Nguyễn Khoa Điềm kể chuyện và tự bạch

Nguyễn Khoa Điềm kể chuyện và tự bạch
TP - Huế đêm 25/3, lần đầu tiên có đêm thơ Nguyễn Khoa Điềm ở Phu Văn Lâu, cũng lần đầu thơ kéo công chúng ra quảng trường; Nửa chừng, trời đổ mưa, thơ lại kéo công chúng vào Nghinh Lương Đình, chương trình gián đoạn 10 phút.
Nguyễn Khoa Điềm kể chuyện và tự bạch ảnh 1
Nguyễn Khoa Điềm trong đêm thơ của mình

Trong không khí kỷ niệm ngày giải phóng Huế, một lần nữa Mặt đường khát vọng, Lời ru trên nương làm sống lại một thời hào hùng. Lần đầu tiên, Nguyễn Khoa Điềm tự sự về hoàn cảnh ra đời những tác phẩm làm cho ông trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca chống Mỹ. Ông nói: “Không có cuộc chiến đấu này chưa chắc tôi làm thơ và thành nhà thơ”.

Xúc động trước khí thế sôi sục, quyết liệt của tuổi trẻ trong phong trào đấu tranh đô thị, ông viết Mặt đường khát vọng khá nhanh, khá bất ngờ trong một trại sáng tác do Khu ủy Trị Thiên tổ chức tháng 12/1971.

Cho đến nay, ông vẫn tâm đắc nhất chương Đất nước. Không đao to búa lớn, bài thơ bắt đầu từ những anh hùng dân tộc. Nhà thơ kể về mình và người bạn gái phiếm chỉ đang dấn thân trong cuộc đấu tranh, những người rất đỗi bình thường, những con người làm nên đất nước.

Ăn khoai sắn, hút thuốc lá, ngủ nhà của đồng bào miền núi suốt cuộc chiến, ơn nghĩa ấy sâu nặng lắm. Khúc hát ru những đứa bé trên lưng mẹ mở đầu với giọng thì thầm của tác giả với Cu Tai.

Trường đoạn hai là lời ru của người mẹ miền núi. Khác với giọng thơ hiện đại trước đó, đoạn sau này nôm na, giản dị khiến có nhiều nhận định trái ngược về bài thơ, khiến tác giả lo lắng trước số phận tác phẩm.

Bài thơ gửi ra miền Bắc đăng trang nhất báo Văn Nghệ càng làm Nguyễn Khoa Điềm tự tin về lối đi của riêng mình.

Thơ Nguyễn Khoa Điềm nhiều bài hay: Mẹ và quả, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm, Chiều Hương Giang… Từ ngày nghỉ hưu, ông có thói quen đi xe đạp và trở lại làm thơ với giọng lạ hơn. Những bài thơ là lạ ấy tập hợp trong tập Cõi lặng, xuất bản cuối năm 2007.

Cõi lặng nhưng có những lúc gờn gợn như sóng ở đáy sông bởi ông vẫn như người hát rong trò chuyện, với nhân vật trữ tình và tự bạch với cõi lòng mình, thi thoảng loé lên chút nỗi niềm nhân thế - như Thanh Thảo từng tâm sự với ông, có một dòng “văn học sám hối”, một “thời kỳ bùng nổ” trong mỗi nhà thơ.

Tự bạch trước những vấn đề của thời cuộc, nhân sinh để có cái nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn, khái quát cao hơn hình như là ý tưởng đeo đuổi suốt đời thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong quá khứ cũng như hiện tại.

Con đường trở lại với thơ của Nguyễn Khoa Điềm thật nhanh, giống như con đường trở lại làm dân, tuy chưa thật thanh thản, còn lắm nỗi niềm nhưng niềm tin thì sáng rõ: “Rồi một sáng mặt trời xanh trở lại”.

Cách đây hai năm, toạ đàm với các nhà thơ của Trung tâm William Joiner (Hoa Kỳ) ở Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế, ông từng bày tỏ: “Thời điểm này sứ mệnh của thơ lớn lao hơn bao giờ hết. Thơ phải góp sức làm giàu tâm hồn”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.