Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xin miễn cho tôi nhận giải thưởng năm nay

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xin miễn cho tôi nhận giải thưởng năm nay
TP - Khi rút khỏi HĐCK vì có tác phẩm tham dự giải, ý của nhà thơ Hữu Thỉnh là ông không chỉ tồn tại với cương vị (Chủ tịch Hội) đang đảm nhiệm mà vẫn tồn tại với tư cách một người sáng tác, một nhà thơ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Xin miễn cho tôi nhận giải thưởng năm nay ảnh 1
Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải cho nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư   Ảnh: N.Đ.Toán

Nhiều người có cảm giác không khí buổi lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới năm 2006 của Hội Nhà văn VN diễn ra vào sáng 30/11/2006 “nóng” hơn thường lệ.

Trong hội trường chật ních đại biểu, ngoài hành lang người đứng kín. Tác giả Cánh đồng bất tận mới từ Cà Mau bay ra đứng lặng lẽ một mình…

Buổi lễ được “quan tâm” như vậy có lẽ vì trước đó có nhiều thông tin trái chiều về giải thưởng văn học năm nay cùng tin đồn về người từ chối và sẽ từ chối nhận giải thưởng…

Báo cáo của Hội đồng Chung khảo (HĐCK) do nhà văn Nguyễn Trí Huân (Chủ tịch HĐ) đọc, công việc bếp núc trong quá trình giải thưởng đã được đề cập khá chi tiết: “Không hề có sự vận động, vị nể, xin cho trước khi bỏ phiếu”, “Hội đồng không hề có sự sắp đặt, cấu tạo theo ý định của một cá nhân nào”.

Kết quả: “Paris 11-8”: 3 phiếu giải thưởng, 8 phiếu tặng thưởng; “Gia đình bé mọn”: 4 giải, 3 tặng; “Thượng Đức”: 3 giải, 5 tặng; “Lô lô”: 1 giải, 5 tặng; “Cánh đồng bất tận”: 10 giải; “Thương lượng với thời gian”: 10 giải, 1 tặng.

“Paris 11-8 và Lô lô không phải là những tác phẩm cách tân đầu tiên của văn học VN thời kỳ đổi mới mà chỉ là sự tiếp tục một xu hướng sáng tác những năm gần đây của các cây bút trẻ… với những trăn trở, tìm tòi đã nhận được sự ủng hộ đa số của HĐCK.

Tiếc rằng động thái đó, sự đổi mới của công tác xét giải, của HNV đã không được các tác giả (Thuận và Ly Hoàng Ly) hoàn toàn chia sẻ và tiếp nhận”.

Phần cuối của báo cáo được dành đề cập chi tiết đến “2 tác phẩm đoạt giải cao, với những số phận khác nhau” là Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và Thương lượng với thời gian của Hữu Thỉnh.

“Trong dư luận bạn đọc có một vài ý kiến cho rằng, năm 2005 có nhiều hiện tượng văn học, tại sao chỉ quyết định trao giải cho một hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư? Chúng tôi quan niệm, có những hiện tượng văn học đích thực và có những hiện tượng không đích thực. Với Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng văn học không thể phủ nhận”.

Giá trị tiền thưởng giải HNV 2006

Giải thưởng: 15 triệu đồng

Tặng thưởng: 10 triệu đồng

Tác phẩm lọt vào vòng chung khảo: 1 triệu đồng

(Nhà báo Trần Trọng Văn thay mặt nhà văn Thuận nhận tặng thưởng của Paris 11-8).

Khi rút khỏi HĐCK vì có tác phẩm tham dự giải, ý của nhà thơ Hữu Thỉnh là ông không chỉ tồn tại với cương vị (Chủ tịch Hội) đang đảm nhiệm mà vẫn tồn tại với tư cách một người sáng tác, một nhà thơ.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân nhận xét: “Sau khi quyết định giải thưởng được công bố, Hữu Thỉnh đã nhận phải những phán xét nặng nề… Tuy chất lượng các bài thơ trong tập không đều nhau, "Thương lượng với thời gian" vẫn là tác phẩm có những đóng góp nổi bật so với mặt bằng thơ hiện nay”.

Ngay sau khi quyết định Giải thưởng được đọc, nhà thơ Hữu Thỉnh xin phát biểu. Sau này được hỏi, nhà văn Đỗ Chu nói rằng mình bị bất ngờ, có lẽ đây là tâm trạng chung của nhiều người có mặt.

“Đối với tôi, tình nghĩa của những đồng nghiệp, sự đồng thuận trong tổ chức Hội và tình yêu của bạn đọc là phần thưởng có ý nghĩa quan trọng nhất”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, các giải thưởng nói chung và giải thưởng văn học nói riêng thường thấp hơn yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi các nhà văn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. “Do đó, tôi chân thành cảm ơn và xin BCH, HĐSK, HĐCK và NXB HNV miễn cho tôi nhận giải thưởng năm nay”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư phát biểu ngắn gọn sau khi nhận giải do Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh đích thân trao tặng: “Tôi khó nói ra được cái cảm giác vinh dự, trách nhiệm, cả áp lực, sự cô đơn và nặng nề trong tôi lúc này. Xin chúc quý vị một ngày làm việc mới nhẹ nhàng và hạnh phúc !”.

Nếu như hai tác phẩm đoạt giải thưởng năm nay có những số phận khác nhau thì hai tác giả từ chối nhận giải năm nay cũng vì những lý do khác nhau khiến nhiều người không khỏi cảm khái.

Đúng như lời cuối báo cáo giải thưởng của nhà văn Nguyễn Trí Huân: “Giải thưởng Văn học năm 2006 khép lại với những suy nghĩ không yên của những người xét giải và cả những nhà văn nhận giải. Chúng tôi nhận thấy rằng, xét giải thưởng văn chương thời nay rất khó.

Cuộc sống đang chuyển động, văn học đang chuyển động, và dường như những chuẩn mực văn chương cũng đang chuyển động. Điều quan trọng là sự lắng nghe, tôn trọng những sáng tạo khác mình và những tiếp nhận khác mình…”.

Nếu trước kia Giải thưởng HNV được coi là chuyện riêng của Hội và những người yêu văn chương, thì nay đã trở thành mối quan tâm chung của dư luận xã hội. Ngoài chất lượng tác phẩm (thường có cách đánh giá khác nhau, tùy “gu”), dư luận còn quan tâm đến cách hành xử của nhà văn. Biến động đời sống văn chương xem ra không nằm ngoài những biến động thời hội nhập!

Theo tin riêng mà chúng tôi nhận được thì dường như Hội nhà văn đang bàn để đi đến quyết định, từ nay về sau tác phẩm của những nhà văn đang là thành viên của BCH sẽ không tham dự giải thưởng văn học hàng năm của Hội, điều mà “Hội nhà văn Hà Nội đã làm từ cách đây 10 năm” như nhà văn Hồ Anh Thái từng nói. 

MỚI - NÓNG