Nhà thơ Giáng Vân: 'Những cuộc bay của linh giác'

Nhà thơ Giáng Vân: 'Những cuộc bay của linh giác'
Khi cuộc sống như một mặt hồ “trong veo và tĩnh lặng”, lúc đó, mình mới nhìn thấu được sự vật đúng với bản chất của nó. Không định kiến, không áp đặt, không bị những thứ cực đoan lấn át. Ấy là lúc ta đạt đến trạng thái Thiền và buông bỏ. Nhà thơ Giáng Vân, trong phòng làm việc như tổ chim cheo leo trên tầng 3 của Báo Phụ nữ Thủ đô ngồi với tôi trong một buổi chiều thu cũng “tĩnh lặng và trong veo” như thế.

Nhà thơ Giáng Vân: 'Những cuộc bay của linh giác'

> Nhà văn làm cho giải thêm sang trọng
> Đường của người là đường của gió

Khi cuộc sống như một mặt hồ “trong veo và tĩnh lặng”, lúc đó, mình mới nhìn thấu được sự vật đúng với bản chất của nó. Không định kiến, không áp đặt, không bị những thứ cực đoan lấn át. Ấy là lúc ta đạt đến trạng thái Thiền và buông bỏ. Nhà thơ Giáng Vân, trong phòng làm việc như tổ chim cheo leo trên tầng 3 của Báo Phụ nữ Thủ đô ngồi với tôi trong một buổi chiều thu cũng “tĩnh lặng và trong veo” như thế.

Nhà thơ Giáng Vân
Nhà thơ Giáng Vân.

Chị gắn bó với tờ báo này đã 26 năm. Đó là những năm gian khó, khi Giáng Vân chuyển về từ công trường thủy điện Sông Đà. Sống, dấn thân, gói ghém cuộc sống và che chắn cho gia đình, những người thân yêu khỏi những giông gió cuộc đời. Cô gái bé nhỏ, đi chiếc xe đạp cà tàng, không gác đờ bu ấy đã về làm việc ở Báo Phụ nữ Thủ đô với một thỏa thuận, thử việc 6 tháng không lương.

Thế nên, trong 6 tháng cực nhọc đó, vừa gây dựng cho tờ báo mới ra đời, chị vừa tìm việc làm thêm kiếm sống. Bán nước, rang xay đậu... Nhưng nghề nào cũng không thích hợp với chị. Cuối cùng, một người bạn thân gợi ý, hay em thử đi bán sách cho các nhà xuất bản xem… Đó là năm 1987, một chiếc xe đạp không chắn bùn lủng liểng sách báo để phát hành kiếm sống. Giáng Vân trở thành một “đầu nậu” sách có cỡ thì cũng là lúc báo Phụ nữ Thủ đô chính thức trả lương. Thế là bỏ luôn nghề “đầu nậu”.

Rồi chị quăng quật cuộc đời với nghề báo, vì bạn đọc, và cũng để kiếm tiền nhuận bút. Và cũng nhờ thời gian đi bán sách, báo, Giáng Vân lại trở thành người tổ chức cho báo Phụ nữ Thủ đô một mạng lưới phát hành trong cả nước qua cả ba hệ thống, để tờ báo này trở thành tờ báo duy nhất của Hà Nội không phải sống bằng nguồn lương bao cấp của thành phố.

Với báo Phụ nữ Thủ đô, đó cũng là những năm tháng ghi dấu ấn trong lòng người đọc bởi những loạt bài chống tiêu cực dũng cảm, thẳng thắn có sự góp phần quan trọng của Giáng Vân. Hỏi chị vì sao có thể ở một nơi lâu đến thế, mà đến giờ, chức vụ cũng chỉ cỏn con. Nhưng với một người viết như chị, thì đó chỉ là cõi tạm trong những chuyến đi của cuộc đời. Nó đâu có quan trọng. Giáng Vân ẩn mình như thế, trong thế giới riêng của chị, trong những nỗi buồn riêng và trong những vất vả ngược xuôi của cuộc sống.

Vất vả như vậy, nhưng có lẽ, Giáng Vân chưa bao giờ biết đầu hàng số phận. Có gì đằng sau vóc dáng bé nhỏ, hao gầy của chị, là sự cương nghị, kiên định, với một xác tín, cứ sống tử tế với cuộc đời. Một trái tim lành lẽ, vì người khác. Có một thời, rảnh quá, không làm thơ, viết báo cũng cầm chừng, Giáng Vân mở một gallery ở phố Trần Phú, đơn giản vì chị rất mê tranh, và chị có thể đọc được ngôn ngữ của hội họa (một cách bản năng).

