Nguyễn Quang Lập: Khen bây giờ khó lắm

Nguyễn Quang Lập: Khen bây giờ khó lắm
TP - Khen khó, viết về cái xấu dễ hơn cái tốt. Nguyễn Quang Lập còn tự nhận mặt mình nát, nhàu vì trả lời phỏng vấn hơi nhiều về cuốn “Ký ức vụn” tập hợp các entry trên blog quêchoa kể nhiều chuyện làng văn nghệ.
Nguyễn Quang Lập: Khen bây giờ khó lắm ảnh 1
Phạm Ngọc Tiến (trái) lăng xê bạn trong buổi ra mắt tạp văn “Ký ức vụn”. 
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trong các chân dung văn học của anh, như Tô Nhuận Vỹ, Xuân Diệu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hữu Thỉnh, Phạm Ngọc Tiến,... bao nhiêu phần trăm sự thật, bao nhiêu phần trăm phóng tác?

Các chân dung tôi lấy tên thật thì tất nhiên phải kể chuyện thật. Tôi chỉ sắp đặt gia công lại thôi chứ không bịa đặt, chỉ có năm phần trăm thuộc phần phóng tác.

Ví dụ chuyện Phạm Ngọc Tiến ngâm của quí vào nước nóng, sự thật là để hạn chế sinh đẻ chứ không phải để đẻ con trai. Tôi dùng chi tiết này cho việc đẻ con trai, đơn giản vì cho nó buồn cười.

Nguyễn Quang Lập: Khen bây giờ khó lắm ảnh 2 Bạn bè bảo ông lên báo lắm quá, có khi báo người ta không bán được mà sách của ông cũng không Nguyễn Quang Lập: Khen bây giờ khó lắm ảnh 3

Những chân dung phiếm chỉ hoặc bịa tên thì tôi phóng tác thoải mái vì đó là chân dung tôi tạo ra. Nhưng thường tôi vẫn dùng một nguyên mẫu nào đó, và họ có ít nhất một nửa chất liệu tôi cần dùng. Phần còn lại tôi nhặt nhạnh ở một vài nguyên mẫu không khác chứ không bịa.

Nguyễn Quang Lập có tài phóng tác, phát triển chi tiết. Điều này vận dụng vào tiểu thuyết, truyện ngắn thì quí nhưng, với thể loại chân dung văn học, đôi khi gây nghi ngờ về độ tin cậy (“Nửa bánh mì là bánh mì...”). Mua vui cho bạn đọc là chính. Như đọc bài “Người đẹp”, “Cái miệng hình số 8”,  “Chuyện ma”... biết ngay phần sáng tác nằm ở đâu. Kể cả các chân dung mà tôi điểm trên kia.

Muốn cũng không bịa được. Bịa được thì tôi tài quá. Nhiều khi cái thật nếu để nguyên thì thấy thường thường nhưng qua tay nhà văn người ta bỗng ngạc nhiên, thấy lạ hẳn, nghe như bịa. Thế mới gọi là viết văn. Nhà văn là người có cái tài lạ hóa những cái tưởng đã nhàm chán.

Anh nói, với chân dung phiếm chỉ, phần phóng tác chiếm một nửa. Khổ nỗi khi anh viết chuyện làng nho, cả làng đều nhận ra nửa (sự thật) kia là viết về ai nên sự phóng tác có thể nguy hại cho người ta? Xuân Sách có viết tên ai đâu nhưng ai chẳng nhận ra từng “Chân dung nhà văn”.

Xuân Sách dùng tên sách để dựng chân dung. Tên sách chính là tên nhà văn vậy, đó không phải chân dung phiếm chỉ. Còn chân dung phiếm chỉ mà mọi người đoán người nọ người kia là việc của người ta chứ.

Xưa tôi viết tiểu thuyết cũng bị một gia đình quê tôi cho là viết về bố họ. Cái sự vơ vào đó không phải lỗi của tôi mà lỗi của văn hóa đọc.

Không tin Tô Nhuận Vỹ bỏ qua cho Nguyễn Quang Lập vì một số tình tiết đời tư anh tương lên blog. Xuân Đức thì có thể ngây thơ hơn.

Anh Vỹ không giận tôi vì anh biết tôi chỉ đùa, sự đùa hơi quá trớn nhưng đùa thôi chứ tôi không cố ý bêu xấu anh. Mấy chuyện đó tôi đợi anh già rồi mới kể, nghĩ bụng già rồi thì đâu quan trọng.

Nhưng khi post lên blog, một học trò của tôi comment: “Thầy viết thế bác Vỹ chỉ cười thôi nhưng con cái bác sẽ nghĩ thế nào?”.

Tôi giật mình thấy đúng và xóa entry Bạn văn 3 đi.

Còn chuyện anh Xuân Đức thì không có gì hết. Tôi đâu có viết về anh ấy. Đó là chân dung phiếm chỉ mà. Tất nhiên tôi có dùng chút chút chuyện của anh nhưng dùng không khéo, anh phát hiện ra và tôi đã xin lỗi anh.

