Thất bại thì bình thường, thành công mới là đáng kể

Nguyễn Thu Phương - Người sống ở “vùng đất chết”

Nguyễn Thu Phương - Người sống ở “vùng đất chết”
TPCN - Gặp nhà văn Nguyễn Thu Phương ba ngày trước khi chị lên bàn mổ, cuộc “đụng chạm dao kéo” lần thứ 3 trong năm.
Nguyễn Thu Phương - Người sống ở “vùng đất chết” ảnh 1

Lúc này sân khấu Kịch Tao Đàn của Thu Phương vừa khai trương vở thứ hai “Tình”, vở thứ ba “Siêu trộm” cũng đang rục rịch ra mắt. Đích thân chị chuẩn bị đạo diễn vở “Ôi, thiên tài!”, đồng thời đang viết và “xoay xở” tìm kịch bản mới cho kịch mục Tết.

25 tập kịch bản phim “Thám tử tư” đã hoàn thành để đạo diễn Mỹ Hà bấm máy từ tháng 12. Bộn bề, lấn bấn giữa viết lách, làm bầu sân khấu và trị bệnh, nhưng cứ hở ra một chút là người phụ nữ này lại mơ ước về… những cuộc rong chơi.

Thất bại thì bình thường, thành công mới là đáng kể

-Ngày 14/10/2006, chị và hai đạo diễn trẻ Nguyễn Ngọc Hùng, Vũ Thị Phi Nga khai trương sân khấu Kịch Tao Đàn (tại Cung Văn hóa lao động TP.HCM), dân trong nghề coi đây là “vùng đất chết”. Chắc chị đã xem phong thủy?

- Có chứ. Trước ngày khai trương, tôi và các bạn đã phải “chữa lại” một số chi tiết được cho là không thích hợp. Cũng coi như “liệu pháp tinh thần” để trấn an nhau thôi!

Gọi “vùng đất chết” không biết khởi nguồn từ đâu, sau này có nghĩa bóng rất nhiều người đã làm ở đó nhưng không thành công. Có 2 dạng quan tâm đến chúng tôi: thương và thật lòng khuyên đừng dại đâm đầu vô; dạng khác bảo thích thì làm đi, nếu chết càng… vui, người ta sẽ khoái, vỗ tay.

Câu trả lời của chúng tôi đơn giản là: cố gắng hết sức, thất bại là bình thường, thành công mới đáng kể.

Nói vui: bản tính tôi ham chơi hơn là ham làm (dù làm cũng không đến nỗi!), nếu thất bại với sân khấu Kịch Tao Đàn thì “quy ra” vật chất tôi mất khoảng… 2 chuyến du lịch châu Âu và Mỹ, về tinh thần sẽ bị người ta cười vô mặt (vì đã ngăn cản trước mà không nghe).

Hiểu theo nghĩa nào đó thì còn tồn tại nghĩa là thành công, hãy cho chúng tôi thêm thời gian, và… để yên cho chúng tôi làm.

-Đã là đạo diễn ai chẳng muốn chăm chút hơn cho vở kịch riêng của mình. Nếu ví ba người chủ của Kịch Tao Đànnhư 3 chàng ngự lâm pháo thủ thì có hành động theo phương châm “Một người vì mọi người”?

-Chúng tôi đang phải làm đủ thứ “việc không tên”, dù đã phân công vai trò đâu đó nhưng khi kẹt quá, người này vẫn sẵn sàng “choàng đỡ” công việc cho người kia. Nếu có 3 người tạo thế chân kiềng thì vững, nhưng Phi Nga tạm thời ngưng.

Giai đoạn này tự nhiên Nga có nhiều “sô”, nào Kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới, sắp tới lại còn đi Mỹ lưu diễn. Cho nên còn tôi và Ngọc Hùng thôi. Cũng không sao, vì tôi và Hùng đã lường trước chuyện này từ đầu nên cũng không bất ngờ, không hụt hẫng.

Làm sân khấu tư nhân chủ yếu chạy cho hết việc chứ không quan trọng hết giờ. Khó khăn thì nhiều (buổi đầu mà!). Và cũng lắm vấn đề phát sinh.

Chẳng hạn như chúng tôi đang bị “cạnh tranh không lành mạnh”: ở sân khấu khác thấy bên tôi mời vai và làm “nổi lại” những diễn viên có khả năng như Phương Linh, Trí Quang, Cát Tường… bèn có động tác “lôi kéo” về rất quyết liệt.

Thật ra không phải vì họ quá “mê” các diễn viên đó, cũng không thiếu “ngôi sao”, không thừa những vai diễn hay.  Tôi hơi lạ. Lúc đầu, tôi đã không vui, nhưng sau nghĩ lại thôi thì cho qua.

Chỉ miễn rằng ai đã nhận vai ở sân khấu Kịch Tao Đàn thì bắt buộc phải đảm bảo lịch diễn, còn dư thời gian, nếu thấy phù hợp có thể cộng tác thêm với nơi khác.

Sự bất quá tam nhưng phải lạc quan

-Sức khỏe của chị thế nào rồi?

-Không tốt. Năm nay bội thu về chuyện… đi mổ! Mà lần nào mổ cũng nặng. ở đời sự bất quá tam, nhưng với tôi, khi sức khỏe trục trặc, sau mỗi lần cố gắng vượt qua thì lại… bị nặng hơn!

