Nhà hát Ca trù Thăng Long ra mắt: Khán giả về, vẫn vui

Nhà hát Ca trù Thăng Long ra mắt: Khán giả về, vẫn vui
TP - Khoảng 100 khách gồm nghệ nhân, ca nương, lữ hành, báo chí, quan chức được mời dự buổi diễn đầu tiên sáng qua của Nhà hát Ca trù Thăng Long, nhưng, đến quá nửa chương trình, khách mời chỉ còn 30 người và ban tổ chức vẫn tỏ ra vui mừng.
Nhà hát Ca trù Thăng Long ra mắt: Khán giả về, vẫn vui ảnh 1
Buổi diễn đầu tiên tại Nhà hát Ca trù Thăng Long

Chương trình ra mắt khá nhẹ nhàng với thể cách hát nói, gửi thư, mưỡu, thét nhạc, hát ru cửa đình, múa dâng hương, múa bỏ bộ, qua sự trình diễn của các nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Phú Đẹ, Vũ Văn Hồng, Bùi Thị Sinh, những ca nương 18 tuổi như Đinh Thị Vân và cả những diễn viên múa mới 16 tuổi.

Bà Nguyễn Lan Hương - Giám đốc Nhà hát Ca trù Thăng Long tọa trong khuôn viên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nói, một phần lợi nhuận từ hoạt động biểu diễn của Nhà hát sẽ được dành cho việc đào tạo các ca nương, kép đàn trẻ, phần khác dành nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em nghèo, mồ côi trên địa bàn Hà Nội bằng cách dạy ca trù hoặc may, thêu...

Theo ông Phạm Sanh Châu- Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO- Bộ Ngoại giao, thư ký UNESCO tại Paris đã gửi thư cho Chính phủ Việt Nam đề nghị làm rõ một số vấn đề, trong đó có tác động của ca trù đối với người VN hiện như thế nào. Ngày 15/4 tới là hạn cuối cùng để VN gửi văn bản giải thích.

Đợt này có tới 122 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể khắp toàn cầu đệ trình. Bởi vậy, con đường lọt vào danh sách những di sản được công nhận của ca trù còn nhiều chông gai.  Ông Châu cũng cam kết sẽ làm mọi cách trong khả năng đưa ca trù tiếp cận khán giả nước ngoài nói chung và khách du lịch nói riêng.

Thầy Thích Khai Xả (chùa Đống Cao, TP Hải Dương), người vẫn xem ca trù đều đặn ở CLB Tràng An của cụ Kim Đức, nhận xét, buổi diễn của Nhà hát Ca trù Thăng Long bài bản, đạt. Thầy Khai Xả thích nghe giọng các nghệ nhân hát hơn là ca nương trẻ, bởi các cụ cao tuổi nhưng giọng vẫn đẹp.

"Tháng 6 tới, chúng ta sẽ biết ca trù có được đi tiếp chặng mới hay không"- Ông Phạm Sanh Châu, Bộ Ngoại giao, cho hay..

TS Nguyễn Xuân Diện thì tấm tắc: “Có lề lối. Tôi rất thích buổi diễn này, đặc biệt là điệu múa bỏ bộ. Trang phục nghệ sỹ giản dị, đúng quy cách, không làm màu. Tôi xem điệu múa này từ năm 1984, qua băng video. Đây là lần đầu tiên tôi được xem múa bỏ bộ trực tiếp”.

MC của chương trình ra mắt Nhà hát là Vân Anh- cây biên kịch của Điện ảnh Biên phòng. Vân Anh mê ca trù từ nhỏ, lên lớp 10 cô được các nghệ nhân ở Quán Bà Mau- Hải Phòng truyền dạy. Khổ nỗi, tới giờ cô chỉ hát được vài ba điệu. Quán Bà Mau ở thành phố cảng hồi trước nổi danh như Khâm Thiên - Hà Nội, đến mức hiện vẫn còn địa danh trên phố Lạch Tray.

Vân Anh nói: “Nhà hát ca trù ra đời là nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng và công ty Nguyên Lai. Cũng có những ý kiến xung quanh tên và sự thành lập Nhà hát, nhưng chúng tôi đã dẹp được mọi định kiến. Tôi chỉ hơi buồn là các giáo phường chưa có tiếng nói chung. Nếu chúng ta không đoàn kết, không vì cái chung là di sản ca trù thì ca trù sẽ tan đàn sẻ nghé, sẽ buồn như những năm xưa dù đang được đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Theo các nhà nghiên cứu, không gian thưởng thức ca trù xa xưa là một vài cái chiếu ở đình, đền, tư gia quan lại.

Vì Nhà hát Ca trù Thăng Long nằm trong khuôn viên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nên việc gửi xe xem ra khá phiền hà. Khi PV Tiền Phong gửi xe vào xem ca trù, lực lượng bảo vệ không ghi vé xe. Lúc dắt xe ra cổng, một nhân viên bảo vệ nói: “Vào cơ quan làm việc thì phải xuất trình giấy tờ trước chúng tôi mới ghi vé chứ”.

MỚI - NÓNG