Nhà nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy với những khoảnh khắc lịch sử vô giá

Nhà nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy với những khoảnh khắc lịch sử vô giá
TP - Hiệu ảnh quốc tế nổi tiếng của Hà Nội ở 11 Hàng Khay nhìn sang Hồ Gươm… Không mấy ai biết hiệu ảnh có trước ngày giải phóng Thủ đô. Chủ nhân của nó, cụ Phan Xuân Thúy đã ngoại 90, đang giữ một bảo tàng ảnh vô giá - ảnh Hà Nội ngày giải phóng.
Nhà nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy với những khoảnh khắc lịch sử vô giá ảnh 1
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng cùng toàn quân đang nghiêm trang làm lễ chào cờ . Ảnh: Phan Xuân Thúy

Cụ giở cho tôi xem bảo tàng ảnh  trong cuốn album dày. Này đây cổng chào phố Hàng Khay, Hàng Gai, Hàng Bông, không cái nào giống cái nào; đoàn quân tưng bừng tiến vào thành phố và những nét mặt hân hoan của nhân dân Thủ đô; Chủ tịch Ủy ban quân quản Vương Thừa Vũ đứng trên  trên xe mui trần đang vẫy chào nhân dân trên phố Hàng Đào tràn hai bên đường vẫy cờ hoa; lễ chào cờ chiều 10/10 tại sân Cột cờ và đại quân duyệt binh hùng dũng; Ủy ban quân quản  làm lễ ra mắt nhân dân Thủ đô tại Nhà hát Lớn…

Tất cả, tất cả  như đang sống động trước mắt tôi giây phút thiêng liêng, kỳ diệu, xúc động nghẹn ngào “Ta đã về đây Hà Nội ơi”… Cụ Phan Xuân Thúy vừa giở album, vừa thuyết minh luôn cho tôi lai lịch các bức ảnh. Hoài niệm chảy về những tháng ngày tươi xanh…

“Tuổi thanh niên sôi nổi, tôi được chứng kiến đoàn người như thác cuốn từ Quảng trường Nhà hát Lớn tỏa đi chiếm Bắc bộ phủ, Trại bảo an binh… sáng 19/8/1945.

Hiệu ảnh gia đình tôi ở 18 Hàng Bài gần Trại Vệ quốc đoàn nên cán bộ chiến sĩ rảnh rỗi lại ra chụp ảnh. Rồi anh Lâm Kính đã bén duyên với em gái tôi - Phan  Thị Huỳnh.

Em trai Phan Đức Sử theo anh Lâm Kính vào Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ Phủ. Tết Bính Tuất, Bác Hồ bảo: Các chú có gia đình ở Hà Nội thì mời các cụ đến ăn Tết với Bác. Thật không còn hạnh phúc nào hơn.

Sáng mồng Một Tết, cha tôi khăn xếp áo the, cho các con đi cùng lên Bắc bộ phủ chục thọ Bác. Tôi không quên xách máy ảnh Retina theo. Người tươi cười ra thềm nhà khách đón gia đình tôi, sau đó các chiến sĩ đưa sang khuôn viên (nay là Bộ Nội vụ), ở đó đã tề tựu một số gia đình lên chúc thọ Bác.

Trên thảm hoa tóc tiên, những mâm cỗ Tết đã được bày. Trong khi các cụ sung  sướng được Bác tiếp thì cha tôi bảo tôi chụp tấm ảnh kỷ niệm. Bao năm đánh Pháp rồi đánh Mỹ gian khổ, tôi giữ bức ảnh như vật gia bảo.

Trong ảnh, Bác đang ngồi  thoải mái bên mâm cỗ ngoài trời tiếp các gia đình ăn Tết trong Bắc bộ phủ, có cả ông Vũ Đình Huỳnh - Thư ký riêng của  Bác. Ai nấy đều vui tươi trong Tết dân tộc độc lập. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5/2004),  tôi đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức ảnh quý giá này”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng gia đình đi tản cư.

...Năm 1951, người cha thân yêu mất đi để lại khoảng trống lớn cho gia đình, vợ đau yếu, ông đành về thành phố kiếm sống, phụng dưỡng mẹ già, nuôi đàn con thơ mà lòng vẫn hướng về Việt Bắc, nơi hai em trai đang là bộ dội Cụ Hồ.

Ông mở hiệu Universal photo ở phố Gia Long (nay là Bà Triệu). Ảnh càng đẹp, khách đến càng tấp nập. Đầu năm 1954, ông chuyển hiệu ảnh lên vị trí rất đẹp của Hồ Gươm - 11 Hàng Khay và lấy tên mới - Hiệu ảnh Quốc tế - một thương hiệu ở đất Hà thành sành chơi, sành ăn mặc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng rồi Hiệp định Geneve dội về Hà Nội... Sáng 9/10/1954, thành phố như tươi trẻ lại. Đại quân đã vào tiếp thu các cơ quan công sở, vị trí quân sự của địch. Chúng rút đi đến đâu, cờ hoa đỏ rực mọc lên đến đó.