Mọi người bảo tại làm việc nhiều quá nên bệnh, không phải, nếu không làm nằm một chỗ chắc tôi sẽ bị stress. Tháng 9 mổ xong, vừa xuất viện được 2 ngày, còn đau lắm thì bạn gọi điện bảo “chị ơi, diễn viên bỏ vai hết trơn”. Cũng vì nghe tin tôi nằm viện nên họ mất niềm tin.

Lẽ ra phải nghỉ ngơi ít nhất một tháng thì tôi lại cố… “lết” lên sân khấu, cười tươi tỉnh như không để lấy lại khí thế cho mọi người. Tôi đã làm vở Khi người ta yêu trong tình trạng “lăn xả” như thế để kịp khai trương SK Kịch Tao Đàn và tham dự LH sân khấu xã hội hóa.

Chiều về, vết thương đau nhức, tự nghĩ mà thương thân. Là phụ nữ, tiền bạc kiếm đủ mình tiêu, danh vọng không ham, nhưng bày ra sân khấu mà bỏ thì không nên. Chồng tôi giận, bảo anh đi nuôi người bệnh như em về thấy… uổng công quá.

-Vậy mà chị vẫn kham “Thám tử tư” tới 25 tập?

-Viết kịch bản phim mất sức lắm, tính số lượng chữ cũng thấy có thể… mù mắt như chơi. Trung bình mỗi trang khoảng 500 chữ, mỗi kịch bản dài 40-45 trang, cứ bao nhiêu tập mà nhân lên.

Lại không viết lai rai được. Ký hợp đồng xong, đi thực tế, thu thập tư liệu, xây dựng đề cương chi tiết… đến thời hạn là cuống lên ngồi viết. Ví dụ như phim Công ty thời trang tôi viết 15 tập 60 phút chỉ trong 5 tuần, giai đoạn cuối 3 ngày xong 2 tập, mờ cả mắt do cứ phải ngó liên tục lên màn hình máy vi tính.

Lại không ăn uống, ngủ nghê đúng giờ đúng giấc. Quá lao lực. Với “Thám tử tư” cũng chẳng khá hơn, do tư liệu gốc từ những bài phóng sự của báo Tuổi Trẻ rất ngắn, gọn, sơ lược, khi viết bắt buộc phải gia cố thêm rất, rất nhiều về các tuyến nhân vật, đường dây, câu chuyện, chi tiết…

Tôi đã phải “rủ rê” thêm một bạn nữa viết chung, và chia bớt 8 tập cho bạn ấy, tôi còn lại 17 tập. Viết xong thở phào, tự khen mình sao quá… chăm chỉ “cày”.

-Cuối cùng thì chị thấy mình sống vì cái gì?

-Vì những cuộc phiêu lưu, rong chơi đây đó cho riêng bản thân tôi. Nào ai biết mình sống được đến chừng nào đâu. Mới đây tôi có truyện ngắn “Mờ nhân ảnh”, viết ra trong lúc buồn, nghĩ có khi nào mình cũng như nhân vật nữ trong truyện không, chảy máu hoài đến hết rồi hoá ra trong suốt, và… bay bổng lên trời cao.

Có lúc làm việc nhiều quá, tôi mệt, nằm thiếp đi, thấy rõ là mình… thoát luôn ra khỏi thân xác, lơ lửng trên không, nhìn xuống thấy mình đang ngủ. Thế là… sợ quá, quay trở về.

Kịch của tôi hay có nhân vật nữ nổi loạn, như Thời con gái đã xa, Cây lẻ bạn, Con yêu, Một nửa thiên đường, Nhà có ba chị em… nhưng cuộc sống gia đình tôi lại chỉ thích đơn giản, êm ấm, bình thường. Tôi sống yên ổn, hạnh phúc, bằng lòng với những gì mình có.

Cũng có người ngạc nhiên hỏi tôi sao văn như thế mà người lại… như thế! Và sao bây giờ thiên hạ hay gây sốc, hay tạo ra scandal để chơi nổi, để được chú ý, mà tôi không như họ. Chắc vì tôi đã qua cái “tuổi” ưa những gì xáo trộn, sôi nổi, ầm ĩ…

-Nhưng còn tác phẩm thì sao?

- Tác phẩm thì khác. Nhà văn có quyền hư cấu, mơ ước, tưởng tượng, thăng hoa… Có quyền đưa lên trang sách, trang kịch bản… những cuộc đời đã từng gặp gỡ, quan sát, ghi chép ở đâu đó, những nhân vật hoàn toàn xa lạ, biến hóa, thay đổi, lắp ghép, không hề giống với bản thân.

-ở góc độ một nhà văn, chị nhìn nhận dòng tự truyện  thế nào?

-Tôi cảm nhận  đó như một thể loại văn học. Ai thích, ai viết được thì cứ viết. Còn tôi, khi “hết tuổi” và cạn khả năng, không làm gì được nữa tôi sẽ nghỉ chơi, không tham gia trường văn trận bút nữa, và cũng không làm sống lại hình ảnh của mình bằng cách viết tự truyện.

Tất nhiên tôi có đọc tự truyện của chị Lê Vân, thấy cũng bình thường. Ngôn ngữ biểu đạt ở những đoạn do Bùi Mai Hạnh viết thích hơn đoạn tư liệu thư của chị Lê Vân xen vào.

Phần viết về bố của chị Lê Vân, tôi lại không có cảm giác gay gắt như dư luận. Tôi đoán trong sự chê trách ấy đã có mức độ, và nhiều điều còn gượng nhẹ. ở nước ngoài tự truyện đã phổ biến từ lâu, người ta đi trước mình nhiều lắm…

MỚI - NÓNG