Nhà báo Vũ Huyến: Dàn dựng và sắp đặt, còn gì là ảnh báo chí?

TP - “Ngày xưa khi còn nghèo, việc dàn dựng, sắp đặt trong ảnh báo chí khó tránh khỏi. Nhưng giờ đây, đã có những ống kính máy ảnh giá hàng chục ngàn USD, việc dàn dựng và sắp đặt trong chụp ảnh vẫn như đang trở thành căn bệnh trầm kha của giới nhiếp ảnh báo chí”- nhà báo Vũ Huyến, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ.

Dễ từ người chụp, đến người chọn

Trong bài viết gần nhất của ông “Chụp thật đâu có dễ”, ông có nhắc tới hiện tượng dàn dựng, sắp đặt trong quá nhiều bức ảnh, cả ảnh nghệ thuật lẫn ảnh báo chí. Bài viết này được nhiều đồng nghiệp hoan nghênh, nhưng cũng làm một số đồng nghiệp “nóng mặt”. Ông nghĩ sao?

Trong một hội thảo về nhiếp ảnh cách đây 8 năm, tôi đã nêu hiện tượng này và cũng gây tranh cãi nhiều. Thế nhưng hiện nay, vẫn thế. Có người còn khuyên tôi, “nói mãi rồi cũng có giải quyết được gì đâu”. Quả thật, trên báo và các sách ảnh, giả quá nhiều. Tại các triển lãm, ảnh giả không ít, ngay  ảnh đoạt giải cao cũng sắp đặt, dàn dựng, đấy là chưa nói tới những bức ảnh sử dụng photoshop (phần mềm chỉnh sửa) quá lộ liễu. Thậm chí ngay trên một tạp chí chuyên ngành, thử đếm xem có bao nhiêu ảnh sắp đặt, giả vờ? Phải có đến quá nửa.

Tại sao lại có hiện tượng đó, thưa ông?

Ảnh của Việt Nam thường yêu cầu cái gì đề cập đến cũng phải rõ ràng, vì sợ hiểu lầm. Từ nhu cầu đó, người chụp chọn cách dễ nhất là dàn dựng. Bản thân người được chụp ở Việt Nam cũng thích những bức ảnh dàn dựng. Ví dụ như nếu chụp cười sảng khoái thì không thích, mà thực ra phải cười như thế mới thật đúng như tâm trạng của người được chụp. Thế nhưng, nhân vật lại yêu cầu: Anh ơi, anh chụp em cười quá thế này, răng nó hở hết ra, xấu quá.

Khi chọn cái thật,  là đã chọn cái khó. Người đời có xu hướng chọn cái dễ. Dễ từ người chụp, dễ từ người chọn, dễ từ người đánh giá, dễ từ người sử dụng.

Vậy gốc rễ vấn đề này nằm ở đâu?

Tại một hội thảo do Hội đồng lý luận văn nghệ trung ương tổ chức, tôi cũng đã nêu ra xu hướng làm “hàng giả” trong nhiếp ảnh. Theo nghiên cứu của tôi, việc chụp dàn dựng, sắp đặt có ngay từ khi nhiếp ảnh mới vào Việt Nam. Hồi đó, thiết bị thô sơ nên phải dàn dựng. Để phục vụ tuyên truyền thì nội dung bức ảnh phải tốt, phải tròn trịa, phải dễ hiểu. Muốn cẩn thận thì phải dàn dựng. Chụp ảnh thời chiến có phải ai cũng có tele có thể chụp được từ xa? Cô nông dân đang trồng lúa thì lại sắp ra về, có nhà báo muốn chụp thế là lại phải năn nỉ: “Em ơi, em ôm bó lúa và cười lại cho anh chụp”... (cười).

Dàn dựng và sắp đặt là đánh mất cái thật

Có nhiều phóng viên ảnh cho rằng, nhiều khi nhìn thấy khoảnh khắc đẹp đó nhưng không kịp chụp nên yêu cầu người đó diễn lại, vẫn người thật, cảnh thật đó thôi?

Ảnh báo chí là không sắp đặt. Khi anh sắp đặt là anh tạo ra cái giả, bắt hiện thực theo ý anh. Anh đừng can thiệp vào, thậm chí cần chân thực ngay cả trong bố cục, ánh sáng.  Nhiếp ảnh có năng lực ghi lại những cái có thật. Nó khác hẳn với văn thơ, nhạc, họa, các tác giả hoàn toàn có thể hư cấu. Trước hết, nhiếp ảnh là tài liệu xác thực. Chính vì vậy, nhiếp ảnh tồn tại.