Cũng vì lẽ đó, tôi xóa entry Bạn văn 2 đi.

Mình viết cho vui thôi, đâu có ý gì. Nếu anh em người ta không vui thì bỏ đi, thế thôi. Sau vụ này tôi cũng rút kinh nghiệm nhiều.

Phạm Xuân Nguyên có cái ý này tôi cho là đúng: Không nên đánh đồng chân dung văn học với chân dung đời thường. Ở ta chưa quen điều đó. Cũng không trách được, một khi người ta còn đánh đồng truyện ngắn với bài báo thì khó có thể thuyết phục người ta tin theo gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên.

Nhà văn phải biết mình không nên viết gì. Nhưng anh viết những điều làm đau người khác kể cả bạn bè? Entry về trại sáng tác Suối Hoa- với các nhân vật đề tên thật trong giới văn chương, cũng nhiều chỗ quá ngưỡng.

Tiếng cười hehe hihi hết sức tự nhiên, hành văn dân dã, những câu chuyện phóng túng về xứ bọ quê hương và cả chuyện làng nho, Nguyễn Quang Lập một bước trở lại văn đàn sau 20 năm vắng bóng.

Có vẻ thích thú danh hiệu mới “một trong những blogger hot nhất Việt Nam” nên dù nát, nhàu nhưng khi nhà phát hành cần, anh lại hehe hihi ra mắt ở hiệu sách, rao bán sách trên mạng, ký tặng lia chia. Lại còn trao giải cho người mà theo anh, phê bình “Ký ức vụn” hay nhất.

Nay thì muốn, phóng viên có hỏi phải xóc óc vào, hậu vệ dập vào, anh mới hứng thú trả lời.

Nhớ lại, tạp chí Cửa Việt thời Nguyễn Quang Lập làm phó tổng biên tập có bài Nguyễn Trọng Tạo phỏng vấn Trần Dần, tựa là “Trần Dần: Tôi thích đối thoại như tra tấn”.

Tôi chẳng cố ý làm đau ai. Bạn mình mà mình cố ý làm đau thì còn ra cái gì. Kiểm điểm lại hơn bốn chục chân dung, những chân dung về bạn bè tôi đều cố làm đẹp mặt theo cách của tôi.

Còn như ai đó thấy đau vì thói quen ve vuốt bao bì, thích công chúng nhìn mình qua lớp bao bì thực thì ít bơm thổi thì nhiều. Lỡ có ai chọc thủng một lỗ nhỏ đã giãy nảy lên như đỉa phải vôi thì tôi biết làm thế nào.

Nhà văn nước mình nhiều người thích tạo dáng quá. Chưa viết gì nên hồn đã lo trau chuốt cái dáng. Hễ ai động đến chút thì lồng lên như sói, mệt quá.

Thập kỉ 90, Tô Hoài viết hồi ký “Chiều chiều” chỉ lướt qua tình trai của Xuân Diệu, bị gia đình phản đối ầm ầm. Gia đình nhà văn Vũ Trọng Can cũng suýt kiện Tô Hoài mô tả ông như một người ăn chơi. Xa hơn nữa là trường hợp Phùng Quán viết về hoàn cảnh nghèo khổ của Đoàn Phú Tứ, cũng gặp khó. Nay thì có vẻ mọi sự thật đều nên được phơi bày dù tàn nhẫn đến đâu? Chỉ cần nhân danh sự thật là được?

Tôi nhớ trên báo Tiền Phong tôi có nhắc chuyện nhà văn Ngọc Giao kể Nam Cao ăn trộm gà đãi bạn. Chi tiết này cũng bị con gái Nam Cao viết thư phản đối. Trong thư trả lời chị Hồng, tôi có nói: “Dưới gầm trời này, không ai là thánh cả bởi vì, trước khi hóa thánh, tất cả đều là người”.

Viết về cái nghèo, cái tật hay thậm chí thói xấu của ai đó chỉ để làm chân dung người đó thật hơn, điều đó rất cần và rất quí. Chỉ sợ cái tâm thiếu lành mạnh, nhân danh sự thật để chơi xỏ, bêu xấu. Điều này rất hiếm xảy ra vì chẳng ai dại chơi xỏ, bêu xấu người chết cả. Là bạn mình lại càng không.

Chúng ta quá quen với sơn quét, thích đến mụ mị việc sơn quét, nói thật là thói quen xấu, chỉ tổ làm hỏng chân dung chúng ta mà thôi. Chẳng được tích sự gì đâu. Sơn giời rồi cũng có ngày khô bong ra cả mà.

Nhiều năm trước, với những vở kịch gai góc “Mùa hạ cay đắng”, “Ngôi nhà quỷ ám”- anh từng phát biểu đại ý, sở trường của anh là viết về cái xấu - khiến có người phẫn nộ: “Nguyễn Quang Lập được như ngày nay là nhờ những người tốt”. Nay trở lại văn đàn,  chân dung nào khen từ đầu đến cuối thường kém đặc sắc? Ví dụ về Nguyễn Thanh Sơn.

