Nhà sư và 5 triển lãm ảnh cá nhân

Nhà sư và 5 triển lãm ảnh cá nhân
TP - 5 triển lãm ảnh cá nhân trong 10 năm là con số đáng mong muốn với bất cứ nhiếp ảnh gia nào. Nhưng thầy Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương - đã làm được điều đó.
Nhà sư và 5 triển lãm ảnh cá nhân ảnh 1
Một gia đình Tây Tạng trên đường hành hương lễ Phật. Ảnh: Thích Minh Hiền

Ông trở thành nhà sư có nhiều triển lãm ảnh nhất ở Việt Nam. Tất cả các triển lãm của ông đều tên là Tâm ảnh tập với đề tài về Phật giáo nhưng dành cho đại chúng.

Bốn triển lãm trước vào các năm 1997-98-99 và 2002 mới gói gọn trong phạm vi Việt Nam. Với triển lãm mới nhất tiêu đề Tây-Đông Tuyết và Hoa - Thích Minh Hiền đã đem khán giả sang Nhật Bản và Tây Tạng, đến những mật thất, mật điện, mật cung... mà người đời không được phép tới gần.

“Kỳ thú nhất là những bức thanka (tranh thờ) to rộng hàng chục mét, gọi là tranh trục dài- ở trong nhà tối om. Đẹp khủng khiếp anh ạ”, ông kể.

Cùng với triển lãm lần thứ 5 là một cuốn sách dưới dạng CD-rom phát miễn phí cho những ai tham dự lễ khai mạc. Sau mỗi triển lãm, các bức ảnh cũng sẽ được ông “hóa vàng” - có nghĩa là “cho các phật tử hết, thiếu thì rửa thêm”.

Hầu như chỉ chụp phim nhựa, thầy Hiền có cả một chiếc Roleiflex chụp phim tấm lớn (6X7) chuyên dành cho kiến trúc. Nguyên tắc của ông là dùng phim nguyên bản không tút tát, cắt cúp gì. Trừ phi in lịch.

Từ 1996 đến nay, năm nào ông cũng làm một bộ lịch cho chùa Hương. Thích Minh Hiền có quan niệm khá rạch ròi về ảnh kỹ thuật số: “Máy ảnh kỹ thuật số làm người ta trở nên dễ dãi cho một lần bấm. Nhiếp ảnh số dành cho thông tin và báo chí, chứ không phải cho giới nhiếp ảnh nói chung”.

Thích Minh Hiền không coi nhiếp ảnh là thú chơi. Vốn là người giảng dạy về lịch sử Phật giáo, ông thường chụp những chi tiết về mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc nơi chùa chiền để minh họa cho bài giảng.

Những bức ảnh “ngoài chuyên môn”, anh em trong giới nhiếp ảnh “xui” ông đưa ra để chia sẻ với mọi người. Mọi thao tác về nhiếp ảnh đều do ông tự học. Ông cho rằng đấy là chuyện thường, ông nói: “Có phải học là chụp được đâu! Có phải kiếp này mình mới chụp đâu...”.

Cũng có lúc gặp sai sót nhưng kết quả cuối cùng lại hơn cả mong đợi. Như lần ông chụp thác Bản Giốc bằng phim 100ASA nhưng lại đặt máy ở chế độ chụp phim 50ASA.

“Tôi không biết tại sao tốc độ chậm xuống”, thầy Hiền kể. “May hôm ấy mang cả chân đi... Kết quả không ngờ phim đẹp... khủng khiếp! Dòng nước trở nên như dòng sữa...” - ông miêu tả.

Con đường nhiếp ảnh của Thích Minh Hiền có thể nói là suôn sẻ cũng có nhiều lần suýt chết. Đó là lần ông đang say sưa chụp trên một đỉnh núi ở Tây Tạng. Bỗng một đệ tử nói thầy cẩn thận kẻo trượt. Ông vừa tránh ra thì cát sụt, nhìn xuống vực sâu hút không thấy đáy.

Ông mất 10 năm có lẻ mới chụp được những bức ảnh đỉnh Everest từ máy bay. “Hồi xưa, tôi đi Bhutan đã bay trên đỉnh Everest. Nhưng chả biết chụp - máy cứ rung hết lên”, ông nói.

“Chụp trên máy bay là hoàn toàn do may mắn. Mấy ai chụp thành công đâu. Chả biết tại sao hôm đấy, tôi lại chụp được khoảng 15 mắt phim. Bấm không tiếc tay”.

Có khi để có cả núi, mây và nước trong một bức ảnh ánh sáng đẹp, ông phải vượt qua hàng trăm cây số đồng không mông quạnh, không một tiếng chim kêu. “Cô tịch! Đến nỗi giả dụ như hỏng xe thì chỉ nằm đấy thôi anh ạ”, ông kể. May mãi khi đến gần chùa,  chiếc Jeep mới bị... gẫy nhip.

Đi Nhật Bản, thầy Hiền kể, chùa nào cũng có tập sách ảnh nói lên lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, các lễ hội, công việc của chùa. 1-2 chùa xuất bản cả sách ảnh nghệ thuật- các nhà sư phải rình chụp nhiều năm để có được cảnh chùa qua 4 mùa.

Những cảnh trí đẹp nhất của chùa Hương tất nhiên không thoát khỏi ống kính Thích Minh Hiền. “Ảnh chùa Hương thì không ai qua mặt được tôi”, ông khẳng định.

“Không ai có thể chọn được những góc như tôi, chụp cả bốn mùa”. Nhưng: “Sách ảnh thì cứ để đấy đã. Hẵng còn trẻ thì chưa nên đưa sách ra”. Thầy giao hẹn khi nào ngoài 50 sẽ ra sách.

Nhiếp ảnh có lẽ là phương tiện dễ dàng nhất để Phật giáo đi vào đời sống. Thầy Hiền cho biết trong xu thế xã hội hóa, sắp tới có thể các buổi lễ trong chùa - với âm nhạc và múa đặc trưng Phật giáo - cũng được đưa lên sân khấu.

“Có những cái xã hội hóa mà các anh không biết”, ông bỏ nhỏ. Đó là nhạc Kitaro, đài truyền hình là sử dụng một cách thoải mái nhất. Toàn bộ nhạc của Kitaro là nhạc Phật giáo đấy chứ. Bản thân anh ấy là phật tử.

Cũng như Trịnh Công Sơn - toàn bài về đạo đấy chứ, ví dụ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, hay Con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn... Đạo đi vào cuộc đời rồi đấy. Triển lãm của tôi cũng nhằm mục đích ấy.

MỚI - NÓNG