Nhà báo Vũ Huyến: Dàn dựng và sắp đặt, còn gì là ảnh báo chí? ảnh 1

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Vũ Huyến.

Còn nhớ có lần tôi dẫn một phóng viên ảnh nước ngoài đi chụp cô nông dân nuôi lợn giỏi. Khi đến nơi, người ta báo là cô ấy đang đi họp ngoài ủy ban, chờ một lát họ sẽ gọi cô ấy về cho ông chụp. Tuy nhiên, người phóng viên đó từ chối và bảo rằng hôm sau ông sẽ quay lại để chụp được đúng lúc cô ấy đang chăm sóc lợn. Vì nếu cô ấy có về, có mặc trang phục lao động, có chăm sóc đàn lợn, nhưng trong đầu cô ấy đang nghĩ về việc chụp ảnh, thì ảnh cũng không thật.

Hay như hồi tháng 5 vừa qua, tôi phải nằm viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, tôi đã dùng chiếc máy Canon G9 nhỏ gọn để ghi lại chuyện ở bệnh viện bằng ảnh. Tôi đã ghi lại nhiều bức ảnh theo kiểu giấu máy, cảnh các thầy thuốc, y tá, điều dưỡng viên tận tụy chăm sóc người bệnh đến các sinh hoạt ngoài giờ của họ. 

Sau khi cho họ xem ảnh, họ nói: “Bác chụp rất nhanh mà chúng em chẳng phải chuẩn bị gì, chứ không như mấy nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh ở các cơ quan báo chí khác đã từng đến đây tác nghiệp. Họ thường đề nghị chúng em sắp lại cả bàn ghế, dụng cụ làm việc sao cho thuận với ý của họ. Hôm chụp ở căng tin bệnh viện, chúng em phải huy động thêm người ra ăn”.

Cách đây 20 năm, tôi đánh giá thiết bị chụp ảnh của Việt Nam kém nước ngoài 30 năm. Nhưng giờ thiết bị ảnh của Việt Nam vào loại hàng đầu. Tôi thường nói vui là giờ đây ngoài nhiếp ảnh gia, còn có  rất nhiều các “máy ảnh gia”. Cái khó nhất là người chụp phải có tri thức, có óc quan sát và quan niệm đúng về cái thật.

  Xin cảm ơn ông.

Nhiếp ảnh gia Việt Văn, báo Lao Động: Nếu lỡ cơ hội, đành chịu!

Có những phóng viên ảnh khi đến hiện trường muộn, có dựng lại hiện trường và bao biện dựng trung thành với sự thật. Theo tôi, trong ảnh báo chí, nếu đến muộn, để lỡ cơ hội đành chịu. Từng tham gia Hội đồng chấm sơ khảo Giải ảnh báo chí quốc gia nhiều năm liền, tôi nhận thấy có một số bức ảnh dàn dựng, chỉnh sửa bằng photoshop, thậm chí rất rõ. Tất nhiên, những bức ảnh đó đã bị loại ngay lập tức. Theo tôi, kinh nghiệm của các cuộc thi ảnh là bắt buộc tác giả phải gửi file ảnh gốc khi lọt vào vòng triển lãm vì hiện nay đã có phần mềm kiểm tra file ảnh gốc, để có thể dễ dàng phát hiện bức ảnh đó có bị chỉnh sửa hay không.

Nhiếp ảnh gia Việt Thanh, báo Vietnam News: Set-up dựa trên sự thật vẫn có thể chấp nhận

Là người đã từng học ảnh báo chí tại Đức, từng đoạt giải nhất cuộc thi ảnh báo chí châu Á - Thái Bình Dương và có thời gian công tác hơn 20 năm tại TTXVN, Nguyễn Việt Thanh cho biết, anh không thích chụp ảnh theo kiểu dàn dựng, sắp đặt. Anh nói, không khuyến khích việc dàn dựng, nhưng cũng không quá khắt khe với nó. Chẳng hạn như chụp một bức ảnh về cuộc sống thường ngày của một ai đó, có thể set-up dựa trên sự thật vì công việc đó họ làm hằng ngày, đúng logic cũng có thể chấp nhận được, nhưng phải cân nhắc sao cho hợp lý.

MỚI - NÓNG