Nhà thiết kế thời trang có phải là nghệ sĩ?

Nhà thiết kế thời trang có phải là nghệ sĩ?
TP - Hiếm thấy trong lịch sử triển lãm nghệ thuật quy mô quốc tế  một cuộc khiến  dư luận xôn xao cả tuần trước khi khai mạc như  Đại thế giới của Any Warhol đang diễn ra tại Cung điện lớn Paris.
Nhà thiết kế thời trang có phải là nghệ sĩ? ảnh 1
Bên chân dung của Yves Saint Laurent do Any Warhol vẽ

Trước hết, họa sỹ Hoa Kỳ Any Warhol (1930-1987), một chủ soái của Trường phái Nghệ thuật đại chúng (Pop Art), có một mảng tác phẩm đáng nể của ông là tranh chân dung, trong đó góp mặt hầu hết các nhân vật của thời đại, từ Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông, siêu sao điện ảnh Mỹ Maryline Monroe, đến ông trùm tạo mẫu Yves Saint Laurent của Cộng hòa Pháp.

Phần lớn vẽ theo đơn đặt hàng, nhưng thật lạ, tranh chân dung của Any Warhol vượt lên trên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bức ảnh chụp của một nhân vật và luôn gây những ấn tượng khó phai mờ.

Nhà phê bình và lịch sử nghệ thuật Pháp sừng sỏ Alain Cueff được mời điều hành cuộc Triển lãm đang nói. Alain Cueff chọn trưng bày 130 chân dung, trong đó có bốn bức Yves Saint Laurent. Và câu chuyện ầm ỹ  khởi phát từ bốn tác phẩm về nhà thiết kế thời trang đang được ngưỡng vọng như một vị thánh.

Chân dung Yves Saint Laurent do Any Warhol vẽ năm 1974. Ngoài đôi bạn Yves Saint Laurent và Pierre Bergé chưa ai được xem những bức tranh này. Alain Cueff đã thương lượng mượn bốn bức chân dung ấy. Được chấp thuận, Alain Cueff cho chuyển chúng tới Cung điện lớn Paris.

Ngày 11/3, chúng đã được treo đúng như  ý đồ của Alain Cueff trong Triển lãm. Một nhóm nhà báo được mời vào xem trước và đã chiêm ngưỡng chúng với nhiều ngỡ ngàng.

Thế nhưng, hai hôm sau, một nhóm nhà báo khác được ưu tiên vào xem không thấy những chân dung ấy đâu nữa. Thì ra, khi tranh được treo xong, bà quản lý Bộ sưu tập và tùy viên báo chí của Quỹ YSL-Bergé không có ý kiến gì. Nhưng khi bà thông báo lại với Pierre Bergé, ông mới biết tranh bạn mình được treo giữa chân dung các nhà thiết kế thời trang lừng lẫy trong một khu riêng được gọi là Vẻ đẹp gợi dục (Glamour).

Pierre Bergé liền gọi điện thoại cho Alain Cueff, đề nghị chuyển chân dung Yves Saint Laurent đi chỗ khác, hoặc đứng một mình ví dụ ở khu chiếu nghỉ cầu thang từ tầng một dẫn lên triển lãm, hoặc xếp vào khu Các nghệ sỹ, bên cạnh những Man Ray, Lichtenstein và đặc biệt họa sỹ David Horney mà sinh thời Yves Saint Laurent vô cùng ngưỡng mộ.

Alain Cueff giải thích rằng việc treo tranh ở chiếu nghỉ cầu thang tuy bắt mắt nhưng không an toàn, chí ít chúng cũng dễ gặp rủi ro bị xâm hại. Việc đưa chúng vào khu nghệ sỹ thì bất khả kháng, vì phải trao đổi lại với các nhà chuyên môn, bây giờ đang ở Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Pierre Bergé không đồng ý. Alain Cueff thuyết phục hai lần nữa, nhưng không kết quả. Thế là teo yêu cầu của Pierre Bergé, bốn chân dung Yves Saint Laurent được tháo xuống và trả về. Báo chí và truyền thông không chỉ ở Pháp vào cuộc, khen chê cả Pierre Bergé lẫn Alain Cueff.

Trả lời phỏng vấn, Pierre Bergé đã tiết lộ vài bí mật của bạn ông (Yves Saint Laurent) và ông về văn hóa Pháp. Trong năm mươi năm hợp tác, hai ông cam kết không trình diễn thời trang YSL với bất cứ nhà tạo mẫu nào khác. Cho nên, Pierre Bergé không thể thất hứa với bạn mình (Yves Saint Laurent qua đời tháng 6/2008).

Về việc ông rút bộ tranh của bạn, Pierre Bergé tiết lộ: “Chính Any Warhol đã nói với tôi rằng Yves Saint Laurent là nghệ sỹ Pháp còn sống vĩ đại nhất”. Như vậy, phải chăng các nhà thiết kế thời trang không phải nghệ sỹ, hay có là nghệ sỹ thì chỉ là nghệ sỹ hạng hai, hạng ba? Nghệ sỹ giao cảm với công chúng bằng giá trị nghệ thuật đích thực, chứ không cần đến các chiêu quảng cáo, kinh dị hay gợi dục?

Và một vấn đề được đặt ra, phải chăng nghệ sỹ không nhất thiết phải sáng tác mà chỉ là người cảm thụ nghệ thuật bậc thầy? Các bộ thời trang của Yves Saint Laurent thực tế là những tác phẩm nghệ thuật siêu đẳng mà chưa mấy ai thấu hiểu? Giới chuyên môn không thể không lên tiếng về những điều đó. Cuộc tranh luận vẫn chưa dừng lại.

Đinh Thủy Hương 
Theo tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG