Nguyễn Vĩnh Tiến: Tình yêu phải được 'canh tác' liên tục

Nguyễn Vĩnh Tiến: Tình yêu phải được 'canh tác' liên tục
TP - Có thể sau khi nghe, vợ tôi vẫn thích nhạc vàng hơn, nhưng cô ấy đúng là người đầu tiên nghe các giai điệu yêu thương của tôi. Vì hôm nào từ phòng thu làm việc xong, tôi cũng về nhà và vợ tôi muốn biết chắc chắn là trước đó, đúng là tôi ở phòng thu.
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tình yêu phải được 'canh tác' liên tục ảnh 1

“A nhờ anh” là một sáng tác mới của Nguyễn Vĩnh Tiến, khi đã trải nghiệm, đã va vấp anh lại “tập đánh vần” trong chuyện tình yêu, đó là một lần refresh tình cảm, hay đơn giản là cảm xúc được một “nàng thơ” gõ trúng?Câu hỏi hay nhỉ?

Lê Minh Sơn bạn tôi, khi chọn ca khúc này để biên tập cho album mới của Thanh Lam đã thốt lên: Tiến phải viết những bài như thế này… mới đúng sở trường… Và tên ca khúc : “Học vần” đã được Sơn đề nghị đổi thành “A nhờ anh”, nghe rất ngộ nghĩnh.

Bây giờ tôi cũng bắt đầu thích cái tên này, nó tự nhiên, và dễ nhớ, giống như trường hợp của “Bà tôi”… Đúng là trong tình yêu, thì ai cũng phải học vần lại từ đầu. Nội dung của ca khúc này được xoay quanh hình ảnh và tâm trạng của một cô gái đang yêu… Cô ấy tưởng tượng, cảm nhận bằng trực giác như thế này :

… tờ im tim huyền tìm anh…

….. anh sắc ánh trăng suông

….. song sắc sóng sang sông

….. lưng hỏi lửng thuyền buông…

…..nôi ngã nỗi tơ vương….

….. hoa nặng họa hình dung…

Mỗi một tình khúc của anh thường được bắt đầu như thế nào?

Tình khúc thì đương nhiên là thường… bắt đầu từ một rung động tình cảm nào đó, không nhất thiết phải là tình yêu.

Có nhiều xuất phát điểm, có thể là từ suy ngẫm về những gánh nặng nhọc nhằn trên vai ai đó, có thể là từ những nét đẹp nào đó lấp lánh tự nhiên ta tìm thấy trong cuộc đời, cũng có thể từ những nỗi buồn sâu thẳm nào đó tưởng như đã chìm khuất, lại bất chợt vẩn lên một ngày…

Anh cảm thấy mình viết hay nhất khi đang yêu hay đang… thất tình?

Tôi lúc nào cũng là người đang yêu, chẳng thất tình bao giờ. Còn viết hay nhất, theo tôi nghĩ là lúc mình đang yêu nhất.

Tên bài hát của anh có chi chít “sở hữu cách”: “bà tôi”, “ông tôi”, “vợ tôi”…, nghe như “gia đình trị”, anh không thấy “mỏi” vì một kiểu đặt tên sao?

Thực ra, tôi chưa thấy đủ thì làm sao mà “mỏi” được. Tôi còn thấy nhiều người thắc mắc: Sao chưa thấy ca khúc : “Cụ tôi”? Tôi chưa bắt đầu viết ca khúc này, nhưng cũng đã bắt đầu vẩn vơ suy nghĩ đến những hình ảnh tuyệt vời về đôi mắt của Cụ với những ngôi sao xa lắc.

Câu chuyện về mô típ và cách triển khai một mô típ sao cho hiệu quả về nghệ thuật vẫn khiến mọi người phải ngạc nhiên và thích thú, thực ra giải quyết rất khó, nhưng vốn là một người “ngoan cố”, tôi tin mình có thể làm được điều này.

Nhưng trên thực tế, những sáng tác của tôi lại vượt xa ra khỏi câu chuyện của một hoặc vài mô típ. Tôi là người không thích tự trói mình.

Anh hay ca ngợi vợ trên báo, một cách an toàn để giải thích về tất cả những rung động sáng tạo, thế nhưng điều đó có vẻ như không công bằng lắm với độc giả, anh nghĩ sao?

Phụ nữ nói chung là hoài nghi, ngay cả khi tôi mang bài hát: “Vợ tôi”, do mình trực tiếp hát về tặng vợ, cô ấy vẫn cho rằng: …chắc là để chuộc lỗi gì đấy??? Bó tay. Yêu thì chẳng biết bao giờ là đủ.

Tình yêu hay là khái niệm Hạnh phúc không bao giờ định nghĩa được rõ ràng như toán học. Càng nhiều càng ít . Chúng ta phải “canh tác” liên tục. Giống như người nông dân chăm chỉ mỗi ngày trên mảnh ruộng bốn mùa của mình…

Theo dõi tất cả những phát ngôn của Nguyễn Vĩnh Tiến về tình yêu, có độc giả kết luận “cha này râu quặp, đố dám trái ý vợ”, đây không phải là lời khích bác, tôi chỉ muốn nói rằng hình dung về một nhạc sĩ trẻ quá “đúng chuẩn” đôi khi gây cảm giác như không thật?

Hãy tìm trên youtube.com, ca khúc: “Tình Yêu” của tôi do ca sỹ trẻ Thùy Chi hát, bạn sẽ thấy câu trả lời: “... Tình yêu, lượm lấy tôi để làm gì không biết… một sớm mai… một sớm mai… Rồi có ngày, tôi tan trong không khí và hơi thở… Rồi có ngày tôi leo trong tan biến những bậc thang mây… Chợt thấy Tình Yêu trùm chăn kín mặt… Đi suốt cuộc đời tìm nhặt lại đời tôi…”

Ba đứa con tôi muốn tôi yêu Mẹ chúng nhất, Mẹ của chúng muốn tôi yêu Vợ tôi nhất, còn tôi thì hiểu rằng không thể hiểu hết tình yêu, chúng cần phải được chăm sóc và  “gieo trồng” từng ngày…

Nguyễn Vĩnh Tiến biết làm những việc gì trong nhà để tỏ sự galant với vợ?

Tôi thường nhận những việc khó hơn : Ví dụ như suy nghĩ, sáng tạo hoặc thiết kế trên máy tính. Còn những việc dễ dàng như nội trợ và trông con, tôi để cô ấy làm…

Nhiều người đàn ông hiện đại vẫn thích quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, trong thâm tâm anh có mong muốn vợ anh độc lập về mọi mặt, kể cả tài chính không? Và thực thế như thế nào?

“Của chồng công vợ” các cụ dạy như vậy để chúng ta hiểu rằng mọi thành công của một trong hai vợ chồng đều có công của người kia. Núi có cao là bởi vì núi đứng bên cạnh vực sâu.

Trong cuộc sống hiện đại, đã có nhiều cặp vợ chồng độc lập về mọi mặt, kể cả tài chính. Tôi nghĩ đó là cách lựa chọn của họ và tôi không lựa chọn cái cách giống như họ. Có thể tôi hơi “cổ điển” chăng?

Chúng tôi cùng bàn bạc và cùng chia sẻ những khó khăn. Không phải lúc nào cũng đồng thuận, nhưng thảo luận một cách dân chủ và tôn trọng các ý kiến khác mình, đó cũng là bước khởi đầu cho một gia đình văn minh.

Những “bóng giai nhân” trong sáng tác của anh hầu hết đều “mờ nhân ảnh”, không rõ hình hài, anh thích tuýp phụ nữ đẹp kiểu nào: truyền thống, hiện đại, cá tính…?

Bạn quả là tinh tế khi thấy những nhân vật của tôi thường mờ mờ ảo ảo. Nét đẹp của những giai nhân, nếu cứ rõ ràng quá hoặc có thể quy ra thành những công thức thì tôi e rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn rung động nữa.

Tôi có đọc một nghiên cứu khoa học của nước ngoài có công bố khuôn mặt một cô gái đẹp nhất hành tinh do khán giả bầu chọn trong số 10 khuôn mặt đẹp được đưa ra thăm dò.

Thật đáng thất vọng vì cô ấy không có thật, đó là một vẻ đẹp nhân tạo được thực hiện trên máy tính bằng cách gộp tất cả các vẻ đẹp của 9 cô gái  có thật kia.

Tôi cho rằng, giống như các loài hoa, các cô gái chỉ đẹp khi giữ được hương sắc riêng mà tạo hóa ban cho mình. Những vẻ đẹp từ truyền thống, hoặc vẻ đẹp kiểu hiện đại, hoặc vẻ đẹp kiểu cá tính… đều khiến tôi rung động…Tôi không quy nạp những vẻ đẹp của phụ nữ thành công thức bao giờ…

Điều gì khiến anh dễ mất cảm tình ở một phụ nữ?

Sự dối trá. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi gặp gỡ với những người dối trá, họ luôn làm mất thời gian một cách vô ích chỉ để chứng minh những điều vô ích.

Tôi nghe nói một doanh nhân đặt anh viết ca khúc tên là “Bồ tôi”, anh có nghiêm túc suy nghĩ về đề nghị này? Anh có cảm thấy thú vị không?

Tôi chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về lời đề nghị này cả, chỉ vì tôi thấy vấn đề đặt ra có vẻ không nghiêm túc. Tôi chỉ thấy buồn cười thôi.

Nhiều lần xem anh biểu diễn ca khúc của mình tôi đều thấy Nguyễn Vĩnh Tiến hát rất “bốc”, nhưng trong công việc có vẻ như anh lại đóng rất đạt vai “tỉnh táo, lạnh lùng, dứt điểm”, làm thế nào để phân thân một cách rạch ròi như thế?

Trong kiến trúc, thực ra tôi cũng rất “bốc” với những ý tưởng sáng tạo hình khối và không gian, tuy nhiên, sắt thép và bê tông đã đủ nặng để neo giữ tôi không bay lên trời.

Trong công việc tại văn phòng kiến trúc, quỹ lương phải trả hàng tháng cho nhân viên cũng nặng đến nỗi tôi phải: “Tỉnh táo, lạnh lùng và dứt điểm” như bạn đã mô tả.

Rất may, là nó chưa nặng đến nỗi kéo tụt xuống đất sâu những cảm xúc nghệ thuật khác mà tôi theo đuổi như Âm nhạc và Nhiếp ảnh…

Có fan của Nguyễn Vĩnh Tiến nhờ tôi hỏi anh rằng: Trong anh có tư tưởng “khát con nối dõi” không khi anh chị quyết định sinh con thứ ba?

Tôi không quá phong kiến đến mức phải có bằng được một cậu con trai nhưng có lẽ, ông Trời đã ưu ái cho tôi “chất liệu” để viết ca khúc: “Con trai tôi” một cách sống động.

Hãy giúp những người hâm mộ anh hình dung về thói quen sáng tác của Nguyễn Vĩnh Tiến và kinh nghiệm công bố bài hát: vào thời điểm nào để dễ trở thành “hit”?

Tôi sáng tác rất nhiều ca khúc, thường trong những chuyến công tác xa nhà. Trên đường đi, mỗi khi thay đổi khung cảnh, những cảm xúc cũng thay đổi. Còn chuyện kinh nghiệm công bố những bài hát để trở thành HIT, tôi thú thực là tôi không có.

Bài hát đến với mọi người cũng là do duyên số. Nhiều bài mình tưởng là hay, nhưng người nghe lại không thích, không thuộc và kết quả là không phổ biến rộng rãi.

Nhiều bài mình thấy bình thường trong số các sáng tác của mình, mọi người lại rất thích, các chương trình lại sử dụng và phát sóng nhiều lần.

Vậy thì làm sao mà tính được???

Tôi chỉ tâm niệm một điều, mình hãy cứ viết, cứ sáng tạo sao cho giai điệu có nhiều đổi mới, ca từ thật sâu sắc và tình cảm chân thật… còn chuyện, ca khúc đến với công chúng bằng cách nào thì lại phải đợi… duyên.

MỚI - NÓNG