Nhà Ron trong Ngõ lỗ thủng

Nhà Ron trong Ngõ lỗ thủng
TP - Xem “Ngõ lỗ thủng” nhiều người sống qua thời bao cấp ngậm ngùi: “Tay Đỗ Kỷ tài, nhân vật Ron đúng là điển hình của một thời, mải lo cống hiến, cúc cung tận tụy, cuối cùng chỉ khổ vợ khổ con. Nhưng ai xem cũng thương”.

Gặp Đỗ Ky ngoài đời, quen mắt vẫn gọi là “anh Ron”. “Anh Ron” trả lời phỏng vấn khá thận trọng.

Nhà Ron trong Ngõ lỗ thủng ảnh 1
Diễn viên Đỗ Kỷ cùng vợ và hai con trai

“Ngõ lỗ thủng” đánh động ký ức một thời

Xét về sự mới mẻ thì vai Ron không khác nhiều so với những mẫu bộ đội “chính tuyến” của anh từ trước đến nay, vậy lý do nào thuyết phục anh nhận vai này?

Thời bao cấp là một trong những ký ức khá gần gũi với tôi. Đến giờ tôi vẫn không thể quên những hình ảnh của cuộc sống tập thể ngày xưa.

Từ cái sân chung để tối tối tất cả mọi người quây quần ở đấy nói chuyện phiếm, đến cái xe đạp “liên hiệp quốc” (vì mỗi bộ phận được lắp ráp từ một phụ tùng có xuất xứ khác hẳn nhau), nhà vệ sinh công cộng (mỗi sáng người xếp hàng chờ cả hàng dài, ai ngại thì giơ mẩu báo bằng lòng bàn tay giả vờ đọc), và cả những không gian “ri-đô” nữa.

Giờ nói ra chuyện này nhiều bạn trẻ coi như chuyện cổ tích nhưng với những ai đã từng trải qua thì nó dường như vẫn hiện hữu. Nói về những chuyện ấy không phải để kể nghèo kể khổ mà để tự nhắc mình hãy biết trân trọng cuộc sống hiện tại.

Ngoại hình của anh, vẻ mặt của anh và cả những kinh nghiệm về thời bao cấp, dường như anh chỉ cần khoác thêm bộ quần áo bộ đội là thành Ron rồi?

Nhà Ron trong Ngõ lỗ thủng ảnh 2
Đỗ Kỷ trong phim

Không phải cứ khoác lên mình một bộ quần áo lạ thì sẽ thành người khác.

Tôi cho rằng, việc mình có biến thành Ron hay không phụ thuộc vào thần thái và dáng vẻ. Nhân vật Ron càng về sau càng có diễn biến tâm lý phức tạp, đó cũng là lý do để tôi nhận lời. Nếu anh ta chỉ có kiểu tâm lý, tính cách một chiều thì có lẽ không thuyết phục với tôi.

Những dấu ấn nào của anh lên nhân vật Ron khiến anh ưng ý?

Toàn bộ quá trình nhập vai của tôi. Và một vài chi tiết phụ không có trong kịch bản. Ví dụ chi tiết cái dây chìa khoá lúc nào cũng đeo ở đai quần. Ví dụ trong túi Ron lúc nào cũng có một quyển sổ và một cây bút chì hai màu. Với những việc tốt anh ta ghi bằng màu đỏ. Với những việc chưa tốt hoặc có nghi vấn anh ta đánh dấu bằng màu xanh.

Đến thời điểm này, áp lực phải làm khác, phải có dấu ấn khác với tuyến nhân vật giống nhau có là một gánh nặng đối với anh?

Càng đóng nhiều phim thì áp lực càng nặng nề. Vẫn là con người mình, hình hài của mình, giọng nói của mình mà phải làm sao cho nhân vật này không giống nhân vật kia nhiều khi cũng là một động lực sáng tạo. Và để làm được điều đó người diễn viên chẳng còn cách nào khác là phải tích cực quan sát cuộc sống.

Những chi tiết như tôi vừa kể nếu không lấy từ cuộc sống thì cũng khó mà tưởng tượng ra hết. Làm sao cho khi phim công chiếu khán giả chỉ nhớ tên nhân vật mà không nhớ tên diễn viên là điều thật khó.

Coi con như bạn

Lúc trước anh có nói rằng bây giờ những người trẻ coi câu chuyện của thời bao cấp như chuyện cổ tích, các con anh thì sao?

Chúng tôi có nói chuyện đó với con và luôn nhắc nhở chúng phải biết trân trọng cuộc sống hiện nay của mình. Vì phải biết trân trọng cuộc sống của mình thì mới biết trân trọng bản thân và người khác. Nhưng mà những lời nói nhiều khi không có sức mạnh bằng hình ảnh. Tôi cho rằng, con tôi xem một tập “Ngõ lỗ thủng” nó hình dung được nhiều hơn những lời kể của bố mẹ.