Quả thật tôi viết về cái xấu dễ dàng hơn cái tốt nhiều. Nói thế không có nghĩa hễ viết cái xấu là dở. Tất cả các chân dung có tên thật tôi đều khen - tất nhiên khen theo cách của tôi, chẳng riêng Nguyễn Thanh Sơn.

Không tin mọi người cứ đọc kỹ mà xem, có dở lắm không. Khen bây giờ khó lắm. Trần Đăng Khoa nói: “Bây giờ cứ khen nhau theo kiểu tài cao đức trọng, chẳng ma nào tin đâu”.

Anh nói rất bận nhưng thấy anh miệt mài comment các comment của bạn đọc. Anh còn nói nếu mỗi bài chỉ nhận vài chục comment là buồn? Tôi thì thấy có lúc anh cứ như Lập lẫn, giống ngày xưa các anh gọi Tạo lẫn (Nguyễn Trọng Tạo).

Tôi bận thật. Năng lực làm việc giảm sút trong khi khối lượng công việc không hề giảm đi. Nhưng bận mấy cũng trả lời hết các comment, kể cả comment không đáng trả lời. Tôi nghĩ đơn giản đó là văn hóa giao tiếp. Người ta vào nhà chào hỏi mình mà mình cứ trố mắt ra nhìn sao?

Ở hoàn cảnh tôi, việc đó càng quan trọng. Tôi ngồi nhà một mình suốt ngày, nhiều khi cô độc kinh khủng. Nghe lao xao các comment đổ về, mừng lắm. Thành ra bận mấy tôi vẫn không tiếc thời gian cho việc comment.

Vì đấy là niềm vui của tôi, hạnh phúc của tôi. Không ai sợ mất thời giờ vì hạnh phúc cả. Tôi không biết Tạo lẫn là thế nào. Nhưng nếu vì thế mà gọi tôi là Lập lẫn, tôi càng thấy vinh dự tự hào he he.

Giả sử ai đó post chuyện riêng tư, góc khuất, chuyện giường chiếu của Nguyễn Quang Lập (hehe), mà viết đúng hẳn hoi, thì sao đây?

Có người viết rồi đấy. Nguyễn Hữu Quí viết một entry rất dài kể tôi tán gái suýt bị đánh ghen, vui lắm. Mọi người cứ viết thôi, miễn sao cho vui. Yêu nhau mà viết cho vui thì chẳng sợ.

Nhưng hãy cẩn thận, giữa vui đùa và chuyện riêng tư có một khoảng cách mỏng như sợi tóc. Không có bản lĩnh văn hóa thật vững sẽ hỏng hết.

Cuốn “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa từng cực “hot”, nhưng có nhận xét, anh Khoa đã cố tình né, không hề đả động Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp - những gương mặt tiêu biểu của văn học thời bấy giờ - cũng có nghĩa là những vấn đề bản chất nhất của văn học thời bấy giờ. Nay anh có định né ai không?

Sao phải né nhỉ? Họ là bạn văn của mình cơ mà. Những người càng có tài thì viết về họ càng sướng.

Vợ chồng: Xong” là thơ của ai?

Bài thơ ngắn nhất Việt Nam tựa là “Vợ chồng”, chỉ có một chữ xong, của Trần Dần - theo Nguyễn Quang Lập. Anh còn kể trên blog, chi tiết lần đến nhà Trần Dần, nghe ông nói về lai lịch bài thơ.

Gần hai chục năm trước, nhà thơ Phùng Quán có kể về ông Chúc bờ sông, tức Đoàn Văn Chúc một trong những người làm thơ độc đáo nhất Hà Nội, người mà Phùng Quán ví von “so với thơ ông Chúc, thơ tôi chỉ là miếng pic-kê đầu gối”.

Theo chân Phùng Quán, phóng viên đến nhà ông Chúc ở bờ sông Hồng. Con trai ông cho xem nhiều bản thảo trong đó có bài “Vợ chồng” nội dung chỉ một chữ Xong.

Còn lời bình mới đích thị của Trần Dần: “Vợ chồng - mớ bòng bong ấy gọi là xong”. Con trai nhà văn Trần Dần, ông Trần Trọng Văn cũng cho biết, cha ông không phải là tác giả bài “Vợ chồng”.

Hỏi Nguyễn Quang Lập chuyện này, anh giải thích: “Tôi nghe Trần Dần và Phùng Quán nói chuyện về bài thơ tại nhà Trần Dần. Tôi chọn bài này để dựng lên chi tiết nói về sự kĩ lưỡng của Trần Dần vì bài thơ đó ngắn, và tôi thích bài đó. Năm 1987, Trần Dần vào Huế nói chuyện cũng nhắc bài thơ này.

Cũng có thể ông nhắc bài thơ của người khác mà tôi không nghe rõ. Trần Dần nói nhỏ, nặng, khó nghe. Bài thơ có một phong cách rất Trần Dần nên tôi cứ đinh ninh như vậy, không hỏi lại cho rõ. Mọi cuộc trò chuyện đều ở trong rượu nên nhiều khi trí nhớ cũng bị lệch lạc”.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).