Ngẫu hứng. Lúc đó, Giáng Vân chỉ nghĩ đơn giản, sẽ là nơi giới thiệu những gương mặt mới của hội họa. gallery mở được sáu tháng, chị tự đóng cửa vì phát hiện thấy, để làm được công việc này, chị còn thiếu nhiều thứ. Đó là một cuộc chơi mà nếu có thêm một số điều kiện, có thể, chị sẽ làm được một điều gì đó, có ý nghĩa hơn cho hội họa Việt Nam.

Cuộc sống mưu sinh và những gồ ghề của nó, cứ cuốn trôi từng cuộc đời. Đặc biệt, nghề báo, theo chị, là một nghề ném hầu như toàn bộ cuộc đời mình vào vô tăm tích.

Nhà thơ Giáng Vân: 'Những cuộc bay của linh giác' ảnh 2

Tôi hỏi Giáng Vân, thơ đã ở đâu trong thế giới sống bộn bề và nhiều nỗi lo toan đời thường của chị. Đơn giản, thơ đã đi ra từ chính cuộc sống ấy. Chị quan niệm: Sống đã rồi mới viết. Nếu ta sống thực sự thì thơ sẽ đến. Bởi: “Cuộc đời có thể quan trọng, cũng có thể chỉ là bóng mây qua. Việc nổi tiếng hay không nổi tiếng, ghi dấu ấn hay là không ghi dấu ấn, thậm chí làm thơ hay không làm thơ đâu có quan trọng gì”.

Có một khoảng lặng rất dài trong đời sống của chị. Sau khi in xong tập thơ thứ hai Trên những ngày buồn vào năm 1995, chị gần như không viết. Giáng Vân nói: “Chị thấy mình không có gì mới, e rằng lặp lại những điều đã viết”. Phải đến 10 năm sau, khi chị bật máy tính (sau nhiều lần cự tuyệt với công nghệ, chị đã phải mày mò học máy tính và gõ trên bàn phím).

Chị viết liên tục trong ba tháng như thế. “Tôi nghĩ rằng trong sự tĩnh lặng, như mặt nước khi tĩnh lặng, nó rất trong và mới nhìn thấy hết mọi thứ, mới lắng mọi thứ. Hay như trong một cõi thinh không, mình có thể nhìn thấu sự vật. Còn khi mọi thứ đặc quánh, mình đang ham hố, đầy định kiến, nghĩ mọi thứ theo những quy tắc này, quy tắc nọ, thì những gì đến với mình sẽ bị méo mó, không đúng là nó. Thiền thực sự giúp ta đạt tới sự tĩnh lặng, và chỉ khi tĩnh lặng và rỗng không thì năng lượng cuộc sống mới có chỗ để tràn vào. Thiền là để ta có thể nhìn rõ bản chất sự vật mà không qua một rào chắn nào”.

Chị nói, dường như kiếp trước của mình có căn tu. Cuộc đời cứ chảy trôi. Hình như mình đến kiếp này để đi tiếp vòng luân hồi của cuộc sống. Đó là một trạng thái sống đạt tới sự an nhiên, tự tại. Như cách chị đến và đi trong đời sống này. Chị nói, nếu con người ta cứ ra sức chen lấn, giẫm đạp lên tất cả mà đi, chắc gì họ đã tới được đích. Đấy là những việc làm tiêu hao năng lượng một cách vô ích. Chị cho rằng, mỗi người đều được trời cho một nguồn năng lượng sống nhất định, anh ta sẽ không cạn kiệt nếu luôn biết thu nhận, tích lũy. Một nhà thơ, thay vì tập trung nó cho thơ, anh ta lại cứ khua khoắng, tìm mọi cách cho mình nổi tiếng, có thể anh ta sẽ được nhiều người biết đến, nhưng tôi tin rằng, trong thơ anh ta rất ít cái năng lượng sống đặc trưng của thơ.

Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn/ Chúng ta có một nỗi buồn rất nặng/ Để thanh lọc... Có thể nói đó là tuyên ngôn thẩm mỹ của chị. Chị đã đi qua nhiều trạng thái sống để đạt tới sự an nhiên. Ở đó, chị nhìn ngắm sự vật chảy trôi, đến rồi đi, sự sinh diệt hay hợp tan bằng một tâm thế an nhiên, tỉnh táo và minh triết. Một Giáng Vân buông bỏ những buồn vui phiền muộn của cuộc đời. Một Giáng Vân soi chiếu sự vật, cuộc đời bằng đúng bản chất nguyên thủy của nó, không định kiến, không phán xét.

Ở đó, chị đạt được trạng thái cao nhất của giác ngộ. Trong biệt tăm/ Tôi thả mình rơi thong thả/ Không gì bực dọc/ Chỉ rặt những vu vơ/ Tôi/ Hóa thành những vụn vỡ nhỏ/ Li ti/ Hạt giống của loài hoa cỏ/ Có thể nẩy mầm rất nhanh/ Một sáng thôi/ Làm tràn ngập sự thanh khiết/… Hay trạng thái an nhiên, buông xả Tự trôi. Ta nhắm mắt/ Tự trôi/ Như nước trên sông/ Như trăng giữa thiên hà/ Như gió theo gió/ Như những số phận rầm rì trong đêm…

Tôi nhìn thấy trong thơ chị, người đàn bà lặng lẽ, chiêm nghiệm, lặng lẽ nhìn đời sống bằng một góc chiếu nhân văn. Có nỗi buồn đấy, có mất mát, có hao khuyết. Có những tha thiết với tình yêu. Nhưng có cả cái đẹp của nỗi buồn và sự hao khuyết. Một Giáng Vân xù xì, thẳng thắn ngoài đời, và người đàn bà lặng lẽ trong thơ chị tuy hai mà một làm nên một bản thể Giáng Vân trọn vẹn nhất.

Ngay cả khi chị viết về sự cô độc, thì nó cũng đẹp một cách tinh khiết. Cô đơn ngợp lên đã thành rừng/ Sông chảy lên trời đã như thác lũ/… Mang mang/ Những ký ức buồn/ những mảnh vụn đã không thể chắp lại. Đẹp đã vỡ, đã khóc, đã bay hơi. Cái tâm thế sống ấy, phải đi qua bao nhiêu, ở độ tuổi nào, và đạt tới sự minh triết, con người mới nhận ra mình. Tôi thích hình ảnh Giáng Vân, một mình (cô đơn nhưng không cô độc) tự do trên Đường gió, ở trong thế giới tinh khiết đó, chị được chạm vào gió, vào mây, vào những không gian khoáng đạt nhất. Và chị chạm vào chính sâu thẳm tâm hồn mình.

Chị nói, những buổi chiều, chị thích ngồi trên chiếc ghế cũ, trên vỉa hè của một quán cóc ven đường. Đầu óc thư thái, không nghĩ ngợi. Những người trên phố lướt qua, lướt qua như những cuốn phim câm. Những dòng người cứ đen kịt, dày đặc tràn lên. Nhưng chị đã thoát ra khỏi những tác động của ngoại cảnh. Chị nhận ra, những gương mặt, những con người đang bị cuốn trôi trong dòng chảy điên loạn của đời sống.

“Tôi muốn và cũng buổi chiều ấy, bạn trở thành cơn gió, một cơn gió không mang một hành trang nào, một cơn gió hoàn toàn tự do, sẽ rong ruổi đến một xứ sở xa lạ nào, những quán tính từng là bạn, từng làm nên bạn, những quán tính làm bạn tưởng rằng đó là những kinh nghiệm sống, những bảo bối, bỗng dưng biến mất. Cơn gió ấy tự do xiết bao, khoáng đạt xiết bao, không hệ lụy, không muộn phiền. Cơn gió bạn sẽ tràn đầy tình thân ái”.

Chị đã bay trong thế giới thơ của riêng mình, bằng trực cảm, cao hơn, bằng linh giác, để nhìn về cuộc đời bằng những yêu thương. Như những câu thơ chị viết cho con gái yêu của mình: Xuyên qua những tạp âm là nắng trong lành/ Xuyên qua bóng tối là suối chảy và sông hát/ Mẹ cũng là cây, là nắng với mặt trời/ Và con nhé, hãy học yêu tất cả... (Thơ viết cho con).

Theo Khánh Linh
Công an nhân dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG