Nhà nổi Việt Nam đến Đan Mạch

KTS Hagens đang giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình tại Việt Nam. Ảnh: H.H
KTS Hagens đang giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình tại Việt Nam. Ảnh: H.H
TP - Bất ngờ trước vẻ đẹp, sự sáng tạo của những ngôi nhà nổi ở Việt Nam, kiến trúc sư Đan Mạch Hans Peter Hagens đã lấy cảm hứng từ đây để thiết kế hệ thống nhà nổi ở Đan Mạch.

Trước khi sang Việt Nam, KTS Peter Hagens chỉ biết sơ sơ về nhà nổi ở Việt Nam qua các thông tin trên Internet. Đầu năm 2013, khi được tận mắt thấy những ngôi nhà nổi ở đồng bằng sông Cửu Long, anh “thật sự choáng ngợp và mê đắm”. Anh đã cùng đồng sự của mình, nhà nhân học Louise Sylvest Vestergaard, với sự trợ giúp của KTS Lý Thái Sơn (Đại học Kiến trúc TP.HCM) dành gần hai tháng ở Cần Thơ và Quảng Ninh (khu vực Vịnh Hạ Long) để nghiên cứu về nhà nổi.

Họ đã cùng nhau đi thăm một số làng chài ở Hạ Long ( Quảng Ninh) và Ninh Bình. KTS Hagens nhận xét, đó là những ngôi nhà rất đẹp, nên thơ. Tuy nhiên, do sự phát triển của du lịch, những ngôi nhà nổi này còn không nhiều. Đó cũng là lý do nhóm dành nhiều thời gian nghiên cứu nhà nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh đã chụp khá nhiều ảnh và trò chuyện với những người dân sống trên nhà nổi ở Châu Đốc, Cần Thơ.

Nhà nổi Việt Nam đến Đan Mạch ảnh 1

Kiến trúc sư Hans Peter Hagens tại Vịnh Hạ Long

Những bức ảnh nhà nổi, những bản vẽ thiết kế nhà nổi, cùng những đoạn phỏng vấn cuộc sống của người dân sống trên nhà nổi trong gần hai tháng đi thực địa đã giúp anh ra mắt triển lãm về nhà nổi Việt Nam tại Đại sứ quán Đan Mạch hôm 20/2, sau đó sẽ được tiếp tục triển lãm tại Đan Mạch. Triển lãm nhằm giới thiệu với công chúng chất lượng của những ngôi nhà nổi Việt Nam, qua đó nhấn mạnh tiềm năng phát triển của mô hình này trong lĩnh vực xây dựng thân thiện với môi trường.

KTS Hagens tâm sự: “Với người Việt, quán ăn nổi trên sông là điều bình thường. Nhưng với người phương Tây chúng tôi, quán ăn nổi, trạm xăng nổi, hay trường học nổi trên mặt nước là điều gì đó cực kỳ thú vị, hấp dẫn và đầy sáng tạo. Thường một ngôi nhà nổi ở sông Cửu Long có hai tầng: tầng nổi trên mặt nước để sinh hoạt, còn tầng dưới mặt nước để nuôi cá”.

Nhà nổi Việt Nam đến Đan Mạch ảnh 2

Nhà nổi Việt Nam qua nét vẽ của KTS Hagens. Ảnh: Đ.M

Nhà nổi không phải là kiến trúc mới mẻ trên thế giới. KTS Hagens cũng từng nghiên cứu về nhà nổi ở bán đảo Scandinavi, ở Venice. Anh nói, ở Scandinavi, họ cũng xây nhà nổi, nhưng người ta chỉ sống ở đó vào một dịp nào đó hoặc cuối tuần, chứ không sống quanh năm suốt tháng như ở Việt Nam, và nhà không được bao quanh hoàn toàn bởi nước.

Ở một số thị trấn Đan Mạch, trước kia cũng có nhiều kênh rạch và họ cũng xây nhà trên mặt nước. Với sự phát triển của nông nghiệp, họ đã cho rút nước ra biển để lấy đất trồng trọt. Vì thế, bây giờ ở Đan Mạch không còn nhà nổi là điều mà KTS Hagens thấy rất tiếc.

Bởi lẽ, anh cho rằng, việc sống bên cạnh mặt nước và thiên nhiên luôn đẹp đẽ và hấp dẫn. Đó là điều mà cư dân các nước phương Tây đang thiếu, do đó họ sẵn sàng trả nhiều tiền để được sống như vậy. Tuy nhiên, với nhà nổi ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu sử dụng các giải pháp kiến trúc thân thiện với môi trường để cải thiện hệ thống vệ sinh và điện nước thì sẽ lành mạnh, bền vững hơn.

Triển lãm nhà nổi Việt Nam dưới góc nhìn kiến trúc Đan Mạch của kiến trúc sư Hans Peter Hagens diễn ra tại Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội ngày 20/2, tại Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh (từ 24/2 đến 10/3), tại Manzi Art Space, Hà Nội (số 14 Phan Huy Ích) từ 25/3 đến 30/3. Tại Đan Mạch, triển lãm sẽ được trưng bày tại Phòng Thương mại vùng đảo Lolland-Falster, đường Rahavegard, thị trấn Holeby miền nam Đan Mạch từ 6/3 đến 31/3, và trụ sở đại diện vùng Lolland-Falster tại thủ đô Copenhagen, từ ngày 3/4 đến 30/4/2014.

Với cảm hứng nhà nổi Việt Nam, KTS Hagens đã thiết kế hệ thống nhà nổi phù hợp với Đan Mạch. Anh hy vọng, việc xây nhà nổi ở các thị trấn bên dòng kênh Đan Mạch hoàn toàn có thể khả thi nếu được cải biến cho phù hợp.

KTS Hagens cũng cho biết, hiện nay nền kinh tế Đan Mạch bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, đồ án anh đã trình chính quyền vùng đảo Lolland- Falster và nhận được sự ủng hộ. Đây là khu vực sát biển, giáp ranh với Đức, nơi sẽ khởi công cầu ngầm xuyên biển giữa Đan Mạch - Đức vào năm 2015. Anh cho biết, để xây dựng cây cầu này, người ta cần tới 50.000 công nhân tới đây làm việc. Đồ án của KTS Hagens đưa ra giải pháp xây nhà nổi cho công nhân ở tạm. Sau khoảng 8-10 năm nữa, khi công trình kết thúc, những ngôi nhà nổi này có thể để lại cho người dân địa phương.

KTS Hagens tự tin: “Tôi nghĩ rằng, dự án này khả thi. Giờ chúng tôi chỉ còn chờ các nhà đầu tư thôi”.

Kiến trúc sư Hans Peter Hagens sinh năm 1963, được biết đến ở Việt Nam với vai trò giám khảo đại diện cho Hội kiến trúc sư Đan Mạch tại cuộc thi Tài năng kiến trúc 2013 dành cho các kiến trúc sư trẻ Việt Nam do quỹ trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức. Hiện KTS là thành viên của Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch.

MỚI - NÓNG