Nguyễn Quang Tuệ và ký ức Tây Nguyên

Nguyễn Quang Tuệ và ký ức Tây Nguyên
TP - Tôi xin được gọi anh là “nhà dân tộc học” với các công trình đã hoàn thành. Anh đã sưu tầm, hoàn thiện hàng chục bản sử thi Bahnar, xuất bản nhiều cuốn sách về dân ca, truyện thơ Bahnar, Jrai và xuất hiện khá đều đặn trên các tạp chí chuyên ngành với các bài viết sâu về phong tục, tập quán của đồng bào bản địa Tây Nguyên.

Tôi có thời gian dài may mắn được ông Trưởng Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum “rủ rê” về  ở hẳn trong Ty, đi đâu, ở đâu, làm gì thì tự do tôi đề xuất. Ông ủng hộ với điều kiện khi Ty có việc gì cần thì tôi phải coi việc của Ty  như việc của nhà, coi anh em của Ty như anh em nhà.

Tôi khi ấy là lính văn nghệ viết văn của trại viết Quân khu V, không chức vụ gì, chả phải nhân vật nổi đình nổi đám gì, thậm chí còn lông bông lang bang.  Có mỗi cái “cô-ta” là tôi đã từng sống chung, ở cùng bà con nương rẫy, ăn bắp, ăn củ khoai, củ mì, ăn cà đắng, măng le cả chục năm thời trai trẻ trước năm bảy lăm, qua bao nhiêu chiến dịch đánh to đánh nhỏ mà may mắn  ông trời cho sống sót. Sau này thân nhau, quen việc rồi tôi cũng sinh “tinh vi” thắc mắc. Đó là khi có việc gì to tát thì tôi được “các bố” sử dụng hết công suất như người nhà thật. Nhưng đến khi phải tính toán chi li, xét đến chế độ thù lao theo chính sách cho cán bộ thì tôi bị coi như người ngoài, không có tiêu chuẩn. Vì mình đã chấp nhận mình là “khách” thì tất nhiên đứng ngoài thôi. Nghĩa là dù muốn hay không thì Ty cũng không thể đưa ông vào diện “chế độ chính sách” nào được! Tôi nhất trí và cho qua. Hồi ấy tôi chưa có tư duy kinh tế nên “rút dù” thoải mái.

Trong thời gian ở Gia Lai, tôi thường xuyên được về làng sống chung với bà con. Nhất là về chơi với họa sĩ Xu Man người Bahnar. Ông mới về hưu, về ở hẳn trong làng. Ông Trịnh Kim Sung cũng rất đặc biệt yêu quý Xu Man. Mỗi lần tôi về làng Bông thăm Xu Man, lập tức Trưởng Ty phái khi thì họa sĩ Viết Huy, khi thì nhà nhiếp ảnh Trần Phong hay nhà thơ Văn Công Hùng cùng đi. Chả có gì quan trọng cả. Mấy anh em chúng tôi đều hay rượu, ham chơi, đến nhà bok Yơng cùng “làm việc”. Cả Phong, Huy, Hùng đều là bạn thân của tôi từ hồi đó. Tuệ xuất hiện sau chút ít, nhưng tôi và Nguyễn Quang Tuệ cũng có nhiều chuyến đi về các làng Bahnar, Jrai trong tỉnh. Có khi đó là một chuyến đi cùng nhiều anh em bạn bè với xe ô tô, nhưng thường là chỉ có hai anh em, trên con xe máy 50 của Tuệ. Có lần anh em chúng tôi đèo nhau lên tận miền biên giới, giáp ranh Campuchia.

Nguyễn Quang Tuệ và ký ức Tây Nguyên ảnh 1

Nguyễn Quang Tuệ trong lần thăm lại Tây Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Công việc đầu tiên của mấy anh em chúng tôi là “khám xét” xem trong gùi của nhà bok Yơng - tên cúng cơm của họa sĩ Xu Man có còn gạo, còn muối ăn không. Không còn thì ít nhiều chúng tôi cũng phải có kế hoạch trước, bổ sung thêm cho nó nghiêm! Sau nữa là đi dạo quanh làng kiếm mua ghè rượu để tối rủ mấy “bok kră” - mấy ông già trong làng -  đến chơi, bù khú với nhau và hát hò. Tôi hồi ấy rất hăng, cứ uống vài ba “cang” là hát những bài hát xưa cũ mà cánh lính địa phương như tôi tự sáng tác, dựa trên các làn điệu dân ca Bahnar và Jrai theo các phong trào chung của cộng đồng. Không có karaoke như sau này đâu. Thế mà rôm rả ỏm tỏi khắp cả làng.