Nghĩa là hai cậu nhà Đỗ Kỷ - Lan Hương xem đều đặn những tập phim do bố tham gia?

Chúng xem hết. Được cái là các con tôi rất tự hào về công việc của bố mẹ. Ở nhà chúng tôi thống nhất với nhau là cố gắng để làm gương cho các con. Để dù có xảy ra bất cứ chuyện gì thì chúng vẫn có một chỗ dựa về tinh thần.

Điều gì là quan trọng nhất trong nguyên tắc dạy con của anh chị?

Tính tự lập. Vợ chồng tôi đều là diễn viên, vắng nhà thường xuyên nhưng chúng tôi không phải nhờ người giúp việc. Nếu bố mẹ đi vắng hai anh em tự bảo ban và chăm sóc nhau. Chuyện đó thành quen rồi.

Ở nhà anh, những cuộc đối thoại quan trọng với con thường do bố hay mẹ đảm nhiệm?

Cả hai, nhưng bố nói nhiều hơn vì hai con tôi đều là con trai, tuy vậy cũng ít phải “mở lớp” lắm. Chúng tôi thống nhất với nhau “dạy con từ thuở còn thơ” nên bây giờ mọi thứ đều đã thành nếp. Chẳng hạn, về nhà không bao giờ có chuyện phân công: em nấu cơm, anh giặt quần áo. Ai thấy việc gì là làm. Các con cũng vậy.

Nói như anh, việc dạy dỗ con cái làm điên đầu nhiều cặp bố mẹ thì với gia đình Đỗ Kỷ - Lan Hương hình như lại chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng?

Nếu mình theo sát được con thì cũng chẳng có gì nghiêm trọng thật. Tôi nghĩ mỗi thế hệ có kiểu ứng xử, kiểu suy nghĩ và quan niệm khác nhau về cuộc sống, không thể gò ép được. Muốn hiểu con cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của con mới có thể đối thoại được với nó, mới không có những cư xử bảo thủ và áp đặt. Ở nhà tôi, nếu cần đối thoại thì chúng tôi nói với con như bạn.

Không bao giờ nghĩ mình là “sao”

Anh chị đều là những người của công chúng nhưng tần suất xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ngoài công việc chuyên môn lại khá hạn chế, đó là một ứng xử cố tình?

Bản thân tôi không bao giờ nghĩ mình là sao hay một thứ hào quang nào đó. Tôi sống khá kín đáo và không muốn nói nhiều về mình. Một vài năm gần đây, được báo chí nói đến nhiều nên ra đường người ta mới biết Đỗ Kỷ, chứ trước kia đi đâu ai hỏi làm gì tôi bảo tôi làm công nhân.

Công nhân? Sao anh không nói thật công việc của mình? Anh không thấy tự hào về nó?

Không phải như vậy. Vợ chồng tôi thường nói đùa với nhau: Chúng ta không thích tự túm tóc nhấc bổng mình lên. Với lại nhiều khi ra đường người ta hâm mộ mà chẳng may mình có sơ suất gì có khi còn bị ghét nên tôi ngại lắm!

Làm công việc nhất định phải liên quan đến hào quang và công chúng, giữ quan điểm như anh có khi còn thiệt thòi?

Cũng may là mình làm nghề cũng lâu rồi, hay dở thế nào anh em biết cả nên có nổi hay chìm thì cũng thế thôi. Anh Quốc Trọng có câu mà tôi rất thích: “ở đời, người tốt thì nhiều, người biết điều thì ít”. Biết mình là ai, mình ở đâu, khả năng của mình đến đâu khó lắm.

Vậy trong nghề vị trí của Đỗ Kỷ ở đâu?

Đấy, lại một yêu cầu khó rồi. Nhưng tôi nói thế này, người nào cũng phải có lòng yêu mình, yêu công việc của mình, không yêu mình thì cũng không yêu được người khác. Tôi có điều tự hào là giờ đóng phim các đạo diễn không phải thị phạm, không phải hướng dẫn về diễn nữa.

Bây giờ, thị trường giải trí phát triển mạnh, nhiều diễn viên giầu lên nhờ nghề, độc giả có thể hình dung về cuộc sống của gia đình Đỗ Kỷ như thế nào: sung túc hay trung lưu hay thường thường bậc trung?

Khó nhỉ, vì thước đo này chỉ có ý nghĩ tương đối. Có người giàu nứt đố đổ vách vẫn bảo mình nghèo, là vì họ so với người giàu hơn. Tôi cho rằng, sống ở mức nào là do quan niệm về cái “đủ” của mình mà ra. Nghề này, câu nói “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” cũng chưa phải đã lỗi thời.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.