Nhã nhạc, một phát triển sáng tạo của người Việt!

Nhã nhạc, một phát triển sáng tạo của người Việt!
TP - Việc nhã nhạc được khôi phục và trở thành kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại ai cũng mừng. Nhưng, cũng có những băn khoăn về nguồn gốc cần được “giải mã”.

Đặc biệt là khi được biết một vài học giả Trung Quốc đã dầy công nghiên cứu nhã nhạc Việt Nam dưới góc độ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vậy thì nhã nhạc Việt Nam ta có điểm độc đáo riêng biệt gì để thành báu vật của nhân loại?

Ngày càng xa cái gốc Trung Quốc

Nhã nhạc, một phát triển sáng tạo của người Việt! ảnh 1
Múa - một phần của nghệ thuật âm nhạc cung đình Huế đang được phục hồi và phát huy

Trong nỗ lực tìm kiếm những ảnh hưởng của nhã nhạc Trung Quốc đã thất truyền gần hai thập niên qua, một số học giả nước bạn như Phàn Vinh, Trương Nhất Hống, Trương Duy Bình… đã chọn nhã nhạc nước ta xem như một yếu tố bắt nguồn từ Trung Quốc.

Tại sao các học giả lại chọn Việt Nam và việc chọn như thế có đem lại kết quả khả quan hay không?

Nền văn minh của người Trung Quốc và Ấn Độ có ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa các dân tộc trong cùng khu vực. Không chỉ có Việt Nam, nhiều nước khác cùng khu vực cũng chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh này.

Khi thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc đã ở trong giai đoạn phát triển, giao bang rộng rãi, nhã nhạc Trung Quốc đã ảnh hưởng rộng, đến cả những nước cách xa về mặt địa lý như Thái Lan, Malaysia… song trực tiếp nhất có Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển nhã nhạc ở nước ta, sử sách còn ghi thuật ngữ “nhã nhạc” xuất hiện lần đầu vào thời nhà Hồ đầu thế kỷ XV (1400 - 1407) mặc dù các tổ chức dàn nhạc cung đình được thành lập trước đó đã mấy thế kỷ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ, vào năm 1402 Hồ Hán Thương đã cho “Đặt nhã nhạc, lấy con các quan văn làm kinh vĩ lang, con các quan võ làm chỉnh đốn lang, tập múa các điệu văn, võ”. Việc phân định rõ ràng như vậy cho thấy sự chính quy, chuyên nghiệp hoá của âm nhạc cung đình nước ta bắt đầu từ thời kỳ này.

Sang tới thời Lê (1428 - 1788) khi tình hình chính trị đã ổn định, vua Lê Thái Tổ giao cho Nguyễn Trãi và Lương Đăng san định nhã nhạc, sau do bất đồng quan điểm Nguyễn Trãi xin rút.

Sử sách ghi: “Lương Đăng đã dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh. Trong đó Đường thượng chi nhạc gồm 8 loại nhạc khí: Trống treo lớn, chuông chùm, khánh chùm, các loại đàn cầm, đàn sắt, sinh (khèn), quản, thược, chúc, ngữ, huân, trì.

Đường hạ cho nhạc có: Phương hưởng treo, khống hầu, tỳ bà, trống, quản, địch”. Như thế tức là ngay cả nguyên tắc chế tác và sử dụng nhạc cụ thời kỳ này đã dựa trên 8 nguyên liệu chính là mộc, bào, thổ, cách, kim, thạch, trúc, ti.

Nguyên tắc này đã có ở Trung Quốc từ lâu đời, trước thời kỳ nhà Minh rất lâu. Hệ thống nhã nhạc khi ấy, bên cạnh việc phục vụ các nghi lễ và yến tiệc trong cung đình, dùng trong các lễ tế Giao, tế Miếu, Cứu nhật nguyệt…

Thời kỳ này nhã nhạc là loại nhạc chính thống của triều đình và đối lập với tục nhạc (nhạc dân gian). Song, sự hưng thịnh của nhã nhạc triều Lê chỉ duy trì trong thời gian ngắn sau đó suy thoái cùng với sự suy thoái của triều Lê. Tới triều Nguyễn thời Minh Mạng (1820 - 1840), một lần nữa nhã nhạc được quan tâm.

Đại Nam thực lục - cuốn chính sử thời Nguyễn còn ghi chuyện vua Minh Mạng lệnh cho các quan bộ lễ: “Nay tuy nhạc xưa đã bỏ mất, mà các đồ bát âm còn có thể khảo được, nên tìm người hiểu âm nhạc cùng các ngươi chế tác”.

Theo đó thì mặc dù lễ nhạc thời Nguyễn vẫn có một số điểm tương đồng với nhã nhạc thời Lê và gần với nhã nhạc Trung Hoa nhưng nó đã có một bước phát triển mới mang đậm yếu tố Việt và có mối liên hệ với âm nhạc dân gian.

Vẫn phân chia thành nhiều loại, phục vụ các mục đích như dùng trong tế giao, tế miếu, lễ đại triều, đại yến, thượng thọ… song có điều đáng chú ý, nhã nhạc thời Nguyễn không dùng để chỉ cho toàn bộ âm nhạc cung đình mà chỉ là một dàn nhạc bên cạnh các dàn nhạc khác như: Huyền nhạc, Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ti trúc nhạc…

Ngay cả thời Nguyễn nhã nhạc với tư cách là một dàn nhạc cung đình chỉ tồn tại trong thời gian không lâu, đến cuối triều Nguyễn đã hoàn toàn biến mất, triều đình chỉ còn sử dụng hai dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Hiện nay nhã nhạc cung đình Huế là thuật ngữ dùng để chỉ hai dàn nhạc này.

Mang dấu ấn riêng

Vậy thì nhìn vào sự phát triển nhã nhạc và những gì lịch sử còn ghi chép sẽ thấy sự ảnh hưởng của nhã nhạc Trung Quốc với chúng ta là có. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tới đâu thì phải xem xét từ nhiều yếu tố.

Trên thực tế, sự ảnh hưởng lớn nhất, nếu có, chỉ xảy ra ở thời kỳ nhà Lê. Về nhã nhạc thời kỳ này cho đến nay đã hoàn toàn thất truyền, hiện chúng ta không còn một bài bản nào được vang lên bằng âm nhạc, nên thật khó khẳng định mức độ ảnh hưởng tới đâu.

Song, như một lẽ đương nhiên của dòng chảy thời gian, một khi dòng nhạc trong cung đình mất đi phần nhiều nó lại được nuôi dưỡng trong dân gian cho dù để được nuôi dưỡng nó sẽ phải biến đổi để phù hợp với tâm tư, tình cảm và đời sống tinh thần của nơi nó nương tựa.

Chúng tôi tin rằng những dị bản của các bài bản nhã nhạc thời kỳ này giờ rất có thể chính là lễ nhạc trong các lễ hội tại các làng cổ Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ cùng nhiều địa phương khác.

Tới thời nhà Nguyễn, có lẽ yếu tố âm nhạc Trung Quốc đã không phải là một chủ đạo bởi lẽ nhà Nguyễn không áp dụng máy móc, rập khuôn mà lấy nhã nhạc thời Lê làm cơ bản mà tìm bài bản trong các phường bát âm và những người hiểu âm nhạc để cùng các quan bộ lễ san định.

Chính vì vậy, nếu chỉ nhìn vào một vài chi tiết sử sách còn lưu sẽ rất dễ dẫn đến nhầm lẫn vì ngoài những chi tiết trên còn phải kể tới yếu tố quan trọng nhất đó là giai điệu âm nhạc vang lên như thế nào. Bản thân người viết cách đây vài năm đã có một thời gian làm việc tại Huế để thực hiện một album chuyên sâu về Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Huế.

Người viết đã có rất nhiều sự ngạc nhiên về âm nhạc cung đình nói chung, nhã nhạc nói riêng của ta. Chẳng hạn như, trước khi khám phá những giai điệu âm nhạc, mới chỉ tiếp cận tên bài bản thì ai cũng cho rằng nó hoàn toàn có xuất xứ từ Trung Quốc bởi đều là những bài bản đã có ở bên Trung Quốc hoặc có cái tên “đặc sệt” Trung Quốc như: “Tam luân cửu chuyển”, “Phú lục địch”, “Thập thủ liên hoàn” (còn gọi nôm là 10 bản Tầu gồm: Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã) hay “Song tấu trống kèn” (gồm ba bản: Mã vũ, Du xuân, Tẩu mã)… Nhưng điều đặc biệt thú vị, những gì vang lên không thể nói rằng đó là âm nhạc của Trung Quốc.

Tôn Tiến - giảng viên âm nhạc Đại học Dân tộc Quảng Tây - Trung Quốc trong một buổi trò chuyện với người viết đã hết sức ngạc nhiên rằng nhiều bản nhạc, nghe tên thì rõ ràng đất nước cô cũng có, ban đầu cô cũng cho rằng nó có nguồn gốc từ đất nước mình nhưng khi nghe tấu lên thì cô không thể tìm thấy một chút tương đồng với bài bản cùng tên ở Trung Quốc: “Nó rất khác”- Tôn Tiến kết luận.

“Giải mã” hiện tượng này, nhạc sĩ Thao Giang cho rằng: “Có thể điểm khởi đầu của những bản nhạc là một gốc nhưng với chiều dài hàng trăm năm với sự sáng tạo của lớp lớp nghệ nhân đất Việt đã tạo nên một sự khác biệt tô đậm bản sắc riêng của dân tộc Việt trong những bài bản đó”.

Nhạc sĩ Thao Giang còn cho biết thêm, sự khác biệt không chỉ có ở cách thể hiện, giai điệu của các bài bản mà ngay cả những nhạc cụ khi sang Việt Nam đã được các nghệ nhân cải tiến cho phù hợp với nhu cầu.

Ông kể vui câu chuyện khi còn là phó khoa Nhạc cụ Truyền thống của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), một buổi giao lưu ứng tấu với các bạn, các nghệ sĩ ta đã chơi rất tốt nhạc Trung Quốc trong khi các nghệ sĩ Trung Quốc lại rất khó khăn trong việc ứng tấu nhạc Việt Nam.

Ở đây không phải là tài nghệ của các nghệ sĩ Việt Nam nổi trội mà là những khác biệt trong phong cách âm nhạc giữa hai đất nước. Sở dĩ các nghệ sĩ của ta có thể ứng tấu nhanh bài bản Trung Quốc là vì trong quá trình học tập họ đã được làm quen; còn ngược lại các nghệ sĩ Trung Quốc ít tấu nhạc của ta.

Thêm nữa, ngay cả các cây đàn như nguyệt, nhị, tranh… du nhập vào nước ta từ Trung Quốc song với sự sáng tạo để phù hợp với cách chơi nhạc Việt thì cho tới ngày nay những cây đàn này đã có những khác biệt so với nguyên bản.

Chính vì vậy, ngay kể cả thời điểm hiện nay nếu dùng một cây đàn nguyệt hay nhị, tranh được sản xuất tại Trung Quốc để chơi nhạc Việt Nam cũng sẽ rất khó phù hợp.

Vậy tại sao lại có sự tương đồng và khác biệt đầy thú vị giữa nhã nhạc Trung Quốc với Việt Nam? Học giả Phàn Vinh viết: “Đời Đường, nhã nhạc Trung Quốc bắt đầu truyền bá sang Nhật Bản, đến đời Tống sang Triều Tiên và đến đời Minh thì truyền đến Việt Nam”.

Một mặt đó là chủ trương của triều Minh, mặt khác nhã nhạc cũng là một trong những thành tố không thể thiếu đối với một triều đại chính quy vì thế việc các triều đại phong kiến Việt Nam áp dụng những thành quả của nhã nhạc Trung Quốc cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng hình thái âm nhạc này vào đất Việt đã được bản địa hóa.

Mới chỉ tiếp cận tên bài bản thì ai cũng cho rằng nó hoàn toàn có xuất xứ từ Trung Quốc bởi đều là những bài bản đã có ở bên Trung Quốc hoặc có cái tên “đặc sệt” Trung Quốc như: “Tam luân cửu chuyển”, “Phú lục địch”, “Thập thủ liên hoàn” (còn gọi nôm là 10 bản Tầu gồm: Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã) hay “Song tấu trống kèn” (gồm ba bản: Mã vũ, Du xuân, Tẩu mã)…

Nhưng điều đặc biệt thú vị, những gì vang lên không thể nói rằng đó là âm nhạc của Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.