Cánh tôi cũng như nhau, hồi ấy còn khá trẻ, nhưng có lẽ Tuệ trẻ hơn cả, lại hay lam hay làm nên thường giành việc khó, ví dụ xuống suối gùi mấy gùi nước (bến nước khá xa đấy nhé) hay nếu có mua được mấy chú ier (gà) thì chú em sốt sắng nấu nước vặt lông làm thịt. Mỗi lần về làng Bông là một lần cho chúng tôi cơ hội tha hồ nói tiếng Bahnar. Tôi thì hay khoe mẽ, có bao nhiêu từ là đem ra chém gió bằng tiếng Bahnar phần phật. Huy và Phong đều là những tay ít nói, ít biểu hiện, thỉnh thoảng Huy ngồi vẽ vời, ký họa. Phong thì chụp ảnh. Phim ảnh thời ấy là rất khó, và tốn tiền, chụp ảnh phải tính chi li, dè sẻn, chụp phát nào ăn phát ấy, không phải cứ chụp búa xua như bây giờ. Còn Tuệ thì lủi thủi ghi chép, ghi chép và hỏi và ghi. Tay này có máu nghề nghiệp ghê đây, hồi ấy tôi đã nghĩ thế.

Trước đi với “cụ” Từ (nhà dân tộc học Từ Chi) thấy “cụ” chả ghi chép gì. Lại đi với bok Đặng Nghiêm Vạn thì thấy đến đâu đều chuẩn bị chu đáo các “phương án” và ghi chép, lục vấn, hỏi cho đến cùng kỳ chi lý… Thôi, cá tính ai người nấy dùng, tôi nghĩ. Tôi cũng đã từng đi chung với các nhà văn, nhà thơ danh tiếng như các ông anh Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ, Thu Bồn. Chả thấy mấy anh chăm chỉ ghi chép. Có lẽ anh Phan Tứ là con ong chăm chỉ ghi chép nhiều nhất. Anh ấy không khi nào rời cuốn sổ tay và cây bút. Ghi chép kỹ lưỡng, chi tiết tỉ mỉ. Quả tình, anh Phan Tứ thì xung quanh anh có hơi đụng chạm tí gì là ảnh ghi tắp lự. Mỗi chuyến đi về có hai ba cuốn sổ tay ghi chép. Cả đời nhà văn Phan Tứ có khi có tới hàng nghìn cuốn sổ tay ghi chép! Khiếp! Còn như các ông anh Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Thái Bá Lợi thì chả thấy ghi chép nào. Ông Nguyễn Khải thì có ghi, nhưng chỉ ghi những cái phục vụ cho các truyện ổng đang “thai nghén” thôi.

Nguyễn Quang Tuệ hồi ấy thuộc diện chăm. Chăm học tiếng Bahnar nhất “đội”. Tuệ ra chỉ tiêu cho mình học nói và học viết mỗi ngày bao nhiêu từ. Chậm rì rì, sốt cả ruột! Nhưng chắc. Loại như tôi thực dụng hơn, chỉ học nghe và nói. Nói thí xác, không kể đúng sai. Không tính bài bản niêm luật. Có khi nói xong, đồng bào nghe được câu tầm bậy tầm bạ “bố nào” bày cho thì phải xua xua tay, che miệng che mũi cười tít mù. Thế cũng thấy vui. Sau này nghĩ lại thấy mình thuộc diện liều. Bây giờ thấy trình độ Tuệ hơn tôi nhiều cả tiếng Bahnar lẫn tiếng Jrai, tôi mừng cho bạn, mừng cho cái sự học hỏi chỉn chu, cần cù bao nhiêu năm nay đã thành quả.

Nguyễn Quang Tuệ và ký ức Tây Nguyên ảnh 2

Cho đến năm nay tôi xin được gọi anh là “nhà dân tộc học” với các công trình đã hoàn thành. Anh đã sưu tầm, hoàn thiện hàng chục bản sử thi Bahnar, xuất bản nhiều cuốn sách về dân ca, truyện thơ Bahnar, Jrai và xuất hiện khá đều đặn trên các tạp chí chuyên ngành với các bài viết sâu về phong tục, tập quán của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Anh là người chăm chỉ, nay xuống làng này, mai xuống làng kia với công việc thiện nguyện cùng anh chị em nhóm pleikucafe.com. Bên cạnh đó, được sự tin tưởng và giúp đỡ của nhiều người, anh xây dựng hẳn một quỹ để giúp đỡ thường xuyên gần 10 nghệ nhân sử thi Bah Nar nghèo khó ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Hằng tháng, mỗi nghệ nhân nhận được số tiền 300 ngàn đồng, trong khi chờ chế độ đãi ngộ từ nhà nước. Thành ra, một mình một “ngựa sắt”, anh đi lại, lên lên xuống xuống các làng như con thoi. Nắm thông tin về làng rất cụ thể và sâu sát. Đó là một công việc hữu ích cho nghề nghiệp nghiên cứu dân tộc học, và học hỏi trong dân gian, trong cuộc sống của đồng bào mà tôi rất mến phục.

Nguyễn Quang Tuệ hồi ấy thuộc diện chăm. Chăm học tiếng Bahnar nhất “đội”. Tuệ ra chỉ tiêu cho mình học nói và học viết mỗi ngày bao nhiêu từ. Chậm rì rì, sốt cả ruột! Nhưng chắc.

