Nhà hát Tuổi trẻ: Kể chuyện Ôsin nhân 8/3

Nhà hát Tuổi trẻ: Kể chuyện Ôsin nhân 8/3
Chuyện Ôsin là chuyện chung (thậm chí canh cánh trong lòng) của mỗi gia đình có người giúp việc trong nhà thời nay
Nhà hát Tuổi trẻ: Kể chuyện Ôsin nhân 8/3 ảnh 1
Một cảnh trong vở diễn

Nếu xem Đời cười 5 với chủ đề Bến Ôsin (công diễn hôm nay, 3/3) của NH Tuổi trẻ sẽ thấy những câu chuyện kể hầu quý bà, quý cô nhân 8/3 nghe cũng được, vì chuyện Ôsin là chuyện chung (thậm chí canh cánh trong lòng) của mỗi gia đình có người giúp việc trong nhà thời nay.

Ngay buổi tổng duyệt Đời cười 5 đã kín người xem, máy quay phim kèm chụp ảnh cầm tay được bảo vệ yêu cầu hạ xuống, đương lúc thời sự bản quyền, nhất là hài kịch, nhỡ mai lọt vào tay giới băng đĩa lậu, còn diễn kịch cho ai xem?!

4 Ôsin chính cùng sự hỗ trợ của một số Ôsin mất nết khác tạo thành 4 câu chuyện- 4 cảnh hài xen chút bi trong Đời cười 5 do NSƯT Lê Hùng dàn dựng (dựa theo tác phẩm Bến Ôsin của nhà văn Hồ Anh Thái). Với phương châm nhà nào chẳng có chuyện với ôsin, cho nên dù đã có nhiều hài kịch về ôsin, nhưng Ôsin của Đoàn kịch II NH Tuổi trẻ vẫn có thể lôi cuốn khán giả bằng kiểu dàn dựng đặc trưng: nam giả nữ, từng tốp người nhún nhảy, đồng thanh theo nhạc điệu, kiểu trang phục “khươm mươi niên” diễu qua diễu lại…

Lý Tam Tam - Cô Ôsin tên Lý lọt vào một gia đình đã thuê đến đời Ôsin thứ ba nên đặt thêm hiệu Tam Tam cho cô. Tam Tam thực ra mới 14, quê kệch đến độ sai lau bàn thờ thì rửa cả bát hương úp vào rổ, cọ chảo cho bong lớp chống dính tưởng thế mới sạch. Đến ngày gia chủ thành khổ chủ khi mối tình Ôsin chớm nở, tối tối ông chủ bước ra khỏi nhà lại vấp phải một gã nhăn nhó ở bậu cửa: “Cháu ngồi hóng mát tiện thể trông nhà cho chú!”.

Lý Tam Tam yêu đến độ đem cả phở của bà chủ cho người yêu ăn trước, nhưng ngại hơn cả, các bà vợ hẳn giật mình khi Ôsin giải quyết chuyện gia đình ngay giữa nhà mình, vô tư nựng con mình theo kiểu “mày cười với tao đi nào!”. Cô Ôsin Khuất Nhị Nhị cùng đồng nghiệp  làm khổ cặp vợ chồng son nọ theo cách: ăn cắp vặt, dọa thóc mách chuyện riêng tư của gia chủ nếu bị trả về Trung tâm.

Cứ thấy Ngọc Bích quần áo quê mùa xuất hiện, y như rằng chị lại thể hiện tuýp người nặng chân nặng tay. Ôsin mà nặng chân nặng tay dễ làm chủ sởn gai ốc, đằng này chủ lại là 2 bà già hom hem. Tưởng rước được Lâm Nhất Nhất về đỡ việc cho bà già, nào ngờ hai bà phải hợp sức chống lại ôsin: Lâm Nhất Nhất táo tợn, ăn thùng uống vại, đập chuột bồm bộp, xách hai bà như xách cái dẻ khoai…

Bến Ôsin cho thấy Tự Do quả hai tiếng ngọt ngào, không có Ôsin cũng khổ, nhưng lắm khi có Ôsin có khi còn khổ hơn. Đương nhiên, có một bộ phận không nhỏ Ôsin không phải như vậy, ví như Tí Tứ Tứ. Rơi vào gia đình chồng già lấy vợ trẻ, cái Tí bị bà chủ hành lên hành xuống, nhưng nhờ Ôsin mà đứa con trai ngây ngây dở dở của ông chủ thành người.

Ôsin cũng là một phần của đời sống xã hội, hay- dở  tùy vào gia chủ, tùy vào Trung tâm môi giới và tùy cả tính nết mỗi ôsin. Những “bệnh” Ôsin kể trên không có gì mới lạ, màn hạ, có vị khán giả còn chậc lưỡi “Thế chưa ăn thua”, chuyện nhà tôi thế này, thế kia… Thì cũng để lấy chất liệu cho Đời cười 5, cả đoàn kịch II (NH Tuổi trẻ) kéo nhau ra hồ Thiền Quang kể chuyện vui, buồn về ôsin, ngay người đóng vai Ôsin trên sân khấu như Ngọc Bích cũng đủ nỗi niềm với người giúp việc.

Lui về hậu đài, làm trợ lý đạo diễn cho NSƯT Lê Hùng là NSƯT Chí Trung: “Rất nhiều diễn viên trong đoàn không có tay nuôi ôsin, khổ vì ôsin, còn nhà tôi thì có phúc sống với ôsin! Nhưng dù chuyện Ôsin có kể mãi không hết thì lúc này cũng phải nghĩ đến một đề tài khác cho Đời cười 6”.

Đời cười 5 gây cười chủ yếu nhờ cách dàn dựng và diễn xuất của nghệ sỹ. Đây cũng là dịp huy động được nhiều anh em nghệ sỹ tham gia, những cái tên gọi là trẻ như Bá Anh, Thanh Dương, Thanh Bình, Hoa Thuý, Tuấn Anh… thậm chí Quang Ánh (anh bộ đội tên Bạo trong phim Ký ức Điện Biên) cũng có một suất diễn, duyên duyên, thôi thì chính kịch còn vất vả lâu dài, khó kiếm vai để nhớ, nay cứ sống được và diễn được với hài kịch cũng bằng lòng vậy.

MỚI - NÓNG