Nhà thơ Trần Lê Văn: “Trái tim tất bật” đã ngủ yên!

Nhà thơ Trần Lê Văn: “Trái tim tất bật” đã ngủ yên!
Sát ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Bảy, cây bút đa năng và dẻo dai, có mặt qua nhiều giai đoạn của văn đàn nước nhà - nhà thơ Trần Lê Văn vừa từ trần.

Ông là người cùng họ và cùng làng (Vị Xuyên, Nam Định) với thi hào Tú Xương (Trần Tế Xương), sinh ngày 21/10/1923, từ thời trẻ đã tự trang bị cho mình một vốn học vấn, dù ông khiêm tốn tự nhận là “ thường thường bậc trung” nhưng có thể nói là khá dày dặn.

Trần Lê Văn vừa có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp, đọc và dịch văn Pháp, vừa đủ sức biên tập, hiệu đính các sách chữ Hán và chữ Nôm, nhiều dịp Tết Nguyên đán người ta gặp cụ Tú Trần...xoay trần ra “cho chữ” ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Một nhà thơ kiêm thông Đông Tây kim cổ như vậy không phải là dễ tìm trong làng văn bút nước ta. Vậy mà cuộc đời ông thật chẳng dễ dàng.

Tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, có thơ in chung với Quang Dũng từ năm 1957 (tập Rừng biển quê hương) nhưng phải hơn 20 năm sau (1979) Trần Lê Văn mới có tập thơ in riêng “Giàn mướp hương” khá mỏng mảnh về số trang. “Tiếng vọng”, tập thơ sau cùng của ông, cũng in ra từ gần 20 năm trước (1987). Giữa những quãng cách ấy là những tập bút kí dày dặn, kĩ lưỡng,  giàu chất thơ về thiên nhiên, đất nước: “Thung mơ Hương Tích” (1974, tái bản nhiều lần), “Sông núi Điện Biên” (1979, tái bản), “Gương mặt Hồ Tây” ( 1984)...

Ông còn dịch một số nhà thơ Pháp và giới thiệu nhiều tác giả Hán Nôm trung đại. Chăm đi, chăm viết và viết đủ thể loại, “suốt một đời tất bật”- đó là hình ảnh người lao động chữ nghĩa Trần Lê Văn, bất chấp những khó khăn, thua thiệt trong đường văn và đường đời. Đau đáu trong ông, cả khi tuổi đã cao, sức đã mỏi vẫn là “ làm sao viết được những bài thơ tri âm, tri kỉ với đời” ( Tự bạch). Tâm sự ấy, ông đã thổ lộ trong bài thơ “Tiếng vọng” “Không làm được thơ ngắn/ Đành phải làm thơ dài/ Khó nói bằng im lặng/ Đành phải nói bằng lời/Thơ dài lời dài vẫn bất lực/ Sao làm cầu nối tôi với đời?/Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi”.

Bây giờ thì “trái tim tất bật” (chữ của nhà thơ Ngô Quân Miện, bạn ông) đã ngủ yên. Nhưng những vần thơ khắc khoải vẫn đợi người tri âm. Hội chùa Hương còn mở, sông núi Điện Biên còn đón bước du khách thì người ta còn tìm đến những trang viết của Trần Lê Văn.

MỚI - NÓNG