Nguyễn Thuỳ Dương và 'cái bóng' tự do

Hoạ sĩ Nguyễn Thuỳ Dương tại triển lãm “Cái bóng”. Ảnh:T.D.
Hoạ sĩ Nguyễn Thuỳ Dương tại triển lãm “Cái bóng”. Ảnh:T.D.
TP - Gặp Dương trong ngày bế mạc triển lãm “Cái bóng”. Đây không phải là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh nhưng là “đứa con tinh thần” có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu kết thúc một hành trình và mở ra hành trình mới với nam họa sĩ lớn lên từ vùng biển đầy nắng gió miền Trung.

Dương sinh năm 1981, cả tuổi thơ lớn lên cùng tiếng sóng vỗ trên mảnh đất nghèo Hải Bình (Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Cuộc sống dường như an bài cho Dương trở thành một ngư dân thực thụ, ngày ngày bám biển ra khơi theo những cánh thuyền. Nếu như không có một buổi chiều lang thang cùng đám bạn, bắt gặp từng tốp sinh viên mỹ thuật ở Hà Nội về thực tập vẽ tranh trên bãi đá gần nhà. Cậu học sinh lớp 7 nhanh chóng bị những giá vẽ, những cây cọ, hộp màu cuốn hút. Rồi những buổi chiều sau đó, được theo chân các anh chị đi vẽ đã dần hình thành trong trái tim non nớt một ước mơ: Lớn lên sẽ được làm họa sĩ.

Tưởng chỉ là mơ chơi, như bao đứa trẻ nhà nghèo khác vẫn từng mơ được làm diễn viên, ca sĩ... thế mà hết lớp 12, mọi người bất ngờ thấy Dương thi vào ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, trong khi vốn liếng chỉ là... niềm tin. Hai tháng học ôn đủ để Dương biết những kiến thức cơ bản của hội hoạ, biết thế nào là pha màu, là tạo khối... nhưng không đủ cho anh chàng trở thành sinh viên mỹ thuật. Dương trượt. Năm tiếp theo, Dương thi lại vào ĐH Mỹ thuật, lại trượt. Thi thêm năm nữa, vẫn trượt. Lần thứ 4 thì Dương đỗ. Khỏi phải nói, trong ngần đấy năm, anh chàng phải bản lĩnh thế nào mới kiên định được với giấc mơ hội hoạ, trước sức ép của gia đình, họ hàng, làng xóm. Ai cũng nghĩ Dương viển vông, thiếu thực tế. Chỉ có bố là người ủng hộ Dương toàn tâm theo đuổi những gì mình mong muốn.

Nguyễn Thuỳ Dương và 'cái bóng' tự do ảnh 1

Tác phẩm trong triển lãm “Cái bóng”.

Những năm tháng lăn lộn ở thủ đô, để có tiền học, Dương thường xuyên đi theo anh bạn làm nghề khắc bia mộ, kiếm vài chục nghìn mỗi ngày, cũng đủ qua bữa. Cũng trong thời gian này, Dương tham gia một số triển lãm nhóm cùng bạn bè và phát hiện ra mình có duyên với trường phái trừu tượng. Có lẽ chỉ có tranh trừu tượng mới thể hiện hết cá tính ngầm của Dương. Vẻ ngoài hiền lành, “vô hại” nhưng bên trong Nguyễn Thuỳ Dương là một cá tính dữ dội, có đôi khi Dương kìm lại được, nhưng có những thời điểm bất thành, anh đổ hết vào tranh. Hồi đó, Dương thích vẽ trừu tượng để thoả mãn cá nhân mình và không cần ai hiểu.

“Cái bóng” không phải là triển lãm cá nhân đầu tiên của Dương. Trước đó, năm 2015, người ta đã biết đến một Dương rất riêng với triển lãm “Nơi Đâu”. Nếu như triển lãm năm ấy, người ta thấy sau những bức tranh là sự loay hoay, bế tắc khi đi tìm giá trị cốt lõi của cuộc sống thì ở “Cái bóng” lần này, Dương mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong thông điệp của mình. Bóng ở đây không phải là cái bóng người ta vẫn nhìn thấy, trong tương quan với vật chủ, mà nó trừu tượng hơn, thể hiện sự bị động của đời sống, lãng quên văn hóa quá khứ, học đòi sự lòe loẹt sang trọng giả dối của không ít người. Và con người - đám đông đang dần dần biến thành “Cái bóng” nguy hiểm.

Sự tự do không chỉ thể hiện trong những bức tranh Dương vẽ mà nó “ám” cả vào tính cách con người anh. Triển lãm này được anh chuẩn bị gần 2 năm. Ngần đấy thời gian anh vẽ được hơn 30 bức nhưng chỉ mang 13 bức đi “khoe”. Hỏi tại sao lại chọn 13 bức này, Dương bảo đơn giản vì nó... gần chỗ anh đứng nhất. Người ta thường tránh con số 13 vì sợ xui xẻo, Dương lấy luôn số 13 để xem có thể xui cỡ nào.

Thường, Dương phác thảo một bức tranh nhưng khi hình thành có thể nó lại ra hình hài khác, là bởi anh luôn để tư duy và bàn tay tự do đưa đẩy. Việc anh bày tranh ra cũng rất tự nhiên, đơn giản là “sau bao năm hùng hục làm việc, nó như một cuộc tổng kết, đánh dấu một hành trình và mở ra hành trình mới”. Nên, hay dở anh không bàn, xấu đẹp anh không quan tâm. Khai mạc hay bế mạc, anh cũng tổ chức âm thầm, chỉ bạn bè người quen biết tin mà đến. Triển lãm của Dương cũng không giống ai. Tất cả tranh đều treo thấp hơn bình thường, tên tranh thấp hơn điểm nhìn, chữ ký thì mờ, ánh sáng thì ảo như chưa khai mạc. Vì Dương thích thế, Dương ghét cái khuôn khổ, cái “phải thế này, thế kia”... Ai hiểu được thì hiểu, không hiểu được cũng cố mà hiểu.

Thời gian trôi qua, cậu bé làng chài ngày nào nay đã thành một người nghệ sĩ đắm mình trong cuộc sống đô thị. Tranh Dương mang đậm chủ nghĩa cá nhân, có phần hơi cực đoan, vị kỷ nên đương nhiên kén người mua. Nhưng Dương không quan tâm. Chưa bao giờ anh vẽ vì tiền. Với Dương, vẽ là để niềm yêu thích, thoả khát khao với bút với màu và hiện thực hoá giấc mơ hồn nhiên của cậu bé ngày nào.

Rồi Dương khoe tranh con gái vẽ, phấn khởi phân tích cái sự hồn nhiên, tinh thần trẻ thơ trong tranh của bọn nhỏ bây giờ. Cái thứ đó, đôi khi Dương học lại từ bọn nhỏ. 

Xếp tranh lên xe, kết thúc triển lãm “Cái bóng”, hỏi Dương dự định sắp tới làm gì. Dương lại cười, gật gù “nay vẽ tranh biết đâu ngày mai khoe tượng”. Chả biết đùa hay thật, nhưng với Nguyễn Thuỳ Dương, có lẽ không gì là không thể. Bởi anh luôn tin, khi đã đồng hành với sự sáng tạo thì nó sẽ cho người nghệ sĩ đi bất cứ đâu, để họ làm bất cứ điều gì.

MỚI - NÓNG