệp định” ấy. Mọi người đều cười. Ngay tối hôm đó về tôi gọi điện thoại xác nhận lại lần nữa. Và bắt đầu làm. Trong những chuyến đi về Việt Nam tôi bắt đầu sưu tập tư liệu”. 

Tổng tập thơ Việt Nam sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ. Với Tổng tập thơ Việt Nam, Nguyễn Đỗ bắt đầu làm từ cuối tháng 9 năm 2008 và sớm nhất, nhanh nhất cũng phải bốn năm mới hoàn thành được. Nhưng Nguyễn Đỗ nói, thấy say mê là anh làm, không cần phải nghĩ việc này hay việc kia quá sức mình.

MỚI - NÓNG