Nhà phê bình Văn Giá: Về 'phe' khuất lấp

Nhà phê bình Văn Giá: Về 'phe' khuất lấp
TP - Gọi anh là nhà văn cũng đúng, nhà phê bình cũng chính xác, nhà giáo lại càng chuẩn. Văn Giá tổng kết: Đời tôi chỉ làm hai việc, dạy và viết, chẳng biết, chẳng thiết làm gì khác. Ngoài đời, nhắc đến tên anh, một số người hồn nhiên đồn đoán: Liệu có họ hàng với… Văn Cao không?  Sự khéo tưởng tượng ấy của thiên hạ khiến Văn Giá sướng ngầm.

Văn Giá tiết lộ, anh đặc biệt mê Văn Cao, Quang Dũng: “Những người như Văn Cao, Quang Dũng thật đáng nể. Họ có tư thế văn hóa, cả đời sống đẹp”. Nhưng anh chưa có cơ hội gần gũi hai “thần tượng”: “Với cụ Văn Cao tôi chỉ được ngồi chầu rìa, khi cụ mất tôi lẳng lặng đi viếng đám tang. Còn Quang Dũng, tôi chỉ chơi với con gái cụ”. Văn Giá không những viết nhiều về Quang Dũng, mà anh còn  mang đến cho độc giả những bài thơ chưa từng được công bố của thi sĩ “xứ Đoài mây trắng”. Còn có những người như Văn Giá thì những tài năng nghệ thuật khỏi lo mấy trăm năm sau ngày mất, người đời ai nhỏ lệ xót thương, như khi Tố Như tự khóc mình.

Vẻ ngoài của Văn Giá nhắc nhớ đến tạo hình nhân vật Sa Tăng trong bộ phim Tây du ký, bản kinh điển, của đạo diễn Dương Khiết. Nhưng Văn Giá không đi thỉnh kinh, anh đi tìm vẻ đẹp trong văn chương và bảo vệ nó đến cùng. Đứng trước “kỳ án văn chương”, thay vì chọn giải pháp né hoặc im lặng, anh lên tiếng giữa lúc “bom rơi”. Anh dám thích, dám yêu những tài năng văn chương bị khuất lấp do thời cuộc. Rồi vì tình yêu lại lao vào “giải cứu” những tài năng, đưa tên tuổi của họ trở về ánh sáng, đưa những tác phẩm của họ được trở về với bạn đọc…

Bên trời thương nhớ

Tôi nói với Văn Giá: “Anh giống như “dũng sĩ” bảo vệ phe yếu vậy”. Văn Giá cười: “Đã nhiều người nói, tôi hay hướng về những trường hợp thiệt thòi. Chẳng hiểu sao tôi cứ thích viết và tìm hiểu  về họ”. Không chỉ viết về nhà thơ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp, Văn Giá còn cất công xóa bỏ định kiến: Thâm Tâm không phải “nhà thơ của một bài”. Nhờ chơi với con trai  của Thâm Tâm, Văn Giá phát hiện ra  sự nghiệp của ông không chỉ có thơ mà còn có hàng loạt “những bài thơ văn xuôi thế sự”. Sau khi xin phép gia đình cố thi sĩ, anh đã công bố  tập truyện ngắn Thâm Tâm. Nhớ đến tác giả “Tống biệt hành” Văn Giá  bùi ngùi: “Cụ chính là chủ bút tờ báo tiền thân của báo Quân đội nhân đân ngày nay. Thâm Tâm quê gốc Hải Dương, lớn lên ở Hà Nội, đi bộ đội, làm báo Vệ quốc ở Cao Bằng. Hi sinh và mất xác ở Cao Bằng. Tôi đã từng cùng gia đình đi tìm mộ cụ”. Mấy ai biết đến những thiệt thòi ấy của thi sĩ “Tống biệt hành”. Người đời chỉ thuộc: “Đưa người ta không đưa qua sông” và vội vu cho ông biệt danh “thi sĩ của một bài”.

