Nguyễn Huy Thiệp: Làm nhà văn bây giờ khó lắm...

Nguyễn Huy Thiệp: Làm nhà văn bây giờ khó lắm...
Bây giờ con người phong phú đến mức mỗi cá nhân không ai có thể thay thế được nó. Hình như bây giờ  không có điển hình! - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ
Nguyễn Huy Thiệp: Làm nhà văn bây giờ khó lắm... ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên gốm

Nếu có độc giả tò mò hỏi Nguyễn Huy Thiệp đang làm gì thì ông trả lời ra sao?

Tôi trả lời là tôi đang sống!

Ông, Nguyễn Việt Hà và hoạ sĩ Lê Thiết Cương chung nhau mở cái Bản thảo tranh này cũng là đang sống hay đang cố lưu giữ hình ảnh của chính mình trước công chúng? 

Qua triển lãm này mỗi người có mục đích riêng, bản thân tôi thử xem ảnh hưởng của tôi với độc giả như thế nào? Tôi vẽ chân dung trên các đĩa gốm, chuẩn bị cho cuộc triển lãm cuối năm, kiếm tiền để sống. Trao đổi gặp gỡ với mọi người có thể nảy sinh ra những vần đề mới để viết.

Ông có quan tâm tới văn học trẻ? ông nói gì về hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư và những dư luận gần đây về Cánh đồng bất tận ?

Cái khác của Nguyễn Ngọc Tư ở chỗ cô là Nam Bộ... zin chứ không dởm như nhiều người viết khác. Đấy là cái rất hay. Nếu phản ứng như thế thì hơi quá... ấu trĩ, đây là thực tế đáng ngại. Nhưng tôi đang nghĩ nếu người ta cố dựng nên sự kiện này thì cũng hơi buồn.

Nếu tự nhận xét về sự nổi tiếng của chính mình thì ông nói sao?

Tôi là nhà văn gặp thời. Bạn bè vẫn đùa tôi là "cập thời vũ" nghĩa là mưa đúng lúc.Tôi cũng gặp may.

Nhưng văn nghiệp của ông đâu có thuận buồm xuôi gió, ông “nổi tiếng” giữa hai luồng khen chê  rất dữ dội?

Tôi rất khiêm tốn mà nói rằng cũng phải ghi nhận công lao cho... Nguyễn Huy Thiệp! Trong văn học Việt Nam kể từ khi có chữ quốc ngữ, tính từ Tố Tâm, những tác phẩm văn học theo lối phương Tây, nếu nói những nhà văn có những bước xoay chuyển, thay đổi cả cách viết thì cũng không nhiều. Chỉ đôi ba người thôi, ví dụ như trước 1945 có Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Nguyễn Tuân... sau đó có Trần Dần, Lê Đạt gây xôn xao dư luận. Đến thời kỳ đổi mới với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... cũng đã làm thay đổi ngôn ngữ văn học. Làm được điều đó là điều rất khó, ít nhất tôi cũng đã làm được.

Một điểm nữa cũng cần tính đến là có nhiều người viết theo tôi. Tôi có đệ tử, không đơn độc trên con đường sáng tạo. Nhiều người cảm ơn tôi như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà... Họ bảo gặp tôi thì họ viết tự tin hơn, tất nhiên họ có cách đi riêng, lối đi riêng nhưng chỉ từ Nguyễn Huy Thiệp viết văn thì người nước ngoài bắt đầu đọc lại văn học Việt Nam, sách của tôi được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, được xuất bản ở Anh, Hà Lan, Úc, Italia... Người đọc nước ngoài rất kỹ tính, tôi là một trong những nhà văn có nhiều sách nhất được in ra nước ngoài và hoàn toàn không phải do ai lăng xê.

Hiện nay, ông thấy nhà văn nào có thể bắt gặp được hơi ấm của cuộc sống và làm nên hiên tượng trong văn học?

Phật giáo có câu: Có thời có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không. Dù có tài năng nhưng không gặp thời thì cũng vứt. Sẽ có những nhà văn của thời này, thế hệ nhà văn mới này sẽ  kế tục những thế hệ nhà văn lớp trước chứ không phủ nhận đâu. Nhưng họ sẽ có những vấn đề khác, cuộc sống khác. Tôi cũng có theo dõi các nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay. Tôi thấy độ thành thực của các nhà văn cao hơn.

Thành thực hay tả thực? 

Thành thực, chân thành... Họ miêu tả nội tâm thành thực hơn, dám đề cập đến chuyện nọ chuyện kia, những bức xúc về vấn đề hiện tại của cuộc sống... Họ không chấp nhận sự giả dối. Nhưng để làm được điều gì hay hơn trước đây thì họ cũng chưa làm được. Thành  thực thôi chưa đủ, độc giả bây giờ đòi hỏi cao lắm, làm nhà văn bây giờ khó lắm.