Ông phấn chấn, lao ra khỏi hiệu ảnh, đeo hai máy ảnh Leica và Rolleflex, phóng xe Seotter khắp các phố. Huy hoàng và mới mẻ, phố phường như thay da đổi thịt.

Mỗi cổng chào là một công trình nghệ thuật. Cổng chào Hàng Bông làm bằng hai cột bông; cổng chào Hàng Thiếc làm bằng các cây tôn thiếc; cổng chào Hàng Nón làm bằng những chiếc nón úp lại, đẹp kỳ lạ.

Ông bấm máy liên tục trong niềm hưng phấn của người nghệ sĩ, xúc động và tự hào. Ở Ty cảnh sát của địch (Hàng Trống, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm), ông dừng lại ghi hình lá cờ của địch vùa hạ xuống, cờ đỏ sao vàng kéo lên trên nóc trụ sở.

Ông nhớ lại: “Mấy năm trước, tôi thấy các anh ấy loay hoay  sửa mãi không xong nóc cổng trụ sở công an quận, tôi vào trụ sở gặp lãnh đạo, cung cấp cho các anh ấy ảnh tôi chụp ngày 9/10/1954. Họ mừng quá. Cổng trụ sở công an quận đã được tu sửa đúng theo mẫu kiến trúc lịch sử đã góp phần vào việc giữ gìn nét đẹp của Hà Nội xưa như vậy đấy”.

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô, ông đã cung cấp hàng chục bức ảnh cho Hội Sử học Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng, Văn phòng UBNDTP đã tổ chức triển lãm ảnh tại Nhà Văn hoá thông tin Tràng Tiền, sau đó, nhiều bức ảnh vô giá ấy đã được in trong sách ảnh Hà Nội ngày tiếp quản.

Người xem được sống lại những giây phút hào hùng, và ngay cả hiệu ảnh Quốc tế cũng chăng đèn kết hoa rực rỡ đón chào đoàn quân chiến thắng.

Quê gốc ở xứ Sơn Nam hạ (Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên), nhưng nhà nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy đã gắn bó máu thịt với Hà Nội từ những ngày “Tháng Tám cờ bay” và phục vụ kháng chiến bằng chính con mắt nghệ thuật và đôi tay tài hoa của mình.

Sau ngày giải phóng, Hà Nội xây dựng cuộc sống mới, hiệu ảnh Quốc tế là một trong những hiệu ảnh nòng cốt của HTX nhiếp ảnh cao cấp khu Hoàn Kiếm, sau này là Cty Nhiếp ảnh.

Khách trong và ngoài nước vẫn tin cậy đến hiệu Quốc tế chụp ảnh chân dung, từ ảnh nghệ thuật, ảnh diễn viên (Kim Ngọc); các ngôi sao điện ảnh (Lan Hương) trong phim Em bé Hà Nội rất hút hồn treo rõ to trong quầy đến ảnh kỷ niệm gia đình, ảnh hộ chiếu, đều có ở Quốc tế.

Cụ phụ trách khâu thẩm định kỹ thuật của HTX rồi Cty, nhưng vẫn không bỏ được nghiệp cầm máy ảnh. Tôi chú ý ngay bức ảnh Múa sạp cụ đem dự triển lãm ảnh quốc tế ở Vácsava (Ba Lan) năm 1958 đạt giải Ba.

Ảnh Vui mừng được mùa chụp lão nông ôm bó lúa, nụ cười tỏa rạng trên khuôn mặt cũng đạt giải ba của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 1959.

Lòng yêu nghề, yêu cuộc sống hiển hiện trên các bức ảnh ông chụp với kỹ thuật cao trong cách sử dụng ánh sáng để bắt được cái thần của người chụp ảnh, thể hiện đặc tả nhất ở đôi mắt và nét mặt.

Có lẽ hiếm người chụp được bậc gạo cội của “làng nhiếp ảnh” là cụ Võ An Ninh đẹp như thế! Vẻ phong trần, điềm tĩnh và cái chất nghệ sĩ toát lên trên chân dung cụ.

Một Hà Nội xây dựng và chiến đấu, hào hoa mà anh dũng với những chân dung và phong cảnh đặc trưng, rất Hà Nội của thời đã qua: Đội nhi đồng Mai Hắc Đế với trang phục mũ ca lô đội lệch mùa thu 1945, ông Bạch Ngọc Liễn, người đã từng chiến đấu trong liên khu I “60 ngày khói lửa”, là chính trị viên tiểu đoàn 88, trung đoàn 54 đi đầu một trong những hàng quân tiến vào thành phố ngày 10/10;  cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô phản đối Mỹ - Diệm tàn sát đồng bào trong nhà tù Phú Lợi, ảnh… tất cả đều có trong album ảnh của ông.

Yêu nghề và say nghề, tâm hồn nghệ sĩ của nhà nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy đã góp phần gìn giữ nét đẹp của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đã bước qua tuổi 90, nhưng cụ vẫn giữ phong thái lịch lãm, tinh tế của người Hà Nội.

Thu 2008

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.