Nhà thơ Inrasara và giải thưởng Văn học ASEAN 2005

Nhà thơ Inrasara và giải thưởng Văn học ASEAN 2005
Cái tên Inrasara ngày càng trở nên quen thuộc trên thi đàn và báo chí, với tần suất lặp lại mỗi lúc một dày hơn, nhất là sau sự kiện anh sang Thái Lan nhận giải thưởng Văn học ASEAN năm 2005.
Nhà thơ Inrasara và giải thưởng Văn học ASEAN 2005 ảnh 1
Inrasara tại lễ  trao giải (phải)

Cũng muốn gặp anh, thì vừa hay anh chủ động send (gửi) cho cái nhắn tin “Sara da ve. Thanh cong va tot lanh”.

Trò chuyện trong tâm trạng thoải mái vì “vừa trả hết nợ cho báo giới” , Inrasara cho tôi biết chuyến đi mang lại cho anh nhiều ấn tượng thú vị và vui vẻ. Nhất là vì đi cùng không phải quan chức trịnh trọng nào, mà là người vợ tháo vát có thể tự xoay xở được nhờ khá thông thạo tiếng Pháp và cậu con trai lớn đang sinh viên năm 3 đại học đã có thể phiên dịch làu làu tiếng Thái.

Ấn tượng đầu tiên khi vừa bước xuống sân bay Băng-cốc: chan hòa những nụ cười Thái sâu đậm gọi mời, mà Sara thấy đầy cốt cách của một nền văn hóa xây dựng trên cội nguồn triết lý đạo Phật – khiêm cung, vui sống. Lễ trao giải được tổ chức rất trang trọng bài bản tại The Oriental Hotel- một khách sạn 5 sao lộng lẫy ở trung tâm Thủ đô.

Thủ tục diện kiến với Công chúa Thái Lan Bajrakitiyabha văn minh tôn kính, hoàn toàn không buộc các Awardees (nhà đoạt giải) phải khúm núm như lời đồn đại. Một tuần S.E.A.Write (gặp gỡ các nhà văn ASEAN) với những giao lưu, thăm thú bổ ích  qua nhanh, nếu có chút gì đáng tiếc cũng chỉ vì chủ nhà hơi quá mải mê giới thiệu chùa tháp mà quên mất nhà văn rất thèm đến Thư viện Quốc gia Thái – nghe nói cực kỳ nề nếp hiện đại.

Và trong bản tóm lược thành tích từng Awardees, trong lúc các nước nhấn mạnh tự hào về tác phẩm và phong cách tác giả thì phía ta, không hiểu sao, đã gửi đến Ban tổ chức lời giới thiệu liệt kê dài dòng đây là hội viên hội này hội nọ vân vân , chẳng còn chỗ nào để nói sâu vào tác phẩm Inrasara.

Xếp thứ ba về trẻ (trẻ nhất là văn sĩ kiêm ca sĩ Thái Binlah Sonkalagiri sinh năm 1965), là người dân tộc thiểu số duy nhất,  người duy nhất chưa từng tốt nghiệp đại học nào trong số 9 văn thi sĩ được chọn trao giải lần này, Inrasara tự thấy anh cũng là một gương mặt độc đáo “hay được mượn để vịn làm mẫu chụp ảnh cùng” trong khi giao lưu cùng các nhà văn.

“May là tập thơ đoạt giải Lễ Tẩy Trần Tháng Tư đã kịp in bản song ngữ Việt- Anh chứ không thì tay trắng, mắc cỡ chết!” . Thế bản dịch Lễ Tẩy Trần, tác giả có vừa ý không? “Tất nhiên khó giữ được đầy đủ hồn vía, nhưng nhờ sự dày công của một số dịch giả đồng thời là nhà thơ đã sống nhiều năm trên đất Mỹ như Nguyễn Tiến Văn, Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Chương Đài, Quang Cẩn, Jalau Anưk , mình thấy tạm được” .

Để tham luận, anh cũng ứng tác một phát biểu ngắn trôi chảy bằng tiếng Anh “ Tôi vinh dự đón nhận phần thưởng quý giá này: phần thưởng dành cho nhà văn dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam.

Hơn thế nữa, tôi nghĩ đó còn là phần thưởng dành cho tình yêu và nỗ lực chung của thế hệ chúng tôi, thế hệ người viết xuất hiện trên văn đàn trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập . Các thế hệ này còn khá trẻ, nhưng chính họ đang vẽ nên nền văn chương Việt Nam đương đại đầy sức sống và nhân văn...” .

Có người hỏi: Ninh Thuận và cộng đồng Chăm đón mừng  Inrasara thế nào sau S.E.A Write Awardees? Anh thoáng chạnh lòng nhưng nhẹ nhõm: Chả thế nào hết. Giải này cũng như những giải trước thôi , tự đi tự về. Mình đã có những công trình nghiên cứu đáng kể cho quê hương. Đã đưa được những nét đẹp văn hóa Chăm vào thơ ca. Với mình, thế là đủ.

MỚI - NÓNG