Nhắc đến Văn Giá những người yêu văn chương lại nhớ đến các nhà văn mà tên tuổi “đi từ bóng tối ra ánh sáng” như Thanh Châu, Vũ Bằng… Nếu không có “Vũ Bằng: Bên trời thương nhớ” của Văn Giá, cha đẻ của “Miếng ngon Hà Nội” có khi  vẫn sống trong ngậm ngùi. Những năm 90 của thế kỷ trước, nhà phê bình mới bắt đầu đọc Vũ Bằng, qua hai tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, “40 năm nói láo”. Ông không tin chuyện Vũ Bằng “đi với phía bên kia” và không đồng ý cách nhiều người xem tác giả “Thương nhớ mười hai” như nhân vật Hoàng trong “Đôi mắt” của Nam Cao. Thế là Văn Giá lặn lội đi tìm công bằng cho Vũ Bằng. Trước hết, anh chứng minh nhân thân Vũ Bằng: Tác giả “Thương nhớ mười hai” từng là một tình báo cách mạng, một người yêu nước. Chưa hết, anh tìm cách đưa Vũ Bằng về vị trí xứng đáng trên văn đàn. Chẳng ai như Văn Giá. Cứ đi dạy trong Sài Gòn một tuần, anh lại dùng thù lao được trả cho việc giảng dạy để ở tiếp một tuần trong đó tìm kiếm tư liệu về Vũ Bằng. Mà tư liệu của tác giả “Thương nhớ mười hai” được xếp vào dạng “tài liệu hạn chế”, cạy cục mãi anh mới có được tấm giấy giới thiệu để vào thư viện, tìm được những gì cần tìm, để công bố trong cuốn “Vũ Bằng: Bên trời thương nhớ”. Từ đó tác phẩm của Vũ Bằng được công nhận, được in lại và ông còn được xướng tên trong giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Thanh Châu cũng là một “ca” đặc biệt của Văn Giá. Vì bút ký nói về thời bao cấp, Thanh Châu bị “dìm”, sống trong thầm lặng. Văn Giá đọc Thanh Châu và có linh cảm về một nhà văn chịu thiệt thòi. Để Thanh Châu được Hội nhà văn Việt Nam tôn vinh đầy trân trọng trong kỷ niệm 100 năm ngày sinh có công không nhỏ của Văn Giá.  Kể về cố nhà văn, Văn Giá nhắc đến truyện ngắn “Hoa ti gôn” của cụ. Vì xúc động khi đọc tác phẩm mà ai đó đã viết nên “Hai sắc hoa ti gôn” với cái tên ẩn T.T.KH khiến người đời mải miết đi tìm. Thanh Châu có lẽ đã “nắm chìa khóa”  song ông không chịu “mở”, với lí do rất nghệ sỹ: “Tại sao cứ phải truy tìm? Có những cái để cho mơ hồ lại trở thành giai thoại đẹp và bất tử. Chúng ta không nhất thiết biết T.T.KH là ai, bởi chẳng để làm gì”.

Có người em thân thiết trong giới văn chương trách Văn Giá: “Sao ông cứ phải khổ thế? Lọ mọ làm những việc như thế để làm gì, chỉ chuốc vạ vào thân, dễ gây hiểu lầm?”. Người ta trách cũng đúng, một giai đoạn lịch sử đi qua, đỉnh cao  đã rõ, những gì  khuất lấp Văn Giá lại lọ mọ làm sáng tỏ, để “lu loa” rằng: “Các cụ” còn nhiều thứ giá trị lắm. Không ít kẻ đã  “chọc” sau lưng Văn Giá: Chắc ông này chẳng có cách gì để nổi bật nên… đành làm cách ấy. Văn Giá  biết mình bị “chọc” song cười xòa: “Thói đời mà”. Chẳng chấp.

Trong suốt hành trình đứng về “phe” khuất lấp, Văn Giá chưa từng “gặp hạn”: “Tôi nghiệm ra phần lớn con người ta tự sợ bóng, sợ gió”. Nhưng nhà phê bình cũng thừa nhận, không thiếu những người ghét anh, thậm chí lườm nguýt mỗi khi thấy bóng anh: “Tôi cũng bị cấm cửa một số nơi, không được lai vãng đến”. Nếu  được sống lại thời gian đã mất, anh vẫn xin đứng về người thiệt thòi, bởi “không làm thế hèn người đi”. 

Nhà phê bình Văn Giá: Về 'phe' khuất lấp ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Về nơi “đất dữ”

Văn Giá tự thuật: “Tôi ra trường năm 80, khoa ngữ văn, ĐH Sư Phạm 2. Đầu tiên tôi dạy ở CĐ Sư Phạm Tây Bắc, bây giờ là ĐH Tây Bắc. Rồi về Hà Nội học cao học, vào Học viện Báo chí giảng dạy 15 năm, bằng quãng đời long đong của Kiều…”. Hành trình làm thầy của Văn Giá dừng ở Khoa Viết văn- Báo chí, ĐH Văn hóa HN: “Cuối năm 2006, tôi về đây trong vai trò trưởng khoa. Tính toán mãi rồi cũng về”. Chăng phải Văn Giá tính toán thiệt, hơn  thu nhập mà chỉ vì “người ta bảo đất này dữ”. Sau cùng do nể trọng lời mời của người thầy tôn kính anh đã “liều” về nơi “đất dữ”.

“Ở hiền gặp lành”, từ ngày Văn Giá về khoa đến nay, cũng chuyện nọ, chuyện kia xảy ra nhưng rồi cũng yên cả. Như chuyện cải tạo, xây dựng lại ngôi nhà của khoa (trước đây  là Trường viết văn Nguyễn Du) hay dựng tượng các văn nhân… đều gây ồn ào. Trong sóng gió Văn Giá vẫn giữ vững lập trường không để “đám đông” chế ngự. Thế nên “đám đông” mệt mỏi, tản ra, Văn Giá “thắng”.