Đã lâu không thấy dư luận đề cập tới văn của ông, có vẻ như ông chỉ là chớp loé của tài năng rồi vụt tắt, ông có thế lý giải tại sao những tài năng của chúng ta không bền?

Người ta không theo dõi tôi nên nói như thế, tôi vẫn luôn làm mới văn chương của mình đấy chứ. Do cơ chế xuất bản của ta không kịp thời, thường thì những tác phẩm của tôi không được xuất bản ngay, văn học cũng như món ăn, phải nóng hôi hổi và thơm phức lên, phải chén ngay.

Người ta làm nguội đi, nên người ta tưởng tôi nhạt đi. Cũng chẳng sao vì tên tuổi của tôi đã vượt ra biên giới rồi. Còn những nhà văn trẻ bắt đầu tập tọng thì rất đau khổ vì họ viết ra họ muốn in ngay thế mà hai ba năm sau chưa chắc đã đến lượt, cho nên mới có hiện tượng thui chột tài năng, bởi họ phải kiếm sống chứ?

Tuổi hai mươi yêu dấu, Tiểu Long Nữ... của tôi chẳng hạn, phải in ngay mới có tác dụng xã hội chứ? Nhưng in sau thời điểm cần in thì khiến nhà văn nhụt chí.

Các nhân vật của ông đã “sang sông” được chưa?

Nếu ai theo dõi quá trình viết văn của tôi thì đều thấy rằng trước truyện Sang sông tôi viết truyện mang tính bản năng: Tướng về hưu, Không có vua, Giọt máu, Những ngọn gió Hua Tát... độ hồn nhiên rất cao. Khi tôi vừa ở miền núi trở về, rất trong trắng trong tình yêu dành cho văn học. Tôi ngố rừng trong lòng Hà Nội. Giống như cô gái yêu lần đầu rất thanh khiết, trong sáng, mơ mộng... Thế nhưng người ta đã phản ứng với tình yêu cuả tôi hơi quá, tôi hơi choáng, tôi bắt đầu tìm hiểu tôn giáo.

Bắt đầu từ truyện Sang sông trở đi, văn của tôi có gì đấy có ảnh hưởng Phật giáo, nó ngấm ngầm trong từng trang văn, nhiều truyện rất khó viết : như Ông Móng bà Móng, Sống dễ lắm, Thổ Cẩm...

Ông có một truyện ngắn rất tuyệt, Thương nhớ đồng quê khiến người ta kinh ngạc về sự trong nhẹ, hơi thở ấm nóng của đời sống và cảm nhận tình yêu đến mức hài hoà... Cá nhân ông thấy hài lòng với tác phẩm nào nhất, cảm thấy đó mới thực sự là Nguyễn Huy Thiệp?

Tôi cũng là nhà văn xã hội thôi, truyện nào gây được dư luận xã hội lớn thì tôi thích, có thể ở Tướng về hưu tính nghệ thuật không bằng các tác phẩm khác thế nhưng tôi thích. Giống như hoạ sĩ, chỉ thấy nét cọ người am hiểu đã biết anh là cao thủ, có những truyện của tôi chỉ trong giới văn chương thích, độc giả không thích.

Nhưng văn ông không có nhân vật điển hình? Nhắc đến Nam Cao có Chí Phèo, Vũ Trọng Phụng với Xuân tóc đỏ, Ngô Tất Tố với chị Dậu, còn nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp?

Đấy là quan điểm cũ về đối tượng văn học cũ! Nhiều người trong một người. Con người cần những đại diện của họ. Còn bây giờ con người phong phú đến mức mỗi cá nhân không ai có thể thay thế được nó. Hình như bây giờ không có điển hình, tôi nghĩ thế! Tôi là một người không ai thay thế được! Điển hình có cái hay nhưng có cái không thực của nó!

Ông đã từng viết: Cả tin là sức mạnh để sống.. Và một câu khá chua xót: sao tôi cứ như lạc loài? Nhà văn phải là người thấu thị hay là kẻ cả tin?

Không cả tin thì rất khó sống, nhất là tuổi trẻ!

Trong văn của ông, hình tượng phụ nữ được nhắc đến nhiều, những “ thiên chức nữ”, “tính nữ”... Thế còn trong cuộc sống thực?

Những điều đó với tôi rất quan trọng, vợ người thì đẹp, vợ mình thì tử tế...Tôi cũng có nhiều người mê chứ đâu chỉ riêng cô gái Nhật như người ta đồn thổi? Chuyện tình cảm của đàn ông đàn bà là chuyện bí mật của mỗi cá nhân, của tất cả mọi người, của cả vũ trụ, cuộc sống thú vị vì những điều như thế...

Theo Vietnamnet

MỚI - NÓNG