Nguyễn Ngọc Tư: 'Mình thơm nắng thì khỏi cần nước hoa'

Nguyễn Ngọc Tư: 'Mình thơm nắng thì khỏi cần nước hoa'
TP - Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít những người viết càng đi càng thấy “nguy hiểm”, từ truyện ngắn, tản văn, đến tiểu thuyết và giờ là thơ.

> Buồn đến bao giờ?
> Nguyễn Ngọc Tư: Đi ngược dòng sông

Việc cứ liên tục đi ra đi vào những căn phòng khác nhau như thế có làm chị thấy chóng mặt không?

Tôi không hình dung tất cả những gì mình viết nằm ở những căn phòng khác nhau với vách phên riêng biệt. Dù là văn xuôi hay thơ thì vẫn là một chuỗi gắn bó trong cái hành trình đơn độc của mình. Làm việc gì cũng loanh quanh với chữ nghĩa thôi. Chỉ khác, ở cách nói.

Thơ cũng như văn Nguyễn Ngọc Tư dường như rất ít chịu ảnh hưởng của những trào lưu viết đang thịnh hành hiện giờ. Hậu hiện đại, tân hình thức... có vẻ như miễn nhiễm với chị?

Hình thức như váy áo, tôi nghĩ vậy. Để mặc một bộ trang phục lộng lẫy mà buộc phải gầy đi một chút, lục lọi đôi giày, chọn kiểu tóc cho hợp... tôi thấy cực quá, mất tự nhiên quá, có cảm giác gì gần như là nô lệ nữa. Tôi hay có ý nghĩ ngông cuồng rằng mình thơm nắng thì khỏi phải nước hoa (cười). Nhưng không chọn chủ nghĩa, không chạy theo trào lưu không có nghĩa là tôi đứng ngoài chúng. Tôi viết như mình có, gọi tên chủ nghĩa là việc của những nhà phê bình văn học.

Điều gì ở thơ hấp dẫn chị?

Câu này tôi xếp vào loại kiểu “sao em lại yêu anh”? Tức là khó mà trả lời chính xác. Có những chuyện văn xuôi không nói được, có những cảm giác khó rạch ròi duy lý, tôi lấy thơ ra trút đỡ.

Cùng là chữ cả nhưng mỗi bề mỗi khác. Viết tản văn, tôi buộc thể hiện ít nhiều quan điểm, cách nhìn cuộc đời của mình. Thơ thì gần người nhất, đôi khi cảm xúc lộ ra.

Nguyễn Ngọc Tư: 'Mình thơm nắng thì khỏi cần nước hoa' ảnh 1

Chị có thoải mái với cái sự “lộ” này không, bởi nhiều người viết hay nói, cảm giác để lộ bản thân trên trang giấy không dễ dàng gì?

Lộ không có nghĩa là phơi bày riêng tư đâu, lo gì. Tôi không ngượng vì nhiều khi để buồn vui hiện lên nét mặt. Phải rất đầy thì nó mới tràn. Bạn sẽ thấy tôi mỉm cười một mình nhưng chẳng hiểu nụ cười đó có ý nghĩa gì. Cũng như người ta dễ dàng cảm nhận được tâm thế bi quan, tuyệt vọng của một người viết nào đó nhưng những thứ bên trong nó khó có thể chạm vào.

Chấm là tập hợp 40 bài thơ (tổng cộng chỉ 4.928 chữ) của Nguyễn Ngọc Tư, được ghi lời đề tựa: "Kính tặng ba", do NXB Hội Nhà văn và Cty Nhã Nam phát hành, khổ 15 x 23 cm, 180 trang, xuất bản ngày 15/8/2013. Tên trang bìa cuốn sách là chấm (không viết hoa) và chỉ có hai bài thơ trong đó có dấu chấm, các bài còn lại không có dấu chấm từ đầu đến cuối, dấu phẩy cũng hạn chế tối đa.

Biên tập viên của “Chấm” cho biết, nộp bản thảo rồi mà chị vẫn liên tục gọi điện để thêm từ này, bớt từ kia, đổi từ nọ. Nguyễn Ngọc Tư đang ngày càng cầu toàn hơn, hay vì thể loại mới này khiến chị không tự tin?

À, bạn cũng không nên quá tin vào lời than vãn của người biên tập chứ! Chắc anh này lần đầu làm việc với tôi nên mới càm ràm vậy. Các anh khác biết tỏng tính tôi, cứ sửa cho đến khi nào... ra sách (hoặc in báo) mới thôi.

Để tôi khỏi làm phiền, các anh phải in chớp nhoáng, để tôi phải rơi vào thế ván đã đóng thuyền mới được. Một vài chữ không làm bài thơ hay lên, nhưng làm tôi thấy nhẹ nhõm hơn với ý nghĩ mình đã làm hết sức hết lòng.

Có một áp lực “phải mới” nào đối với sự thay đổi này của chị không?

Hoàn toàn không. Tôi rẽ vào chỗ này lần đầu, đã thấy dấu chân mình trước đó đâu mà phải tránh. Thật ra, khi quen thuộc với văn xuôi, thơ với tôi đã là mới. Còn mới kiểu nào thì chưa nghĩ tới, đợi... tập sau.

Cái cảm giác như là “khói/ rìa trời/ đến đây mòn còn mấy sợi” đã khi nào xuất hiện xen giữa công việc viết lách của chị không?

Quả là khó chịu cái cảm giác mình sống thế này đã đủ rồi, đã có những thứ mình muốn có, đã đau tận vui cùng. Đoạn sau này thừa ra chẳng biết làm gì cho hết. Rồi sực nhớ, mình còn có những đứa con. Và tôi thoát ra khỏi cái cảm giác mòn mỏi, vô định bằng cách đó. Nhưng tôi biết nó vẫn còn nguyên, không bao giờ biến mất.

Dường như đã có một sự thay đổi lớn khi chị nói “trước kia viết vì người ta thích, giờ viết vì mình thích”?

Mười năm trước, mở một trang trắng ra, tôi đắn đo không biết mình viết cái này người ta có thích không. Sau này, gõ chữ đầu tiên của một truyện ngắn, tôi rạo rực nghĩ mình khoái ý tưởng này quá, chắc hay lắm đây (tất nhiên từ ý tưởng đến tác phẩm có một độ chênh lớn, như từ mộng ra hiện thực vậy). Chuyện áo cơm tôi nhờ vào viết, và vì viết để bán sách nên chẳng bao giờ dại dột đến mức nghĩ mình viết chỉ để cho mình đọc. Không nói chuyện trên trời, đi vào nỗi đời, đâu có xa lạ mà lo không có người đồng cảm. Tôi thấy chạy đi chạy lại giữa các đám đông cũng giống như đẽo cày giữa đường, một hành động tuyệt vọng.

“Chấm” đã in ra. Nếu được thêm và bớt thì chị sẽ thêm, bớt gì?

Thường thì tôi không quá day dứt với một cuốn sách đã xong, nó sẽ sống cuộc đời của nó. Tôi rơi vào thế tay trắng, cảm giác trống trải đó buộc mình phải làm lại từ đầu và nghĩ nên bắt tay vào cuốn sau thôi.

HẠNH ĐỖ
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.