Sinh viên Khoa Viết văn- Báo chí của Trường ĐH Văn Hóa HN có may mắn được gặp gỡ với  những người nổi tiếng trong làng văn thuộc nhiều thế hệ. Họ cũng là những người được tham dự những buổi ra mắt sách “bão tố” của làng Văn Việt Nam. PGS.TS Ngô Văn Giá tự hào: “Tất cả những “ca” khó khăn nhất của hội thảo hoặc ra sách ở Việt Nam trong giới văn chương đều diễn ra ở đây (Khoa Viết văn- Báo chí-PV). Chỉ ở đây mới có thể ra nổi, bởi chỗ khác không dám làm”. Người yêu văn chương có thể điểm danh những “ca” khó mà Văn Giá đứng ra “đỡ” : Phạm Xuân Nguyên với “Nhà văn như Thị Nở”; Trần Đình Sử với “Trên đường biên của Lí luận văn học”; Sương Nguyệt Minh với “Miền hoang”…  Lý do anh nhận “đỡ” ca khó: “Để các em sinh viên được tiếp xúc với cái mới”. Cũng như khi  “cầu cạnh” người nổi tiếng đến nói chuyện với sinh viên, anh thường nói: “Hãy quên Văn Giá đi, nhà văn hãy đến vì thế hệ trẻ”. Cho nên, dù “cát xê” không có, các nhà văn tên tuổi vẫn đến với sinh viên  một cách nhiệt tình và hào hiệp.

Đầu sang năm Văn Giá sẽ chính thức chia tay với vị trí trưởng khoa. Anh đã mừng từ bây giờ: “Tôi muốn nghỉ lắm rồi, đã làm đơn xin nghỉ sớm một năm nhưng phải tìm được người thay  và cũng đã tìm được rồi, người ta đã nhận lời song chưa thể về ngay được”. “Tại sao anh muốn nghỉ sớm?”, tôi hỏi. Văn Giá cười: “Tôi muốn nghỉ sớm để rong chơi, viết lách, nghỉ ngơi”. Nhưng anh vẫn còn tiếp tục công việc giảng dạy nhiều năm nữa, anh thích công việc này.

Gắn bó cả đời với công việc “chèo đò” song PGS.TS Ngô Văn Giá không màng danh hiệu: “Tôi hết sức tránh”. Không ham chức tước, không quan trọng phần thưởng, Văn Giá thuộc dạng người… lạ lùng chăng? “Tôi rất bình thường. Tôi cũng như mọi người thôi, cố gắng tâm niệm sống tử tế”. Thế nên, đừng lấy làm lạ bỗng nhiên Văn Giá đột ngột làm thư ngỏ về việc xin rút khỏi danh sách dự kiến tham gia BCH Hội Nhà văn Hà Nội trong đại hội sắp tới. Nếu cứ ngạc nhiên về Văn Giá như thế thì ai đó còn phải tiếp tục giật mình. Đời sống vốn dĩ chứa đựng đầy bất ngờ và người như Văn Giá càng lắm bất ngờ hơn.

Trong sóng gió Văn Giá vẫn giữ vững lập trường không để “đám đông” chế ngự. Thế nên “đám đông” mệt mỏi, tản ra, Văn Giá “thắng”.

Giữ trọn tình người cho đẹp

Có người kể : Văn Giá từng xây dựng xong xuôi chương trình đào tạo lớp viết văn ngắn hạn  lại bị người anh mời hợp tác “bê” trọn công trình đi mở lớp kiếm tiền.

Lại cũng có kẻ  “cắp” toàn bộ tài liệu sưu tầm của Văn Giá về Vũ Bằng đưa vào sách của họ đứng tên, không một dòng chú thích, không một lời cảm ơn tác giả.

Còn chuyện buồn cười hơn, có công ty kinh doanh sách đã rút ruột tập truyện ngắn của Văn Giá, chỉ thay bìa rồi hồn nhiên đem sách ra thị trường bán, thu lời. Đến khi tác giả “Một ngày nát vụn” lên tiếng, thấy ngại nên “người ta đã sai quân mang đến tặng tôi 10 cuốn sách”. Cứ thường xuyên bị cướp công nhưng chưa thấy “Thạch Sanh”  “đánh”  “Lý Thông” bao giờ. Thế mới lạ!

Là một nhà văn lại thường xuyên  tiếp xúc với phái đẹp ở độ tuổi tưng bừng nhất, liệu Văn Giá có “những phút xao lòng”?  Anh thú nhận: “Không dám nói là không có”. Nhưng chắc chắn anh không để người khiến mình xao lòng phải bận lòng hay tổn thương. Văn Giá học theo Quang Dũng: “Giữ trọn tình người cho đẹp”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.