Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn: Sống để đi, đi để khám phá

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn: Sống để đi, đi để khám phá
Trong một cuộc họp báo cách đây không lâu, tổng giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM Huỳnh Văn Nam đã nói về ông thế này: "Chỉ cần đoàn làm phim có ông, tôi tin bộ phim đã thành công một nửa".
Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn: Sống để đi, đi để khám phá ảnh 1

Tìm hiểu cặn kẽ thông tin những nơi đến là cách để nhà biên kịch Trần Đức Tuấn (bìa phải) kéo khán giả xem phim mình.  Mêkông ký sự sau hai năm phát sóng đã phát hành hơn 100.000 băng đĩa, Ký sự hỏa xa vừa phát hành đã bán được hơn 17.000 bản,  còn  Huyền bí sông Hằng dù đang phát sóng trên truyền hình (lúc 21g10 thứ ba, tư, năm trên HTV7 - phát lại trên HTV9 lúc 11g30 cùng ngày) mới đến tập 43 (của gần 70 tập phim) nhưng 20 tập đầu của loạt phim này đã được khán  giả yêu cầu phát hành bằng băng đĩa - Ảnh: Trịnh Thanh Cường

Còn ông nghe vậy chỉ suy nghĩ đơn giản: "Người ta tin tôi, chắc do tôi lớn tuổi, kỹ càng, cẩn thận thôi", rồi ông nheo mắt cười hiền lành... Ông là nhà biên kịch Trần Đức Tuấn.

Đưa bàn tay vuốt mái tóc hoa râm của mình, ông lại cười: "Ngộ, khi còn trẻ, người ta đi nhiều để khám phá cuộc sống. Còn tôi bắt đầu đi khi đã về hưu. Ngộ hơn là càng già càng đi nhiều, càng đi lại thấy mình trẻ ra".

Ông cười khi nhắc đến chữ "trẻ” bởi thời gian ông bắt đầu làm phim đúng nghĩa, tức là viết kịch bản loạt phim tài liệu đình đám Mêkông ký sự vào năm 2002, là lúc ông vừa... nghỉ hưu, năm 61 tuổi. Năm nay ông 67 tuổi, chỉ mới tròn sáu tuổi nghề, với ông vẫn là quá... trẻ!

Làm mới với Mêkông ký sự

Lý giải cho chuyện làm phim ở tuổi U-70, ông cười hóm hỉnh: "Tôi chung thủy với công việc". Mà đúng là ông "chung thủy" thật. Tốt nghiệp đại học tổng hợp văn tại La Habana (Cuba) năm 1971, ông về làm cho Đài Tiếng nói VN, sau đó sang công tác tại Đài phát thanh Matxcơva (Nga), năm 1978 ông về nước và làm tại Đài truyền hình TP.HCM đến nay.

Ông nói cái máu đi đây đi đó của ông "ngứa ngáy" từ thời mới về đài, nhưng với vai trò trưởng ban chương trình, rồi là phó tổng biên tập của đài nên ông bị "chết gí” tại phòng chương trình trong... 24 năm. Suốt thời gian dài bó buộc với công việc, ông chỉ viết kịch bản, làm vài mươi tập phim tài liệu sau những chuyến đi công tác ở những vùng đất mới, lạ như Một thoáng Hong Kong (1990); Du lịch Cuba (1997), Trung Hoa du ký (23 tập, năm 2000)...

Khi nghe thắc mắc sao là "chân đi" mà ông lại có thể yên ổn với một công việc trong thời gian rất dài như thế? Ông lại cười: "Nhờ có 24 năm đó mà tôi tích cóp những điều nên và không nên khi bắt tay làm những ký sự dài hơi trên truyền hình mấy năm qua".

Xem, duyệt lời bình, duyệt kịch bản phim tài liệu VN nhiều, ông thấy đâu là ưu, đâu là nhược của phim tài liệu VN: "Đó là do cách mình khai thác thông tin ít và yếu, hời hợt, đôi lúc sợ lãnh đạo cằn nhằn nên mình loại bỏ những thông tin không hợp khẩu vị với người VN (nhưng lại là thông tin đáng quan tâm). Rồi thì giọng điệu phim mình không hấp dẫn, sinh động mà rất khuôn sáo. Nên khi chính tay mình làm, cái nào hay mình phát huy, cái nào dở mình tránh".

Chính nhờ những kinh nghiệm này mà cố NSND Phạm Khắc đã tin tưởng giao cho ông biên tập gần như toàn bộ 92 tập phim tài liệu qui mô Mêkông ký sự - loạt phim tài liệu với cách làm mới, mở ra hướng đi mới cho hàng loạt ký sự tài liệu sau này của HTV.

