Nhà dài của người Ê Đê trước nguy cơ mai một

Nhà văn hóa cộng đồng xây bằng tiền ngân sách bị bê tông hóa.
Nhà văn hóa cộng đồng xây bằng tiền ngân sách bị bê tông hóa.
TP - Nhà dài là kiến trúc độc đáo, đặc trưng văn hóa của người Ê Đê trên đất Tây Nguyên. Theo thời gian, nhà dài truyền thống dần bị cách tân và mờ nhạt trong ý thức cộng đồng. Rất có thể, nhà dài rồi sẽ không còn nữa ở các buôn làng Ê Đê...

Nhà dài bị bê tông hóa

Tây Nguyên là nơi chung sống của nhiều dân tộc khác nhau như Ba Na, Ê Đê, Jơ Rai, M’Nông… trên vùng đất bazan tươi đẹp, có dòng sông Sêrêpôk chảy miệt mài. Nói đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay tới những ngôi nhà sàn dài bất tận, đêm rừng bập bùng ánh lửa bên ché rượu cần…

Dẫn chúng tôi đi dọc buôn AKo Dhong, buôn Ê Đê nằm trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột, thấp thoáng sau những nếp nhà dài là nhà bê tông kiểu biệt thự. Ông Ama Dit 58 tuổi, trưởng buôn say sưa nói về kiến trúc nhà dài: Trong văn hóa Ê Đê, nhà dài như một thực thể tâm linh. Nhà dài truyền thống được làm chủ yếu bằng gỗ, tre nứa, mái tranh, rộng khoảng 4,5m - 5,5m, dài trên 100m, gồm 3 gian: Gian khách ở phía trước để các vật dụng quý giá như ghế dài Kpan, cồng chiêng để tiếp khách, sinh hoạt chung. Tất cả các nghi lễ đều được tổ chức tại gian khách, là nét khác biệt so với các dân tộc khác. Nửa phía sau là chỗ ở của các đôi vợ chồng, bếp nấu ăn chung.

Với đồng bào Ê Đê, nhà dài là sự sống, là linh hồn, bản sắc của dân tộc. Ngay từ chiếc cầu thang ván khi bước lên sàn thấy biểu tượng bầu sữa của người phụ nữ, hay vầng trăng khuyết, cặp sừng… Không chỉ cần gìn giữ những ngôi nhà dài mà còn phải bảo vệ không gian văn hóa xung quanh nhà dài, thì các buôn làng Tây Nguyên mới giữ được tính cố kết cộng đồng hàng nghìn năm qua.

Già Ama Tuê

Dừng trước một nhà dài cũ kỹ, ông Ama Dit buồn rầu: Ngôi nhà này được làm từ năm 1972, nếu sập người ta bỏ chứ kinh phí đâu mà trùng tu. Ở đây có ngôi nhà dài cổ của già Ama Rin, năm ngoái được con trai thứ ba của ông bỏ một khoản tiền lớn để trùng tu toàn bộ bằng gỗ, bề thế, trở thành điểm tham quan được du khách yêu thích. Bây giờ nhà dài đúng chất Ê Đê ở Đắk Lắk trở nên hiếm hoi”.

Đến buôn Sha A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, chỉ còn duy nhất ngôi nhà dài của già Y Khăt Niê (63 tuổi) được dựng hoàn toàn bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống Ê Đê với diện tích sàn 150m2, làm hết gần 2 tỷ đồng. Già Y Khăt Niê trầm tư: “Xã có 98% người Ê Đê với trên 2.000 hộ nhưng chỉ còn vài ba ngôi nhà dài. 

Đồng bào mình giờ ít mặn mà với nhà truyền thống. Xã hội phát triển, nhiều buôn làng Ê Đê mở rộng sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su, đời sống nâng cao, họ thích xây nhà theo lối hiện đại. Hơn nữa, vật liệu hiếm, người già, nghệ nhân có kinh nghiệm làm nhà dài ở địa phương còn ít. Nhà văn hóa cộng đồng chỉ mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà dài, sàn bê tông thế nên cái hồn của nó nhạt đi, đánh mất tính tâm linh, tín ngưỡng”.

Giữ hồn cho đại ngàn

Con đường nhựa chạy giữa buôn Cháy, xã Ea Mdroh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) được bao bọc bởi hai dãy nhà dài thẳng tắp giống nhau. Cựu chiến binh - thương binh Y Hat Rya (SN 1938) nhớ lại: Những năm kháng chiến chống Mỹ, buôn Ea M’droh là căn cứ nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. 

