Nguyễn Văn Thể - từ xe ôm đến họa sĩ nghìn đô

Nguyễn Văn Thể và tác phẩm đang trưng bày tại Hà Nội.
Nguyễn Văn Thể và tác phẩm đang trưng bày tại Hà Nội.
TP - Nguyễn Văn Thể khởi nghiệp nông dân, kinh qua thợ mộc, xe ôm… rồi dừng lại ở giá vẽ. Chỉ sau chưa đầy 10 năm tự rèn luyện, anh đã có tranh tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2015. Tranh anh đang bày tại Tam tấu - triển lãm khai trương Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia.

Gương mặt xạm đen, cao lêu đêu trong chiếc áo vải màu lá rừng, trông Thể chẳng khác nào một ông xe ôm giữa phòng triển lãm sáng choang. Mà đúng anh từng có 5 năm lái xe ôm thật. Nhưng tiếp xúc rồi, sẽ thấy trong mắt anh tinh thần của một người thắp lửa. Ngọn lửa đam mê trời phú.

Vừa mở miệng anh đã “cảm ơn chương trình”. Tôi hiểu là anh cảm ơn tờ báo sắp đưa bài về anh. Và trong suốt cuộc trò chuyện, anh liên tục cảm ơn công chúng, Ban tổ chức… Rõ ràng người đàn ông dáng vẻ khắc khổ ở tuổi 49 mang sẵn rất nhiều lòng biết ơn với nghệ thuật, với cuộc đời này, chỉ chờ dịp là bung ra.

“Mình đến với nghệ thuật như một sự tình cờ. Không bao giờ mình nghĩ mình lại được như thế này”, Thể vào chuyện. Sinh ra ở vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam, Thể trở thành nông dân như bố mẹ. Khi lấy vợ, tự học mộc để có thêm nghề mưu sinh. Nhưng vẫn không nuôi nổi gia đình, Thể quyết định chuyển khẩu lên Sa Pa năm 1998. Đó hẳn là quyết định sáng suốt nhất trong đời anh. “Rất may dường như định mệnh đưa mình lên Sa Pa, từ bạn bè anh em, từ những cái hoang dã của núi rừng, từ những con người dân tộc thân thiện nhen nhóm cho mình ngọn lửa đam mê. Mình cố vẽ để chơi, để trải nghiệm cuộc sống bằng hội họa”, anh kể. “Mình không có thời gian đi học. Thôi thì qua những câu chuyện của liền anh liền chị và thiên nhiên là người thầy vĩ đại, cứ lấy đó mà học”.

Nguyễn Văn Thể - từ xe ôm đến họa sĩ nghìn đô ảnh 1 Sơn dầu Sa Pa hồng hoang của Nguyễn Văn Thể. Ảnh: N.M.Hà.

“Liền anh liền chị” đây là các họa sĩ hay lên Sa Pa nhờ Thể chở đi những nơi có cảnh đẹp để vẽ. “Không được đi học, nhưng qua tiếp xúc với các bác họa sĩ từ Hà Nội lên và các bạn bè, tôi rất yêu hội họa. Tôi cũng phải tự học hỏi, nghiên cứu rồi mới bắt tay vào vẽ. Tôi muốn ghi lại nhịp điệu sống, màu sắc và âm thanh của núi rừng và con người. Dần dần nó cứ đưa đẩy tôi phải đam mê với nó”. Về sau xưởng vẽ của Thể trở thành địa điểm tụ tập giao lưu của nhiều họa sĩ Hà Nội mỗi khi lên Sa Pa.

Còn thiên nhiên vốn sinh ra màu sắc, con người và tất cả mọi thứ nên đương nhiên là người thầy vĩ đại theo quan niệm của Thể. Vốn là nhà nông, Thể yêu cây, yêu hoa. Sống ở bản Cát Cát, anh tranh thủ đi kiếm những gốc lan đẹp của rừng Hoàng Liên, tạo nên những bình lan có giá. Dần dà, Thể trở thành ông chủ thương hiệu “Địa lan Sa Pa”. Anh nhận ra: “Cuộc sống bên dãy núi linh thiêng của đất nước tạo cho tôi cái nhìn mới về cuộc sống”.

Thể phân tích: “Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, sưu tầm những cái đẹp cũng là những duyên cớ để cho mình tham gia hội họa. Trong lao động có những cảm xúc rất chi là hay để mình vẽ nên những bức tranh mang tính rất chi là nông dân, vui vẻ. Màu sắc của núi rừng, màu sắc của thổ cẩm, cảm xúc từ cuộc sống lao động của mình hòa trộn thành những bức tranh như vậy”.