Sau Huyền bí sông Hằng, nhà biên kịch lại cặm cụi chuẩn bị tư liệu cho hệ thống kịch bản bộ phim tài liệu rất qui mô Theo dấu chân Bác, qua 15 quốc gia thuộc bốn châu lục. Dự kiến phim sẽ phát sóng ngày 5-6, liên tục cả bảy ngày trong tuần trong khoảng thời gian hai tháng.

Hỏi ông khi nào sẽ nghỉ hưu thật, ông cười hiền hậu: "Vẫn còn ấp ủ nhiều lắm, nào là con đường tơ lụa, nào là Ký sự hỏa xa xuyên lục địa Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, còn sức còn đi…". "Đi để khám phá, thế giới rộng lớn và nhiều điều kỳ lạ lắm"- ông say sưa bày tỏ, như thể mình còn rất trẻ...

Lãng mạn với phim tài liệu

Trước mỗi chuyến đi, ông tẩn mẩn tỉ mỉ với hàng trăm cuốn tài liệu đã chuẩn bị trước hàng tháng trời. Đọc đọc, ghi ghi, chép chép, ông tìm kiếm đầy đủ mọi thông tin cho tất cả lộ trình đoàn sẽ đi qua. Còn để cung cấp sự mới lạ cho khán giả, đó là những thông tin hỏi trực tiếp tại điểm đến. Với ông, đây là những tư liệu cực kỳ quan trọng.

Bởi khi hỏi mới thấy được mâu thuẫn từ những tư liệu trong sách mà ông đã chuẩn bị so với thực tế. Điều ông làm là phải truy tìm đâu là sự thật. Với thói quen ghi chép, sau mỗi chuyến đi, cuốn sổ dày chi chít chữ. Ông chia sẻ: "Hãy luôn ghi chép, luôn tư duy và quan trọng là luôn cảm nhận cuộc sống bằng những cảm xúc".

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn: Sống để đi, đi để khám phá ảnh 2
Thói quen ghi chép giúp kịch bản của ông luôn đầy ắp chi tiết bên lề thú vị - Ảnh: Trịnh Thanh Cường

Phim ký sự tài liệu trong mắt ông không không hề khô khan mà rất lãng mạn. Ông nói: "Trong lời bình, người viết phải đem đến cho người xem nhiều thông tin từ chính những tư duy, suy tưởng của mình. Điều người ta không nghĩ ra mà mình nghĩ ra, hoặc điều người ta có nghĩ nhưng không nói ra, mình sẽ là người nói giúp".

Có thể nói chính ứng dụng "sự lãng mạn" này vào phim tài liệu đã khiến các ký sự ông viết lời bình như được thổi hồn, đầy sức sống. Những loạt ký sự từ Trung Hoa du ký, Mêkông ký sự, Ký sự hỏa xa cho đến Huyền bí sông Hằng..., ngoài những thước phim sống động, ông đã đưa vào phim những lời bình sâu sắc với kiến thức tổng hợp phong phú ở các vùng miền đoàn phim đi qua, khiến người xem ngoài việc đi du lịch bằng hình ảnh còn khám phá nhiều điều kỳ thú qua những tư liệu.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia, từ châu Á đến châu Âu, mỗi vùng đất ông đi qua đều có lắm điều để học, để biết. Làm Mêkông ký sự, ông tự hào vì mình già từng tuổi này mà cũng đã bốn lần đi qua ngọn đèo cao ngất Ba Nham Khách Lạp ở độ cao 5.249m hay đèo Đường Cổ Lạp (5.231m).

Làm Trung Hoa du ký, ông đã đặt chân đến nhiều địa danh lịch sử, văn hóa mà các thi sĩ nổi tiếng đã ghi danh vào thi ca. Làm Huyền bí sông Hằng, ông đặt chân đến "tứ động tâm" - bốn nơi làm thổn thức lòng người: nơi Đức Phật sinh ra, nơi Phật thành đạo, nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên và nơi Phật nhập niết bàn. Rồi những thánh địa của Ấn giáo, thâm nhập sườn nam của dãy Hymalaya hùng vĩ...

Ông cứ đi như thế, mải miết quên đi tuổi già, quên đi những độ cao "ngạt thở" cả với người trẻ tuổi, quên con đường ngoằn ngoèo bên những vực sâu hun hút...

Theo Hoài Nam
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.