Nguyễn Linh phơi 'bi kịch' đồng nghiệp

Nguyễn Linh phơi 'bi kịch' đồng nghiệp
TP - Lần trở lại thứ ba với hội họa của Nguyễn Linh dành để tri ân bạn bè. Trên tường của phòng triển lãm Nguyễn Linh 3 tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội là hàng chục gương mặt cỡ đại của những người trong giới họa.

Nguyễn Linh- ẩn ức hay khát vọng?

Vài người được ưu ái vẽ tới vài bức như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Quân… Nhưng dường như Nguyễn Linh không có ý định vẽ chân dung mà vẽ nội tâm của những người ấy.

Một số bức có vẻ viên mãn hơn rực lên sắc đỏ của (sơn dầu mà như) sơn mài, còn thì đều lỗ chỗ, chằng chịt với những đường kẻ, những chấm màu. Tất cả thiên về gam trầm. Những khuôn mặt hiện lên có khi xác xơ, có khi ngơ ngác, u uẩn. Tác giả bày tỏ: “Tôi khai thác mỗi nhân vật theo một khía cạnh, trạng thái tâm lý khác nhau. Mà trạng thái hơi bi kịch một chút tôi thích hơn, hợp với tôi hơn- cái nào đấy sâu thẳm nhất của mỗi người. Tôi nghĩ cái vui, cái hồ hởi chỉ là bề nổi lớt phớt. Trong cuộc sống bề bộn, mệt mỏi, hỗn loạn…, con người bất an nhiều hơn tĩnh tại.”

Vì sao anh chọn người quen trong giới để mổ xẻ? “Vì khi diễn tả nội tâm của họ, mình chuẩn hơn, không bị bốc thuốc, không phải đoán. Hoàn cảnh cuộc sống, sự đưa đẩy xã hội với họ như thế nào mình quá hiểu. Chính đó là điều kiện rất thuận lợi cho mình khai thác tâm lý thậm chí bi kịch tâm lý của từng người bạn. Chỉ có điều mình khai thác bi kịch hay hạnh phúc của từng nhân vật như thế nào thôi. Cái đấy là câu chuyện của nghệ thuật.”

Nguyễn Linh cho hay lý do anh vẽ nhiều chân dung Bùi Xuân Phái, anh biết ông từ rất lâu, ngưỡng mộ ông và cũng hiểu bi kịch của ông. “Những người có tố chất như thế thì thường thường là chất liệu rất dễ cho tôi làm,” Nguyễn Linh chia sẻ. “Bức tranh sẽ dễ hay hơn, thành công hơn.”

Được kỳ vọng từ khi còn là sinh viên ĐH Mỹ thuật, con đường đến với hội họa của Nguyễn Linh bị gián đoạn gần 20 năm vì mưu sinh. Khi tiền bạc đã tạm ổn, anh quay lại vẽ một cách quyết liệt. Về trường hợp này, họa sĩ Vũ Lâm nhận xét: “Nguyễn Linh quay lại vẽ với tư thế của một người giàu có, không cần phải nghĩ đến việc bán tranh, trong khi một số bạn bè của ông đã thành đạt cả tài và danh nhờ hội họa, lại bắt đầu có xu hướng tự rẻ rúng danh tiếng hội họa họ đã khổ công hy sinh để đạt được!”

Sau triển lãm Nguyễn Linh 2 năm ngoái với những bức khỏa thân quằn quại ít nhiều gây tranh cãi, có thể thấy những bức vẽ mới nhất của anh hiền hơn nhưng không vì thế mà kém chiều sâu. Về khía cạnh đời sống, những bức tranh có giá trị kết nối. Theo tác giả thì các mẫu vẽ đều thấy thích thú khi thấy mình trong tranh Nguyễn Linh. “Qua đấy rõ ràng họ hiểu tình cảm của tôi với họ thế nào thì tôi mới vẽ được. Sau đợt vẽ chân dung này mọi người có thể hiểu hơn rất nhiều về tôi mà tôi cũng hiểu họ hơn vì nhiều khi lời nói không thể… nói được.”

Một người bạn của Nguyễn Linh- họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận định về triển lãm này: “Họa sĩ không còn phụ thuộc vào người mẫu như những ký họa. Một mặt ông cố gắng tìm tòi những tính cách chính của người ông vẽ và khắc họa nó theo vài kiểu khác nhau, mặt khác ông vẽ như một bức tranh thuần túy, không nhất thiết phải là một tranh chân dung. Có thể nói Nguyễn Linh khá diệu nghệ trong các tranh sơn dầu vẽ nhiều nét như một bức đồ họa. Đôi khi họa sĩ cảm thấy lơ mơ không kiểm soát các nét vẽ nữa, những bức vẽ này cũng có được thần thái tự do nhất định. Và vì thế ông cũng gần những người ông vẽ hơn… Giả thử họa sĩ vụng về hơn một chút, bớt căng thẳng hơn một chút, bớt đam mê đi một chút, đứng xa bức họa hơn một chút và đừng cố gắng kiểm soát nó, có thể ông đã đi gần đến cái mà ông mong muốn.”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG