Nhà báo điều tra Thu Trang: Chỉ muốn nhen lên một ngọn lửa…

Nhà báo Nguyễn Thu Trang trong một chuyến đi từ thiện.
Nhà báo Nguyễn Thu Trang trong một chuyến đi từ thiện.
TP - Sau vụ bị đe dọa “mua quan tài cho cả nhà”, nữ nhà báo chuyên viết điều tra lại có thời gian yên tĩnh chở đất trồng hoa hồng. Giọng chị nhẹ, gần như đối lập với chữ của chị.

Nhiều lần nghĩ mình có thể bị thủ tiêu

Đầu tháng tư, sau loạt bài báo về “cò” chạy công chức cho giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội) nhà báo Nguyễn Thu Trang (báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh) nhận được một cuộc điện thoại đe dọa “mua quan tài” ngay. Cả gia đình chị bị đặt vào tình huống báo động, “sống trong sợ hãi”. Cân nhắc chán chê, chị chọn khắc phục khủng hoảng bằng cách “la toáng” trên facebook và các phương tiện báo chí. Dư luận ầm lên. Không lâu sau đó, phía cảnh sát tìm ra đối tượng đe dọa nhà báo. Anh ta tiếp tục gọi cho chị, nhưng lần này là để xin tha thứ.

Trang bảo, nếu được, chị sẽ xin giúp anh ta. Chị không muốn để tự cứu mình mà đẩy người khác vào nguy hiểm. Cũng mong, thiện tâm của mình được ghi nhận. Sự việc sẽ chấm dứt ở đây.

Đây không phải là lần đầu tiên Thu Trang bị đe dọa tính mạng. Là một nhà báo viết điều tra, chuyên đụng đến những vấn đề nhức nhối của xã hội, làm ảnh hưởng quyền lợi của một nhóm người quen ngông nghênh bên trên đạo đức và pháp luật, Trang hay bị “ghi thù”.

Hồi mới vào nghề, nghe tin có tai nạn chết người ở một công trình xây dựng lớn tại Hà Nội, chị lao đến. Nhưng máy ảnh vừa giơ lên thì nhà báo bị hành hung. Cánh tay phải của chị, cho đến giờ vẫn bị liệt cơ, không còn khả năng mang, kéo những vật nặng.

Theo dõi vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, Trang cũng bị nhắn tin đe dọa “đày xuống mười tám tầng địa ngục”.

Nhìn chung, sau mỗi loạt bài điều tra, chị đều phải đối mặt với một phiên bản khủng bố tinh thần khác nhau. Chị bảo, bản thân bị đe dọa lấy mạng, chị không căng thẳng bằng khi người thân và nhân chứng của chị bị đe dọa.

Ngay từ khi dấn thân vào lĩnh vực viết điều tra, trước mỗi một chuyến đi, chị Trang đều xác định, có thể ngay sau đó mình sẽ biến mất hoặc bị thủ tiêu. Lần thâm nhập sòng bạc Royal ở Quảng Ninh chẳng hạn.

Ban đầu, chị tìm đến nó vì tò mò. Muốn biết cái nơi mỗi ngày lưu chuyển 50 tỷ đồng nó như thế nào? Cái nơi một đối tượng bảo kê được 2% của mỗi đồng phỉnh nó như thế nào? Cái nơi làm cho biết bao gia đình ly tán nó thế nào? Cái nơi mà một người đi vào là tỷ phú đi ra là ăn mày nó thế nào?

Biết trước là nguy hiểm, nhưng bị một đề tài hay dẫn dắt, Trang vẫn quyết định thử. Vào vai một “gái hư” thừa tiền, Trang trót lọt qua những cửa ải thót tim, khi đi ra vẫn còn bàng hoàng vì những cú đặt bạc hai tỷ đồng (thời điểm năm 2011) mà mặt lạnh như tiền. Sau đó, “Đột nhập sòng bạc năm sao cho người Việt” của chị gây nên một cơn sóng dư luận nho nhỏ, các báo mạng khi đó lấy đi lấy lại.

Lại có lần đi “lật bài ngửa” với một “cò” chạy công chức, một mình một xe trên con đường đất ngoằn ngoèo vắng tanh vắng ngắt, Trang đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Mọi công tác giảm thiểu rủi ro đều được áp dụng. Chị bật điện thoại báo tin cho chồng. Bật sẵn máy quay, máy ghi âm, để nếu có lỡ xảy ra chuyện thì vẫn còn bằng chứng lưu lại.

Có người xót chị bảo: đẩy mình vào những tình huống nguy hiểm như vậy, đổi lại được gì? Trang thường cười: được làm nghề, được làm một việc tử tế. Nhưng cũng có khi là vì “không đi tiếp sẽ chết”.

Mỗi một lần vượt qua khó khăn để đeo đuổi đề tài, mỗi một bài điều tra thành hình, Trang bảo, chị có niềm vui giống như chinh phục được một đỉnh núi.

Một mình đấu cối xay gió

Trang thường làm điều tra độc lập. Ngay cả những đề tài xương nhất cũng thế. Rất khác với câu chuyện năm nhà báo điều tra nạn ấu dâm trong các nhà thờ công giáo trong phim “Spotlight” đoạt Oscar 2016. Kết quả đều là những thông tin chấn động dư luận, song Trang cô độc hơn nhiều.

Một phần, chị lý giải vì điều tra càng bí mật càng tốt. Nhưng lý do quan trọng hơn vì Trang khó tìm được người cùng chí hướng. Không những thế, đôi khi, chính đồng nghiệp còn cản trở chị trên hành trình “vạch mặt” tiêu cực. Không ít lần, đồng nghiệp lại là trung gian giúp đối tượng bị điều tra dàn xếp để chị dừng bài.

Trong vụ hải quan Hải Phòng rút ruột container, Trang bảo chị có hai điều cay đắng. Thứ nhất là không ai tin một người dưng lại đi giúp một người dưng vô tư. Thứ hai là phải ngậm ngùi đánh mất mối quan hệ tốt đẹp với một người bạn để không thỏa hiệp.

Suốt cả tháng trời cắm chốt ở Hải Phòng, một mặt tìm đủ cách thâm nhập, thu thập thông tin. Mặt khác, Trang phải chăm sóc nhân chứng - bà bầu sáu tháng chỉ còn vài chục ngàn trong túi. Sau khi bị phía hợp tác “vu” là chỉ biết ăn chơi hưởng thụ (ở khách sạn ba sao vì lý do an ninh), Trang quyết định tự bỏ tiền để tiếp tục điều tra. Tiền hết, đích thân chồng Trang phải đi xuống Hải Phòng tiếp tế.

Khi đã nắm trong tay bằng chứng hải quan rút ruột container, chị bảo không thể quên được cảm giác một mình và một bà bầu yếu ớt đứng trên bến cảng hun hút gió, phía bên kia là những người còn lại, liên tục thuyết phục, thậm chí van nài nhân chứng ký khống vào biên bản giao tiền để xí xóa vụ việc. Những người bên kia chiến tuyến ấy, có cả đồng nghiệp của chị, bạn của chị.

Đó cũng là lý do, sau mỗi loạt bài điều tra, Trang đều có cảm giác trống rỗng, uể oải. Đôi khi rất buồn vì đề tài bị lấp liếm, bị thay đổi bản chất. Suy cho cùng nhà báo chỉ có nhiệm vụ thông tin, không có quyền hành pháp hay giải quyết vụ việc. Đôi khi, là “dọn cỗ cho người khác xơi”. Nhưng mà cho đến hiện tại, may mắn, lòng say nghề của chị vẫn còn. Có thể là vì sau lưng có một người chồng cộng với một tòa soạn luôn ủng hộ, chia sẻ, và tin tưởng chị.

Nhiều người nói tôi hâm!

Hỏi thông tin về Trang, bạn chị bảo: Trang hâm lắm, nhưng hay lắm! Chưa bao giờ rủng rỉnh tiền tiêu, nhưng không bao giờ gật đầu nhận tiền dàn xếp.

Hỏi Trang: chị từ chối “phí im lặng” bao nhiêu lần rồi? Chị ngẩn ra, nghĩ lại cũng “giật mình phết”, vì hầu như làm vụ nào cũng có người đề nghị gặp riêng để “nói chuyện” và cũng may, tránh được hết.

Nhà báo điều tra Thu Trang: Chỉ muốn nhen lên một ngọn lửa… ảnh 1

Tín ngưỡng của Trang là: cầm tiền đút để lờ đi những việc sai trái, bất nghĩa, thế thì mình còn bất nghĩa hơn nhiều lần. Rằng: mình sống còn để cho con mình nhìn vào. Cũng như Trang đã nhìn vào bố mẹ mà sống. Chị muốn con lớn lên không thành một đứa trẻ đớn hèn, vô cảm. Muốn con thành người có ý nghĩa với những người thân của nó.

Nói không thỏa hiệp, còn đem lại cho chị cảm giác dễ chịu khi chiến thắng lòng tham của mình. “Cũng là vì bản thân tôi thôi. Cầm tiền đó chắc gì đã sung sướng hơn”.

Trang biết nhiều người nói mình “hâm”, ngang ngạnh đến mức người thân và bạn bè phải chịu đựng. Nhưng có lẽ họ vẫn yêu cái sự ngang ngạnh ấy, không thì mọi người đã chả ở bên mình lúc mình khó khăn cũng như khi mình hạnh phúc.

Anh Nguyễn Thanh Long - Bố nuôi của bé Cù Nguyên Công, em bé bị mất tích trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề nói về Thu Trang: “Tinh thần ấy, ý chí ấy, bản lĩnh, tấm lòng ấy, nhân cách ấy mấy ai trên đời này có được?”. Anh Long chia sẻ, trước khi gặp Trang tôi đã từng đọc một số bài của Trang về vụ Bồ Đề. Tôi đã từng có suy nghĩ rằng những gì Trang viết khá phiến diện vì không có nhân vật cụ thể để kiểm chứng. Lúc ấy tôi quá trong sáng và thần tượng trụ trì Thích Đàm Lan với mô hình Nhà Mở cho trẻ mồ côi.

Thế rồi chuyện Lãi (tên ở nhà của bé Cù Nguyên Công) mất tích buộc tôi phải nhìn nhận lại mọi vấn đề từ đầu. Tôi thực sự đồng cảm với Trang. Trang không dễ gì viết cụ thể từng nhân vật ra được. Lúc ấy tôi thực sự cảm phục cô ấy.

Trên hành trình đi tìm công lý, Trang bảo, nhiều thời điểm nản, cảm thấy công việc rất vất vả, nguy hiểm mà kết quả nhiều khi là ném đá ao bèo. Nhưng lại tự an ủi mình, nếu nhen lên được một ngọn lửa, dù nhỏ xíu thì cũng tốt hơn là không làm gì. 

Nhà báo Thu Trang tên thật là Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1978

Hiện chị là phóng viên báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh

Các bài điều tra tiêu biểu:

Sự thật nhận nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề (9/2014)

Thâm nhập đường dây cán bộ hải quan câu kết “trộm” hàng vi phạm (4/2015)

“Cò” viên chức giáo dục lộng hành ở Hà Nội (9/2015)

Thâm nhập lò gạch thổ phỉ (3/2016)

Phía sau mạnh mẽ là yếu mềm

Trang xuất thân là cô giáo mầm non. Nhưng không tìm thấy niềm vui trong công việc. Chị tập tành viết lách. Khi được vào báo Gia đình xã hội tập sự, mới biết, đây là công việc mình muốn. Thế là đeo đuổi mảng điều tra đến giờ.

Khoảng trống giữa những bài viết, chị trồng hoa hồng. Một tay chị chọn lựa, chăm sóc, phun tưới, đi tư vấn thiết kế vườn cho khách. Khi không gõ bàn phím và cầm máy quay, bàn tay nhà báo đều xước gai. Vườn hồng Vân Trang, do chị và một người bạn hùn vốn bắt đầu đông khách, giúp cho cuộc sống của gia đình chị yên ổn hơn, chị cũng có thể “nói to” hơn khi từ chối tiền dàn xếp.

Một cách cân bằng khác của Trang là tự mình lái ô tô đi vùng sâu vùng xa làm từ thiện. Giúp đỡ những người yếu thế luôn là việc Trang thích làm.

Chồng Trang làm cảnh sát hình sự. Chị bảo, trước khi gặp anh không nghĩ mình sẽ lấy chồng, vì cuộc sống của một phóng viên điều tra luôn đầy bất ổn. Song, kể từ khi chứng kiến anh cảnh sát vét ví cho tiền gái bán dâm để cô ấy có thêm điều kiện hoàn lương, chị cảm thấy, có lẽ, sống cùng người này không tệ.

Quả thật, cái người “không tệ” ấy đến giờ vẫn là bờ vai vững vàng, ấm áp nhất mà chị muốn dựa vào. Khi anh không phải trực, chị phải đi phỏng vấn, thể nào cũng kéo chồng theo. Anh không chỉ ủng hộ công việc của vợ, còn hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều. Chị bảo, hóa ra đồng đội của mình lại không phải đồng nghiệp của mình, mà là chồng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.