Công trình sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu câu đố Jrai anh đã mất gần chục năm để hoàn thành, sách song ngữ in từ hồi năm 2008. Nay là công trình tương tự về câu đố Bahnar với khoảng trên 500 câu, cũng được làm xong trong ngần ấy năm trời. Nghĩ cũng thật là kì công. Vì tôi hồi trước năm 1975 có sưu tầm, biên dịch được khoảng hai chục câu chuyện cổ tích của người Jrai, in ở Nhà xuất bản Trẻ những năm đầu thập niên 90. Lúc đầu đưa in, tôi cũng hăng hái, sau tính đi tính lại mà đâm lo sợ về độ chính xác và trình độ tiếng dân tộc của mình, nên tôi mới ghi là chuyện do tôi sưu tầm và viết lại.

Trong không gian văn hóa của làng rừng, tôi có đôi lần đi theo Nguyễn Quang Tuệ vào làng, tổ chức cho các nghệ nhân hát kể chuyện xưa. Trước khi làm việc ấy thì phải uống rượu cần, món xúc tác không thể thiếu. Sưu tầm ngày nay có phương tiện tối ưu: laptop, ghi âm, máy ảnh, máy ghi hình… Tóm lại phương tiện không thiếu thứ gì, chỉ thấy chột dạ mà nhìn nhau, nói với nhau rằng, không gian làng rừng bây giờ khó quá. Nhưng rồi cũng khắc phục được thôi. Bây giờ còn hơi kịp, năm mười năm nữa có khi chịu thua vì rừng mất tức là mất môi trường hay nhất để tái tạo lại môi trường để thực hiện các công trình mà mình mất nhiều năm nữa mới hoàn thiện được.

Những câu chuyện xưa giờ đây chắc vẫn còn đâu đó thỉnh thoảng lại ngọ nguậy trong đầu các nghệ nhân già khi gặp vài ba nhà sưu tầm gợi lại cho họ hát kể. Nhưng cũng rời rạc lắm vì các già đều nghèo khó và tất nhiên đói cái bụng “lơlang” (nhiều). Ngoài kia rừng bị đốn sạch, làng giờ không thể gọi là làng rừng, người không thể gọi là người của rừng. Lần lượt các công trình mới tấn công vô những cánh rừng mấy chục năm qua chả biết ai đúng ai sai, nhưng rừng thì biến mất. Rừng biến mất kéo theo mất đủ thứ, tất nhiên cái gốc văn hóa làng rừng biến và tiếp thu “cái mới” “làng văn hóa” với nhà rông mái tôn, với những dàn karaoke loa cực đại và những bài hát dở Kinh dở Kông (người Bahnar, người Tây Nguyên) lên ngôi được gọi là rock Tây Nguyên cùng với những ca sĩ, nhạc sĩ người Tây Nguyên mà nói tiếng dân tộc còn ngọng nghịu, hát tiếng dân tộc cũng ngọng nghiu luôn, nhưng nói tiếng Kinh, hát tiếng Kinh, tiếng Anh như… gió.

Nhạc sĩ rock Nguyễn Cường là thần tượng của giới trẻ với những bài hát mà chất liệu Tây Nguyên chỉ là một lớp ca từ màu mè có vẻ Tây Nguyên và chỉ cần thế là đủ. Cũng như ở trong các làng, “chinh chiêng cải tiến” lên ngôi. Một dàn chinh chiêng treo lên một cây gậy, hai người khênh và cho một người đánh là đủ! Chinh chiêng không còn là chinh chiêng của cả cộng đồng làng rừng với sự tham gia của mọi người. Cũng tấu được rộn ràng, chủ yếu là các bài hát mới, tuyên truyền v.v.

Làng văn hóa mới thì cái mới dở mới, cái cũ dở cũ, chả còn chỗ nào cho các nghệ nhân ngồi mà hát kể. Họ chìm trong các chai rượu trắng, chìm trong tâm trạng u buồn say mèm của không gian văn hóa nhậu, thỉnh thoảng chợt bùng lên một khoảnh khắc, một cơn ngẫu hứng, hát một dây một tràng tích cũ nhưng mau chóng thành ra người gàn dở, hâm hâm dưới con mắt thương hại của bà con trong làng. Họ cố chui rúc vào trong trí nhớ để moi ra được vài ba đoạn của bản trường ca cũ ê a hát kể vớt vát tự thỏa mãn mình.

Đoạn kết cùa bài viết ngắn này chỉ còn câu tha hương: buồn ơi chào nhé! Phải chào nhau thật rồi Giàng ơi!

Dù sao tôi cũng xin chúc mừng Nguyễn Quang Tuệ đã hoàn thành công trình đơn lẻ và càng ngày càng trở nên cô độc, hiếm hoi này.

MỚI - NÓNG