Tôi không khỏi ngạc nhiên trước con số 1.500 bức tranh mà anh đã vẽ trong chưa đầy 10 năm gắn bó với hội họa. Ngạc nhiên hơn nữa, 1/3 số tranh đó đã được bán. Anh cũng không ngần ngại tiết lộ giá của mình: “Nói thực tranh trên Sa Pa mình bán không được giá, chỉ 4-5 triệu/bức. Vì khách đến với Sa Pa đông nhưng đó vẫn là một nơi xa hẻo lánh, trong khi người ta còn phải đi rất nhiều điểm khác. Những bức lớn có thể được 10-15 triệu, 20 triệu cũng có nhưng rất hiếm. Một năm chỉ có thể được một vài bức thế thôi. Nhưng chỉ cần được nhiều người yêu mến là mình vui”. Khách chơi tranh Thể chủ yếu là nước ngoài. “Tranh của mình mang tính trừu tượng hoang dã, cũng rất nhiều người Việt đến xem, nhưng họ bảo không hiểu gì cả”, anh cười nói.

Thể lại hợp với tranh khổ lớn: “Tranh càng to mình càng thích, có thế mình mới toát ra được hết những cảm xúc của mình”. Bức lớn nhất anh từng vẽ là Bên dãy Hoàng Liên khổ 12,5mX1,7m. “Cả một khổ vải mét tám mình rải ra nhà vẽ, mình oánh nhau mới nó trong mấy ngày thôi, không lâu. Mình đã bán được khoảng 4.000 đô cho một người Mỹ”, Thể khoe. Khi mới bắt đầu vẽ, chính anh cũng chẳng tin mình có thể bán được. Còn bây giờ việc Thể “bỗng dưng” thành họa sĩ đã là niềm vui lớn trong họ hàng, bạn bè của anh.

Hai chục bức tranh của Thể đến với triển lãm Tam tấu nhờ mạng xã hội. Trong quá trình tìm kiếm gương mặt mới cho triển lãm khai trương Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Đương đại, giám đốc, PGS.TS Bùi Quang Thắng thấy tranh Thể trên Facebook. “Hình như trong con người tôi có tiềm năng gì đó mà bác ấy phát hiện thấy. Bác ấy nói, tranh Thể rất hồn nhiên và hoang dã. Ngỏ ý muốn tôi tham gia chương trình. Thể nói, hay là bác trêu em chứ không bao giờ em nghĩ làm được việc lớn thế đâu”. Trước khi khai mạc triển lãm độ một tháng, TS Thắng nhắc lại lời mời, Thể mới tin. Và đến hôm khai mạc, hai người mới gặp nhau lần đầu. “Nói chung Thể xin cám ơn, mong mọi người và bạn bè chỉ bảo thêm cho Thể để Thể phát huy thêm trong lĩnh vực nghệ thuật mà Thể rất yêu”, anh tươi cười nói.

Đề nghị Thể nhắc tên một số danh họa mà anh yêu thích, câu trả lời: “Một số người nói tranh của mình giống với ví dụ Pollock. Một số bức lại hơi na ná Jean Basquiat, lại có một số giống Picasso. Mình sướng bảo, tôi là cái gì mà sao các ông lại bảo giống những người vĩ đại như vậy!”. Anh cho biết thêm khi được so sánh, anh chẳng biết ông nào với ông nào. Sau đó anh mới bắt đầu tìm hiểu và biết tầm cỡ của họ. Giờ thì ngày nào Thể cũng đan xen giữa lao động và vẽ: “Nói chung, mình xác định nó là hơi thở. Nói chung rất chi là vui. Được vẽ là được sống”.

“Thể biểu trưng cho một quan điểm nghệ thuật mới. Xem những bức vẽ như Tiếp bạn, Hồn đá… cách vẽ đấy người học vẽ không vẽ được. Tức là nó vô thức, không tượng trưng, đi thẳng vào thị giác và nó không quan tâm đến chuyện bán, không quan tâm đến hình, không quan tâm đến luật xa gần. Kiểu “tự nhiên tôi thích vẽ cái này là tôi vẽ...”

Tôi rất thích cậu này. Quan niệm về nghệ thuật thế mới hay. Người thường cũng làm được nghệ thuật. Đấy mới là một xã hội văn minh. Không học một tí nào. Giờ có vườn lan giàu rồi, không phải làm xe ôm nữa. Chỉ uống rượu say, vẽ nghịch, sướng rồi. Tôi thấy tranh trên Facebook chứ có quen Thể đâu. Tôi nhìn tranh chả cần nhìn người”.

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợvà Phát triển Nghệ thuật Đương đại (VICAS Art Studio) 

MỚI - NÓNG