Năm 1961, Mỹ, Ngụy đã phóng hỏa thiêu rụi toàn bộ nhà cửa, bà con phải di tản nơi khác, từ đó quen gọi là buôn Cháy. Đất nước thống nhất, nhiều gia đình trở về buôn sinh sống. Ban đầu, cả buôn chỉ có hơn 30 nóc nhà mái tranh, vách nứa xiêu vẹo. Năm 1994, Tiểu đoàn 303, thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, đóng quân ở xã Ea Kiết cùng huyện đã dựng 66 căn nhà dài truyền thống tặng bà con”.

Nhà dài của người Ê Đê trước nguy cơ mai một ảnh 1 Nhà dài ba thế hệ của gia đình chị H’Tuân.
Ngày cuối năm, cà phê đã về đầy sân, kết thúc vụ thu hoạch. Gia đình chị H’ Tuân Byă (30 tuổi, buôn Cháy) quây quần bên ngọn lửa hồng trong căn nhà dài ấm áp, tâm sự: “Người Ê Đê có tập quán sống ba, bốn thế hệ trong một ngôi nhà lớn. Cứ mỗi thành viên nữ trong nhà lập gia đình, nhà lại được nối phía sau thêm một gian, chứ ít khi làm nhà mới hay tách hộ. Tôi là thế hệ thứ 3 trong nhà. Còn nhà dài mới còn cồng chiêng, rượu cần và không gian sinh hoạt nghi lễ của buôn”. 

Đường đến xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar, những ngôi nhà mái Thái, biệt thự sang trọng san sát. Anh Y Thếp Niê, cán bộ văn hoá xã Cư Dliê Mnông cho biết: Xã có 5 buôn, 90% là đồng bào Ê Đê, hiện mỗi buôn còn khoảng 5 ngôi nhà dài nguyên bản. Già Ama Tuê (65 tuổi, buôn Ðinh) chia sẻ: Với đồng bào Ê Đê, nhà dài là sự sống, là linh hồn, bản sắc của dân tộc. Ngay từ chiếc cầu thang ván khi bước lên sàn thấy biểu tượng bầu sữa của người phụ nữ, hay vầng trăng khuyết, cặp sừng… Không chỉ cần gìn giữ những ngôi nhà dài mà còn phải bảo vệ không gian văn hóa xung quanh nhà dài, thì các buôn làng Tây Nguyên mới giữ được tính cố kết cộng đồng hàng nghìn năm qua. Các già làng phải truyền dạy ý thức tộc họ, và cách làm nhà dài cho lớp trẻ, vì chúng sẽ là người kế thừa, giữ gìn những phong tục tốt đẹp của người Ê Đê!

Buôn Trí A, chúng tôi được thấy căn nhà sàn gỗ cổ trên 130 tuổi. Trong nhà, nhiều hiện vật về vị vua săn voi nổi tiếng Y Thu Knul được lưu giữ cẩn thận: Dụng cụ săn bắt voi, chiếc mâm đồng, thanh kiếm do vua Bảo Đại tặng… Già Y Thương Kdoh (63 tuổi) cho biết: Ngôi nhà này được khởi công vào tháng 10 năm 1883, thiết kế theo kiến trúc chùa tháp của Lào - Thái với mái hình chóp nhọn, gồm 3 gian, toàn bộ căn nhà được làm bằng gỗ, hình tượng chạm khắc vô cùng công phu, tỉ mỉ. Hiện tại, căn nhà do con gái của Ama Kông là Me Lĩnh trông coi, mở cửa để  khách đến tham quan.

Nhà dài của người Ê Đê trước nguy cơ mai một ảnh 2 Nhà dài cổ trên 130 tuổi.

Ông Bùi Văn Khối, trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: Bảo tồn văn hoá nhà dài tại các buôn của người Ê Đê là nhu cầu thiết yếu, để gìn giữ bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc, cần người dân và nhà nước cùng làm. Hiện nay, vật liệu làm nhà dài khan hiếm, cần có phương án bảo tồn cho phù hợp với xu thế thời đại mà vẫn giữ được đặc trưng văn hóa Ê Đê.

Cùng cơ quan với ông Khối, ông Y Chen Niê cho rằng: Nên làm nhà dài theo kiến trúc nhà dài truyền thống, bên hông phía đông ngôi nhà vẫn phải có một cánh cửa nhỏ. Vì theo quan niệm của người Ê Đê, phía đông là nơi ở của thần linh, tất cả các nghi lễ, cúng bái phải được thực hiện ở cánh cửa nhỏ này”.

Theo số liệu của ở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk: Hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng 2.000 ngôi nhà dài truyền thống, chiếm gần 30% trong tổng số nhà của đồng bào Ê Đê. Nhiều già làng mong muốn giữ lại nếp nhà dài truyền thống của tổ tiên nhưng không có kinh phí, nên việc trùng tu nhà cổ và bảo tồn văn hóa nhà dài là một vấn đề khó khăn.


MỚI - NÓNG